Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: “Đoàn kết ASEAN là nhân tố sống còn”
“ Cộng đồng ASEAN 2015 sẽ là dấu mốc lịch sử, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu, chứ chưa phải là đích cuối. Để duy trì động lực cho quá trình đó, đoàn kết ASEAN là nhân tố sống còn. ASEAN cần phát huy vai trò chủ động hơn trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực”.
Tối nay (28/7), Bộ Ngoại giao Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và 48 năm thành lập ASEAN dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Buổi lễ có sự tham dự của nhiều cựu quan chức Bộ Ngoại giao, đại diện các bộ ban ngành cùng các vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam
Chụp ảnh lưu niệm tại Lễ kỷ niệm
ASEAN cần chủ động hơn nữa trong đảm bảo an ninh khu vực
Mở đầu bài phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói: “Năm nay, ASEAN tự hào sẽ trở thành Cộng đồng đầu tiên được hình thành ở khu vực Châu Á. Với 3 trụ cột về chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, Cộng đồng ASEAN sẽ hiện thực hóa giấc mơ về một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội, có quan hệ rộng mở với bên ngoài, hoạt động theo luật lệ và lấy người dân làm trung tâm”.
Theo Phó Thủ tướng, sau 48 năm, ít ai có thể hình dung được ASEAN sẽ gặt hái được nhiều thành công như hiện nay. ASEAN đã dần đưa Đông Nam Á từ một khu vực bị chia rẽ bởi đối đầu và nghi kỵ trở thành điểm sáng về hợp tác hữu nghị, đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung là hòa bình, hợp tác và phát triển.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm
“ASEAN đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Thành công của ASEAN mách bảo chúng ta rằng với thiện chí và quyết tâm hợp tác, chúng ta không những có thể thay đổi vận mệnh của chính mình, mà còn góp phần định hình tương lai toàn khu vực”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho hay.
Liên quan đến vai trò của ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “ASEAN cần phát huy vai trò chủ động hơn trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực, duy trì vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực đang định hình, tiếp tục đi đầu trong việc đẩy mạnh xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử chung, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình tranh chấp, đề cao luật pháp quốc tế, củng cố và nâng cao giá trị các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị – an ninh hiện có ở khu vực”.
Đoàn kết ASEAN là nhân tố sống còn
Video đang HOT
Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng, thành công của 48 năm qua không mặc nhiên bảo đảm cho ASEAN một tương lai chỉ toàn màu hồng. “Cộng đồng ASEAN 2015 sẽ là dấu mốc lịch sử, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu, chứ chưa phải là đích cuối. Liên kết ASEAN và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực là một tiến trình phát triển liên tục. Để duy trì động lực cho quá trình đó, đoàn kết ASEAN là nhân tố sống còn”, ông nói.
Phó Thủ tướng đã dùng hình ảnh trong câu ca dao Việt Nam “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để nói đến tầm quan trọng của sự đoàn kết trong ASEAN.
(Từ phải qua trái) Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; Nguyên Phó Thủ tướng, Nguyễn Mạnh Cầm; Vũ Khoan và Phạm Gia Khiêm cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và phu nhân
“Sức mạnh của ASEAN nằm ở tinh thần đoàn kết của một đại gia đình gồm 10 quốc gia anh em cùng chung vận mệnh, luôn biết duy trì sự “thống nhất trong đa dạng”. Đứng riêng lẻ, mỗi nước thành viên ASEAN chỉ là các quốc gia vừa và nhỏ. Tập hợp lại, ASEAN là một Cộng đồng với hơn 600 triệu dân có tổng GDP đứng thứ 7 và lực lượng lao động dồi dào đứng thứ 3 thế giới”.
Khép lại bài phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng mạnh mẽ, đoàn kết, tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác vì một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Mayerfas, nói, “Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Ali Alatas đã coi việc Việt Nam trở thành thành viên là một “sự kiện có tính động lực” cho ASEAN. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN giúp Hiệp hội mở rộng nỗ lực xây dựng hòa bình và an ninh cho tiểu vùng Đông Nam Á với quy mô rộng lớn hơn”.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam, Mayerfas, phát biểu tại buổi lễ
Vị đại sứ cũng cho rằng, bên cạnh những tiến bộ đạt được, ASEAN cần tiếp tục giải quyết các thách thức trên chặng đường phía trước, nhất là tiếp tục duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, phát trienr kinh tế có tính thích ứng cao, cững như hướng tới một ASEAN lấy con người làm trung tâm. Các lãnh đạo ASEAN đều nhận thức rằng duy trì phát triển bền vững đòi hỏi phải có một môi trường chính trị an ninh đảm bảo và một Hiệp hội gắn kết và mạnh mẽ hơn. Việc hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015 sẽ làm ASEAN thêm mạnh mẽ và gắn kết.
“Với việc hình thành Cộng đồng, chúng ta mong muốn hơn 600 triệu dân sẽ cùng hợp tác để nắm lấy các cơ hội và vượt qua thách thức phía trước. Với một Cộng đồng ASEAN, nhóm khu vực chúng ta sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.
ASEAN chính là một con thuyền mà tất cả các thành viên đang cùng chèo lái, hướng tới mực tiêu chung, lợi ích chung và bản sắc chung”, ông Mayerfas nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm:
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cùng nâng ly với các vị khách mời
Nhiều vị Đại sứ cũng tới dự Lễ kỷ niệm
Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (bên trái)
Nam Hằng
Theo Dantri
An ninh khu vực là bảo đảm quan trọng
Với ba Tuyên bố chung gồm: Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN lấy người dân làm trung tâm; Tuyên bố Langkawi về Phong trào ôn hòa toàn cầu; Tuyên bố Kuala Lumpur về thể chế hóa khả năng tự cường của ASEAN, các cộng đồng và người dân đối với thảm họa và biến đổi khí hậu, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 (ASEAN 26) đã kết thúc tốt đẹp tại Malaysia sau gần hai ngày làm việc.
ASEAN hướng tới một Cộng đồng gắn kết và thịnh vượng
Là hội nghị cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2015 của Malaysia, việc xác định những trọng tâm ưu tiên đối với sự phát triển Hiệp hội trong một năm có ý nghĩa này đã được nước chủ Malaysia đề ra. Với chủ đề "Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta", nước Chủ tịch ASEAN 26 đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển khi thời hạn chót cho lộ trình vào ngày 31-12 chỉ còn được tính bằng tháng. Với việc lấy người dân làm trung tâm, nước chủ nhà ASEAN 2015 mong muốn mỗi người dân đều ý thức rõ trách nhiệm của một công dân ASEAN trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng.
Trên cơ sở những định hướng đó, ASEAN 26 đã tập trung bàn thảo một loạt vấn đề cấp thiết như: Chuẩn bị cho Cộng đồng ASEAN hình thành vào ngày 31-12-2015; hoàn tất soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; tăng cường thể chế ASEAN; đưa người dân ASEAN xích lại gần nhau hơn; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng thương mại và đầu tư nội khối; thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực; tăng cường vai trò toàn cầu của ASEAN.
Sau gần 5 thập kỷ xây dựng và phát triển, ASEAN đã ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng, đặc biệt trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng vào cuối năm nay. Đến thời điểm này, ASEAN đã triển khai được gần 93% dòng hành động trong lộ trình xây dựng Cộng đồng (2009-2015); đồng thời ưu tiên đẩy mạnh kết nối khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua hai khuôn khổ chính là Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI).
Thế nhưng điều đó không có nghĩa là ASEAN không phải đối mặt với những thách thức, nhất là khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên cũng như việc làm thế nào để mỗi người dân ASEAN nhận thức rõ cơ hội và thách thức khi Cộng đồng ra đời.
Diễn ra trong bối cảnh ASEAN phải đối mặt với nhiều thách thức, kể cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, các nhà lãnh đạo ASEAN một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến phức tạp trên Biển Đông.
Vì thế trong phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak cho rằng, ASEAN cần xử lý các bất đồng một cách hòa bình, kể cả việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền ở vùng biển chồng lấn mà không làm căng thẳng thêm tình hình. Khẳng định bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không và các nguyên tắc mà ASEAN đã thống nhất về Biển Đông là cần thiết, các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Cùng với những đóng góp chung của các thành viên ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có những đóng góp quan trọng cho các nội dung thảo luận tại nghị trình. Nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng Cộng đồng vào cuối năm nay cùng những khuyến nghị để xây dựng một Cộng đồng phát triển mạnh mẽ hơn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam đã nỗ lực và đạt kết quả tích cực trong thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng, trong đó có các hoạt động mà Việt Nam đã chủ trì thực hiện; đồng thời chủ động điều chỉnh các quy định trong nước để thực hiện tốt các cam kết.
Chia sẻ trước những quan ngại của các nước ASEAN về những hoạt động có quy mô lớn ở Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
ASEAN đang nỗ lực thực hiện những bước đi cuối cùng để chuẩn bị cho sự kiện Cộng đồng ra đời vào cuối năm nay. Một Cộng đồng ASEAN hùng mạnh và gắn kết được kỳ vọng sẽ mang lại sự đổi thay to lớn đối với đời sống của 633 triệu dân. Để đạt được điều đó, việc lấy người dân làm trung tâm tiếp tục là trọng tâm của mỗi quốc gia thành viên ASEAN trong thời gian tới, trong khi vấn đề bảo đảm an ninh cho khu vực là bảo đảm quan trọng nhất cho sự thịnh vượng của toàn khối.
Theo Đình Hiệp
Hà Nội mới
ASEAN- Việt Nam: 20 năm đồng hành và tương lai phía trước Ngày hôm nay (28/7) là tròn 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu một mốc lịch sử mang ý nghĩa to lớn với quốc gia và khu vực. Cách đây 20 năm, ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam...