Phố nhạy cảm: công khai để cán bộ không mon men
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng khi đề xuất thành lập “ phố nhạy cảm”, sẽ có rất nhiều cán bộ, công chức không dám đến mà chỉ thích hoạt động ngầm.
Quản lý được công chức
Trước việc Cục Phòng chống tệ nạn TP.HCM đề xuất thí điểm “phố nhạy cảm”, trao đổi bên hành lang QH sáng nay, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết, ông ủng hộ chủ trương vì vừa hạn chế được các tệ nạn xã hội, bảo vệ được phụ nữ và vừa bảo vệ thuần phong mỹ tục
“Ở ta không muốn công nhận, không thích công nhận nhưng thực tế lan tràn khắp nơi và bất lực không thể ngăn chặn được, hiện trạng ngày càng tăng.
Những người trực tiếp hành nghề không được bảo vệ, bị các ma cô, đầu gấu bắt nạt, ức hiếp, không được bảo vệ sức khoẻ từ đó ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng vì không có giám sát”, ĐB Nghĩa nêu thực tế.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Khi gom thành “phố nhạy cảm” sẽ có rất nhiều người không dám lui tới, đặc biệt là các cán bộ công chức. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo ĐB, Việt Nam đã chấp nhận nhà nước pháp quyền, chấp nhận hội nhập, chấp nhận đất nước văn minh lên thì phải chấp nhận có khu phố riêng để quản lý các hoạt động nhạy cảm. Nhiều nước trên thế giới đã làm, ngay như Cuba cũng đã áp dụng.
“Chúng ta nên học tập kinh nghiệm của các nước, còn cách làm thì phải có đề án một cách khoa học, có sự chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị dư luận và phải có nghiên cứu cho phù hợp với đặc điểm, tâm lý của con người Việt Nam”, ông Nghĩa đề xuất.
Ông Nghĩa cho rằng, khi gom lại để quản lý sẽ có rất nhiều người không dám lui tới các con phố này, đặc biệt là các cán bộ công chức.
Đồng quan điểm, ĐB Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH dẫn chứng, nhiều nước khi đưa hoạt động nhạy cảm vào khu phố để quản lý, không những quản lý được người hành nghề mà còn quản lý được cả cán bộ công chức.
“Nếu cán bộ công chức “mon men” đi vào khu đó, có nghĩa là có vấn đề”, ông Tiến nói.
Tuy nhiên ông Tiến cho rằng cán bộ công chức “lách” rất giỏi.
“Vừa rồi Hải Phòng rộ lên chuyện ở Đồ Sơn, nhiều người nói làm như thế có thuận lợi, đặc biệt với các tỉnh có khách du lịch nước ngoài. Chúng ta cũng quản lý được cán bộ công chức đi xe biển xanh qua đó nhưng cái dở là người ta sẽ lách luật rất nhiều, thay biển xe…”, ĐB nêu.
Video đang HOT
Ông Tiến lưu ý, cần phải nghiên cứu kỹ các giải pháp vì nếu thả lỏng như hiện nay, tình trạng hút sách, mại dâm khắp các gốc cây, góc phố thì còn hại hơn rồi, phụ nữ Việt Nam chạy sang các nước biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan… để hành nghề và chúng ta cũng không thể quản lý được.
Công khai để không dấm dúi
Xung quanh những tranh cãi về tên gọi “phố nhạy cảm” hay “đèn đỏ”, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khẳng định đó chỉ là về mặt từ nghữ. Bản chất là như nhau. Bản chất như thế nào mới là quan trọng.
“Theo tôi, phải gọi đúng cái tên theo bản chất, không nên né tránh”, ông nói.
Ông Vinh cho biết ông ủng hộ đề xuất của TP.HCM cần phải có những khu đó để quản lý chắc chắn, ngoài khu đó ra thì phải xử lý hình sự.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh, mại dâm đã tồn tại thì phải quản lý để định hướng tốt, giảm bớt hậu quả xã hội. Trước mắt chưa thể luật hóa ngay được nhưng tương lai phải nghiên cứu.
ĐBQH Bùi Thị An
“Giờ chưa công nhận, công khai thì hãy nên cho vào một cụm thí điểm để quản lý. Đầu tiên là quản lý về người bán, người mua, kiểm soát y tế, lâu dài nếu trở thành ngành công nghiệp thì có thể thu thuế. Việc công khai theo tôi có cái lợi nữa là những người đến sẽ giảm đi thay vì cứ “dấm dúi” như bây giờ”.
Tuy nhiên bà An cho rằng, khi triển khai chắc chắn sẽ vấp phải những rào cản về mặt tâm lý của chính những người trong cuộc cũng như dư luận xã hội bởi nước ta chưa công nhận mại dâm là một nghề. Tâm lý của người có nhu cầu cũng không muốn công khai, chỉ muốn “tàu ngầm”.
“Cần phải có hướng dẫn, chuẩn bị tâm lý cho họ. Bộ LĐTB&XH sẽ phải chịu trách nhiệm chính và ngành dọc là Sở”, bà An nêu quan điểm.
Theo Vietnamnet
Lập khu 'nhạy cảm' chứ không cho phép mại dâm
Ông Lê Minh Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐTBXH khẳng định như vậy khi trao đổi về đề xuất lập khu "nhạy cảm" thí điểm tại TP HCM.
Khu vực nhạy cảm
Ông Lê Minh Qúy nói: Nếu lập khu "nhạy cảm", tập trung các ngành nghề trong một phạm vi nhất định, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm sẽ dễ dàng hơn. Các tổ chức, cá nhân được khuyến khích bằng giá thuê nhà, đất, ưu đãi về thuế, lãi suất cho vay... buộc phải tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật. Được ưu đãi rồi, tạo điều kiện kinh doanh rồi mà vi phạm thì sẽ có quy định xử phạt nặng hơn.
