Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xây dựng Xã hội học tập phải gắn với tinh hoa giáo dục
Phát biểu tại “ Diễn đàn Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam từ tư vấn đến chính sách” ngày 17/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng thực hiện xã hội học tập ở Việt Nam hiện nay phải gắn với việc tiếp thu những tinh hoa giáo dục.
Tham dự diễn đàn có Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm, đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTBXH, Sở GD-ĐT Hà Nội…, đại diện các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và các chuyên gia, nhà nghiên cứu về giáo dục.
Các đại biểu tại “Diễn đàn Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam từ tư vấn đến chính sách”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Dân tộc VN đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chiến thắng nhiều thiên tai, địch họa để xây dựng đất nước VN như ngày hôm nay, bên cạnh yếu tố dũng cảm kiên cường, chịu thương chịu khó, thì còn là một dân tộc hết sức hiếu học và sự học luôn luôn được đề cao trong tất cả mọi gia đình và trong xã hội. Bước vào đầu thời kỳ cách mạng, Bác Hồ đã kêu gọi diệt “giặc dốt”, coi “giặc dốt, giặc đói” cũng như giặc ngoại xâm. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, năm 1945, từ một đất nước có đến 94% dân số mù chữ, đến năm 2000 thì 94% dân đã biết đọc, biết viết, nhiều địa phương đã phổ cập được giáo dục tiểu học, tiến tới phổ cập THCS. So với các nước có trình độ phát triển kinh tế, xã hội ngang bằng VN, có thể nói rằng giáo dục, đào tạo nói riêng và các vấn đề liên quan đến con người nói chung luôn được Đảng, chính quyền và nhân dân hết lòng chăm lo”.
Theo Phó Thủ tướng, từ năm 2005, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 và mới đây, Chính phủ phê duyệt tiếp đề án xây dựng xã hội học tập từ nay đến 2020. Với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn chúng ta đã được xây dựng được một đề án tương đối cụ thể với 3 quan điểm, 4 mục tiêu, 7 giải pháp. Trong đó có sự phân công trách nhiệm rất rõ giữa tất cả các cấp, các ngành. Nhìn vào đề án đó tưởng chừng như việc xây dựng xã hội học tập chỉ có thực hiện nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý nhiều vấn đề về việc xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam một cách tốt nhất. Cụ thể, cần phải làm sáng tỏ vấn đề: Xã hội học tập có những đặc trưng gì; chỉ tiêu nào để đánh giá hay thế nào là học tập suốt đời; chủ thể, đối tượng trong xã hội học tập… Nhận diện những khó khăn, cản trở, vướng mắc đối với việc xây dựng xã hội học tập từ nguồn lực đến nhận thức, cơ chế, chính sách đánh giá trình độ nhân lực…
Video đang HOT
Trong quá trình thực hiện xã hội học tập ở Việt Nam trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế không chỉ xây dựng công dân Việt Nam thành công dân toàn cầu mà phải gắn với việc tiếp thu những tinh hoa giáo dục, văn hóa của nhân loại, đồng thời, đưa những giá trị của nền văn hiến, văn hóa, con người Việt Nam góp phần chung vào văn minh nhân loại. Đồng thời, cần tận dụng tối đa những thành tựu khoa học công nghệ hiện nay để tạo điều kiện cho một công dân học tập suốt đời, cho một xã hội học tập được thực hiện nhanh hơn với nhiều hình thức khác nhau như: Giáo dục từ xa, dạy học qua truyền hình…
Việc xây dựng xã hội học tập dành cho tất cả mọi người nhưng phải phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm trước hết là những người gặp nhiều khó khăn, dễ bị thiệt thòi như phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu sổ, ở những vùng thường xuyên bị thiên tai… Bên cạnh đó, phải luôn hết sức cổ vũ cho các ý tưởng sáng tạo, đổi mới, qua đó phát huy tất cả sức mạnh của nhân dân, chuyên gia trong nước và nước ngoài, để phản biện, đóng góp vào các chính sách, để trước hết xây dựng một xã hội học tập và sau đó là phục vụ cho công cuộc phát triển của đất nước, lấy con người làm trọng tâm.
Tại diễn đàn, bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, cho biết: “Cam kết xây dựng xã hội học tập là yếu tố căn bản để Việt Nam tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và chuyển giao sang nền kinh tế kỹ thuật và tay nghề cao, đặt nền tảng cho sự tăng trưởng hội nhập và bền vững. Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn vềtài chính, đòi hỏi phải cónhững đầu tư thông minh”.
Theo bà Pratibha Mehta, sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đã thể hiện bằng việc đạt được phần lớn các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2015 theo đúng tiến độ – một thành tựu đã được công nhận trên thế giới. Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong giáo dục và bình đẳng giới thể hiện qua tỷ lệ người biết chữ, hoàn thành giáo dục phổ thông và giáo dục đại học… Những tiến bộ này phản ánh cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng xã hội học tập, để mọi người dân được học tập liên tục trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa tiềm năng của mình, Việt Nam cần phải trở thành nền kinh tế hiệu quả và có trình độ, kỹ năng cao hơn, bằng cách đầu tư cho giáo dục, y tế và chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia giáo dục, nhà hoạch định chính sách được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “đặt hàng” nghiên cứu, xác định được những trở ngại chính trong việc thực hiện xã hội học tập qua kinh nghiệm của các nước và Việt Nam.
Theo Dantri
Thủ tướng chỉ đạo rút ngắn thời gian làm số định danh cá nhân
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu triển khai sớm và rút ngắn thời gian thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trọng tâm là xây dựng, cấp mã số định danh cá nhân, trùng với số CMT 12 số mới sẽ triển khai từ 29/12/2013).
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cụ thể, sau khi chủ trì cuộc họp tại Chính phủ về nội dung này vào ngày 26/11 vừa qua, Thủ tướng nghe đại diện Bộ Công an báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam và phát biểu của các lãnh đạo Bộ, cơ quan quan dự họp.
Thủ tướng kết luận, việc triển khai dự án là cần thiết để cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư, phục vụ quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng yêu cầu triển khai sớm và rút ngắn thời gian thực hiện dự án trên cơ sở tính toán kỹ, bảo đảm dự án thành công.
Mã số định danh cá nhân được xây dựng sẽ trùng với CMT mới 12 số bắt đầu triển khai thực hiện từ 29/12/2013.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan rà soát, hoàn thiện Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng đầu tư đồng bộ, hiệu quả, không dàn trải và đúng tiến độ, báo cáo Chính phủ. Bộ Công an cũng phải chủ trì trong việc lựa chọn đối tác nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm và năng lực để thực hiện dự án.
Bộ Công an cũng được chỉ đạo khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/8/2010 quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Nghị định về cấp, quản lý và sử dụng Số định danh cá nhân và dự thảo Nghị định về thu thập, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư.
Ngoài ra, cơ quan này có trách nhiệm tổ chức thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu và thực hiện các quy định của pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ cho việc thu thập, cập nhật thông tin cá nhân vào Cơ sở dữ liệu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng bố trí nguồn vốn ưu tiên thực hiện dự án, tìm nguồn vốn ODA hoặc vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế để thực hiện dự án.
Được biết, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nêu rõ mục tiêu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu này là để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng thống nhất trên toàn quốc và quản lý tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Họ và tên, số định danh cá nhân, ảnh cá nhân, quê quán, giới tính, dân tộc, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế, mã số thuế cá nhân, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi làm việc, nơi ở...
P.Thảo
Theo Dantri
Khánh thành tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông lớn nhất Việt Nam Sáng nay (3/12), Đại lễ khánh thành pho tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông lớn nhất Việt Nam và tưởng niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn được tổ chức long trọng tại khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh). Tham dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Vũ Đức...