Phó thủ tướng yêu cầu không để miền Nam thiếu điện
Sáng 8/9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc tại tỉnh Trà Vinh về tình hình cung ứng điện cho miền Nam.
Tham gia buổi làm việc còn có lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, tỉnh Trà Vinh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Dựa theo báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, định hướng phát triển tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ở mức 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-20120 đại diện EVN đã dự báo nhu cầu điện theo quy hoạch đồng thời xây dựng kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2016-2020 đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc. Thông qua 2 kịch bản: Bình quân 11,6%/năm (phương án cơ sở) và 13%/năm (phương án cao).
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn lãnh đạo làm việc tại Trà Vinh. Ảnh: VGP.
Theo đó, với phương án cơ sở trong trong giai đoạn 2017-2020 hệ thống điện miền Bắc và miền Trung luôn đảm bảo cấp điện cho các phụ tải trong khu vực và có dự phòng. Tuy nhiên, niềm Nam sẽ không thể tự cân đối cung cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10-15% tổng nhu cầu miền.
Chủ tịch EVN, ông Dương Quang Thành, cho biết từ năm 2017 đã phải huy động cao các nguồn điện chạy dầu ở miền Nam khoảng 5 tỷ kWh, riêng các năm 2018 và 2019 phải huy động tối đa các nguồn điện dầu theo khả năng phát khoảng 8,5 tỷ kWh/năm.
Nhưng theo thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, nếu phát điện bằng dầu sẽ đắt hơn 2 lần so với than và chắc chắn sẽ phải bù lỗ rất lớn.
“Do đó, miền Nam luôn phải nhận điện từ miền Bắc, miền Trung qua hệ thống truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam với nhu cầu khoảng 15 tỷ kWh năm 2017,sẽ tăng tới 21 tỷ kWh 2019″, thứ trưởng Hưng cho hay.
Ngoài ra đại diện EVN cho biết tỷ lệ truyền tải điện vào Nam chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm (đạt ngưỡng giới hạn truyền tải Bắc – Nam) do khả năng truyền tải từ miền Bắc vào miền Trung khá thấp.
Do đó giải pháp cấp bách nhất hiện nay là khẩn trương xây dựng đường dây 500kV từ Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku nhằm tăng thêm khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào Trung.
“Trường hợp kịp đưa vào vận hành năm 2019, sẽ giảm thiểu được tình trạng thiếu điện tại miền Nam và giảm được sản lượng phải huy động các nhiệt điện dầu”, Chủ tịch EVN cho biết.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, việc đưa vào vận hành đúng tiến độ các tổ máy nhiệt điện khu vực miền Nam như: Vĩnh Tân 1, Long Phú 1, Sông Hậu 1.. sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng cung cầu điện cho miền Nam giai đoạn 2017-2020. Nếu chậm tiến độ một trong các dự án này, miền Nam sẽ thiếu điện ngay năm 2019.
Phó thủ tướng chỉ đạo công tác xây dựng lưới điện cung ứng cho các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: VGP.
Cũng tại buổi làm việc Tập đoàn Than – Khoáng Sản Việt Nam (TKV) được giao thực hiện các nghiên cứu để lập phương án xây dựng cảng trung chuyển than phục vụ cho các nhà máy điện thuộc trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải – tỉnh Trà Vinh.
Sau khi tiến hành khảo sát và nghiên cứu đại diện TKV và đơn vị tư vấn khẳng định việc xây dựng cảng trung chuyển than tại Trà Vinh sẽ đảm bảo cung ứng đủ than cho không chỉ các nhà máy nhiệt điện thuộc trung tâm Duyên Hải, mà còn cho các nhà máy khác trong khu vực ĐBSCL.
Cần hành động ngay để miền Nam không thiếu điện
Kết luận về nội dung buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo đủ điện cho miền Nam, cho nhu cầu công nghiệp hoá, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong những năm tới. Bên cạnh việc tăng năng lực truyền tải điện trục Bắc – Nam, thì phát triển nhiệt điện tại các tỉnh ĐBSCL chính là giải pháp phù hợp nhất.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương, EVN, TKV, PVN thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng tập trung sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đường dây 500kv Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhất trí với đề xuất của EVN và đề nghị sớm nghiên cứu xây dựng đường dây 500kV từ Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku, phát triển nguồn điện để nhập khẩu từ các nước trong khu vực tiểu vùng Sông Mekong.
