Phó Thủ tướng: Cấm công chức đi tết sếp, nhậu trưa
Giải pháp của lãnh đạo một tỉnh về việc hạn chế nhậu nhẹt, cấm công chức uống rượu bia buổi trưa, nhận được sự ủng hộ của cả Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa và Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương chấp hành nghiêm lệnh cấm đi tết sếp, nhậu buổi trưa mà Trung ương đã ban hành.
Sáng 4/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình – Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm an toàn giao thông 2016.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại lễ ra quân phát động Năm ATGT năm 2017 sáng nay.
Tiêu chí kéo giảm số người chết vì tai nạn không đạt
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, tròn 1 năm (16/12/2015 đến 15/12/2016), cả nước xảy ra hơn 21.500 vụ tai nạn, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. So với cùng kỳ 2015, tai nạn đã giảm cả về số vụ (1.200 vụ), số người chết (43 người) và số người bị thương (1.792 người).
Tai nạn vẫn tập trung ở đường bộ với trên 21.000 vụ, 8.417 người chết và 19.035 người bị thương. Đường sắt xảy ra 360 vụ tai nạn, làm chết 191 người, bị thương 229 người. Đường thuỷ nội địa xảy ra 114 vụ tai nạn, làm chết 72 người, bị thương 16 người. Hàng hải xảy ra 21 vụ tai nạn, làm 5 người chết.
Hàng không có những diễn biến ngược chiều khi tổng số sự cố giảm 9% so với năm 2015 (82/90 sự cố). Tuy nhiên, chỉ số sự cố xảy ra do con người lại tăng hơn 9% so với năm trước (26/22 sự cố), trong đó có 8 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao (mức C).
Tổng kết chung, có 40 tỉnh, thành trên cả nước đã kéo giảm được số người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có 13 địa phương giảm được trên 10%. Dù vậy, vẫn còn 20 địa phương có số người chết vì tai nạn tăng, trong đó cũng có 9 tỉnh tăng trên 10%.
Về tình hình ùn tắc giao thông, theo báo cáo của Bộ Công an, năm qua, cả nước xảy ra 41 vụ ùn tắc giao thông kéo dài (chủ yếu trên địa bàn Hà Nội, TPHCM, Quốc lộ 1A), giảm 4 vụ so với năm ngoái. Dù vậy, tình trạng tắc đường kẹt xe tại 2 thành phố lớn nhất cả nước diễn biến phức tạp trở lại, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm, khi xảy ra mưa ngập…
Video đang HOT
Có 2 vụ đua xe trái phép xảy ra tại Tiền Giang và TP.Cần Thơ, 28 vụ chống lại CSGT làm 4 cảnh sát bị thương.
Đánh giá những tồn tại, hạn chế, UB An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh việc chỉ tiêu về tỷ lệ giảm số người chết vì tai nạn chưa đạt (chỉ giảm 0,49% trong khi mục tiêu đề ra là giảm 5-10%). Số người chết vì tai nạn trong tháng 5, 6, 8, 11, 12 đều tăng so với cùng kỳ 2015.
Nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng cũng được điểm lại như vụ tông xe khách tại Bình Thuận vào tháng 5, tại Lâm Đồng vào tháng 6 làm 20 người chết. Tai nạn đường thuỷ nội địa cũng gây thiệt hại lớn như vụ tai nạn cầu An Thái – Hải Dương, cầu Ghềnh – Đồng Nai, vụ lật tàu du lịch trên sông Hàn tại Đà Nẵng…
Tỷ lệ tai nạn liên quan đến ô tô có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tỷ lệ tai nạn do lái xe ô tô gây nên (có tới 27% số vụ tai nạn đường bộ trong khi số ô tổ chỉ chiếm 6% tổng số phương tiện cơ giới).
Nhận xét chung, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình – Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia cho rằng, công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2016 đã đạt kết quả tích cực nhưng cũng có những diễn biến mới phức tạp. Nhấn mạnh việc tai nạn đã được kéo giảm ở cả 3 tiêu chí nhưng Phó Thủ tướng cũng nhắc việc còn nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, gây thiệt hại lớn, vẫn còn sự cố huy hiếp an toàn bay, tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM có xu hướng tăng và ngày càng phức tạp hơn.
Xe biển xanh – Nhất quyết không du di khi xử lý
Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Tây Ninh đề cập chuyện thời sự xe biển xanh, biển trắng hiện nay. Ông này khẳng định Tây Ninh nhất quyết xử lý nghiêm xe vi phạm, biển xanh hay biển trắng đều như nhau.
“Không có vùng cấm trong việc xử lý vi phạm, dù xe công hay xe tư nhân, chúng tôi không có chuyện du di khi xử lý. Đã vi phạm giao thông, các phương tiện đều bình đẳng chứ không nên đặt vấn đề vì biển xanh, biển trắng mà… cân đo. Biển số cấp cho phương tiện rõ ràng là công bằng, không cần đề cập nhiều chuyện phải cùng trắng hay cùng xanh, màu khác nhau chỉ để phân biệt các loại phương tiện mà thôi” – đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Tây Ninh nêu quan điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho rằng, yếu tố quan trọng để kiểm soát tai nạn là phải làm sao hạn chế bớt tình trạng nhật nhẹt, rượu chè. Chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh này, ông Thạnh cho biết, chính quyền tập trung quán triệt để hạn chế tình trạng cán bộ, công chức ăn nhậu, nhất là uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa.
Tán thành ý kiến này, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa nhận xét, đi công tác gần đây, tới các tỉnh, thành thì thấy buổi trưa địa phương nào cũng đều đã cấm tuyệt đối chuyện rượu bia. Việc này, theo ông Nghĩa, đã mang lại kết quả tích cực đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Bộ trưởng Giao thông nhấn mạnh, kết quả việc kiềm chế tai nạn phụ thuộc rất lớn quyết tâm, sự sâu sát của chính quyền Đảng bộ các địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, đúng như Chủ tịch tỉnh An Giang đã trao đổi.
Chỉ đạo thêm, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, hiện tại Ban Bí thư TƯ Đảng, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản, chỉ thị chỉ đạo Tết này các địa phương, cấp dưới không về TƯ, không đi tết cấp trên, không tặng quà. Quy định cấm uống rượu bia buổi trưa, trong giờ làm việc cũng được TƯ quán triệt. Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh chỉ đạo cụ thể, chấp hành nghiêm quy định của Đảng, Chính phủ.
Mục tiêu UB An toàn giao thông quốc gia đề ra cho năm 2017 là tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5-10% ở cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2016. Tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Năm an toàn giao thông 2017 được xác định chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông trong Thanh, Thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”.
P.Thảo
Theo Dantri
"Đừng bổ nhiệm "đúng quy trình" những người không xứng đáng!"
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Nội vụ sửa đổi ngay các quy trình, thủ tục bất hợp lý để sớm xóa bỏ tình trạng "chạy chọt", tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà. "Không để xảy ra tình trạng bổ nhiệm "đúng quy trình" những người không xứng đáng"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: T.K)
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành nội vụ chiều 26/12, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2017 với số kế hoạch giảm 1,5% so với kế hoạch năm 2016.
Tính đến ngày 15/12 đã có 49 lượt bộ ngành, địa phương đề nghị Bộ Nội vụ thẩm tra các phương án tinh giản biên chế 3 năm 2015-2017, với tổng số tinh giản biên chế là 21.247 người.
"Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2016 đạt được nhiều kết quả tốt. Các cơ sở đào tạo bồi dưỡng của Bộ Nội vụ đã phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức"- ông Tuấn nhận định.
Tuy vậy, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đánh giá công tác tinh giản biên chế chưa theo đúng mục tiêu, trình tự quy định. Việc giải quyết tinh giản biên chế mới chỉ dừng ở việc giải quyết theo nguyện vọng cá nhân, chưa thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu và căn cứ vào đánh giá phân loại công chức, viên chức.
"Còn tình trạng công chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa tận tuỵ, còn thiếu trách nhiệm, có lúc, có nơi còn nhũng nhiễu, tiêu cực. Công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý vi phạm pháp luật chưa nghiêm túc, còn hình thức, chiếu lệ. Còn tình trạng tuỳ tiện, vô nguyên tắc trong giải quyết công việc ở các cơ quan hành chính"- Thứ trưởng Tuấn nói.
Theo kế hoạch, năm 2017 Bộ Nội vụ sẽ chủ động, kịp thời thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu, trong đó tập trung thanh tra những lĩnh vực đang được Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Quyết định 2218 của Thủ tướng về tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn và kiểm soát chặt số lượng cấp phó, biên chế trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Kiên quyết thay thế công chức làm việc kém hiệu quả
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
"Trong lĩnh vực tuyển chọn công chức, viên chức, cần công khai tiêu chí, tiêu chuẩn minh bạch, để ứng viên cạnh tranh với khả năng thực sự, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Rà soát, sửa đổi ngay các quy trình thủ tục bất hợp lý, sớm xóa bỏ tình trạng chạy chọt, tuyển dụng và bổ nhiệm người nhà. Không để xảy ra tình trạng bổ nhiệm "đúng quy trình" những người được bổ nhiệm không xứng đáng"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành nội vụ chấn chỉnh ngay từ khâu tuyển dụng đến đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ.
"Thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình thực thi công vụ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu"-Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ trong năm 2017.
Thế Kha
Theo Dantri
"Không để người vi phạm pháp luật vẫn được khen thưởng" Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 diễn ra sáng nay 23/12 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: T.K) Tại...