Phở Nam Định
Nhà văn Chu Văn từng bảo rằng nghề làm phở phát tích từ thôn Rao Cù huyện Nam Trực của tỉnh Nam Định hỏi các ông chủ tiệm phở ở Sài Gòn ở cả Vientian (Lào)… thì y như rằng cứ mười ông có chín ông gốc quê Nam Định!
Bây giờ thì khắp các nơi, Hà Nội, Hải Phòng… đâu đâu cũng nhan nhản những biển hàng “Phở gia truyền Nam Định”. Nhưng Nam Định có thật là quê hương của phở không thì lại là chuyện khác.
Dân nghiện phở ở Nam Định than phiền là phở Hà Nội không ra gì. Còn người Hà Nội lỡ có một lần ăn phở ở bến ôtô hay nhà ga Nam Định thì mang ấn tượng xấu mãi.
Ở Nam Định có hai hàng phở cùng có tên là Đán. Một Đán gầy, một Đán béo. Lần đầu tiên đến cái hàng phở nằm ở bên ngách chợ Rồng, tôi lấy làm ngờ cái danh tiếng của ông Đán gầy này.
Có độc hai cái bàn dành cho khách, vài cái ghế, một cái bếp lò chỉ như những cái bếp lò vẫn sử dụng cho một gia đình, cái xoong đặt trên bếp cũng vậy. Hai ông bà già dáng chừng như cán bộ công nhân về hưu mới mở ra cái việc phục vụ ăn uống này để thêm tiền chi tiêu, lúc rờ cái thớt, lúc mó con dao, trông thấy cũng đủ sốt ruột.
Khách khứa chả có ai, chỉ có tôi và một anh bạn, thế mà từ lúc chúng tôi ngồi yên vị đến lúc có được một bát phở đặt trước mặt cũng phải mất đến mười lăm phút.
Những lần khác đến ăn, dù có năm bảy người khách ông cũng vẫn chỉ làm với tốc độ ấy thôi. Có khách đến mới thái bánh.
Ông gỡ nhẹ tay từng tấm bánh một đặt xếp lên thớt, dao đưa cũng từng nhát một, nhát một, thái vừa đủ cho một bát hoặc đến hai bát là cùng. Xếp phở vào bát xong ông mới cầm đến miếng thịt treo trên móc.
Video đang HOT
Ông cho nó lên thớt, xoay mãi, ngắm mãi rồi mới hạ từng nhát dao. Thịt thái ra cũng chỉ vừa đủ cho từ một, hai bát. Những lát thịt mỏng, đúng thớ, đều tăm tắp lần lượt được xếp vào trong bát. Rồi rau thơm, rồi nước dùng, rồi đưa tới khách ăn.
Trong lòng bát men sứ trắng như lòng trắng trứng, những sợi phở trắng mềm như lụa, nước trong vắt, nếm thấy ngọt khắp khoang miệng, vài lát thịt nổi vân lên như thớ gỗ nằm hờ hững như một kẻ sĩ thời Đông Chu. Rau thơm thái nhỏ, vài cánh mùi xanh mướt mỏng manh, khách ăn cho thêm một hai lát ớt tươi đỏ thắm vào nữa…
Ăn phở phải ăn với chanh tươi, ớt tươi. Bên trong bát phở là một sự tập hợp hài hòa các màu nguyên, vị nguyên – bất cứ một thứ gì trong đó bị ngả màu là làm hỏng vẻ đẹp, cái ngon của bát phở.
Theo Xinhxinh
Đi ăn phở... chật ở Hà Nội
Đôi khi những đặc điểm nằm bên ngoài món ăn như người bán hàng, hoa văn trên bát đĩa... lại làm tôi nhớ về đồ ăn, thức uống của một miền đất mình từng đặt chân qua. Riêng với phở Hà Nội, không hiểu sao, tôi chỉ thích ăn ở những quán cổ kính và... chật chội.
