Phở Thìn Hà Nội mang 90% hương vị truyền thống ‘cập bến’ Australia
Lấy tay kéo chiếc dù thấp xuống để che đi những hạt mưa, Trương Việt Anh, du học sinh tại trường Kaplan Business, cho biết đã phải đứng chờ gần một giờ đồng hồ để được vào ăn phở Thìn ở Melbourne.
Các bạn trẻ du học sinh Việt Nam tại Melbourne thích thú thưởng thức Phở Thìn 13 Lò Đúc. (Ảnh: Diệu Linh/Vietnam )
Bất chấp cơn mưa kéo dài tại thành phố Melbourne (bang Victoria), hàng dài người đứng xếp hàng vẫn kiên nhẫn chờ đợi để được vào thưởng thức món phở Thìn 13 Lò Đúc, một trong những thương hiệu phở nổi tiếng của Việt Nam, vừa khai trương cửa hàng đầu tiên tại Australia.
Lấy tay kéo chiếc dù thấp xuống để che đi những hạt mưa xiên chéo, tạt vào người, Trương Việt Anh, cậu bạn du học sinh tại trường Kaplan Business School, cho biết đã phải đứng chờ gần một giờ đồng hồ mới đến lượt vào ăn phở.
Nhưng theo chia sẻ của cậu bạn, thời gian chờ đợi này hoàn toàn xứng đáng. Trương Việt Anh nói, sau chuỗi ngày dài sống qua quê hương, đây là lần đầu tiên bạn được thưởng thức lại món phở miền Bắc, ngon và đậm đà như đang dừng chân tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Trọng Thìn – nhà sáng lập thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc. (Ảnh: Diệu Linh/Vietnam )
Cùng cảm nhận như Trương Việt Anh, Nguyễn Hồng Anh, sinh viên Đại học La Trobe, tâm sự đã xa quê hương gần 1,5 năm, nỗi nhớ nhà, nhớ Hà Nội luôn thường trực trong lòng cô bạn.
Nguyễn Hồng Anh từng lang thang khắp Melbourne, nếm thử rất nhiều hương vị phở khác nhau, nhưng có lẽ với bạn không có hương vị phở nào đem lại cảm giác thân thuộc như Phở Thìn Hà Nội.
Cửa hàng Phở Thìn 13 Lò Đúc tại Melbourne là cửa hàng thứ hai được khai trương ở nước ngoài của thương hiệu phở có cái tên rất quen thuộc này.
Video đang HOT
Dù mới chỉ mở cửa thử nghiệm từ ngày 5/9 và sẽ chính thức khai trương vào ngày 19/9 tới đây, nhưng mỗi ngày cửa hàng đã tiếp đến hơn 500 thực khách, với số lượng trung bình lên tới 700 bát phở được bán ra.
Theo tiết lộ từ anh Nguyễn Hoàng Lâm – chủ cửa hàng, nhiều thực khách ngày nào cũng quay lại. Anh Lâm nói Phở Thìn 13 Lò Đúc tại Melbourne có hương vị và công thức chế biến đảm bảo đúng chuẩn của Phở Thìn tại Hà Nội, trong đó mọi khâu chế tác đều được làm thủ công, do chính tay nghệ nhân Nguyễn Trọng Thìn thực hiện.
Cửa hàng Phở Thìn 13 Lò Đúc tại Melbourne thu hút rất đông thực khách tới thưởng thức. (Ảnh: Diệu Linh/Vietnam )
Thậm chí, món tương ớt gia truyền, một trong các bí quyết tạo độ hấp dẫn cho món phở trứ danh này, cũng được làm tại chỗ, hoàn toàn tươi nguyên và không chất bảo quản.
Nguyễn Hoàng Lâm cho biết hoàn toàn không dễ dàng để có thể mở được một cửa hàng phở đúng chất Hà Nội tại Australia. Nơi vốn là một trong những quốc gia hết sức “khó tính” trong các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.
Mọi nguyên liệu trước khi bước vào khâu chế biến đều bắt buộc đạt đủ các yêu cầu về vệ sinh, được bảo quản lạnh và đúng cách, an toàn cho người sử dụng…
Việc sử dụng nguyên liệu đã qua bảo quản thường làm cho hương vị phở bị sai lệch, không còn độ tươi, ngon như được thưởng thức tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thìn – nhà sáng lập của thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc – khẳng định, cũng giống như tại Nhật Bản, nơi Phở Thìn 13 Lò Đúc đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại nước ngoài của mình từ 6 tháng trước, phở Thìn ở Australia 90% giống với phở Thìn đang được bán tại Hà Nội, 10% còn lại sẽ là sự biến tấu, phù hợp với thị trường nước ngoài, nhưng vẫn giữ các nét cơ bản của Việt Nam.
Ông nói: “Nếu cứ cứng nhắc làm theo cách chế biến phở tại Hà Nội, thì tôi tin là không làm được.”
Khi được hỏi vì sao lại quyết định mang phở Thìn 13 Lò Đúc du nhập Australia, ông Nguyễn Trọng Thìn xúc động chia sẻ điều mà ông tâm đắc nhất chính là đã đưa được văn hóa của Hà Nội nói chung và nét đặc trưng của thương hiệu phở do ông sáng lập nói riêng ra thế giới, cụ thể là tới Nhật Bản và Australia.
Các bạn trẻ du học sinh Việt Nam tại Melbourne thích thú thưởng thức Phở Thìn 13 Lò Đúc. (Ảnh: Diệu Linh/Vietnam )
Ông kể: “Lần đầu tiên đưa phở tới Tokyo, khách xếp hàng dài chờ đợi để được vào ăn. Đến cuối giờ, tôi khóc… tôi không nghĩ là việc mình làm nó lại bất ngờ như thế. Thành thử mà nói, tôi cảm thấy tự hào. Nó không phải vì Tokyo, Melbourne hay là bất cứ một thành phố nào, quốc gia nào khác, cứ ai đó làm được điều gì tốt cho đất nước đều có quyền tự hào về cái văn hóa Việt của mình, ít nhất là vậy.”
Nghệ nhân Nguyễn Trọng Thìn “bật mí” sắp tới sẽ tiếp tục đem phở đi chinh phục thêm nhiều thị trường khác nữa trên thế giới. Dự kiến, cuối năm nay, phở Thìn 13 Lò Đúc sẽ có mặt tại Bali, thành phố du lịch nổi tiếng của Indonesia, sau đó là Bồ Đào Nha, Séc và Ba Lan./.
.Theo Vietnamplus
Bánh Trung thu Mai Phương 30 năm lưu giữ hương vị Việt
Hơn 30 năm qua, bánh Trung thu cổ truyền Mai Phương - thứ bánh mang trong mình hương vị truyền thống với lá chanh, mỡ phần, hạt dưa, hạt vừng, vỏ quất, lạp xưởng, mứt bí đao...vẫn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với mỗi người dân Việt.
Khi những cơn gió mùa thu man mác bắt đầu len lỏi qua từng ngõ nhỏ, phố nhỏ, cũng là lúc nhà nhà chuẩn bị đón tết Trung thu ấm áp bên gia đình. Tết trung thu đi vào lòng người dân Việt như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Trong tiềm thức của mỗi người, trung thu là ánh đèn lung linh từ những chiếc đèn lồng đủ hình thù của những đứa trẻ, là màn múa lân đầy sôi động với những nhịp trống rộn ràng...Nhưng có lẽ, chỉ có bánh Trung thu mới có thể chứa đựng đầy đủ nhất hương vị và ý nghĩa của ngày Rằm tháng Tám.
Chẳng biết tự bao giờ, thứ bánh kỳ diệu ấy đã xuất hiện trên mâm cỗ trông trăng của mỗi người dân Việt Nam. Đây không chỉ là một loại quà bình thường mà nó còn mang ý nghĩa cho sự đoàn viên, là biểu tượng của sự ấm no, hạnh phúc. Chính vì vậy, trong ngày tết Trung thu, dù giàu hay nghèo thì mỗi gia đình đều có cặp bánh nướng, bánh dẻo để cúng ông bà tổ tiên, trời đất, sau là để con trẻ phá cỗ trông trăng.
Ra đời hơn 30 năm qua, Cơ sở sản xuất bánh Trung thu cổ truyền Mai Phương (tại 115 Pháo Đài Láng, Hà Nội) của bà Vũ Thanh Hằng, cựu nhân viên Cửa hàng ăn uống 109 Hàng Buồm, Hà Nội từ lâu đã là một địa chỉ tin cậy với không ít người Hà Nội.
Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Trung thu, hàng trăm thương hiệu bánh Trung thu nổi tiếng lại được tung ra thị trường len lỏi đến khắp mọi ngóc ngách, phố phường Hà Nội. Nhân bánh được làm rất đa dạng, có những thương hiệu còn tung ra thị trường những sản phẩm bánh Trung thu mới lạ, giá tiền triệu để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trong cuộc cạch tranh với những thương hiệu nổi tiếng, cứ ngỡ những chiếc bánh cổ truyền sẽ bị "lãng quên", bị người tiêu dùng "từ bỏ", nhưng với bà Hằng những chiếc bánh Trung thu do bà tự tay làm ra chưa bao giờ phải chịu cảnh như vậy.
Mùa trung thu năm nay, Mai Phương mời bạn cùng đặt chân lên chuyến tàu trở về Tết trung thu trong miền kí ức ngủ quên. Miền kí ức có thu Hà Nội man mác hương thạch thảo, miền kí ức cùng những hương vị bánh cổ truyền, với mứt bí, hạt dưa, chén trà thanh đạm đêm trăng rằm.
