Phó Thủ tướng: Mọi phiên tòa phải có luật sư tham gia
“Trong lĩnh vực tư pháp, các luật sư cố gắng tham gia các phiên toà từ đầu để đảm bảo quyền lợi và lợi ích chính đáng đối với người dân. Cố gắng 100% phiên toà có luật sư” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tại cuộc họp VPCP chiều ngày 6/12.
Buổi làm việc của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các ban ngành liên quan tại Văn phòng Chính phủ chiều ngày 6/12, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh trực tiếp báo cáo lên Phó Thủ tướng về tình hình hoạt động cùng những đề xuất liên quan lên Chính phủ về việc chuẩn bị cho Đại hội Liên đoàn luật sư lần thứ 2; đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí tổ chức, hoạt động; xin phê duyệt địa điểm xây dựng làm trụ sở Liên đoàn trong thời gian tới ở phía Tây Hồ Tây – Hà Nội.
Chủ tịch Lê Thúc Anh báo cáo, kể từ khi thành lập, Liên đoàn đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận. Cho đến nay, Liên đoàn đã ban hành 19 qui định, qui chế nội bộ, xây dựng và hoàn thiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và các qui chế hoạt động, làm việc của Liên đoàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp bàn, giải quyết vướng mắc đối với Liên đoàn luật sư Việt Nam chiều 6/12.
Đối với các đoàn luật sư, bên cạnh việc xây dựng bộ máy tổ chức gọn nhẹ, có hiệu quả, các Đoàn đã tiến hành sửa đổi điều lệ cho phù hợp với Điều lệ của Liên đoàn, sửa đổi, bổ sung các văn bản nội bộ cho phù hợp thực tiễn quản lý, điều hành, lề lối làm việc được cải tiến.
Từ khi thành lập Liên đoàn, đội ngũ luật sư nước ta đã phát triển tương đối nhanh về số lượng, tính đến ngày 30/9/2013, đã có 8.162 luật sư, nhưng chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TPHCM (chiếm 2/3 số luật sư cả nước).
Trăn trở về tình hình hoạt động của Liên đoàn, ông Lê Thúc Anh cho biết, trên cả nước có nhiều đoàn luật sư các tỉnh có dưới 20 luật sư, thậm chí một số Đoàn có dưới 10 luật sư hành nghề… với nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng cao và phát triển, đòi hỏi Liên đoàn cần phải có những giải pháp tích cực hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ luật sư, đặc biệt tại các tỉnh miền núi còn rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng tập trung vào công tác nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, bảo vệ, hỗ trợ quyền hành nghề hợp pháp và các quyền lợi hợp pháp khác của luật sư (chủ yếu trong hoạt động tố tụng hình sự); giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức luật sư và luật sư trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ của đất nước, đối ngoại và hợp tác quốc tế…
Nhằm hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự, trong đó tạo sự bình đẳng giữa luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng; bãi bỏ quan hệ, cơ chế xin – cho, nâng cao địa vị pháp lý của luật sư trong các quan hệ tố tụng; đảm bảo các vụ án hình sự cần phải đảm bảo có luật sư tham gia bào chữa tại các phiên toà, từng bước và tiến tới chỉ có luật sư mới có quyền tham gia tranh tụng tại Tòa để đảm bảo cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội…
Chủ tịch Lê Thúc Anh cũng báo cáo, tính đến thời điểm này trên cả nước đã có 13 đoàn luật sư tiến hành đại hội xong. Theo dự kiến, Đại hội lần thứ 2 Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ diễn ra trong quý II/2014, thảo luận và thông qua báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ thứ I và phương hướng công tác nhiệm kỳ thứ II của Liên đoàn; bầu Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, sau đó Hội đồng luật sư toàn quốc bầu Ủy viên Ban Thường vụ và chức danh lãnh đạo của Liên đoàn, báo cáo lên Ban Bí thư.
Ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo: “Tính đến 30/9 năm nay, cả nước đã có 8.162 luật sư”.
Video đang HOT
Phát biểu chỉ đạo tháo gỡ về một số vướng mắc cho Liên đoàn luật sư Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ đồng ý hỗ trợ kinh phí 600 triệu đồng tiền thuê trụ sở làm việc của Liên đoàn năm 2014; giao Bộ Tài chính xem xét việc hỗ trợ kinh phí tổ chức Đại hội lần 2 của Liên đoàn đề xuất lên là 3,7 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp quan tâm, đồng hành hỗ trợ để đảm bảo thành công đại hội lần 2 của Liên đoàn. Bộ Nội vụ có ý kiến hoàn thiện điều lệ Liên đoàn, có ý kiến về vị trí trụ sở của liên đoàn đệ trình lên Ban Bí thư. Phó Thủ tướng cũng giao các địa phương quan tâm đến các đoàn luật sư địa phương, lắng nghe các ý kiến, các kiến nghị để xem xét giải quyết theo phân cấp quản lý. Về phương tiện đi lại, Phó Thủ tướng đồng ý sẽ hỗ trợ thêm 1 chiếc xe ô tô cho Liên đoàn.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Liên đoàn cố gắng 100% phiên toà có luật sư tham gia. Trong lĩnh vực tư pháp, các luật sư cố gắng tham gia từ đầu để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp và công bằng. “Bằng chứng gỡ tội rất quan trọng, không chỉ riêng nước ta mà đối với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Không có chuyện án “bỏ túi”. Liên quan đến quyền con người, chúng ta cần phải làm tốt, thực hiện đầy đủ những quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên đoàn luật sư Việt Nam trong lĩnh vực tố tụng, đảm bảo vai trò, trách nhiệm và chức năng của Liên đoàn trong việc củng cố, hoàn thiện các chính sách pháp lý góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Quốc Đô
Theo Dantri
Hà Nội có hơn 2000 luật sư
Nhân dịp Đại hội Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - Đoàn luật sư có số lượng luật sư đứng thứ hai trong cả nước) lần thứ 9 (23/11/2003), Dân trí đã có buổi trao đổi với Luật sư nhà báo Ngô Tất Hữu.
Luật sư nhà báo Ngô Tất Hữu nguyên là Trưởng Phân xã TTXVN, Phó tổng biên tập các báo Tuổi trẻ Thủ Đô, báo Kinh doanh Pháp luật, Báo Đời sống & Pháp luật, Tổng biên tập báo Pháp luật và Đời sống.
Luật sư nhà báo Ngô Tất Hữu
PV: Xin luật sư cho biết đôi nét về nghề luật sư và Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội?
LS Ngô Tất Hữu: Luật sư và nghề luật sư là một trong các yếu tố không thể thiếu được của nền kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Vai trò rộng lớn của luật sư và nghề luật sư trong hoạt động tư pháp, tư vấn pháp lý cho các cá nhân, công dân, tổ chức kinh tế - xã hội, trong công tác xây dựng, tuyên truyền pháp luật và các hoạt động trợ giúp pháp lý.... có vị trí quan trọng mà Nhà nước pháp quyền nào cũng phải quan tâm.
Ở Việt Nam, hoạt động của luật sư có từ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức đoàn thể Luật sư Việt Nam. Đây coi như giấy khai sinh đầu tiên của tổ chức luật sư Việt Nam.
Chính vì vậy ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam.
Từ tháng 5/2008, Liên đoàn luật sư Việt Nam - tổ chức bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của giới luật sư Việt Nam đã ra đời. Đến nay cả nước đã có trên 8.000 luật sư và vài nghìn luật sư đang trong thời kỳ tập sự.
Tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đều đã có Đoàn luật sư hoạt động . Đội ngũ luật sư Việt Nam rất phong phú đa dạng. Bên cạnh các luật sư cao tuổi từng kinh qua nhiều năm trong ngành pháp luật có bề dầy kinh nghiệm thực tiễn, số đông tuổi rất trẻ được đào tạo có bài bản ở trong nước và nước ngoài.Tuy nhiên, so với yêu cầu của xã hội đổi mới và hội nhập quốc tế thì theo tôi số lượng và chất lượng luật sư ở nước ta chưa tương xứng, cần có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tự vận thân của tổ chức luật sư để phát triển nhanh, mạnh và vững chắc hơn nữa nữa.
Cụ thể, nếu so sánh số lượng luật sư trên số dân với một số nước trong khu vực và trên thế giới thì thấy rõ tỷ lệ này ở nước ta còn quá thấp (tỷ lệ số luật sư trên dân số ở Việt Nam khoảng 1/20.700; ở Thái Lan là 1/526, ở Singapore là 1/1.000, ở Nhật Bản là 1/4.500, ở Mỹ là 1/250...)
Mặt khác, số lượng luật sư ở nước ta phát triển quá chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi trung du. Hiện nay luật sư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM; ở các tỉnh miền núi số lượng luật sư rất ít nên số đông vụ án hình sự không có luật sư tham gia rất dễ dẫn đến oan sai.
Về chất lượng, luật sư Việt Nam phát huy truyền thống vốn có của dân tộc nên rất cần cù, thông minh, sáng tạo, khiêm tốn chịu khó học tập rèn luyện. Mặt hạn chế, theo tôi là hoạt động còn thụ động (chờ khách hàng đến tìm mình) hoạt động độc lập ít phối hợp với nhau; hiện chưa có tổ chức hành nghề có trên 100 luật sư hoạt động, chưa có nhiều luật sư giỏi tầm cỡ quốc tế, số đông còn hạn chế về ngoại ngữ...
Còn ở thành phố Hà Nội ngày 18/12/1984, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Đoàn luật sư đầu tiên ở Hà Nội khi đó vẻn vẹn có vài chục luật sư. Đến nay qua 8 kỳ đại hội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đã có trên 2.000 luật sư trong đó có trên 200 luật sư có trình độ trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ luật, giáo sư, phó giáo sư ) với gần 2.000 người đang tập sự hành nghề luật sư tại hơn 850 tổ chức hành nghề (VPLS, Công ty Luật...). So với 7 triệu dân hiện đang sống ở Thủ Đô số lượng luật sư còn quá thấp .
Về hoạt động trong nhiệm kỳ 5 năm qua (2008-2013), theo thống kê chưa đầy đủ các luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã tham gia hơn 36.000 dịch vụ pháp lý (trong đó có gần 7.000 vụ án hình sự, gần 8.000 vụ án dân sự - kinh tế, hơn 1.000 vụ án hành chính - lao động. hơn 20.000 tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác.
Ngoài ra các luật sư Đoàn luật sư thành phố Hà Nội còn tổ chức nhiều chương trình trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và tích cực tham gia các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng từ Trung ương đến địa phương.
Các tổ chức hành nghề luật sư ở Hà Nội hàng năm còn đóng góp nhiều tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước. Phải khẳng định tổ chức và hoạt động của Đoàn luật sư Hà Nội ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới hội nhập phát triển kinh tế giữ vững trật tự an toàn xã hội ở Thủ Đô.
Luật sư nhà báo Ngô Tất Hữu báo cáo với nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tại triển lãm báo xuân năm 1997 ở Hà Nội .
PV: Được biết, ngoài việc hành nghề luật sư, ông còn hoạt động báo chí rất tích cực, ông có nhận xét gì về hai nghề này?
LS Ngô Tất Hữu: Tôi làm nghề viết báo chuyên nghiệp đã hơn 50 năm. Hiện nay ngoài hành nghề luật sư tôi vẫn đang làm báo rất tích cực. Nhiều năm qua, tôi có hợp đồng tư vấn pháp luật dài hạn cho Báo điện tử Dân trí và được Tổng biên tập Báo ủy quyền giải quyết toàn bộ các khiếu nại khiếu kiện trên lĩnh vực báo chí và sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, tôi còn nhận phụ trách chuyên mục chuyện trong mỗi kỳ mang tên " Chuyện nhỏ nhưng... không nhỏ" cho Báo Bảo vệ pháp luật cơ quan của VKSNDTC nên tôi vẫn được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ nhà báo năm 2010-2015.
