Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xác định rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ trẻ em
Chiều 27-5, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp ngày 27-5. Ảnh: quochoi.vn
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan chuẩn bị chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Thứ nhất, trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án… cần hết sức chú trọng các chỉ số, tiêu chí, giải pháp… liên quan tới chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt cần có các chương trình, đề án, dự án cụ thể đối với các vấn đề về giới, trẻ em vùng núi, vùng dân tộc ít người và nhóm trẻ em yếu thế…
Đối với công tác trẻ em, cần rất chú trọng đặc biệt công tác chăm sóc, giáo dục bên cạnh bảo vệ. Trong công tác bảo vệ cần đặc biệt chú ý phòng xâm hại bên cạnh việc chống.
Thứ hai, từ yêu cầu phòng ngừa cần tiếp cận theo mô hình quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định, giải pháp dựa trên phân tích dữ liệu. Muốn vậy, chúng ta cần xác định, hệ thống hóa những nguy cơ và hình thành ngay cơ sở dữ liệu về trẻ em.
Thứ ba, cần phân tích những yếu tố có tính tập tục, thói quen không còn phù hợp như “yêu cho roi cho vọt”, thói quen bao bọc trẻ em hơn mức cần thiết, từ đó dẫn tới hạn chế việc lắng nghe trẻ em nói. Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung vào những tác động mặt trái của công nghệ, của hội nhập (internet, phim ảnh, du lịch…) , để có giải pháp bảo vệ trẻ em phù hợp.
Video đang HOT
Thứ tư, chúng ta cần tăng cường phối hợp không chỉ giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, mặt trận tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà cần chú ý phối hợp với các tổ chức xã hội. Hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đều khắp, không chỉ là của các cơ quan nhà nước mà của toàn xã hội.
Thứ năm, bên cạnh yêu cầu điều tra, xét xử để trừng trị những người vi phạm pháp luật, bảo vệ nạn nhân, chúng ta cần có nhiều giải pháp đồng bộ để một mặt giảm thực chất các hành vi vi phạm, xâm hại trẻ em; nâng tỷ lệ vụ việc vi phạm được tố giác, xử lý. Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan hành chính, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm sát, tòa án để mảng công tác này tiếp tục có những tiến bộ thực chất.
Điểm cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, mặc dù pháp luật còn cần tiếp tục hoàn thiện, các chương trình, đề án… cần được tiếp tục xây dựng như Báo cáo khuyến nghị, nhưng quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện.
Ngay trong giai đoạn thực hiện giám sát, bên cạnh Luật Trẻ em đã có 18 Luật, 34 Nghị định, Chương trình, Đề án cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 32 văn bản của các bộ, ngành được ban hành liên quan đến công tác trẻ em, đã tương đối đầy đủ. Quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện và để làm tốt thì những yếu tố như bộ máy, ngân sách là rất quan trọng nhưng quan trọng hàng đầu là nhận thức. Một khi người đứng đầu các cơ quan nhận thức sâu sắc, đầy đủ thì sẽ có giải pháp, sẽ ưu tiên nguồn lực.
“Các đề án, chương trình tới đây của Chính phủ phải xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan và trách nhiệm của người đứng đầu”, Phó Thủ tướng cho biết.
Vững tin, nỗ lực và phát huy hơn nữa giá trị truyền thống tốt đẹp
Đồng tình với Báo cáo giám sát cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phân tích, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chúng ta không thể hài lòng với số vụ việc trẻ em bị xâm hại nhưng cũng vững tin vào các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ, cam kết thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững mà Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng với rất nhiều các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan tới trẻ em đạt mức cao hơn nhiều so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển.
Chúng ta không hài lòng đối với một số cơ quan chính quyền chưa nhận thức tốt, chưa tập trung đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ trẻ em. Nhưng chúng ta cũng không quên ghi nhận, tôn vinh phần đông các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành luôn nỗ lực dành cho công tác trẻ em nhiều tâm huyết. Hình ảnh những cô giáo “gùi” chữ lên bản, các thầy thuốc băng rừng tiêm chủng cho trẻ em, phần nào nói lên điều đó.
Chúng ta nhận thức rõ những tập tục, thói quen không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại cần từng bước điều chỉnh nhưng cũng hết sức tự hào với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã làm lên những giá trị văn hóa, nhân văn được thế giới trân trọng, ngưỡng mộ, trong đó có truyền thống hiếu thảo trong gia đình, các thế hệ yêu thương, chăm lo đùm bọc lẫn nhau.
Những vụ việc trẻ em bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục, bởi người thân, bởi thầy giáo hay người ruột thịt là rất đáng lên án, và phải xử lý nghiêm khắc nhưng cũng chỉ là rất cá biệt, không làm thay đổi được hình ảnh tốt đẹp của người thầy hay giá trị của gia đình Việt Nam.
“Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng rằng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung, và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng nhất định sẽ đạt được kết quả tốt hơn, vững chắc hơn”, Phó Thủ tướng nói.
18 tháng, phát hiện hơn 8.400 vụ trẻ em bị xâm hại
Báo cáo giám sát của Quốc hội cho biết chỉ trong 18 tháng đã có 8.442 vụ việc với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý.
Sáng 27-5, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó trưởng đoàn giám sát của Quốc Hội, báo cáo Quốc hội kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em".
Bà Nga cho biết từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019, Đoàn giám sát triển khai kế hoạch giám sát, yêu cầu Chính phủ, 14 bộ, ngành và các địa phương báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đoàn đã tổ chức 3 đoàn công tác trực tiếp giám sát tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó trưởng đoàn giám sát của Quốc Hội, trình bày báo cáo.
Giai đoạn này có 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.
Cũng theo bà Nga trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từng bước được củng cố, kiện toàn. Tại các tỉnh, thành phố đều hình thành đội ngũ cộng tác viên tham gia công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Tuy nhiên, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên. Công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu.
Cùng với sự phát triển của du lịch, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có cả những đối tượng đã có án tích về xâm hại trẻ em. Thế nhưng biện pháp quản lý, giám sát các đối tượng này chưa chặt chẽ dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em trong hoạt động du lịch, đặc biệt là xâm hại tình dục.
Cũng theo đoàn giám sát, UBND một số địa phương chưa quan tâm bố trí đất đai, đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên và hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân được chỉ rõ là một số cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, thậm chí, một số nơi còn coi nhẹ công tác này.
Báo cáo giám sát cũng cho hay mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế kéo theo một số vấn đề xã hội có liên quan đến trẻ em, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Những tác động xấu của mạng internet, mạng xã hội dẫn đến nhiều nguy cơ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Đoàn giám sát đã đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng; 5 kiến nghị đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; 15 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ thuộc Chính phủ.
Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em.
Đoàn cũng đề nghị Bộ Công an bảo đảm tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt trên 90%; VKSNDTC bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%; TANDTC bảo đảm tỷ lệ giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 90%...
Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện gặp khó vì dịch Covid-19 Từ đầu năm tới nay, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Đến thời điểm 30-4, số người tham gia hình thức bảo hiểm này đã giảm 16 nghìn đối tượng so với năm 2019. Điều này dẫn tới những thách thức không nhỏ trong bảo...