Phó Thủ tướng thúc tiến độ dự án mở rộng QL1A và QL14
Sáng nay 15/7, tại Đà Nẵng, Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiên đô cho dự án mở rộng QL1A đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên (QL 14).
Tham dự có phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, đại diện 23 tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, dự án mở rộng QL 1A, đoạn Hà Nội đến Cần Thơ dài hơn 1.800km đến hết năm 2013 sẽ hoàn thành mở rộng và xây dựng tuyến tránh được 627 km. Từ nay đến hết năm 2016 sẽ mở rộng 1038 km và tăng cường mặt đường 222km.
Tổng kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ là hơn 8.600 tỷ đồng với khoảng 1.500 ha/25.000 hộ dân bị thu hồi đất, bố trí tái đinh cư cho khoảng 7.500 hộ.
Đối với dự án đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên từ Đắk Giôn, Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước dài 663km. Tổng kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng hơn 533 tỷ đồng với tổng diện tích đất bị thu hồi là 220 ha, bố trí tái định cư cho khoảng 620 hộ.
Đây là các dự án vừa khai thác vừa thi công mở rộng, có quy mô lớn, trải dài trên 1.000 km với lưu lượng xe lưu thông qua lại rất lớn. Mặc khác, QL1A và QL14 đã được hình thành từ lâu nên mật độ dân cư sống hai bên đường khá dày đặc, đặc biệt là các đoạn đi qua khu đô thị, dẫn đến khối lượng giải phóng mặt bằng và di dời các công trình ngầm lớn và hết sức phức tạp… nên quá trình thực hiện dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn, từ công các đảm bảo an toàn giao thông đến công tác giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Ngoài ra, sự phối hợp giữa chủ đầu tư với địa phương trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ; ở nhiều địa phương giá bồi thường do tỉnh ban hành chậm và chưa sát với giá thị trường; nhiều thửa đất không có nguồn gốc rõ ràng; vốn cho công tác giải phóng mặt bằng thường xử lý chậm nên thời điểm chi trả cho dân chậm nhiều so với thời điểm áp giá đền vì…khiến cho dự án sớm hoàn thành theo kế hoạch.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là vấn đề nóng, vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Chính vì vậy cần có 1 quyết tâm cao và phải có biện pháp đồng bộ. “Tôi yêu cầu đồng chí Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nếu như tháng 8 này các nhà đầu tư dự án BOT không triển khai thi công sẽ thu hồi, phải kiên quyết thu hồi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương nơi có dự án đi qua, khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến huyện, xã nhằm quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng người dân không bàn giao mặt bằng, không có mặt bằng để thi công..
Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở các cơ quan Ban ngành, các địa phương, quá trình thi công phải bảo đảm an toàn giao thông, không được để xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo Dantri