Ngoài việc xử lý hình sự, những người liên quan trực tiếp có thể bị ngừng, cấm kinh doanh có thời hạn, vĩnh viễn trong khu vực này sẽ khiến người kinh doanh chắc chắn vì lợi ích của chính họ mà phải nghiêm túc thực hiện.
Mục tiêu cao nhất đặt ra là làm sao kéo giảm tình trạng mại dâm và đảm bảo an toàn về sức khỏe con người, tránh lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội, cùng với đó là đảm bảo về an ninh trật tự.
Cơ quan chức năng kiểm tra hành chính một nhà hàng karaoke có dấu hiệu vi phạm trên đường Phạm Viết Chánh, Q.1, TP.HCM.
- Việc lập khu "nhạy cảm" có phải nhằm hợp thức hóa mại dâm hay không, thưa ông?
Không. Khu "nhạy cảm" sẽ chỉ là nơi tập trung các dịch vụ "nhạy cảm" chứ không có nghĩa cho phép mại dâm, kích dục trong khu vực này.
Thực tế cho thấy hầu hết quận, huyện trên địa bàn TP đều tồn tại các điểm kinh doanh nhạy cảm như karaoke, massage, hớt tóc gội đầu thanh nữ... Đây là những điểm nóng, diễn biến phức tạp cả về an ninh trật tự lẫn nạn mại dâm, HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Do đó, theo quan điểm cá nhân tôi, nên tập trung lại cho dễ quản lý, giám sát, đảm bảo các quy định về an ninh trật tự, điều kiện kinh doanh, vệ sinh môi trường, sức khỏe người lao động và tránh các bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp.
Nếu không cho phép mại dâm, lập khu vực "nhạy cảm" tập trung để làm gì?
Các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm hiện nay có tiếp viên nữ là chủ yếu, ngoại trừ việc mại dâm, kích dục bị pháp luật cấm thì các hành vi tương đối nhạy cảm khác, ví dụ như ngồi gần khách hàng phục vụ đồ ăn, nước uống, nói chuyện, ca hát, đụng chạm tay chân... pháp luật không cấm.
Nếu chúng ta quản lý chặt, giám sát tốt thì hành động nhạy cảm chỉ dừng lại ở mức không vi phạm pháp luật như thế, còn không thì không thể quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý tốt được.
Nếu chúng ta cho phép thí điểm thành lập khu tập trung các ngành nghề kinh doanh "nhạy cảm" này, chứ không lập khu vực "nhạy cảm" ngay lập tức để tự do kinh doanh các ngành nghề này trên diện rộng, các cá nhân và tổ chức nếu muốn kinh doanh có thể đăng ký tham gia, đảm bảo chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Khi tập trung trong một phạm vi nhất định, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm sẽ dễ dàng hơn.
Sau thời gian thí điểm có thể tổng kết, xem xét cái được, cái mất để tính toán tới việc cho phép thực hiện mô hình tương tự trên cả nước hay không. Không chỉ cá nhân tôi có quan điểm này, mà nhiều người, trong đó có cả những người có trách nhiệm, cũng đồng tình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà họ chưa công khai quan điểm.
Theo ông, khu vực nào tại TP HCM phù hợp để thành lập khu vực "nhạy cảm"?
Tôi cho rằng Bình Quới Thanh Đa (quận Bình Thạnh) là khu vực rất phù hợp để thí điểm mô hình này bởi chỉ có đường độc đạo ra vào trên bộ, dễ kiểm soát, quản lý về mọi mặt.
Hơn nữa, khu vực này gần trung tâm TP, lại tách biệt với đời sống của người dân, diện tích đủ lớn để xây dựng các mô hình thí điểm tập trung, mỗi ngành nghề nhạy cảm.
Ngoài ra, khu vực Cần Giờ cũng được nhiều người gợi ý, tuy nhiên địa điểm này quá xa, khó thu hút được khách hàng nên khả năng xây dựng mô hình thí điểm ở đây khó khả thi.
Nếu được cơ quan thẩm quyền đồng ý, theo ông, nên làm thế nào?
Nếu TP. HCM đồng tình với ý kiến của tôi, TP sẽ lập đề án cụ thể trình Quốc hội và Chính phủ.
Trong đề án cũng giống như đề án về giải quyết vấn đề người nghiện không nơi cư trú mới đây hay việc cưỡng bức chữa bệnh với người nghiện trước đó. Có thể di dời toàn bộ các hộ dân của khu vực để thực hiện đề án.
Trong trường hợp Quốc hội, Chính phủ không cho phép tiếp tục sau khi thử nghiệm, khu vực này cũng có thể phát triển rất nhiều mô hình khác, có lợi cho nền kinh tế, văn hóa, thể thao TP.
Đây chỉ là đề xuất ban đầu để các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu về một giải pháp tổng thể cho vấn nạn mại dâm, chứ chưa phải đề án được nghiên cứu đầy đủ nên nói chi tiết về từng việc là rất khó.
Mục đích của tôi là đưa ra gợi ý về giải pháp để đảm bảo kéo giảm mại dâm, hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS, bệnh xã hội và đảm bảo an toàn trật tự xã hội.
Ngoài giải pháp này ra, tôi chưa nhận thấy một giải pháp nào khả thi để đảm bảo thực hiện được mục tiêu kéo giảm mại dâm và đảm bảo các yếu tố khác.
Theo DVO
TP.HCM đề xuất tiếp về 'khu nhạy cảm' Một trong những lý do được đưa ra là ngăn chặn triệt để mại dâm là điều không tưởng. Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM, tiếp tục đề xuất thành lập khu dịch vụ nhạy cảm tại hội nghị tổng kết năm năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại...