Phó Thủ tướng: Chúng ta vẫn chưa chiến thắng dịch bệnh
Diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới hết sức phức tạp, khó lường. Vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh xâm nhập vào trong nước.
Hôm nay, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế đã bàn thảo, phân tích diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới, đánh giá lại các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:Cuộc chiến này còn rất dài và Việt Nam vẫn đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam
Các chuyên gia y tế cho rằng, điều đáng mừng là sau hơn 1 tháng Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Chúng ta đã dập tắt các ổ dịch. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn. Người dân đã có tâm lý “coi như hết dịch”, thậm chí Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở một số địa phương đã xuất hiện tâm lý chủ quan.
Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới còn hết sức phức tạp, khó lường. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu.
Thực tế, những ngày gần đây, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh từ nước ngoài về. Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng, do chúng ta tổ chức đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước sang Việt Nam làm việc tại các dự án…
Chính vì vậy, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”.
Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia,Ban Chỉ đạo thống nhất phải tiếp tục thực hiện tốt chiến lược ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, “bao đê cho chặt”, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở, bởi đê bao thường không vỡ ở những “cửa khẩu to”, mà lại ở những “điểm rò rỉ”, “tổ mối”. Ở trong nước phải thực hiện nghiêm công tác cách ly, tiếp tục tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với những nhóm đối tượng, khu vực có nguy cơ…
Ảnh: VGP/Đình Nam
Video đang HOT
Trước nhu cầu nhập cảnh rất lớn đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án của Việt Nam cũng như những nhà đầu tư vào tìm kiếm cơ hội làm ăn, Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất phải có hướng dẫn chi tiết theo quy trình khép kín từ xem xét cấp thị thực nhập cảnh cho đến việc chuẩn bị cơ sở cách ly và các điều kiện theo dõi sức khoẻ sau khi cách ly đối với những đối tượng này. Ngành công an có trách nhiệm về việc này vì là cơ quan có ý kiến quyết định đối với xét cấp thị thực nhập cảnh cũng như là đầu mối tổ chức các cơ sở cách ly ngoài các khu cách ly tập trung của quân đội.
Ban Chỉ đạo đề nghị tất cả DN có nhu cầu sử dụng chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài phải có văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, UBND địa phương căn cứ vào tình hình, tập hợp danh sách và có văn bản gửi Bộ Công an để làm thủ tục duyệt cấp thị thực nhập cảnh và phối hợp với lực lượng công an để chuẩn bị các cơ sở cách ly. Tất cả những đối tượng này đều phải cách ly tối thiểu 14 ngày.
Đáng chú ý, các chuyên gia đã nêu nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ thành viên tổ bay, phi hành đoàn của các hãng hàng không ở nước ngoài, vốn vẫn sinh hoạt bình thường, không phải cách ly trước khi thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý và yêu cầu Bộ GTVT, các địa phương phải siết chặt các quy định về cách ly phi hành đoàn, tổ bay các chuyến bay chở khách cũng như vận tải hàng hoá quốc tế đến Việt Nam. Những phi hành đoàn này phải ở khách sạn riêng, không được ở chung những khách sạn có các đối tượng khách lưu trú khác để tránh nguy cơ, rủi ro lây nhiễm.
Trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản hướng dẫn cụ thể về cấp thị thực và cách ly đối với: Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước; các tổ bay, phi hành đoàn, thuỷ thủ đoàn và những người lái xe qua lại biên giới.
Các văn bản này phải quy định rất cụ thể trách nhiệm của Ban Chỉ đạo địa phương, trách nhiệm của các cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm của từng đơn vị, từng lực lượng để tổ chức thực hiện quản lý người nhập cảnh thống nhất, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh mặc dù những ngày qua, rất nhiều tổ chức quốc tế chúc mừng Việt Nam chiến thắng dịch Covid-19 nhưng chúng ta vẫn chưa chiến thắng, mà mới kiểm soát tốt dịch bệnh. Cuộc chiến này còn rất dài và Việt Nam vẫn đồng hành cùng cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. Thậm chí giai đoạn này còn có phần khó hơn, bởi sau thời gian dài không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, nên người dân có tâm lý buông lỏng. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được có tâm lý xả hơi.
Chia nhóm để chống dịch hiệu quả
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng lòng yêu nước, đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, tương trợ lẫn nhau đã được khơi dậy, nhân lên trong phòng chống dịch Covid-19
Chiều 17-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với các địa phương.
Chưa cho phép tập trung đông người
Qua hơn 3 tháng chống dịch, các tổ chức, cá nhân đã hiểu hơn về dịch bệnh, về cơ chế lây nhiễm, biện pháp phòng dịch, mức độ sẵn sàng của cả hệ thống, của cộng đồng đã được nâng cao rất nhiều.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng thời gian tới cần có giải pháp phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, nhóm ngành nghề để bảo đảm vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. "Phải tiếp tục chia nhóm đến cấp huyện, cấp xã, thậm chí cấp thôn để có thể điều hành sát sao hơn và hiệu quả hơn trong thực hiện mục tiêu kép. Vì vậy, các tỉnh phải có bộ phận cập nhật số liệu, theo dõi hằng ngày" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, vì dịch còn kéo dài nên mọi người phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn, không chủ quan. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần chuẩn bị kỹ, giải pháp rất cụ thể cho từng vùng, từng cấp học, từng loại hình trường lớp, bổ sung và thực hiện phù hợp.
Phó Thủ tướng lưu ý cần hạn chế ra ngoài, đi lại khi không thật sự cần thiết. Cần có quy định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách và cả taxi, xe ôm). Việc sản xuất, kinh doanh ở nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn rất cụ thể. Đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn kể cả khi cầm tiền, thanh toán... như thế nào cho an toàn.
"Trước mắt, chúng ta chưa cho phép tập trung đông người. Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp bảo đảm an toàn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, cống hiến, hy sinh, tương trợ lẫn nhau... đã được khơi dậy, nhân lên qua việc phòng chống dịch. Đó là hình ảnh, uy tín của hệ thống chính trị, của đất nước trong kiểm soát dịch bệnh, trong hợp tác quốc tế và đặc biệt dù còn nghèo song Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ các nước.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) - nơi có bệnh nhân 266 sinh sốngẢnh: Ngô Nhung
Không có ca bệnh mới
Bộ Y tế cho biết đến 18 giờ ngày 17-4, lần đầu tiên liên tục trong 36 giờ Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Số mắc hiện vẫn là 268 ca. Cũng trong ngày, cả nước có 21 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh.
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có tổng cộng 198 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, chiếm 74%; còn 70 bệnh nhân đang điều trị.
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết TP Hà Nội và TP HCM cùng 10 tỉnh, TP nằm trong nhóm "nguy cơ cao" tiếp tục tạm hoãn tiêm chủng thường xuyên, gồm: Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh. Các tỉnh, TP "có nguy cơ" và "nguy cơ thấp" sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai tiêm chủng để tránh "dịch chồng dịch".
Đưa robot vào hoạt động
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP HCM, Sở Y tế TP cho biết TP đã có 7.575 doanh nghiệp (DN) có bảng đánh giá an toàn DN, trong đó có 98,7% đánh giá rủi ro ít hay rủi ro lây nhiễm thấp. Riêng Công ty Pou Yuen có chỉ số rủi ro là 42%, TP đã hướng dẫn công ty này thực hiện tốt việc giãn cách công nhân lúc vào ca và tan ca; tuyên truyền nhắc nhở tại các chợ tự phát, chợ công nhân thực hiện giãn cách, tránh tập trung đông người.
TP sẽ tiếp tục trang bị máy đo nhiệt tự động cho các chốt kiểm soát. Đẩy nhanh tiến độ kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của các DN. Tổ chức xét nghiệm kiểm tra sau thời gian cách ly và sau khi xuất viện. Đối với người nước ngoài lưu trú trên địa bàn, TP sẽ lấy mẫu xét nghiệm. Sở Y tế cũng sẽ phối hợp với các đơn vị hoàn tất bộ tiêu chí an toàn để các đơn vị hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho biết các quận, huyện đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch bệnh. TP sẽ duy trì 62 chốt kiểm soát dịch bệnh đến ngày 22-4. Các hành vi như thông tin sai sự thật, gian lận thương mại, găm hàng, không thực hiện cách ly, không đeo khẩu trang... sẽ được xử lý nghiêm.
