Phó Thủ tướng: “Cổ phần hoá – Đúng pháp luật nhưng phải nhanh”
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra chặt chẽ, minh bạch nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sốt ruột khi tiến độ rất chậm khi chỉ đạt 27,5% kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016- 2020.
Sáng 8/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chủ trì phiên họp đánh giá nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Ban chỉ đạo.
Tham dự phiên họp là lãnh đạo các bộ, ngành, hai địa phương lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu xử lý lãnh đạo các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên sàn chứng khoán.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Hồng Long cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành và địa phương đã bán cổ phần lần đầu (IPO) 5 doanh nghiệp và 1 đơn vị sự nghiệp thu về 562,707 tỷ đồng.
Lũy kế từ 2016 đến nay, cả nước cổ phần hóa 162 doanh nghiệp, đạt 27,5% kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2016- 2020, với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,20 tỷ đồng, bằng 108 % tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015 (189.509 tỷ đồng).
Ngoài ra, các bộ, địa phương cũng phê duyệt phương án cổ phần hóa 4 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hoá theo từng năm trong giai đoạn 2017- 2020. Trong đó, tổng giá trị doanh nghiệp là 680,86 đồng, giá trị vốn nhà nước là 615,29 tỷ đồng. Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của 06 đơn vị này là 334,66 tỷ đồng, trong đó bình quân: Nhà nước nắm giữ 41,77 % tổng vốn điều lệ, bán cho người lao động 8,47% tổng vốn điều lệ, bán cho các nhà đầu tư ngoài doanh nghiệp 49,75% tổng vốn điều lệ.
Về thoái vốn, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã thoái tại 30 doanh nghiệp với giá trị sổ sách là 2.769,711 tỷ đồng, thu về 4.938,984 tỷ đồng (gấp 1,78 lần giá trị sổ sách). Lũy kế từ 2016 đến nay, đã thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị sổ sách 4.801,432 tỷ đồng, thu về 9.115,042 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn 6 tháng đầu năm 2019 là 5.501,691 tỷ đồng Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ cổphần hóa, thoái vốn đạt hơn 218.255,691 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015 (khoảng 78.000 tỷ đồng).
Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã chuyển 30.000 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước vào NSNN để phục vụ đầu tư công trung hạn. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, đã chuyển 185.000/250.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, đạt 74 % kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020, đồng thời bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao.
Về tình hình phát triển doanh nghiệp nói chung, ông Nguyễn Hồng Long cho biết cả nước thành lập mới 66.958 doanh nghiệp, tăng 3,8%,với số vốn đăng ký thành lập mới là 860.195 tỷ đồng, tăng 32,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 12,8 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2018. Số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức cao nhất so với 6 tháng đầu năm cả giai đoạn 2015-2019.
Đánh giá về công tác này trong 6 tháng qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng mặc dù công tác cổ phần hoá, thoái vốn đã có nhiều thay đổi tích cực về chất nhưng cổ phần hoá vẫn rất chậm.
Video đang HOT
Cụ thể, cả nước mới hoàn thành cổ phần hoá 35 DNNN trong danh mục của QĐ số 991/TTg-ĐMDN (gồm 127 doanh nghiệp), trong đó riêng Hà Nội còn 13 DNNN và TPHCM là 36 DNNN chưa được cổ phần hoá.
Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm so với kế hoạch đề ra từng năm khi QĐ số 1233/QĐ-TTg yêu cầu cả nước phải hoàn thành thoái vốn tại 405 doanh nghiệp từ 2016- 2020 nhưng tới nay chỉ được 88 DNNN (chiếm 21,8%).
Ngoài ra một số bộ, ngành địa phương gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xác định giá trị sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp. Việc chuyển giao quyền sở hữu nhà nước sang SCIC và niêm yết trên sàn chứng khoán sau IPO còn ít (hiện còn 796 DNNN chưa niêm yết).
Trưởng Ban chỉ đạo cũng lo lắng về công tác phát triển doanh nghiệp khi mới có 737.000 doanh nghiệp, và mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 là khó khi chưa có giải pháp hữu hiệu khuyến khích hộ kinh doanh nhỏ lẻ thành lập doanh nghiệp.
“Nhiều DNNN có quy mô lớn, sở hữu đất đai ở nhiều tỉnh, thành như Vinafood1, VNPT, Agribank nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, giá trị doanh nghiệp,… mất nhiều thời gian”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho rằng Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn trong cổ phần hoá, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch nên thời gian thực hiện cũng lâu hơn. Ví dụ việc đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán doanh nghiệp có quy mô vốn nhà nước từ 1.700 tỷ đồng trở lên cũng khiến quá trình cổ phần hoá kéo dài thêm từ 6- 12 tháng.
Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng cho rằng lãnh đạo các DNNN còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc nên thời gian triển khai chậm.
“Tinh thần cẩn trọng là đúng và từ năm 2016 tới nay chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng nào trong cổ phần hoá thoái vốn trong thời điểm này, nhưng Thủ tướng và Chính phủ muốn chúng ta phải làm đúng nhưng phải làm nhanh. Đúng mà chậm, ách tắc trì trệ không được mà phải nhanh hơn. Yêu cầu là khó nhưng phải làm chứ không còn cách nào khác cả. Cứ tròn vo đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh là không được”, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu.
Từ nay tới hết năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan tới cổ phần hoá, thoái vốn trong đó tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn, Quyết định số 707/QĐ-TTg, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 7/2019.
Các vướng mắc về định giá đất đai tiếp tục làm khó bộ, ngành, địa phương trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với VPCP trong thẩm tra để Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Quyết định 22/2015/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần; báo cáo việc các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu với lãi suất cao từ 14-16% có khả năng gây ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.
Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị TW 5, khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao, nâng cao hơn nữa nhận thức để có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.
Tiếp tục triển khai có kết quả Nghị quyết TW5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân; các Nghị quyết của Chính phủ liên quan để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg,Thông báo số 39/TB-VPCP ngày 25/01/2019và các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan; chế độ báo cáo theoquy định và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Danviet
Sáng nay 4-7, bão số 2 đổ bộ miền Bắc
Theo thông báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 3-7, áp thấp nhiệt đới ở biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 2, có tên quốc tế là Mun. Sáng nay 4-7, bão số 2 sẽ đổ bộ trực tiếp vào đồng bằng Bắc bộ.
Sơ đồ đường đi của bão số 2
Các địa phương gấp rút ứng phó
Dự báo, sáng 4-7 bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 4-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,1 độ vĩ Bắc-106 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to vào đêm 3-7, từ 4-7 mưa sẽ giảm nhanh. Riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200mm/24 giờ, có nơi trên 250mm/24 giờ). Từ đêm 4-7, mưa giảm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Từ đêm 3-7 đến sáng 5-7, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ). Hà Nội cũng sẽ có mưa rất to vào ngày 4-7.
Nhận định bão số 2 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện ven biển, ngày 3-7, tỉnh Nam Định đã tập trung mọi phương án chủ động ứng phó với bão số 2 và thực hiện cấm biển từ 12 giờ ngày 3-7, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Trước 15 giờ ngày 3-7, các địa phương đã hoàn thành việc kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 16 giờ chiều 3-7, vì đây được dự báo là nơi tâm bão đi qua.
Tàu thuyền được đưa vào neo đậu tại Bến cá Quán Chánh, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng để tránh bão. Ảnh: TTXVN
UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với UBND các huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Theo thống kê, tỉnh Nam Định có trên 2.100 tàu thuyền với trên 5.720 lao động. Ở khu vực ven biển, Nam Định có trên 1.000 lều, chòi nuôi ngao với trên 1.300 ngư dân. Đến chiều 3-7, tất cả ngư dân đã nhận được thông tin về cơn bão và chủ động vào bờ.
Tại tỉnh Quảng Ninh, từ 11 giờ ngày 3-7, Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh đã ngừng cấp phép cho các tàu du lịch và tàu ra các tuyến đảo do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Riêng tại huyện đảo Cô Tô đã dừng cấp phép từ sáng 3-7. Theo thông tin từ huyện đảo Cô Tô, trên đảo đang còn khoảng 1.640 khách du lịch, trong đó có 4 khách nước ngoài. Dù đã được thông báo về ảnh hưởng của bão số 2 đến vùng biển Quảng Ninh và dừng cấp phép cho tàu vào bờ từ ngày 2-7 nhưng số du khách này vẫn ở lại đảo. Để đảm bảo cho du khách, UBND huyện Cô Tô đã thông báo đến các nhà hàng, khách sạn tạo điều kiện và đảm bảo an toàn cho toàn bộ số du khách đang ở trên đảo.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để ứng phó bão số 2. Ảnh: VĂN PHÚC
Về tình hình đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 43 vị trí xung yếu (27 đoạn đê với 43,83km), 16 cống dưới đê, 6 công trình đang thi công. Các hồ thủy lợi khu vực miền núi phía Bắc và Trung bộ ở mức 30-80% dung tích. Các tỉnh Bắc Trung bộ đã gieo cấy 165.000ha lúa hè thu đang giai đoạn đẻ nhánh. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đã gieo cấy 260.000ha, trong đó: 70.000ha lúa mới gieo sạ (lớn nhất là Hải Dương 15.000ha, Hà Nam 13.000ha) có nguy cơ bị ngập úng cao khi có mưa lớn. Tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ đã gieo cấy 132.000ha, hiện đang giai đoạn đẻ nhánh.
