Phố Tàu ở Hạ Long: Lãnh đạo Sở lên tiếng
“Do Hạ Long có rất nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc, Đài Loan và cộng với sự thiếu hiểu biết của người dân kinh doanh nên đua nhau biển hiệu in chữ Trung Quốc”.
Ông oàn Mạnh Linh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh giải thích nguyên nhân “phố ta hóa… phố Tàu” ở TP. Hạ Long.
Như tin đã đưa, tuyến đường du lịch chạy dọc bãi biển Bãi Cháy của TP. Hạ Long giống một khu phố Tàu bởi đầy rẫy biển hiệu in chữ Trung Quốc.
Chưa đầy một cây số trên tuyến đường mang tên Hạ Long của TP. Hạ Long, có thể thấy hàng chục biển hiệu khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm… in đầy chữ Trung Quốc. Ngay biển hiệu của hai khu mua sắm lớn nhất dành cho du khách đến Hạ Long là Chợ đêm Hạ Long và Siêu thị Thanh Niên cũng “chú thích” dòng chữ Trung Quốc nổi bật hơn cả dòng chữ Việt.
Chợ đêm Hạ Long với dòng “chú thích” bằng chữ Trung Quốc lớn hơn chữ Việt (Ảnh: Hồng Nhung)
Đại diện Sở VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh, ông oàn Mạnh Linh thừa nhận hiện tượng này đang diễn ra phổ biến ở một số điểm du lịch tỉnh Quảng Ninh như Móng Cái, Hạ Long…
Ông Linh cho biết, nguyên nhân tình trạng này là do tại những địa điểm này, khách du lịch đến từ Trung Quốc và Đài Loan rất nhiều nên người kinh doanh thường in biển quảng cáo bằng chữ Trung Quốc để thu hút lượng khách này.
“Người dân không làm biển quảng cáo có chữ tiếng Anh bởi phần lớn khách du lịch Trung Quốc đến đây không biết tiếng Anh. Trong khi đó, người dân lại muốn gây sự chú ý trực tiếp vào lượng du khách đông đảo đến từ Trung Quốc”, ông Linh nói.
Bên cạnh đó, phải kể đến sự kém hiểu biết pháp luật của người dân, cùng với tâm lý ganh đua, thấy nhà này làm biển quảng cáo chữ Trung Quốc, nhà bên cạnh cũng làm, người sau cố làm to hơn người trước…
Biển hiệu quảng cáo ghi chữ Trung Quốc san sát nhau ở Hạ Long (Ảnh: Hồng Nhung)
Video đang HOT
Ông Linh cho rằng, để diễn ra hiện tượng như vậy, có phần trách nhiệm của ngành VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh. Bản thân Sở đã tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra, ra quân dẹp các sai phạm trên, trung bình mỗi quý có 3 đợt ra quân kiểm tra. Qua quá trình kiểm tra, Sở cũng đã xử phạt nhiều đơn vị sai phạm.
“Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra đến nhắc nhở, dẹp biển quảng cáo sai phạm, nhưng sau đó lại đâu vào đấy, người dân vẫn tiếp tục vi phạm”, ông Linh nói.
Bên cạnh đó, do địa bàn tỉnh rộng, trong khi lực lượng thanh kiểm tra mỏng nên vẫn còn những nơi sai phạm. Ngoài ra, trong quá trình đoàn kiểm tra làm việc cũng vấp phải sự thiếu hợp tác của một vài hộ dân. Nhiều hộ dân vì muốn đạt hiệu quả kinh doanh mà sẵn sàng làm sai luật, phản ứng lại với cán bộ thanh kiểm tra.
Đại diện Sở VH-TT và DL cho biết, đầu tuần tới, Sở sẽ tổ chức ra quân dẹp các sai phạm biển hiệu quảng cáo tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ có những biện pháp tuyên truyền giáo dục để người dân kinh doanh đúng pháp luật.
Khoản 2, Điều 18 của Luật Quảng cáo quy định: Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt; Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Theo Khampha
Làng nghề Việt hay "phố Trung Quốc"?
Làng nghề mộc truyền thống từ hàng trăm năm của Bắc Ninh đang dần bị biến thành... "khu phố tiếng Tàu".
Đi dọc con đường làng vào thôn Đông và Phù Khê Thượng (Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp hàng loạt biển hiệu "lạ". Những tấm biển hiệu tràn ngập tiếng Trung xen giữa tiếng Việt ở những xưởng sản xuất gỗ, công ty vận tải, cửa hàng ăn, nhà nghỉ...
Đường liên xã Phù Khê - Hương Mạc như một "khu phố" của người Trung Quốc với các biển hiệu chữ Trung và chữ Việt đan xen nhau
Theo Phó chủ tịch UBND xã Phù Khê, đây là nơi có nghề mộc truyền thống từ hàng trăm năm nay. Hiện xã có hơn 20 công ty và hơn 2.000 hộ với hàng chục ngàn người tham gia sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Sản phẩm gỗ ở đây được sản xuất từ các loại gỗ quý như: gỗ trắc, gụ, hương, mun.. nên giá thành rất cao và chủ yếu xuất đi Trung Quốc.