Một người bạn bắt bẻ tôi, ở Hà Nội cái quái gì chẳng chật, nhà chật, đường chật thì chẳng có lý gì quán phở không chật? Tôi bảo vệ ý kiến của mình: "Chật đến độ phải nhường nhau từng cái ghế, và nếu giờ cao điểm, vai người này phải hích vào cùi tay của người kia cơ! Bạn tôi cười, thế thì chịu sở thích của một con bé... dở hơi!".
Vừa ăn phở vừa nghe "dàn đồng ca"
Quán phở đầu tiên tôi ăn ngày mới đặt chân lên Hà Nội là phở bò Hàng Đồng. Cậu học trò tôi làm gia sư năn nỉ cô giáo: Cô cứ thử ăn một lần đi, ngon hơn mấy cái quán được giới thiệu trên mạng là cái chắc! Và tôi đi ăn thật.
Tô phở đầy đặn tại 23C phố Hai Bà Trưng
Quán nằm ngã tư Hàng Vải và Hàng Đồng, vỏn vẹn 12 mét vuông cho cả chỗ nấu của chủ, chỗ ngồi của khách. Tôi và học trò chọn một cái bàn ngoài vỉa hè cho thoáng, vừa ăn phở vừa nghe tiếng kim loại loảng xoảng của những cửa hàng lân cận. "Thế mới xứng danh là phở Hàng Đồng cô ạ", cậu bé thuyết minh.
Nước phở trong veo, bánh phở mềm, cọng hành xanh, thịt bò không nát cũng không dai. Chúng tôi vắt chanh và thả thêm vài lát ớt đỏ vào bát, cứ thế hai cô trò, mỗi người một đôi đũa, một chiếc thìa rồi xì xụp cho đến khi đáy bát chỉ còn chút nước. Thằng bé đưa giấy lau mồ hôi trên trán và hai sống mũi: Ăn xong ấm cả người!
Thằng bé nhà ở phố Bát Đàn, tuần nào cũng chạy ra quán phở bò này đôi ba lần, không ăn ở đó thì xách cà mên (cạp lồng) mua về cho ông, bà hay em gái. Cháu kể cho tôi nghe, thích nhất nước phở Hàng Đồng, thơm thơm mùi mắm, bánh phở vừa đủ độ dai, không nát. Thịt bò thái vừa đủ mỏng, gắp đủ cho người ăn, ăn đến độ cảm thấy đã miệng thì vừa hết bát. Tôi khâm phục một cậu bé lớp 8 nhưng khá sành phở.
Tiệm phở cổ kính trên phố Hai Bà Trưng rất nhỏ, nên thực khách phải ngồi ngoài vỉa hè
Đến vỉa hè Hai Bà Trưng ăn phở
Chúng tôi tình cờ biết được quán phở nằm ở 23C Hai Bà Trưng sau một chuyến đi chơi bờ hồ tết dương lịch mấy năm trước. Trời mưa phùn rét căm căm, người mệt nhoài, chúng tôi mừng như bắt được vàng khi thấy bên kia đường là một quán phở nằm ngay trên vỉa hè.
Không bàn ghế sang trọng, quán phở mang tên Huy Hoàng đơn sơ với những chiếc ghế nhựa để khách vừa làm bàn, vừa làm ghế. Phần diện tích trong nhà vài mét vuông đủ cho vài người khách ngồi, còn lại phần lớn khách đến được xếp ghế ngồi ngay vỉa hè.
Chúng tôi gọi phở tái chín. Hai tô phở đầy tràn được bưng ra, nhìn thôi đã thấy no nê. Nước dùng hơi ngậy, ngoài lớp hành lá tươi roi rói còn có những khoanh hành tây trắng muốt. Những miếng thịt bò nhìn có dính thêm chút mỡ nhưng ăn không hề thấy ngấy, bánh phở sợi to, mềm mịn. Tôi rưới chút tương ớt, vắt thêm chanh, trộn đều, đủ thấy tất cả các vị chua, cạy, mặn ngọt của tô phở Hà thành chính hiệu
Về sau lên mạng tra cứu, tôi mới biết đây là quán phở nổi tiếng Hà Nội, có từ hàng chục năm trước.
