Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: ‘Nói gì thì nói, sản xuất vẫn phải đảm bảo’
Đó là yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc vào sáng 27.5 với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế- xã hội thành phố 5 tháng đầu năm 2014, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài và tiến độ cổ phần hóa DN nhà nước.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại buổi làm việc – Ảnh: Vũ Thanh
Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Thái Văn Rê cho biết, tình hình kinh tế của thành phố trong tháng 5 và năm tháng đầu năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ và hàng hóa có mức tăng hợp lý và ổn định, chương trình kích cầu, bình ổn thị trường được triển khai hiệu quả, các chính sách an sinh xã hội được triển khai chặt chẽ đã góp phần kiềm giữ chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,36% so với thang trươc; xuất khẩu đạt kết quả khả quan, nhập khẩu có xu hướng giảm; chỉ số hàng tồn kho toàn ngành tại thời điểm 1.5 giảm 2,4% so thời điểm 1.4.
Trong thời gian qua, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố, tình hình trật tự được giữ vững, hoạt động thu hút khách du lịch vẫn ổn định, đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng mạnh (tính đến ngày 20.5, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 793 triệu USD, tăng 119% so cùng kỳ).
Các ngân hàng vẫn duy trì thanh khoản, chưa ghi nhận diễn biến bất thường trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Chủ động và khẩn trương cổ phần hóa
Video đang HOT
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết trong giai đoạn 2014-2015, TP.HCM cổ phần hóa mỗi năm 15 DN trên tổng số 79 DN sẽ cổ phần hóa theo kế hoạch.
TP.HCM rất quyết liệt triển khai cổ phần hóa nên đã yêu cầu các DN cam kết thực hiện đúng tiến độ đề ra. Nếu chậm trễ, UBND TP sẽ có biện pháp chế tài.
Theo ông Hà, hiện nay thủ tục thoái vốn rất phức tạp và đó là một trong những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu DN nhà nước. Các bộ ngành hướng dẫn không kịp thời nên không ít DN mất thời cơ do chờ ý kiến từ Trung ương. Trong năm 2013, các DN chỉ thoái vốn trên 85 tỉ đồng, dự kiến năm 2014 sẽ thoái 1.479 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những nỗ lực của TP.HCM trong việc phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài…
Phó thủ tướng yêu cầu TP.HCM cổ phần hóa DN phải theo hướng tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động và quản trị.
Theo Phó thủ tướng, TP.HCM đã đi đầu trong công tác này nên cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa, chủ động và khẩn trương cổ phần hóa vì càng chậm chân thì DN càng bị ảnh hưởng.
Phó thủ tướng cho biết Trung ương sẽ tiếp tục bố trí vốn để TP.HCM triển khai các dự án trọng điểm.
“Nhưng nói gì thì nói, sản xuất vẫn phải đảm bảo”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Theo TNO
Phó Thủ tướng: Việt Nam không dung túng hành vi kích động, phá hoại
Chính phủ Việt Nam khẳng định sự việc xảy ra vừa qua là việc đáng tiếc. Sự kích động, lôi kéo, phá hoại, trộm cắp tài sản doanh nghiệp là hành động vi phạm pháp luật, Việt Nam không dung túng các hành động này.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gặp và nghe kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc. (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)
Chiều 21/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư các khu công nghiệp về việc thực hiện các giải pháp nhanh chóng khắc phục khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến kiến nghị với Chính phủ Việt Nam .
Ông Yamaguchi Kimio, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các doanh nghiệp của Nhật Bản, trong đó có các doanh nghiệp ở Bình Dương bị thiệt hại đã sản xuất bình thường trở lại. Ông mong muốn Việt Nam sớm có biện pháp khắc phục, hỗ trợ các doanh nghiệp bị khó khăn, thiệt hại trong vụ việc vừa qua.
Ông Lee Jong Hoe, Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương kiến nghị tỉnh cần có giải pháp bảo vệ an toàn quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài một cách vững chắc; phải xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại; không để xảy ra tình trạng như vừa qua để thế giới thấy Việt Nam đã ổn định tình hình, lấy lại uy tín với nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cần có quyết sách "thần tốc" trong việc phục hồi nhanh các doanh nghiệp bị thiệt hại vừa qua; thống kê thiệt hại và có sự bồi thường thỏa đáng; tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đầu tư...
Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn khu công nghiệp Việt Hương (trong Khu công nghiệp có 80% là doanh nghiệp Đài Loan) cho biết, 95% doanh nghiệp của Khu công nghiệp đã làm việc trở lại. Nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhưng tỷ lệ công nhân đến làm việc lại nhiều nhất thể hiện sự gắn bó của công nhân đối với doanh nghiệp. Ông cũng cho hay, qua tiếp xúc 15 doanh nghiệp Đài Loan mới đây thì có 1/2 số doanh nghiệp sẽ khuyếch trương sản xuất ở Bình Dương; đồng thời hiện có 2 đoàn nhà đầu tư Đài Loan chuẩn bị sang khảo sát môi trường đầu tư ở Bình Dương...
Đại diện Hiệp hội Dệt may Bình Dương đề nghị cần tinh giản các thủ tục trong việc thực hiện bảo hiểm của các công ty bảo hiểm về thiệt hại của các doanh nghiệp vì các giấy tờ liên quan đã bị mất, hư hỏng.. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp gỗ Bình Dương đề nghị cần tổ chức lực lượng bảo vệ của doanh nghiệp và tổ chức đào tạo để có thể chủ động trong công tác.
Các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Bình Dương) đã trở lại làm việc. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chia sẻ khó khăn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp phải và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời cùng tỉnh Bình Dương tháo gỡ các khó khăn trước mắt để đưa nhiều doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường và một số khác cũng đang dọn dẹp để sớm sản xuất trở lại (theo báo cáo của UBND tỉnh có hơn 95% số doanh nghiệp đã sản xuất trở lại).
Phó Thủ tướng hoan nghênh những ý kiến, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với Chính phủ về các giải pháp đảm bảo an toàn, thu hút đầu tư đến với Việt Nam và Bình Dương cũng như việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Chính phủ Việt Nam khẳng định sự việc xảy ra vừa qua là việc đáng tiếc. Sự kích động, lôi kéo, phá hoại, trộm cắp tài sản doanh nghiệp là hành động vi phạm pháp luật, Việt Nam không dung túng các hành động này. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm minh, công bố công khai cho mọi người biết và cam kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ có các giải pháp hữu hiệu không để xảy ra các vụ việc như vừa qua. Chính phủ Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài làm ăn chân chính tại Việt Nam, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và các thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết cũng như các chính sách đã công bố.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh, rất chia sẻ với các khó khăn của doanh nghiệp và nhà đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã có các giải pháp để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Kết luận về việc giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh. Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để có thể chỉnh sửa, bổ sung các giải pháp phù hợp hơn nhằm đưa việc hỗ trợ các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư đạt yêu cầu như mong muốn đề ra.
Quách Lắm
Theo TTXVN
Thủ tướng: Hiện đại hóa đất nước là đảm bảo đời sống người dân "Mục tiêu đưa đất nước thành nước công nghiệp phải đi từ hiện đại hóa nông thôn, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm đời sống của người dân" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hội nghị sơ kết 3 năm chương trình...