Về xây dựng cảng trung chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện vùng ĐBSCL, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu TKV tiếp tục hoàn thiện dự án cảng than tại khu vực Duyên Hải – Trà Vinh, trong đó có các phương án đảm bảo an toàn trong khai thác; thực hiện đánh giá tác động môi trường một cách cẩn trọng, khoa học.
Trước đó, Phó thủ tướng và đoàn công tác đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Trà Vinh. Đây là tỉnh nằm ở phía Đông Nam của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là một trong các địa phương nghèo, hạ tầng kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn.
Đại diện UBND tỉnh Trà Vinh cho biết bình quân giai đoạn 2011-2015, Trà Vinh duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, đạt 11,53%.
Đến nay, toàn tỉnh có 22/85 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, chiếm 25,8%. Các lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm; chính sách đối với đồng bào dân tộc được chú trọng.
GRDP bình quân đầu người 30 triệu đồng/người/năm, thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và thấp hơn GRDP bình quân khu vực là 40,27 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, hạ tầng kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực chậm được nâng lên; hiệu quả công tác dạy nghề, đào tạo nghề còn thấp.
Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực không ngừng vươn lên để đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế – xã hội.
Theo_Zing News
Đóng cửa nhà máy thép không đáp ứng quy chuẩn môi trường
Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025.
Chiều ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025,
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thời gian tới đánh giá lại cung cầu thép ở Việt Nam trên cơ sở đánh giá cung cầu thép thế giới, khu vực để điều chỉnh và đề xuất các giải pháp Quy hoạch tổng thể cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể.
Đồng thời phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó xây dựng hệ thống sản xuất thép với công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái tại các khu vực sản xuất và kinh doanh thép. Từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất gang, phôi thép, thép thành phẩm, sản xuất thiết bị luyện, cán thép đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất gang, thép hợp kim, thép chất lượng cao từ quặng sắt với quy mô lớn. Hạn chế đầu tư sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu thép cho nền kinh tế ngày càng tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Để ngành thép đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương rà soát Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa
Đóng cửa nhà máy không đáp ứng quy chuẩn môi trường
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng và các cơ quan liên quan đề xuất cơ chế chính sách để phát triển ngành công nghiệp thép nói chung; đồng thời lựa chọn các công nghệ, chủng loại sản phẩm cần ưu tiên phát triển để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường ở các nhà máy thép. Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại các chính sách thuế về xuất, nhập khẩu để thúc đẩy phát triển ngành thép. Sớm nghiên cứu việc giảm thuế xuất khẩu đối với xỉ luyện thép để tạo điều kiện tiêu thụ phế thải này, giảm tác động đến môi trường, đồng thời tăng thêm nguồn thu ngoại tệ.
Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy hoạch ngành thép, chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường trong công tác cấp phép đầu tư và giám sát hoạt động của các dự án sản xuất thép theo quy định.
Trong những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng: năng lực sản xuất ngày càng tăng, sử dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về môi trường; tốc độ tăng trưởng sản lượng thép của các năm 2014-2015 đạt 19,8%-21,8%.
Năm 2015 Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ nhiều thép nhất trong các nước Đông Nam Á. Hệ thống sản xuất và phân phối đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng cả nước (khoảng 6 triệu tấn thép xây dựng trong tổng cầu khoảng 20 triệu tấn thép).
Một số doanh nghiệp trong nước đã vươn lên trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư chiều sâu và đầu tư mới một số cơ sở sản xuất phôi thép, nhờ đó tăng năng lực sản xuất phôi thép cả nước, tạo ra cơ sở quan trọng để ngành thép Việt Nam phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành thép còn nhiều hạn chế cần tập trung giải quyết như chất lượng quy hoạch chưa cao, các dự án còn manh mún, chưa có tính hệ thống, chưa gắn với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Công tác xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch chưa được triển khai quyết liệt, chưa cân đối được các nguồn lực để thực hiện dẫn đến việc thực hiện theo quy hoạch không hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.
Theo Viettimes
Ba Phó thủ tướng đi chống bão Dianmu Các Phó thủ tướng chia nhau đến Hải Phòng, Quảng Ninh; Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình, Thanh Hóa để chỉ đạo chống bão. Chiều 18/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương về công tác dự báo bão và chỉ đạo việc phòng chống bão số 3. Lo lắng mưa...