Phố đi bộ Nguyễn Huệ hư hỏng khi chưa nghiệm thu
Đá granite lát ở quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM) được cho có độ bền trăm năm nhưng mới đưa vào sử dụng đã vỡ, bong tróc.
Đường Nguyễn Huệ bắt đầu từ công viên Bạch Đằng đến trụ sở UBND TP HCM được đầu tư thành quảng trường đi bộ đầu tiên của Việt Nam, mang phong cách hiện đại. Từ khi khánh thành (tháng 4/2015) mỗi ngày có cả nghìn người đến vui chơi, chụp ảnh. Đây cũng trở thành nơi tổ chức các lễ hội đường phố, diễu hành; đường hoa hàng năm.
Được đầu tư 430 tỷ đồng, dài 670 m và rộng 64 m, quảng trường đi bộ gồm nhiều công trình như tượng đài Hồ Chí Minh, đài phun nước, mặt đường và vỉa hè bằng đá granite. Tuy nhiên, loại đá tự nhiên dày 8 cm ở mặt đường và 6 cm trên vỉa hè được cho có độ bền trăm năm đang vỡ, bong tróc sau một năm sử dụng.
Hàng loạt đèn led lắp dưới gốc cây tạo hiệu ứng ánh sáng ban đêm đang bị thụt sâu xuống khung bảo vệ bằng sắt.
Một số khác hư hỏng, tạo khoảng hở trông khá nguy hiểm.
Rất nhiều nắp cống, hố ga lồi lõm trong công trình nổi tiếng của cả nước.
Video đang HOT
Anh Nguyễn Thanh Huy (31 tuổi, ngụ quận 10) cho biết, cuối tuần thường cùng bạn bè ra đây dạo mát, ngồi chơi đàn. “Tôi biết ở nước ngoài đường lát đá granite có độ bền rất lâu. Đường này cấm xe tải chạy sao lại bị bong tróc, nứt nẻ sớm vậy”, anh Huy nói.
Trên phố đi bộ được đặt nhiều bồn trồng cây cảnh, tạo không gian xanh cho con phố. Tuy nhiên, một số bồn đã bị thủng, nước thường tràn ra ngoài khi cây được tưới.
Miếng đá hoa cương trang trí bị bong mất.
Mỗi tối có hàng trăm gia đình dẫn trẻ em vào phố đi bộ vui chơi. Tối thứ bảy, chủ nhật quảng trường cấm xe cơ giới nên nhiều người để con vô tư chạy nhảy. Trong khi đó tụ điện ở đây bị hư khóa, hở nắp trong lối đi rộng nhất, gây nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh – Giám đốc Khu quản lý đô thị số 1, Sở Giao thông Vận tải TP HCM – công trình trong quá trình chuẩn bị nghiệm thu, đơn vị thi công chưa bàn giao. Tình trạng đá nứt, bong tróc trên phố đi bộ xảy ra ở một vài nơi xe lưu thông.
Khu quản lý đô thị số 1 đã yêu cầu đơn vị thi công, tư vấn giám sát kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ công trình và sửa chữa ngay những hư hỏng. Sau khi có báo cáo chi tiết, đơn vị sẽ kiểm tra nếu công trình đảm bảo chất lượng mới nghiệm thu.
Hải Hiếu
Theo VNE
Người Sài Gòn đổ về trung tâm chơi lễ
Hàng nghìn người đổ về khu vực trung tâm, chen chân trong các điểm vui chơi trước khi tìm cho mình vị trí thuận lợi chờ xem những màn pháo hoa rực rỡ.
Tối 30/4, dòng xe từ mọi ngả đổ về khu vực trung tâm TP HCM - nơi có rất nhiều điểm vui chơi mừng 41 năm đất nước Thống Nhất. Từ 19h, các loại xe nêm chặt trên các tuyến đường Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Đức Thắng...
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ có hàng nghìn người tập trung. Vẻ mặt ai cũng tươi cười, song mướt mồ hôi do thời tiết nóng hầm hập.
Anh Trương Thanh Tùng (43 tuổi, ngụ quận 10) làm nghề tài xế tranh thủ dắt vợ con ra đây chơi lễ. "Ngày thống nhất năm đó tôi 2 tuổi, qua bao nhiêu năm Sài Gòn đã thay đổi, đẹp hơn rất nhiều", anh Tùng nói.
Đôi nam nữ xem những hình ảnh chụp được trong buổi đi chơi.
Gần 21h, các con đường ở trung tâm kẹt cứng, dòng xe nhích từng chút một. Ai cũng muốn tìm cho mình một chỗ đứng để xem pháo hoa. Bến Bạch Đằng, cầu Calmette... không còn chỗ chen chân.
Mọi lứa tuổi cố tìm cho mình một vị trí có tầm nhìn rộng.
Nhóm trẻ được dắt ra công viên Bạch Đằng chờ xem pháo hoa.
Đúng 21h, pháo hoa rực rỡ trên bầu trời.
Mọi người cùng hò reo, mặt hớn hở. Không ít điện thoại, máy tính bảng được đưa lên ghi lại khoảnh khắc này.
Người đàn ông say sưa ghi hình các "bông hoa lửa" trên bầu trời.
Sau màn trình diễn pháo hoa 15 phút, dòng xe đồng loạt đổ ra đường, túa ra mọi ngả. Các con đường ở quận 1 đều kẹt cứng cho đến 22h.
Theo VNE
TP HCM đề xuất lập Ban quản lý phố đi bộ Nguyễn Huệ Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ban quản lý có chức năng duy trì và khai thác hệ thống hạ tầng, tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội. UBND quận 1 vừa đề xuất UBND TP HCM thành lập Ban quản lý khu vực đường Nguyễn Huệ và Công viên tượng đài Bác Hồ....