Với 6 hương vị thuần khiết thiên nhiên: Thập cẩm trứng muối; Thập cẩm lạp xưởng; Thập cẩm dăm bông; Thập cẩm gà quay; Đậu xanh hạt dưa và Đậu xanh trứng mặn. Bạn có thể thỏa sức lựa chọn những hương vị mình yêu thích khi tìm đến bánh Trung thu Mai Phương.
Khi mới lên 9, lên 10, người con gái Thụy Khuê ngày ấy đã được mẹ dạy cho cách làm bánh dẻo, bánh nướng. Mẹ bà là một đầu bếp, một nghệ nhân làm bánh nổi tiếng, gia đình đã nhiều đời làm bánh Trung thu nên từ nhỏ bà Hằng đã được thừa kế những bí quyết, kinh nghiệm quý.
Lớn lên, bà theo học một trường ăn uống ở Hà Nội, ra trường bà đi làm hơn 12 năm cho Cửa hàng ăn uống 99 Hàng Buồm. Bà lấy chồng về Pháo Đài Láng và mang theo bí quyết làm bánh Trung thu gia truyền.
Để tồn tại, lưu giữ được nét truyền thống, những người như bà Hằng không khỏi trăn trở, băn khoăn. Nhiều đêm, bà mất ăn, mất ngủ vì sợ hương vị truyền thống mà cha ông để lại bị mai một. Thế rồi, cứ đến dịp Trung thu, bà lại chuẩn bị hương liệu mang khuôn ra để làm. Có năm, bà làm chỉ để cho đỡ nhớ nghề, làm để ăn vì khách hàng trước đây của bà đang chạy theo thị hiếu hàng hiệu. Có những lúc, bà phải họp bàn với các con xem có nên chạy theo thị hiếu mà thay đổi nhân bánh hay không? Và cuối cùng, bà và các con đã chọn cách giữ lại hương vị truyền thống.
Được biết, tên cơ sở được bà Hằng lấy tên của cô con gái Mai Phương để đặt. Điều đặc biệt là, bên trong Cơ sở bánh Trung thu cổ truyền Mai Phương, ngoài chiếc máy nướng bánh, máy đóng gói, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công bằng tay, hàng chục chiếc khuôn bánh đủ các loại, có những chiếc khuôn cổ đã tồn tại hàng chục năm nay.
Và để làm ra những chiếc bánh Trung thu cổ truyền thơm ngon, đúng vị, bà Hằng đã phải lặn lội về tận Nam Định, tìm mua gạo nếp cái hoa vàng ngon nhất. Ngũ nhân gồm thịt mỡ phần, lạp xưởng, mứt bí, vừng...ít lá chanh thái nhỏ. Bà Hằng cho biết, muốn có được chiếc bánh ngon, chiếm được cảm tình của những người khó tính nhất thì nguyên liệu phải được chọn lựa kỹ càng, cẩn thận.
Khu nhà nơi bà Hằng làm bánh chỉ vẻn vẹn chưa đầy trăm mét vuông, nhưng được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, chiếc bàn đúc bánh được làm bằng inox bóng loáng, chum ché đựng hương liệu được sắp xếp chỉn chu. Mỗi năm, nhà bà chỉ sản xuất một vụ vào giữa tháng 7 đến hết rằm trung thu, thợ thuyền đều là anh em, con cháu trong nhà, mỗi người một việc, người trộn nhân, người nướng bánh, người đóng gói. Ai nấy đều hối hả làm việc và cùng nhau cố gắng lưu giữ hương vị truyền thống mà cha ông đã truyền lại.
Khác hẳn với mùi vị hóa chất của những chiếc bánh công nghiệp, những chiếc bánh Trung thu Mai Phương có hương nồng tự nhiên từ quất non, lá chanh kết hợp với rượu Mai Quế Lộ được chưng cất bằng công thức gia truyền được gìn giữ hàng trăm năm không được tiết lộ. Đặc biệt là cái vị đậm đà cuốn hút đến từ các nguyên liệu tự nhiên, được chọn lọc kĩ lưỡng với sắc trắng trong của bánh dẻo, vàng óng của bánh nướng.
Đặc biệt, ngoài hương vị của ngũ nhân truyền thống, mỗi chiếc bánh đều được nâng niu, làm ra bằng cả trái tim, cả tâm huyết của người thợ. Vì thế, mặc cho những chiếc bánh ngoại nhập đắt tiền xuất hiện thì nhiều người dân Hà Thành vẫn lưu nhớ và tìm về với hương vị bánh truyền thống nơi đây.
Theo Phapluat
Bánh Trung thu truyền thống hút khách Chị Trịnh Thị Vân, chủ cửa hàng bánh Trung thu trên phố Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định cho biết, các loại bánh nhân đậu xanh, sen nhuyễn, khoai môn, thập cẩm tiêu thụ mạnh. Các sản phẩm bánh Trung thu với hương vị truyền thống được bày bán tại siêu thị. Ảnh minh họa : Hằng Trần/BNEWS/TTXVN Cận kề ngày Tết...