Phó thủ tướng Đức: EU không giữ chân Anh
Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel hôm qua khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẽ không đưa ra bất kỳ lời đề nghị mới nào để giữ Anh ở lại khối này.
Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel. Ảnh: Reuters
“Anh đã quyết định ra đi. Chúng tôi sẽ không tiếp tục bàn về việc EU có thể đưa ra lời đề nghị gì đối với người Anh để giữ họ ở lại”, hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông Gabriel nói trong cuộc phỏng vấn với nhật báoHandelsblatt.
Trái ngược với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Gabriel bày tỏ lập trường cứng rắn về mối quan hệ tương lai của EU với London. Bà Merkel trước đó cho thấy một thái độ hòa giải hơn khi gợi ý tiến hành các cuộc thương lượng với “đối tác thân cận” Anh.
Ông Gabriel, thành viên đảng Dân chủ Xã hội Đức, chỉ trích “sai lầm lịch sử” của Thủ tướng Anh David Cameron khi kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU.
Video đang HOT
“Người Anh một ngày nào đó sẽ nguyền rủa” Boris Johnson, cựu thị trưởng London, người dẫn đầu chiến dịch đưa Anh rời EU, ông Gabriel nói thêm.
Chánh văn phòng Thủ tướng Đức Peter Altmaier thì cho rằng các chính trị gia Anh nên dành thời gian xem xét những hệ quả của việc rời EU nhưng nhấn mạnh ông không có ý khuyên họ suy nghĩ lại về quyết định Brexit.
Kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 23/6 của Anh cho thấy có 48% người ủng hộ ở lại, trong khi 52% người muốn ra khỏi EU. Kết quả khiến đồng bảng Anh sụt giá xuống mức thấp nhất trong vòng ba thập kỷ và làm chao đảo Phố Wall cùng các thị trường chứng khoán trên thế giới, đồng thời cũng khiến Thủ tướng Anh David Cameron từ chức trong một quyết định gây sốc.
Thực tế, cuộc trưng cầu dân ý của Anh không phải là một thông báo pháp lý. Theo quy định trong hiệp ước của EU, nước muốn rời khỏi liên minh phải thông báo chính thức đến Hội đồng châu Âu, sau đó, hai bên sẽ đàm phán về thỏa thuận cho cuộc chia tay trong hai năm. Thời hạn này có thể kéo dài nếu Hội đồng châu Âu chấp thuận. Người Anh hiện mới chỉ chọn rời EU, chính phủ Anh chưa chính thức thông báo với EU để bắt đầu thủ tục.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Mỹ kêu gọi Anh và EU giải quyết 'vụ ly dị' một cách có trách nhiệm
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua thúc giục Anh và Liên minh châu Âu (EU) giải quyết cuộc chia tay lịch sử Brexit một cách có trách nhiệm vì lợi ích của người dân cũng như thị trường toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Italy Paolo Gentiloni hôm qua trả lời phỏng vấn tại Rome. Ảnh: EPA
Phát biểu tại Rome trong cuộc gặp với người đồng cấp Italy Paolo Gentiloni, ông Kerry nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác khôn khéo trước bối cảnh bất ổn kinh tế và mối quan ngại về sự sụp đổ của EU không ngừng gia tăng, theo Guardian.
"Một đất nước đã đưa ra quyết định", Ngoại trưởng Mỹ nói. "Dĩ nhiên, đó là một quyết định mà Mỹ kỳ vọng sẽ đi theo hướng khác. Nhưng điều đấy đã không xảy ra. Vì thế, chúng ta phải khởi đầu với một sự tôn trọng cơ bản dành cho cử tri".
"Đối với một nền dân chủ, khi cử tri lên tiếng, nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo là lắng nghe và đảm bảo rằng họ đang hành động có trách nhiệm để giải quyết những mối bận tâm", ông Kerry nhấn mạnh.
Ông đồng thời khẳng định nếu hợp tác một cách chặt chẽ, hợp lý, Mỹ và EU có thể xử lý tốt những hệ quả không mong muốn của việc Anh rời liên minh.
Ngoại trưởng Kerry hôm nay sẽ tới London và Brussels. Ông là quan chức cấp cao Mỹ đầu tiên đến Anh và Bỉ sau khi cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, kết thúc.
Kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 23/6 của Anh cho thấy có 48% người ủng hộ ở lại, trong khi 52% người muốn ra khỏi EU, với tỷ lệ người đi bầu 72%. Kết quả khiến đồng bảng Anh sụt giá xuống mức thấp nhất trong vòng ba thập kỷ và làm chao đảo Phố Wall cùng các thị trường chứng khoán trên thế giới. Kết quả cũng khiến Thủ tướng Anh David Cameron từ chức trong một quyết định gây sốc.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Cuộc chia tay lịch sử Anh - EU qua hình họa con thuyền Lựa chọn rời khỏi EU của người Anh được giải thích dễ hiểu qua hình ảnh những con thuyền tượng trưng cho các nước. Người dân Anh đã có quyết định lịch sử trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, khi đa số họ lựa chọn phương án Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc "ly hôn" đình đám này...