Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ : Tham nhũng vặt như tổ mối, có thể làm vỡ cả con đê hùng vĩ
“ Tham nhũng vặt nhưng tác hại không vặt chút nào, người ta ví con đê rất to cao hùng vĩ có thể vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối nhỏ thôi”, Phó Thủ tướng nói.
Chiều 15/8, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời các vấn đề liên quan đến nạn tham nhũng vặt được các đại biểu nêu ra.
Phó Thủ tướng cho biết, bên cạnh việc đấu tranh với các đại án, những vụ án lớn về kinh tế, về tham nhũng thì chủ trương của Đảng, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng như Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đều nhấn mạnh việc phòng chống tham nhũng vặt.
“ Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận, trong nhân dân, nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức hiện nay. Tham nhũng vặt nhưng tác hại không vặt chút nào, người ta ví con đê rất to cao hùng vĩ có thể vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối nhỏ thôi“, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tham nhũng vặt làm băng hoại đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; làm xói mòn niềm tin của nhân dân, của doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp và người dân.
Phó Thủ tướng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chủ trương của Trung ương, Chính phủ cũng đề ra rất nhiều giải pháp, bao gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về quản lý kinh tế, đảm bảo thống nhất rõ ràng, không chồng chéo nhau, vừa cản được chuyện tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật của cả người thực thi và cơ quan kiểm toán, tránh nhũng nhiễu, sách nhiễu từ mặt pháp luật.
Hoàn thiện các quy định về quy chế, quy trình trách nhiệm thực thi công vụ và đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính công khai minh bạch, cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công.
Cần có hệ thống kiểm tra, giám sát bằng công nghệ thông tin, giám sát hoạt động của công chức công vụ. Vấn đề quy hoạch đào tạo bổ nhiệm, luân chuyển nhất là với những ngành có rủi ro cao cũng cần được chú ý.
Đồng thời, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện truyền thông trong lĩnh vực này.
Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 và cũng đã tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này.
Phó Thủ tướng cho rằng, những giải pháp trên sẽ chấn chỉnh được những nhũng nhiễu, sách nhiễu, vòi vĩnh của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Video đang HOT
XUÂN TRƯỜNG
Theo VTC
Rút cuộc tài sản tham nhũng biến đi đâu?
Ông Bùi Văn Xuyền cho rằng: "Việc khó thu hồi tài sản tham nhũng có nguyên nhân từ các quy định pháp luật chưa rõ ràng, nhiều nút thắt chưa xử lý được".
Công tác phòng, chống tham nhũng trong năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ, tuy nhiên một trong những vấn đề còn tồn tại là tỉ lệ thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng thấp, chưa đạt như kỳ vọng.
Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.Là đại biểu Quốc hội luôn quan tâm sâu sắc đến vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhiều lần có đề xuất xây dựng, bổ sung một số văn bản pháp luật như Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thuế về tài sản, đặc biệt là bất động sản, kiểm soát chặt chẽ giao dịch dân sự kinh tế hạn chế dùng tiền mặt...để nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát và thu hồi tài sản tham nhũng.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (ảnh quochoi.vn).
Theo ông Xuyền, thi hành án đối với bản án tham nhũng đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng gần đây cũng đã có rất nhiều cuộc giám sát các Ủy ban của Quốc hội.
Qua báo cáo hàng năm của các cơ quan chức năng nhất là cơ quan thanh tra, cơ quan thi hành án thì tỉ lệ thu hồi là rất thấp.
Thời gian gần đây hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng có nâng lên nhưng kết quả thu hồi như vậy vẫn thấp, không như kỳ vọng.
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng kém, ông Bùi Văn Xuyền thừa nhận việc thu hồi tài sản tham nhũng là một vấn đề khó.
Vì tài sản tham nhũng sau một thời gian thì lượng tài sản này đã thất thoát, bị tẩu tán, phân tán, che giấu, tiêu dùng ra ngoài xã hội nên việc thu hồi là khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả thi hành án thì các cơ quan thi hành án, tố tụng đã cố gắng tìm giải pháp, biện pháp kể cả trong khâu xây dựng pháp luật nhưng còn nhiều vấn đề vướng mắc chưa thể giải quyết nhanh.
Ông Xuyền cho rằng: "Giải pháp về quản lý thu nhập, kể cả của cán bộ, công chức, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn là rất khó.
Bây giờ, kê khai tài sản, Luật Phòng chống tham nhũng vừa rồi có đưa ra nội dung kê khai tài sản, xử lý tài sản mà vượt quá kê khai, hay kê khai không rõ mà không giải trình được.
Vấn đề này Quốc hội cũng bàn đi bàn lại nhưng cuối cùng vẫn không xử lý được".
Điểm vướng hiện nay theo đại biểu Bùi Văn Xuyền đó là việc chưa có biện pháp xử lý tài sản kê khai không rõ nguồn gốc, không giải trình được.
Việc xác định những tài sản ấy là tài sản nào, của ai, nguồn gốc từ đâu rất khó.
Chính vì vậy, phương thức xử lý tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được đã được Quốc hội bàn mãi.
Rồi thực tiễn các cơ quan, hội thảo khoa học cũng bàn nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào được trong luật.
"Tôi cho rằng việc khó thu hồi tài sản tham nhũng có nguyên nhân từ các quy định pháp luật hiện nay chưa rõ ràng, nhiều nút thắt chưa xử lý được" - ông Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, một vấn đề nữa đó là việc quản lý tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn và kể cả người dân chưa được công khai, rõ ràng.
Cơ chế chi tiêu tiền mặt còn rất nhiều, thanh khoản không qua tài khoản nên không kiểm soát được tài sản qua đường lưu thông.
Rồi cơ chế về đăng ký quyền sở hữu tài sản, ô tô, nhà ở, đất đai còn rất nhiều vấn đề bất cập.
Chính phủ đã đề xuất Luật Đăng ký tài sản nhưng chưa hoàn thành. Luật Thuế về tài sản đang đề xuất. Hiện nhiều nước trên thế giới đang đánh thuế đối với bất động sản nhưng nước ta thì chưa.
Trên cơ sở thuế nhất là bất động sản nhà nước sẽ quản lý được tài sản.
Biết rõ tài sản ấy chính chủ hay không.
Quản lý nguồn gốc của tài sản ghi dấu được lịch sử của tài sản đó.
Hiện nay, chỉ mình có cái nhà thì khai cái nhà còn nguồn gốc ở đâu thì không biết.
"Bây giờ, xử lý tài sản tham nhũng khi ra ngoài xã hội sẽ không biết nằm ở đâu.
Khi kê biên tài sản của người phạm tội thì đến lúc tổ chức phát mại thì phát sinh tranh chấp.
Quá trình xử lý mất rất nhiều thời gian, thi hành án rất khó, mất rất nhiều thời gian, công sức mà tỉ lệ thu hồi không đáng bao nhiêu.
Hệ thống luật pháp thế giới người ta quản lý chặt chẽ kể cả không giải trình thì người ta cũng phát hiện được ngay, chứng minh ngay tài sản đó là tài sản tham nhũng, không minh bạch nên nhà nước người ta thu.Nhiều trường hợp phải dừng lại để phân chia phần của bố mẹ, anh em" - ông Xuyền cho biết.
Còn ở mình do không chứng minh được nên không thể tịch thu được.
Để ngăn chặn việc kê khai tài sản không giải trình được, ông Bùi Văn Xuyền cho biết, hiện pháp luật mới quy định kỷ luật cán bộ. Nếu như cán bộ thuộc diện ứng cử, đề cử thì buộc phải rút khỏi danh sách.
Cán bộ trong quy hoạch buộc phải đưa ra khỏi quy hoạch. Đó là những quy định nghiêm khắc.
Trinh Phúc
Theo giaoduc
Xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực lợi dụng chính sách ưu đãi người có công Chính phủ khẳng định xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng chính sách ưu đãi người có công. Sáng nay (15/8), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...