Không được chủ quan
Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra ngày 3-7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đề nghị các địa phương không chủ quan với bão số 2, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Về 1.640 khách du lịch đang ở đảo Cô Tô, Đại tá Trần Văn Đình - Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đề nghị Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đôn đốc tỉnh Quảng Ninh đảm bảo an toàn cho những du khách này. Đại tá Trần Văn Đình cũng cho biết: "Chúng tôi đã thông tin, kiểm đếm, hướng dẫn cho tổng số 56.600 tàu với khoảng 230.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Cùng với đó là đôn đốc các đơn vị biên phòng tuyến biển từ Bình Định trở ra khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn; phối hợp với các ngành để tham mưu cho chính quyền địa phương hoàn thành công tác kêu gọi và sắp xếp, neo đậu các loại phương tiện trước 17 giờ chiều 3-7".
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu thông tin dự báo bão cần bám sát thực tế, thường xuyên liên tục để phục vụ công tác điều hành của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, giúp địa phương và các lực lượng cứu hộ cứu nạn chủ động các phương án ứng phó. Đặc biệt chú ý các tuyến đê, hồ chứa xung yếu, ngập úng tại các đô thị; đề phòng lũ ống sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc. Về tuyến biển, theo ông Cường, cần phải rất chú ý tàu vãng lai. Kinh nghiệm 3 năm vừa qua, thiệt hại chủ yếu là tàu vãng lai do không nắm được thông tin luồng lạch và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) lưu ý thông báo kịp thời cho các phương tiện. Ông Cường cũng đề nghị đảm bảo an toàn khu neo đậu cho các tàu thuyền, lồng bè chòi canh nuôi thủy sản, không để thiệt hại về người và chú ý khách du lịch trên các đảo, trong đó có đảo Cô Tô.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, các hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã phải điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến, đi từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) trong ngày 3-7. Cụ thể, Vietnam Airlines hủy 2 chuyến bay VN1192, VN1193 giữa Hải Phòng - TPHCM. Jetstar Pacific điều chỉnh hướng cất, hạ cánh của 2 chuyến bay BL594, BL595 giữa Hải Phòng - TPHCM từ sân bay Cát Bi sang sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ngoài ra, một số chuyến bay khác cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền do lịch khai thác thay đổi. Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng được hãng bay hỗ trợ theo quy định, có thể chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác.
Ngày 3-7, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị chủ động đối phó với diễn biến bão số 2. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng đảm bảo giao thông khi có sự cố sạt lở đất đá gây tắc đường. Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa chỉ đạo các cảng vụ kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú, kiên quyết yêu cầu thuyền trưởng, chủ phương tiện di chuyển ra khỏi địa điểm không an toàn. Bộ GTVT cũng yêu cầu Đài Thông tin duyên hải cập nhật, thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão số 2 cho các phương tiện đang hoạt động trên biển tránh không đi vào vùng nguy hiểm. Đặc biệt, sở GTVT các tỉnh từ Quảng Ngãi trở ra có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn đối với các bến đò dọc, đò ngang, không cho phép chủ đò, chủ thuyền chở người và phương tiện giao thông khi có lũ lớn, sóng to gió lớn.
Chiều 3-7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ký công điện về phòng chống bão số 2. Phó Thủ tướng yêu cầu ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ"...
Cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã gửi công điện tới ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 cấp tỉnh và sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chỉ đạo đảm bảo an toàn khu vực chấm thi trước cơn bão số 2.
PHAN THẢO
VĂN PHÚC - BÍCH QUYÊN
Theo SGGP
Phó Thủ tướng: Thanh tra Chính phủ sớm kết thúc thanh tra giá điện Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành thanh tra về giá điện, đề xuất hình thức xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Trong năm 2020, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về giá điện. Lạm phát bình quân 6 tháng thấp nhất 3 năm qua...