Một câu chuyện kể rằng có một đôi nam nữ yêu nhau thường đến ăn phở ở quán này, đến giờ, khi cậu con trai của họ đã cao hơn bố một cái đầu, cả gia đình vẫn ghé đến 23C Hai Bà Trưng, gọi phở ăn, gặp hôm quán hết chỗ ngồi, nhất định họ đứng chờ người khác ăn xong thì thế chỗ chứ không tìm quán khác...
Theo Tây đi ăn phở xếp hàng
Phở 49 Bát Đàn, cái ngon cũng từ sự đông đúc trong quán - Ảnh: Thúy Hằng
Ông bạn người Thụy Điển của tôi sau một hồi được dẫn đi ăn phở xếp hàng 49 Bát Đàn thì tỏ ra vô cùng phấn khích, anh ta reo lên bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: Rất ngon
Đây là quán phở duy nhất tại Hà Nội có hình thức độc đáo như thời... bao cấp: khách đến phải xếp hàng, đưa tiền trước rồi tự bưng bát phở của mình đến một chỗ ngồi còn trống rồi tự thưởng thức. Quán phở không mở 24/24, chỉ từ 5 giờ 30 sáng đến 10 giờ 30 trưa, từ 17 giờ 30 chiều tới 22 giờ tối, nhưng cảnh xếp hàng thì lúc nào cũng thấy.
Chúng tôi ăn nhiều lần ở quán này và thích nhất phở tái gầu. Một bát phở rất đầy đặn giá chỉ tầm 40.000 đồng. Thịt bò nhìn đã thấy mềm. Hành xanh muốt. Sợi phở vuông, nước dùng trong, ít béo hơn phở Hai Bà Trưng. Húp chút nước, đã thấy trong người ấm sực...
Người khách nước ngoài đi cùng chúng tôi không phải lần đầu tiên ăn phở Việt Nam, nhưng xếp hàng để lấy phở thì đúng là lần đầu tiên. Anh cũng cho thêm ớt, rau thơm vào bát phở sành sỏi như một người Việt chính hiệu. Anh còn làm chúng tôi bất ngờ hơn nữa khi khẳng định rằng, Phở 24 anh từng ăn ở nhiều thành phố tại Việt Nam đúng là có sạch hơn, rộng hơn, người phục vụ tận tình hơn, nhưng độ ngon, thì "phở xếp hàng" vẫn là số 1!
Xa Hà Nội, người ta có thể gặp những nỗi nhớ rất... ẩm thực. Nhớ ô mai Hàng Đường, nhớ trà chanh Nhà Thờ, nhớ caramen dốc hàng Than... Riêng tôi, tôi nhớ những giọt mồ hôi trên trán, dọc sống mũi, trên cằm, khi ngồi ăn phở ở một vỉa hè giữa trưa hay trong một cái quán chật chội, chỉ vừa kê đúng được 2, 3 chiếc ghế, nghe những thanh âm của một Hà Nội bận rộn.
Phở Hà Nội, cái tài tình của món ăn ngon từ miền đất lành đó là đánh thức được trong ta những cảm nhận không chỉ từ vị giác...
Theo ihay
Nhớ phở trộn Hà thành ngày se lạnh Nhâm nhi phở trộn rồi tiện đường rẽ lên bờ hồ là thú hưởng thụ tuyệt vời của người Hà Nội. Nằm trên con phố Trần Hưng Đạo rộng rãi, vắng người là một quán phở vỉa hè không biển hiệu, nhưng ai "sành" hàng quán đều biết tới. Đó là quán phở trộn, một biến tấu khó cưỡng của phở Hà Nội....