Tôi thấy báo chí và luật sư là hai nghề tuy khác nhau nhưng cùng có chung mục đích nhiệm vụ là tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật; độc lập, trung thực tôn trọng sự thật khách quan, hoạt động vì mục tiêu của Đảng là xây dựng xã hội dân chủ, văn minh, công bằng, xã hội.
Trong hoạt động hành nghề luật sư và nhà báo đều vận dụng đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và lấy sự thật khách quan làm vũ khí đồng thời là nghề hoạt động độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình nên người hành nghề phải tinh thông ngiệp vụ, có trình độ hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực đăc biệt phải có đạo đức cách mạng, cái tâm thật trong sáng.
Nhà báo (trừ nhà báo là cán bộ viên chức ) nếu có đủ các tiêu chuẩn quy định của Luật luật sư sửa đổi và bổ sung năm 2012 như có bằng cử nhân luật đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự nghề luật sư ở 1 tổ chức hành nghề và qua kỳ thi quốc gia có phẩm chất đạo đức tốt và sức khỏe bảo đảm ... đều được ra nhập Đoàn luật sư nơi cư trú và hoạt động luật sư trong phạm vi toàn quốc.
Ngược lại luật sư có tác phẩm báo chí , có hợp đồng lao động làm công tác báo chí từ 3 năm trở lên ở một cơ quan báo chí , đủ điều kiện về đạo đức nghiệp vụ được cơ quan báo chí và hội nhà báo giới thiệu cũng được cấp thẻ nhà báo hoạt động báo chí. Hiện pháp luật không có quy định "cấm "nên tất cả công dân có đủ điều kiện và tiêu chuẩn đều được làm.
PV: Với tư cách là nhà báo lại là luật sư theo Luật sư, công tác truyền thông của Đoàn luật sư Hà Nội trong thời gian tới nên phát triển như thế nào?
LS Ngô Tất Hữu: Hoạt động của luật sư liên quan mật thiết đến hoạt động chính trị, xã hội cũng là nghề chịu sức ép nhiều phía đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro... nên ngoài việc mở rộng hoạt động truyền thông rất cần có tờ báo tiếng nói riêng của mình để tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trao đổi nghiệp vụ cũng như tham gia chống tham nhũng, tiêu cực góp phần thiết lập trật tự kỷ cương xã hội.
Hơn 10 năm, trước tôi đã cùng Luật sư chủ nhiệm Nguyễn Trọng Tỵ cho ra đời Bản tin Luật sư ngày nay và đã xin giấy phép trình làng số báo đầu tiên khổ 29x42 cm với 8 trang, in 4 màu mang tên Luật sư ngày nay song sau đó do thiếu người nên bản tin đã tạm dừng.
Hiện nay, giới luật sư, kể cả Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng chưa có tờ báo. Đoàn Luật sư Hà Nội cũng mới chỉ có trang thông tin tổng hợp như các tổ chức doanh nghiệp khác chưa tương xứng với vị trí chức năng của Luật sư Thủ Đô. Vì vậy tôi mong muốn Đoàn Luật sư Hà Nội sớm được lãnh đạo các cơ quan thẩm quyền giúp đỡ để có tờ báo riêng của mình .
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Thanh Phong
Theo Dantri
Hà Nội: "Người rừng" trở về sau 28 năm là liệt sỹ (Kỳ 1) Người liệt sỹ ấy những tưởng đã xa rời quê hương mãi mãi, cứ ngỡ phần xương cốt kia còn đang nằm đâu đó nơi rừng hoang núi thẳm, thì nay bất ngờ trở về sau 28 năm lưu lạc nơi đất khách quê người... Chiến tranh tàn khốc đã biến một người lính khỏe mạnh, vạm vỡ thành một người sức cùng...