Phó Giám đốc Công an TP.HCM: “Người nghiện tự do đi lại…sao quản nổi?”
- Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, cho phép người nghiện tự do đi lại, mà lại bắt quản lý người nghiện trên địa bàn TP.HCM…thì làm sao mà ai quản nổi.
Chiều ngày 7/11, Uỷ ban quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo các Sở, ban ngành của TP để tháo gỡ các vấn đề khó khăn liên quan đến việc cai nghiện ma túy trên địa bàn.
TP.HCM có 19.000 người nghiện ma túy
Theo báo cáo từ lãnh đạo Công an TP.HCM, : Tính đến tháng 9/2014, trên toàn địa bàn TP có khoảng 19.000 người nghiện ma túy, tăng 33% so với năm 2013. Dù vậy, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, đây chỉ là con số theo danh sách mà TP.HCM quản lý được, còn trên thực tế thì con số có thể khác, lớn hơn nhiều.
Các đối tượng nghiện ma túy đều không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh, không đủ tiền để mua ma túy sử dụng. Do đó, các đối tượng này sẵn sàng đi gây án, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để có tiền &’phê’ thuốc.
Ngoài ra, theo Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, từ trước tới nay, các loại án man rợ xảy ra trên địa bàn như giết người, chặt xác làm từng khúc, chặt tay…khi điều tra ra thì đều có liên quan đến ma túy. Nếu vẫn đề người nghiện tràn lan như hiện nay, vô hình chung dư luận sẽ tạo nên một áp lực rất lớn cho lực lượng Công an TP.HCM trong việc giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội, nhất là trong những dịp, lễ, tết.
Theo Tướng Minh, cho người nghiện tự do đi lại thì sao quản lý nổi (ảnh: Hữu Công)
Song song đó, Phó Giám đốc Công an TP.HCM còn chỉ ra rằng, luật còn quá nhiều điểm vướng mắc, bất cập trong công tác xử lý người nghiện ma túy. Cụ thể, theo luật xử lý vi phạm hành chính, lập biên bản người sử dụng ma túy, nhưng sau đó người nghiện không chấp hành, thì người lập biên bản sẽ bị truy trách nhiệm.
Chính vì vậy mà hầu hết các hành vi tàng trữ, mua bán và sử dụng ma túy trái phép đều do lực lượng hình sự đặc nhiệm lập biên bản, lực lượng Công an địa phương ít làm công việc này, vì lập xong rồi không biết sẽ xử lý ra sao.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ông Phan Anh Minh còn chỉ ra rằng, việc giao quản lý người nghiện ma túy cho các tổ chức, đoàn thể xã hội là hoàn toàn không khả thi. Bởi lẽ, trên thực tế hiện nay của TP.HCM vẫn chưa có một tổ chức lớn nào có thể đảm nhiệm được công tác quản lý người nghiện ma túy với số lượng lớn đến như vậy.
Thêm nữa, theo đúng luật thì người nghiện ma túy hoàn toàn có thể tự do đi lại, nhưng lại bắt quản lý, thì “ai mà quản lý cho nổi khi cho người ta tự do đi lại?”
Do còn quá nhiều vướng mắc, bất cập trước mắt, mà vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, nên TP.HCM vẫn chưa thể thực hiện công tác đưa người nghiện đi cai tập trung theo luật xử lý vi phạm hành chính. Người nghiện tràn lan, đầy rẫy ngoài xã hội sẽ gây nhiều bất an cho dư luận, tình hình an ninh sẽ không ổn định.
Cần ủng hộ TP.HCM đưa người nghiện cai tập trung
Phát biểu kết luận buổi họp, thay mặt Uỷ ban quốc gia phòng chống AIDS và tệ nạn ma túy, bà Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, bà hoàn toàn ủng hộ đề án đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung theo luật xử lý vi phạm hành chính.
Đây cũng chính là đề án được Chính phủ rất quan tâm, nhất là tình hình người nghiện ma túy tại 2 địa phương lớn là Hà Nội, TP.HCM. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, phần lớn các loại tội phạm nghiêm trọng ở cả 2 địa phương này đều xuất phát, hay có liên quan đến ma túy.
Chính phủ hoàn toàn ủng hộ đề xuất của TP.HCM đưa người nghiện đi cai tập trung (Ảnh: internet)
Trong thời gian chờ đợi Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm, bà Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị TP.HCM cần phải chuẩn bị thật kĩ càng, chu đáo đề án, để khi được cho phép thực hiện thí điểm sẽ không còn bị vướng mắc. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị TP.HCM cần xây dựng quy chế quản lý rõ ràng, quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các bộ phận, cách thức thực hiện.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM – ông Trần Trung Dũng thông tin: Các trung tâm cai nghiện ma túy trên địa bàn TP.HCM có thể tiếp nhận tối đa 33.000 người nghiện ma túy trong cùng một thời điểm, nhưng năm nay không tiếp nhận bất cứ đối tượng nào, vì vướng luật xử lý vi phạm hành chính.
Hiện TP.HCM đã hoàn tất thủ tục, chuyển đổi 2 trung tâm là Bình Triệu, Nhị Xuân thành trung tâm cai nghiện ma túy tập trung, để tiếp nhận người nghiện, cắt cơn và điều trị. Nếu được cho phép thí điểm, TP.HCM sẽ bắt đầu thực hiện ngay trong tháng 11 này.
Toàn bộ kinh phí thực hiện sẽ do TP.HCM chi trả. Khi có lệnh của xã, phường địa phương nơi cư trú, các trung tâm này sẽ hoàn tất hồ sơ để đưa người nghiện đi cai. Lực lượng cán bộ của TP.HCM cũng đủ để lo cho hàng chục con nghiện cùng lúc đi cai nghiện tập trung.
Hà Trang
Theo_Vietbao
Những vụ đụng độ kiểu xã hội đen: Điều người từ bắc vào gây án
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, tại cuộc họp về phòng chống tội phạm ngày 6.10.2014 cho biết Công an TP đã xác lập án về một số băng nhóm phía bắc vào hoạt động cho vay núp bóng đòi nợ thuê, bảo kê vũ trường.
Cảnh báo tội phạm di động, cơ động
Giữa tháng 9.2013, vụ L. "vàng" bị tạt a xít đã đẩy tình hình tội phạm có tổ chức lên mức "báo động", khiến lực lượng công an nói riêng và chính quyền TP nói chung đều đặc biệt quan tâm. Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 6.10.2014, thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết trong 9 tháng đầu năm 2014, Công an TP đã phá 3.009 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỷ lệ 64,46%), bắt 3.716 tên.
Các đơn vị đã tổ chức rà soát, lên danh sách 98 băng, nhóm với 491 đối tượng hình sự đang có biểu hiện hoạt động. Kết quả, từ 20.5 - 20.9 đã đấu tranh triệt phá 93 băng, nhóm với 448 đối tượng. Công an TP cũng phát hiện một số băng nhóm ở phía bắc vào hoạt động cho vay, núp bóng đòi nợ thuê, bảo kê ở các vũ trường. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP đã lập án và báo cáo về Bộ.
Công an TP.HCM thu giữ súng, hung khí của các băng nhóm tội phạm - Ảnh: Nguyên Bảo
Những vụ đụng độ kiểu xã hội đen: Cuộc thanh trừ bằng súng, mã tấu
Trước đó, tại cuộc họp về phòng chống tội phạm vào cuối năm 2013, lãnh đạo Công an TP đã thừa nhận trên địa bàn vẫn tồn tại một số băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, bảo kê, cho vay, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, nhưng nguy hiểm nhất là tội phạm di động, cơ động.
Có trường hợp, bọn tội phạm điều người từ phía bắc vào TP.HCM gây án, sau đó ngay trong đêm rời khỏi TP nên gây khó khăn cho công tác điều tra phá án. "Công an TP từng thụ lý vụ cố ý gây thương tích có dấu hiệu thanh toán dính líu đến các băng nhóm ở các tỉnh, TP phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Bọn chúng đâm chém nhau vì tranh giành quyền lợi trong hoạt động kinh doanh các ngành nghề nhạy cảm như quán bar, vũ trường", một cán bộ của Công an TP.HCM cho hay.
Trước tình hình cấp thiết, cuối năm 2013, lần đầu tiên UBND TP.HCM chủ động mời đại diện lãnh đạo công an các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Đồng Nai, Bình Dương... đến tham dự hội nghị tổng kết cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên địa bàn TP, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, phương án phối hợp, liên lạc cung cấp thông tin thường xuyên về hoạt động di chuyển của các băng nhóm có tổ chức để công tác trấn áp hiệu quả hơn.
Những vụ gây án kinh hoàng của băng xã hội đen Tý "điên"
Phối hợp để triệt phá
Nói đến tội phạm có tổ chức, băng nhóm xã hội đen, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), từng chia sẻ: "TP là địa điểm mà tội phạm chú ý khai thác, hoạt động. Minh chứng là tội phạm có tổ chức, những vụ đâm thuê, chém mướn... đã xảy ra trên địa bàn. Chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng người dân bây giờ rất sợ giang hồ. Giang hồ chỉ cần đứng trước cửa nhà cầm mã tấu hăm dọa ra đường sẽ chém thì người dân sợ mất hồn. Cho nên cần giải quyết chuyện gì, nhiều người dân tìm đến giang hồ. Đây là loại tội phạm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân và đang diễn ra hết sức phức tạp. Loại tội phạm có tổ chức mục đích chủ yếu là kinh tế, lợi ích từ bảo kê quán bar, vũ trường, nhà hàng, khách sạn. Trước tình hình này, đặt ra vấn đề cho cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết rốt ráo đến nơi đến chốn đơn tố cáo, tin báo tội phạm, bức xúc của người dân để tạo niềm tin, uy tín nơi dân. Từ đó, người dân mới tin tưởng phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an đấu tranh phòng chống tội phạm đem lại hiệu quả hơn".
Liên quan đến tình hình tội phạm có tổ chức, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở các cơ quan chức năng địa phương phải chấn chỉnh khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm (như quán bar, vũ trường, động lắc, ổ ma túy, tiệm cầm đồ - PV) dễ phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội. Để đấu tranh hiệu quả, chính quyền, Công an TP phải duy trì, phối hợp chặt chẽ với công an địa phương của một số tỉnh, thành phía bắc, tập trung lực lượng đánh mạnh, đánh quyết liệt hơn nữa vào tội phạm băng nhóm xã hội đen, băng nhóm có tổ chức, đòi nợ thuê... "Loại tội phạm có tổ chức, băng nhóm xã hội đen, đòi nợ thuê đang đòi hỏi công an phải quyết liệt hơn, đánh sao cho bọn tội phạm chùn tay, khiếp sợ nhằm giữ vững an ninh trật tự xã hội để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Lực lượng công an phải quán triệt không làm ngơ, bảo kê, tiếp tay, dung túng tội phạm", Phó thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý rằng một số loại tội phạm vẫn còn lộng hành là do có sự dung túng, không quyết liệt tập trung đấu tranh của một số cán bộ.
Theo Thanh Niên
Vụ nổ xưởng SX thuốc trừ sâu:DN không được cấp phép pha chế hóa chất Theo lời khai của Giám đốc Huỳnh Văn Hải, 2 ngày trước khi xảy ra vụ nổ, ông Hải mua khoảng 500kg hóa chất để pha chế sản xuất phân bón lá. Đến chiều 18/10, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục khám nghiệm hiện trường, tìm kiếm thi thể 2 nạn nhân mất tích trong vụ nổ tại xưởng sản xuất phân...