Tính đến ngày 17-4, TP HCM có 54 trường hợp mắc bệnh Covid-19, trong đó có 46 người khỏi bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã lấy 9.127 mẫu xét nghiệm sàng lọc tại sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, khu lưu trú công nhân và đều cho kết quả âm tính. Robot khử khuẩn thay thế nhân viên y tế khử trùng phòng cách ly Covid-19 chuẩn bị tiếp tục hoạt động tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ. Đây là công trình được Sở Y tế đặt hàng cho Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Bệnh viện Quân dân y miền Đông TP HCM chế tạo.
Kiểm soát vận tải khách liên tỉnh theo nhóm
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị liên quan hướng dẫn việc hoạt động trở lại của vận tải khách, áp dụng từ ngày 17 đến hết 22-4. Theo đó, các nhóm địa phương (nhóm 1: nguy cơ cao; nhóm 2: có nguy cơ; nhóm 3: có nguy cơ thấp) sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Vận chuyển khách nội tỉnh do chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định cụ thể bằng các phương tiện công cộng.
Với đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, nhóm 1 và 2 không vận chuyển hành khách liên tỉnh, trừ lý do công vụ và cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, đưa đón công nhân, chuyên gia, chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Với người hết thời hạn cách ly hoặc trường hợp đặc biệt khác thì sở giao thông vận tải phối hợp sở y tế đề xuất và tham mưu UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương xem xét, quyết định. Nhóm 3 được vận tải khách liên tỉnh giữa các địa phương cùng nhóm với nhau. Từ ngày 23 đến 30-4, địa phương nào thay đổi nhóm thì sẽ theo hướng dẫn như trên để thực hiện. V.Duẩn
Có dấu hiệu sai phạm trong mua máy xét nghiệm Covid-19
Ngày 17-4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã mời một số cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC Hà Nội) lên làm việc liên quan đến việc mua sắm thiết bị y tế (máy xét nghiệm); vấn đề cũng có liên quan đến một số tỉnh, thành khác.
Ông Chung cho biết quan điểm của Thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP là các trường hợp vi phạm đều phải được điều tra, xử lý nghiêm, không bao che. Trong chống dịch bệnh mà có hành vi sai thì phải xét thêm tình tiết tăng nặng. Ban chỉ đạo đã thường xuyên giám sát trong mua sắm bảo đảm chất lượng, số lượng; chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở cung cấp vật tư y tế tăng giá. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu tình trạng này vẫn diễn ra, yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội phải có văn bản báo cáo về vấn đề trên.
Theo ông Chung, một trong những nguyên nhân tạo kết quả chống dịch tốt của TP thời gian qua là do thực hiện tốt công tác xét nghiệm. Trong thời gian tới, khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Ông Chung cũng cho rằng công tác xét nghiệm là tối quan trọng, yêu cầu tổ chức xét nghiệm tất cả người dân còn lại ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín), các đơn vị tổ chức xét nghiệm tại các chợ đầu mối như: Ngã tư Sở, Long Biên, chợ hoa quả Hoàng Mai, chợ hải sản, chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín)... Kết quả xét nghiệm với các người dân thường xuyên đi lại, giao thương với các tỉnh, thành này sẽ là một nguồn dữ liệu đánh giá tốc độ lây nhiễm trên địa bàn TP.
UBND TP giao Sở Y tế phải tập huấn cho y sĩ, bác sĩ nâng cao năng lực xét nghiệm để lấy được khoảng 5.000-6.000 mẫu tại chỗ mỗi ngày cũng như nâng cao hiểu biết về Covid-19, xác định ứng phó lâu dài với dịch, nắm chắc các phác đồ điều trị.CDC Hà Nội, các bệnh viện, địa phương phải báo cáo thống kê trang thiết bị y tế đã mua trong giai đoạn 1 và có kho cất trữ. Các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện tuyệt đối không được dùng các trang thiết bị y tế này để khám chữa bệnh thông thường, chỉ dùng cho phòng chống dịch Covid-19, phải dự trữ cho chiến lược sử dụng về lâu dài. Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu mở rộng học trực tuyến, có phương án cho học sinh quay trở lại trường học... H.Thanh
Ngọc Dung - Trường Hoàng - Nguyễn Thạnh
Việt nam đang cách ly và điều trị 29 người như phác đồ nhiễm corona Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tất cả bệnh nhân thuộc diện nghi ngờ đều đang được cách ly, điều trị như đã nhiễm virus corona. Theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam), Cơ quan...