Phó Thủ tướng: Các nước đều lo ngại về tình hình Biển Đông
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay tại hội nghị của ASEAN và các hội nghị liên quan, các nước đều nêu lo ngại về tình hình Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên vấn đề tôn tạo, bồi đắp các đảo đá được nêu hẳn trong Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị (Ảnh: VOV)
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) và các Hội nghị liên quan là những hội nghị quan trọng nhất trong năm của các Ngoại trưởng ASEAN tại Malaysia.
Trong khuôn khổ AMM 48 và các Hội nghị liên quan, ngày 6/8 đã diễn ra các Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Hội nghị Ngoại trưởng của các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 5 (EAS FMM-5) và Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 22 (ARF-22).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự các hội nghị này.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Biển Đông tiếp tục là vấn đề được các nước quan tâm và trao đổi nhiều tại các Hội nghị. Nhiều Bộ trưởng đã tỏ quan ngại về những hoạt động gần đây trên Biển Đông, nhất là việc bồi đắp và xây dựng các đảo đá.
Video đang HOT
Các Ngoại trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện kiềm chế; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các Ngoại trưởng cũng kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ thông tin về những diễn biến phức tạp hiện nay ở Biển Đông. Ngoại trưởng nhấn mạnh lập trường của Việt Nam và ASEAN về duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Phó Thủ tướng đề nghị các nước đối tác tiếp tục ủng hộ lập trường cùng các nỗ lực của ASEAN, và đóng góp tích cực, xây dựng cho việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và quan hệ hữu nghị ở khu vực.
Trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc các hội nghị tại Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh, duy trì hòa bình ổn định trong khu vực, nhất là đối với các nước ASEAN, được các Bộ trưởng hết sức quan tâm tại tất cả các Hội nghị; trong đó biển Đông là một trong những vấn đề được các Bộ trưởng quan tâm nhất, vì tình hình Biển Đông không chỉ tác động đến an ninh trong khu vực mà tác động đến các vấn đề liên quan đến các nước bên ngoài khu vực.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề Biển Đông không chỉ là vấn đề giải quyết tranh chấp về chủ quyền, mà còn liên quan đến các tuyến đường giao thông vận tải hàng hải cũng như hàng không; do đó, không chỉ liên quan đến các nước trong khu vực mà cả các nước bên ngoài khu vực. Tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc bồi đắp mở rộng, tôn tạo quy mô lớn các đảo đá tại Biển Đông, khiến các nước hết sức lo ngại.
Ông Phạm Bình Minh cho hay, tại tất cả các Hội nghị của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các nước đều nêu lo ngại về tình hình Biển Đông. Đây là một trong những chủ đề được các Bộ trưởng ASEAN đạt sự nhất trí khá cao, bày tỏ quan ngại.
“Trong Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48, các Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên vấn đề tôn tạo, bồi đắp các đảo đá được nêu hẳn trong Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần phải thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là Điều 5, thực hiện tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình tại khu vực Biển Đông. Các Bộ trưởng cũng khẳng định quyết tâm cần phải thúc đẩy đàm phán để sớm có Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, ông Phạm Bình Minh nói.
An Bình
Theo Dantri
Quốc hội rút kinh nghiệm sâu sắc sau việc bãi nhiệm bà Châu Thị Thu Nga
Chiều ngày 26/6, tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 9, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc sau vụ bà Châu Thị Thu Nga bị bắt và bãi miễn tư cách đại biểu.
Trong buổi họp báo, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc bà Châu Thị Thu Nga (đoàn Hà Nội) bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội và việc tại sao Quốc hội không ra Nghị quyết về vấn đề Biển Đông.
Đề cập đến vấn đề bà Châu Thị Thu Nga, phóng viên đưa ra hàng loạt câu hỏi về việc bà Nga có những dấu hiệu sai trái từ đầu, trong giai đoạn tranh cử, tại sao vẫn trúng đại biểu Quốc hội, sau đó thì bị cơ quan điều tra bắt, Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói: "Bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với bà Châu Thị Thu Nga là sự việc đáng tiếc".
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, quy định ứng cử đại biểu Quốc hội rất chặt chẽ. Trong phiên họp đầu tiên để xác định tư cách đại biểu Quốc hội không thấy có ý kiến gì liên quan đến vấn đề bà Châu Thị Thu Nga. Cho đến thời gian vừa qua mới có đơn tố cáo những vấn đề liên quan đến bà Nga. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã xác định tình trạng vi phạm của bà Nga và đã bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với nữ doanh nhân này.
"Bà Nga bị bãi nhiệm do không đủ tiêu chuẩn, mất uy tín với nhân dân. Việc này cần rút kinh nghiệm sâu sắc cho việc chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND khóa tới. Việc chọn đại biểu khóa tới cần phải làm chặt chẽ ngay từ ban đầu để sao tìm được người xứng đáng là đại biểu của nhân dân", Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc còn giải thích rõ những vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông. Ông Phúc cho biết, những vấn đề liên quan đến Biển Đông tương đối phức tạp. Trung Quốc hiện nay đang xây dựng, cải tạo các bãi đá, bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Với vấn đề phức tạp đó, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo rõ tình hình. Sau đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã báo cáo trước Quốc hội. Còn việc Quốc hội có ra nghị quyết hay không, quan điểm của tôi là tán thành tuyên bố của Bộ Ngoại giao về vấn đề Biển Đông. Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, nếu thấy cần thiết sẽ ra Nghị quyết", ông Nguyễn Hạnh Phúc đáp lại câu hỏi của báo giới.
Quang Phong
Theo Dantri
Đại biểu mong Chính phủ thông tin rõ tình hình Biển Đông Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 5/6, một số đại biểu cho biết, rất muốn nghe Chính phủ báo cáo rõ tình hình thực sự đang diễn ra ngoài Biển Đông và chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề này. Với những hành động Trung Quốc làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông, trong đó có...