Phó Thủ tướng: Trừ tiền hỗ trợ người nghèo để làm đường là quá phản cảm!
“Vừa rồi có địa phương đã huy động cả người nghèo đóng góp vào xây dựng nông thôn mới, trừ vào cả số tiền mà người nghèo được hưởng thì thật là phản cảm” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh quán triệt yêu cầu, không được huy động dân nghèo góp tiền làm đường, kéo điện…
Ngày 6/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng, quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của ngành giao thông vận tải.
Và thêm một lần nữa, Phó Thủ tướng yêu cầu không được huy động dân nghèo đóng góp tiền của để xây dựng đường xá, các công trình để đạt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, “Chính phủ nghiêm cấm huy động người nghèo đóng góp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Chính phủ nghiêm cấm huy động người nghèo đóng góp xây dựng các công trình để đạt chỉ tiêu nông thôn mới”.
Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, ông đã chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp (chính quyền cấp xã) huy động quá sức sự đóng góp của người dân hoặc huy động người dân nghèo vào xây dựng nông thôn mới.
Phó Phủ tướng cho rằng, đối với vùng có đông đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thì ngân sách Nhà nước thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng phải là chủ yếu, có thể chiếm 90-100% vốn.
Phó Thủ tướng còn cho biết, hiện nay, việc phân bổ vốn xây dựng nông thôn mới cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo, bãi ngang ven biển được Chính phủ ưu tiên nguồn lực gấp 2 lần các xã bình thường (theo Nghị quyết của Quốc hội). Mặc dù, để đáp ứng nhu cầu về hạ tầng giao thông, sản xuất thì còn phải đầu tư nhiều hơn nữa nhưng chính quyền địa phương các cấp chỉ được huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới ở mức hợp lý, tùy thuộc vào điều kiện của người dân.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Nếu huy động người nghèo dùng sức để xây dựng giao thông thì chính quyền phải tạo thêm điều kiện để người nghèo có thêm thu nhập từ sự huy động của chính quyền”.
Để thực hiện được quan điểm này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phân bổ ngân sách, vật tư, thiết bị từ cấp Trung ương tới địa phương cũng phải rõ ràng, vùng nghèo khó phải được hưởng nhiều hơn vùng có điều kiện thuận lợi.
Ngoài ra, để đảm bảo tiết kiệm trong thực hiện xây dựng đường giao thông, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ về phân cấp thực hiện các công trình nông thôn mới để triệt để phân cấp cho nhân dân xây dựng và giám sát.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông vận tải, chính quyền địa phương các cấp đã huy động được 186.194 tỷ đồng trong 5 năm qua để phát triển đường giao thông nông thôn, gấp 1,83 lần so với 10 năm trước đó trong bối cảnh kinh tế- xã hội của đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, chủ yếu là vốn từ phía Nhà nước chiếm trên 70%, còn lại là vốn huy động từ xã hội và cộng đồng dân cư.
Tính chung cả nước, hệ thống đường giao thông nông thôn tới nay đã cứng hóa được hơn 220.000 km, ứng với 44,68%.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc xây dựng, cứng hóa số quãng đường còn lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thi công và vốn do nằm ở các xã miền núi, biên giới, hải đảo. Do đó, việc huy động nguồn lực thực hiện vẫn phải đặt vai trò của Nhà nước lên đầu tiên.
Nhấn mạnh ý nghĩa của phát triển giao thông nông thôn nói riêng và các chỉ tiêu nông thôn mới nói chung đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn (chiếm 80% diện tích, 70% dân số của cả nước), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Đại hội đảng bộ cấp huyện, tỉnh cần phải đưa các chỉ tiêu này vào Nghị quyết để thực hiện hiệu quả, chất lượng vì cuộc sống của người dân.
P.Thảo
Theo Dantri
Phó Thủ tướng: Không được huy động "nguồn lực" của dân nghèo
"Dân nghèo mà huy động thì huy động cái gì? Đối với vùng nghèo như vùng dân tộc thiểu số thì không được huy động dân đóng góp. Còn phân bổ nguồn lực thì phải phân bổ đủ cho vùng dân tộc", Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Ngày 2/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nghe các Bộ, ngành liên quan báo cáo về việc rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2011- 2015 và chỉ đạo về chính sách dân tộc trong giai đoạn 2016- 2020.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá trong thời gian qua, chính sách dân tộc đã được các Bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện và đạt được những kết quả khả quan. Kết quả này thể hiện ở việc ban hành khá đầy đủ, toàn diện các chính sách trên các lĩnh vực, phủ kín các địa bàn vùng dân tộc và miền núi (gần 180 văn bản từ cấp Chính phủ tới Bộ, ngành), trong đó trọng điểm là các chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc ít người.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu tập trung nguồn lực cho chính sách dân tộc
Quan trọng hơn, các chính sách dân tộc đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là hạ tầng kinh tế- xã hội, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm từ 6 - 10%, nhanh hơn mức giảm bình quân cả nước (5,79%). Bên cạnh đó, dân trí được nâng lên, văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy.
"Có được kết quả này là do Đảng, Nhà nước đã tập trung cả cơ chế, nguồn lực để thực hiện. Nếu không thì khó có được những kết quả này", Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng vùng dân tộc miền núi vẫn là vùng còn hết sức khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm tỷ lệ 50%, cá biệt có nơi 60%, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bị chia cắt cản trở chính tới sản xuất, tập quán sinh hoạt và tư duy sản xuất của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó việc triển khai chính sách dân tộc của các cơ quan quản lý vẫn còn những chồng chéo, trùng lắp nên phát huy chưa hiệu quả.
Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu phải tập trung nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn tới. Chính sách giảm nghèo và các chính sách liên quan phải được sửa đổi theo hướng tập trung ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc ít người, "vùng trũng".
Thêm vào đó, trong thiết kế và thực thi chính sách thì không được huy động dân nghèo đóng góp tiền của. "Dân nghèo mà huy động thì huy động cái gì? Đối với vùng nghèo như vùng dân tộc thiểu số thì không được huy động dân đóng góp. Còn phân bổ nguồn lực thì phải phân bổ đủ cho vùng dân tộc", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Ngoài các chính sách lớn của Nhà nước, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Dân tộc tổng hợp thêm các chính sách khác từ các nguồn viện trợ không hoàn lại (ODA), từ các chương trình hỗ trợ kỹ thuật thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế và tín dụng vào chính sách dân tộc để thực hiện thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm.
Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ rà soát các chính sách dân tộc hiện hành để bỏ những nội dung trùng lặp, xác định lại thứ tự ưu tiên đầu tư để tập trung ngân sách, cơ chế để thực hiện.
Trong thực hiện phân bổ vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ NNPTNT và các Bộ liên quan nghiên cứu phân bổ cho các xã nghèo (nhất là ở vùng dân tộc miền núi) cao hơn mức hiện nay (hiện nay các xã nghèo được phân bổ vốn từ ngân sách gấp đôi các xã bình thường).
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng giao các Bộ đánh giá kỹ hơn chính sách cấp phát báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số để đạt hiệu quả thực chất trong nâng cao dân trí, tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước.
Quang Phong
Theo Dantri
Làm tốt cơ chế một cửa quốc gia, chỉ 2016 Việt Nam vào top ASEAN 3 Lễ mở rộng cơ chế một cửa quốc gia với 3 Bộ (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường) vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa...