Phở sắn
Phở sắn mang đặc trưng hương vị ẩm thực của cư dân các vùng trung du miền núi xứ Quảng – nơi mà đời sống người dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng, nương rẫy.
Để làm được một tấm phở sắn thơm ngon, giữ được hương vị và nguyên vẹn màu trắng phải chuẩn bị khá công phu từ khâu làm bột sắn. Đầu tiên sắn (miền Nam gọi là khoai mì) thu hoạch về, chọn những củ tinh bột nhiều, bào bỏ vỏ, xắt lát dày, ngâm nước một tuần cho hết nhựa mới rửa sạch đem phơi khô và xay thành bột. Mỗi lần làm phở sắn phải cho bột sắn vào nước lạnh, khuấy đều lên để cho bột lắng xuống và chắt lớp nước trên mặt đi, làm như vậy cho đến khi nước đứng ở trên không còn đục. Lọc xong cho vào nồi khuấy chín thành hồ rồi cho ra thau để nguội. Múc bột đổ lên khuôn dàn thật đều, phía trên dùng đòn chân tác dụng một lực lên chày, chày ép xuống khuôn, bên dưới đáy khuôn có đục các lỗ tròn nhỏ, phở thoát ra từ các lỗ nhỏ ấy. Bên dưới cần có một người khéo tay dùng tấm vỉ tre đưa thật đều tay để cho các sợi trải đều trên vỉ. Cuối cùng mang bánh phở đi phơi khô.
Món phở sắn ăn kèm cá lóc có hương vị ngon ngọt đậm đà – Ảnh: Thanh Ly
Phở sắn được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhưng ngon nhất vẫn là món phở nước. Bẻ tấm phở làm nhiều phần, ngâm vào nước sôi để nguội hoặc nước hơi ấm khoảng năm phút cho phở vừa mềm, vớt ra rổ để cho ráo nước rồi cho vào tô, chan nước nhưn ăn với rau sống như kiểu mì Quảng hoặc cao lầu. Điều đặc biệt hấp dẫn được người ăn từ tô phở sắn chính là hương vị ngọt đậm đà của nước nhưng được hòa quyện với từng sợi phở dai dai, bùi bùi. Thường nước nhưn được chế biến từ những con cá xứ biển như cá ngừ, cá thu nhưng ngon nhất vẫn là cá lóc. Muốn nấu nước nhưn ngon thì cá lóc phải là cá lóc đồng, nếu cá có trứng thì càng tuyệt vời. Cá lóc được làm sạch, thái lát, ướp gia vị gồm dầu ăn, nghệ tươi giã nhuyễn, ớt bột, muối, tiêu, đường và bột ngọt. Um cá thật thấm, thêm nước và gia vị cho vừa miệng. Xương và đầu cá lóc không bỏ đi mà giã nhuyễn, cho nước vào lọc bỏ xác thêm vào nồi nhưn. Nước lấy từ xương và đầu cá sẽ làm nước nhưn ngọt hơn.
Ăn phở sắn mà thiếu rau sống sẽ không ngon miệng. Rau sống ăn đúng điệu phải là hỗn hợp nhiều loại rau, từ cây cải non đương nụ, cọng giá trắng tươi, rau muống non xanh chẻ nhỏ, lá hành chọn nơi gần củ có màu đậm, xà lách chọn lá xanh lợt, ngò ta xắt dài để ngọn, tất cả trộn đều với chuối cây xắt mỏng.
Video đang HOT
Theo người lao động
Nhớ hoài bánh khoai mì nướng!
Tất bật nơi thành phố đông đúc, đôi lúc trên đường đi làm bắt gặp xe bánh khoai mì nướng nơi hè phố, chạnh nhớ quê nhà da diết. Và nhớ thứ bánh khoai mì nướng ngày xưa má hay làm - thứ "bánh con nhà nghèo".
Bánh khoai mì nướng - Ảnh: Thanh Tâm
Nhớ thời bao cấp, đất nước còn khó khăn, cuộc sống ba má tôi sống ở nông thôn khá vất vả. Hằng ngày ba phải quần quật ra vườn cuốc đất trồng khoai để lo cho bốn miệng ăn. Vì thế, bữa cơm trong gia đình thường độn bắp, khoai, bo bo... Cuộc sống tuy thiếu thốn mọi bề nhưng ba má tôi vẫn luôn lạc quan và cố gắng lo cho hai con được đến trường.
Tôi còn nhớ mỗi sáng trước khi đi học, má tôi thường luộc khoai mì để chị em chúng tôi lót dạ. Nhìn dĩa khoai mì luộc, ba tôi đùa: "Nhà không tiền "khoái ăn sang" phải không các con?". Nghe câu nói vui của ba mới đầu tôi không hiểu, nhưng sau đó "ngộ" ra, cả nhà đều cười ồ! Ăn mãi một món cũng ngán, đôi lúc má còn làm bánh tằm khoai mì hay bánh khoai mì nướng cho mấy chị em thưởng thức.
Nghe món bánh khoai mì nướng chắc nhiều người liên tưởng đến thứ bánh "cao cấp, sang trọng" làm bằng bột mài khoai mì có thêm đường, hột gà, đậu xanh, nước cốt dừa, sữa, vani... đổ vào khuôn nướng chín vàng, thơm ngon và hấp dẫn. Nhưng không phải thế, thứ bánh khoai mì nướng má tôi làm chỉ là một thứ "bánh con nhà nghèo".
Tôi còn nhớ hôm nào làm món bánh này là sau bữa cơm chiều hôm trước má đã tỉ mẩn ở dưới bếp chọn những củ khoai mì to (có nhiều tinh bột) đem lột vỏ ngâm nước trước một đêm. Sáng hôm sau, má thức dậy sớm cho khoai mì vào nồi luộc chín cùng một ít lá dứa cho có mùi thơm. Khoai mì chín vớt ra rổ để nguội. Dừa rám vỏ nạo sẵn thì để ra tô, mè (vừng) rang sẵn để ra dĩa, trộn cùng với muối, đường...
Khi các thứ đã chuẩn bị xong, má tách đôi từng củ khoai mì đã luộc chín, bỏ xơ, cho vào cối quết nhuyễn cùng hỗn hợp nêu trên. Nêm nếm trước cho vừa khẩu vị. Tiếp đến, má vò khoai mì đã quết thành từng viên bánh tròn (cỡ nắm tay) và dùng thớt nhỏ ép dẹp xuống trông như chiếc bánh pía.
Bếp hồng đã sẵn sàng. Tay má thoăn thoắt xếp từng chiếc bánh lên vỉ với ngọn lửa riu riu. Khi mặt dưới của bánh chuyển thành màu vàng nâu, má nhanh tay trở mặt trên xuống, đến khi hai mặt vàng đều nhau là bánh chín. Má lấy bánh xếp ra dĩa. Nhìn chiếc bánh hấp dẫn tỏa mùi hương thơm ngát, chị em chúng tôi không nhịn được cơn thèm, vội vàng xin má một cái để ăn.
Cầm chiếc bánh khoai mì nướng cho vào miệng nhai một cách chậm rãi. Mùi thơm thoảng của bánh hòa lẫn với vị ngọt, béo của bột khoai mì, đường, dừa nạo... lan tỏa khắp giác quan tạo thành một "hợp khúc" dân dã "chân quê", ngon khó tả!
Giờ tôi đã có gia đình riêng và sống nơi thành phố. Như giọt nước mưa chảy xuôi từ trên mái nhà xuống, tôi luôn tất bật công việc cơ quan cùng với việc chăm sóc con cái ở nhà nên ít khi về thăm ba má, trừ dịp lễ, tết. Đôi lúc trên đường đi làm bắt gặp người bán bánh khoai mì nướng nơi hè phố, chạnh nhớ về quê nhà da diết.
Nhớ ba vất vả một nắng hai sương nơi liếp rẫy, nhớ má gầy yếu nhưng vén khéo trong việc nội trợ. Và nhớ nhất là bàn tay má vò từng chiếc bánh khoai mì, nướng trên bếp than cho chị em chúng tôi ăn mỗi sáng đến trường!
Theo thanh niên
Bánh khoai mì nướng kiểu Miền Nam Bánh có vị thơm thơm, bùi béo của dừa, vỏ ngoài của bánh hơi giòn giòn, là một món bánh dân dã rất phổ biến của miền Nam. Nói chung với món bánh khoai mì này, nguyên liệu cực kì đơn giản. Bạn chỉ cần chuẩn bị những củ khoai mì (chính là củ sắn), cùi dừa, đường và lá dứa rồi đem...