Rẽ vào một cửa hàng đồ gỗ ở thôn Đông, chúng tôi gặp chị Nguyễn Kim Cúc (30 tuổi) chủ cửa hàng. Chị Cúc cho biết gia đình sản xuất và bán đồ gỗ được 4 năm, mặt hàng chủ yếu là bàn ghế bằng gỗ trắc cao cấp. Nhìn lên tấm biển ghi hai thứ tiếng, chị giải thích: "Toàn bộ sản phẩm làm ra đều được người Trung Quốc đến tận nơi thu mua nên biển hiệu cũng phải có tiếng Trung để họ dễ nhận biết mà tìm đến. Hồi mới mở cửa hàng, tôi nhờ một người giỏi tiếng Trung trong làng dịch hộ rồi đem lên thị xã đặt làm". Chị Cúc còn cho biết thêm mình mới đi học một khóa tiếng Trung giao tiếp.
Hoạt động mua bán đồ gỗ chủ yếu diễn ra về chiều, từng tốp người bước ra từ các nhà nghỉ. Họ đi bộ đến các cửa hàng gỗ hỏi han, xì xồ ngã giá bằng tiếng Trung.
Bằng giọng nói tiếng Việt khá sõi, một lái buôn tên Nán (34 tuổi, đến từ tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc) cho hay đã ở Việt Nam được hơn 2 năm, đang thuê nhà tại thành phố Bắc Ninh.
"Mình thường xuyên sang mua hàng, mua được nhiều nhiều thì thuê ô tô chở về... Mình chỉ nói được thôi, không đọc được chữ Việt, ở đây nhiều chữ nước mình, thấy tiện quá!", lái buôn người Trung Quốc nói.
Anh Nán - một trong rất nhiều lái buôn người Trung Quốc thường xuyên đến Phù Khê thu mua đồ gỗ
Tò mò hỏi Nán liệu ở Trung Quốc có nơi nào treo biển hiệu nhiều tiếng nước ngoài hay không, Nán mỉm cười, lắc đầu: "Không... không có đâu".
Qua khảo sát, hầu hết những cửa hàng đồ gỗ đều của người dân Phù Khê. Tuy nhiên, không chỉ cửa hàng đồ gỗ mà các nhà nghỉ, công ty vận chuyển, cửa hàng ăn uống đều treo biển hiệu tiếng Trung xen lẫn tiếng Việt. Theo một số người dân ở đây, nhiều người Trung Quốc thuê lại nhà nghỉ, cửa hàng để kinh doanh dịch vụ cho người Trung Quốc.
Anh Đàm Văn Luân, 40 tuổi, chủ một xưởng sản xuất cho biết khoảng từ năm 2000, người Trung Quốc đã về Phù Khê mua đồ gỗ. Càng ngày người Trung Quốc đổ về đây càng đông. Phần lớn họ không biết tiếng Việt nên các biển hiệu đều viết thêm cả tiếng Trung.
Biển quảng cáo dạy tiếng Việt cho người Trung Quốc trên đường vào xã Phù Khê
Anh Luân chia sẻ: "Sản phẩm làm ra chủ yếu xuất đi Trung Quốc, bán trong nước chẳng được baonhiêu. Bởi vậy, dù biết treo biển hiệu thế này nhìn chướng mắt nhưng cũng đành chịu".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Khương, Phó chủ tịch UBND xã Phù Khê cho biết: "Thường xuyên có khoảng hơn 100 người Trung Quốc đăng ký tạm trú tại xã. Họ về đây mua đồ gỗ rồi vận chuyển về nước. Một số người Trung Quốc cũng mở các dịch vụ như cửa hàng tạp hóa, nhà nghỉ, quán ăn... phục vụ người nước họ".
Khi chúng tôi hỏi thêm về hiện tượng chữ tiếng Trung tràn ngập trên biển hiệu. Vị phó chủ tịch xã giải thích người dân buôn bán với người Trung Quốc nên treo biển hiệu như vậy để tiện giao dịch. Sau đó, ông Khương lấy lý do đang bận, không thể trao đổi tiếp với chúng tôi.
Công việc sản xuất và buôn bán gỗ với thương lái Trung Quốc đem lại cuộc sống khá giả cho người dân Phù Khê. Nhưng nó cũng dần biến một làng nghề truyền thống xứ Kinh Bắc thành " khu phố Trung Quốc ".
Một cửa hàng ở thôn Đông - Phù Khê đặt biển cố định duy nhất một loại chữ Trung Quốc
Biển chỉ dẫn bằng tiếng Trung ở thôn Đông - Phù Khê
Công ty vận tải của người Trung Quốc dày đặc chữ tiếng Trung
Chữ Trung Quốc được đặt trước chữ tiếng Việt sai quy định
Theo Luật Quảng cáo 2012, các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Theo Khampha
Lặng ngắm đêm Hạ Long đẹp mê hồn Nếu đã đến Quảng Ninh, ngoài hành trình trên du thuyền khám phá Vịnh Hạ Long kỳ vỹ, tản bộ dọc bãi biển dưới ánh nắng vàng hay dạo quanh những khu chợ hải sản..., hãy thử một lần lang thang thành phố khi màn đêm buông xuống. Khi sự nhộn nhịp của ban ngày biến mất, Hạ Long chìm vào những giây...