Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Phải có kịch bản ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19
Ngày 4/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Bố trí đủ nguồn lực để lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét
Báo cáo tại phiên họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2020, ở trong nước, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển. Trong năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại vê kinh tê trên 39.962 tỷ đồng.
Theo ông Trần Quang Hoài, mặc dù thiên tai năm qua diễn ra nghiêm trọng cùng với diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.
Tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, trong mùa mưa bão năm 2020, ngành Khí tượng thủy văn đã cảnh báo sớm trước bão 5 ngày; dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới trước 3 ngày; dự báo trước 2 – 3 ngày đối với mưa lớn diện rộng với độ tin cậy trên 75%.
Về công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong những năm qua có nhiều cải tiến. Những đợt lũ lớn có thể cảnh báo trước 24 – 48 giờ. Dự báo các trận lũ lịch sử trước 12 – 48 giờ.
Tuy nhiên, hiện nay, do hạn chế về khoa học công nghệ, chúng ta chưa dự báo được lũ quét, sạt lở đất mà mới chỉ ở mức độ cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét ở 1 vùng hoặc 1 khu vực rộng. Từ đó, ông Trần Hồng Thái đề xuất Chính phủ, Ban Chỉ đạo ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ cấp bách, lâu dài về lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét lớn.
Về dự báo tình hình mưa bão năm 2021, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự báo số lượng bão, áp thấp trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm. Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41 – 42 độ C.
Video đang HOT
Tham gia cuộc họp trực tuyến, ông Kamal Malhotra – Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong giảm thiểu rủi ro và ứng phó thiên tai. Tuy nhiên, ông cảnh báo, tác động của các thiên tai gần đây cùng với đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng các gia đình và các cộng đồng dễ bị tổn thương, có khả năng tái nghèo cao hơn vì họ có khả năng phục hồi chậm hơn. Nếu không được giải quyết kịp thời, những mối nguy này có thể gây ra tác động tích lũy nghiêm trọng về lâu dài.
“Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng và tăng cường năng lực, cải thiện công tác lập kế hoạch và đặc biệt là ở các địa phương sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam” – Điều phối viên của Liên hợp quốc cho ý kiến.
Ông Kamal Malhotra khẳng định là các cơ quan Liên hiệp quốc luôn sát cánh cùng Việt Nam, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu hết sức phức tạp và đa chiều này.
2 bài học kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, được đầu tư cơ sở vật chất. Toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đã chủ động, tích cực tham gia. Nhờ vậy, chúng ta đã hạn chế tới mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra. Nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn một số tồn tại và hạn chế.
Theo Phó Thủ tướng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có lúc có nơi chưa được kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu toàn diện, trách nhiệm chưa cao, chưa rõ ràng. Nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn là còn thấp. Trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu những phương tiện chuyên dùng trong các tình huống phức tạp. Công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai còn chậm do thiếu nguồn lực.
Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho rằng, về khách quan, các loại hình thiên tai diễn ra rất khốc liệt, bất thường trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài và đặc biệt là khó dự báo.
Về chủ quan, sự lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa được kiên quyết. Một số nơi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức được tầm quan trọng, tính phức tạp và nguy hiểm của thiên tai. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Vai trò của đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư, đặc biệt là lực lượng xung kích cơ sở chưa được phát huy đầy đủ.
Phó Thủ tướng cũng nêu ra 2 bài học kinh nghiệm trong phòng, chống thiên tai. Thứ nhất, công tác dự báo, cảnh báo cần bảo đảm sự chính xác, đây là yếu tố rất quan trọng. Thứ hai, vai trò của người đứng đầu, phải sâu sát, cụ thể, triệt để thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, ở đâu mà người đứng đầu quan tâm tới công tác phòng, chống thiên tai thì ở đó chủ động, thiệt hại được hạn chế.
Phải có kịch bản ứng phó thiên tai trong bối cảnh COVID-19
Đánh giá tình hình thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, xu thế về biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường.
Vì vậy, đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần phải được quan tâm toàn diện hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó cho tình huống này khi năm nay, dự báo nước ta sẽ phải hứng chịu 5-7 cơn bão vào đất liền.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: phải quyết tâm thật cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai trong năm 2021; đặt nhiệm vụ bảo vệ tính mạng của người dân lên hàng đầu.
Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác; đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai.
Các lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương tới địa phương tiếp tục tăng cường trang thiết bị; Ưu tiên bố trí ngân sách, tập trung xử lý dứt điểm các công trình trọng điểm về đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; Xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ; Từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm.
Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm điều phối chung. Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giữ vai trò tham mưu để điều động lực lượng, phương tiện, trong đó xác định lực lượng Quân đội là lực lượng chủ công tuyến đầu khi có tình huống xảy ra.
Bộ Công an sẵn sàng huy động lực lượng tham gia ứng phó. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đảm bảo kịp thời, chính xác. Các Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Thông tin Truyền thông và các bộ, ban, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, sẵn sàng các kịch bản để kịp thời ứng phó.
Các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong tổ chức phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chủ động các biện pháp chống rét cho người và gia súc
Trong những ngày qua, nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc xuống thấp, đặc biệt tại Sa Pa, đèo Ô Quý Hồ, dãy núi Hoàng Liên Sơn với đỉnh Fansipan (thị xã Sa Pa) đã có băng giá. Trong khi đó, tại các xã vùng cao tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái... cũng đã xuất hiện băng giá dày đặc.
Trẻ em Trường Mầm non Simacai, huyện Simacai (Lào Cai) phải sử dụng thêm chăn trong giờ học để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Đây là đợt băng giá đầu tiên xảy ra ở các địa phương trên trong mùa Đông năm nay.
Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết: Để chủ động ứng phó với đợt thiên tai, giá rét khắc nghiệt này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai) đã yêu cầu các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành chủ động biện pháp ứng phó. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, đặc biệt là ở vùng cao biết, chủ động phòng chống.
Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, khách du lịch, nhất là tại các trường nội trú như: hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín; căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học. Triển khai che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết: Huyện Mèo Vạc hiện có trên 86.440 con gia súc, để đảm bảo đàn gia súc phát triển ổn định, UBND huyện đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: Thành lập tổ chỉ đạo phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc; phân công các thành viên, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. Các cơ quan chức năng của huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi chuẩn bị vật liệu giữ ấm cho gia súc; tận dụng vật liệu có sẵn tại địa phương như thân cây ngô, bao tải để che chắn chuồng trại.
Các tỉnh miền núi phía Bắc đã thành lập các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống; triển khai lực lượng xung kích tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí để giúp nhân dân, trú trọng gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại như: gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại; di chuyển, tập trung các đàn đại gia súc chăn thả tự do đến nơi tránh rét; chuẩn bị, dự trữ thức ăn, vaccine phòng bệnh...
Cứu nạn tàu cá bị hỏng máy, gặp sóng lớn trên vùng biển Quảng Trị Tàu bị hỏng trong lúc vùng biển có gió cấp 6, giật cấp 7, sóng cao 3 mét đẩy tàu trôi dạt nhanh, các thuyền viên hoang mang, mệt mỏi.. Hồi 5h ngày 4/1, trong lúc đang hành nghề trên vùng biển tỉnh Quảng Trị tại vị trí 17017'N - 108016'E thì tàu BĐ 97692 TS gồm 07 thuyển viên do ông Tôn...