Phố đèn đỏ Geylang, Singapore – Kỳ 4: Sáng, tối góc người Việt
Đến khu Geylang (Singapore), người Việt xa quê tìm được sự thân thuộc và hương vị quê nhà. Nhưng cũng có lúc bị níu tay nhờ vả bởi một người đồng hương lâm vào tình huống tê tái nỗi tủi nhục.
Little Vietnam nằm ở rìa phố đèn đỏ Geylang không chỉ được các bạn trẻ Việt Nam mà cả người địa phương và nước ngoài ưa thích – Ảnh: Thục Minh
Trên khắp đảo quốc sử tử, không nơi nào có mật độ tập trung nhà hàng, quán ăn Việt dày như ở Geylang. Hầu hết các quán Việt ở đây do người Việt làm chủ, nhân viên 100% người Việt, thực đơn ghi tiếng Việt to hơn tiếng Anh.
Mặc dù nguyên liệu và hương vị có khi không đạt đến 70-80% độ thuần Việt, các quán này cũng cố gắng phục vụ rất nhiều món ăn, nhất là các món miền Nam. Xa quê, bận rộn và cũng không dễ tìm đủ nguyên liệu để tự nấu món Việt, rất nhiều người Việt Nam tại Singapore, đặc biệt là giới trẻ, tìm đến khu Geylang để được bù đắp chút hương vị quê nhà với giá cả vừa túi tiền.
Điểm sáng “Tiểu Việt Nam”
Ở Geylang, mà chính xác hơn là ngay bờ rìa khu đèn đỏ tai tiếng, có quán Little Vietnam được giới sinh viên, trí thức trẻ Việt Nam rất ưa chuộng. Nằm trên Đại lộ Guillemard và gần góc giao với Đại lộ Geylang, Little Vietnam chiếm phần mặt tiền tầng trệt góc trái của tòa shopping Grandlink hơi cũ kĩ, kèm với một khoảng sân rộng rãi.
Chiều mát, ngồi ngoài sân giữa trời, gọi dĩa cút chiên bơ hay dĩa ốc hút xào và nhấm nháp ly bia, hoặc kêu tô bún mắm cộng một ly rau má, mà tưởng như đang ngồi ở vỉa hè Sài Gòn.
Do tương đối cách biệt với “trung tâm đèn đỏ” nhộn nhạo, Little Vietnam tuyệt đối “sạch” gái mại dâm hay thành phần ma cô, du đãng. Khách đến quán ăn này không chỉ là các trí thức trẻ Việt Nam, mà còn có nhiều người Singapore lẫn người da trắng.
Tôi cũng thường chọn Little Vietnam làm điểm hẹn, bởi không nhiều quán ở Singapore có không gian ngoài trời. Chưa kể mỗi lần đến đây, thể nào tôi cũng gặp người quen. Thi thoảng, tôi cũng đưa bạn bè người nước ngoài đến đó thưởng thức món Việt.
Và cũng nơi đây, tôi chọn làm điểm hẹn với Lan – cô gái Việt Nam lấy chồng Singapore mà tôi gặp cách đây vài ngày tại một lớp tiếng Anh cho người Việt – vào buổi chiều thứ bảy 5.4, khi mà ấn tượng về một khu Geylang đầy bất trắc vẫn còn đậm trong tôi.
Lan và tôi hẹn gặp nhau ở ga tàu điện ngầm Paya Lebar sau khi lớp tiếng Anh của Lan kết thúc, rồi cùng đi bộ đến quán.
Sống ở Singapore khá lâu, nhưng đây là lần đầu tiên Lan đến quán này. Quen ăn món địa phương, nhìn thực đơn món Việt, Lan phấn khích. Cô chọn món bún và nước rau má, rồi lại đổi ý gọi cà phê sữa đá có những giọt nước đen nhánh rỉ ra từ đáy phin.
Khi chúng tôi ăn gần xong món chính, thực khách lũ lượt kéo đến, xếp hàng chờ có bàn trống để được ngồi. Chúng tôi bấm nhau, thôi trả tiền nhanh, rồi đi tìm một quán nước ngồi nói chuyện, nhường chỗ cho người khác.
Nhìn dòng khách đông đúc, ngay ngắn, trong đó có nhiều người không phải gốc Việt, tôi thấy vui. Little Vietnam như một điểm sáng ở khu Geylang vốn đầy mảng tối.
Gái ngoan thì tránh Geylang Lan và tôi quyết định đi vào City Plaza uống nước. Khi đã yên vị, Lan mới thổ lộ rằng trong lúc tôi nói chuyện với cô gái và chàng thanh niên, Lan đã phải đứng dạt ra một góc rất xa, vì sợ bị liên lụy nếu cảnh sát xuất hiện. Rồi cuộc “rượt đuổi” dọc đại lộ Geylang về hướng trung tâm phố đèn đỏ là một trận “thót tim” đối với cô. “Chồng em dặn, đi đâu thì được chớ đừng ra Geylang. Lỡ không may bị cảnh sát hốt về đồn thì chồng phải nhục mặt đi bảo lãnh ra. Mà không chừng mất cả thẻ tạm trú”, Lan nói. Kinh nghiệm này thì chính gia đình chồng của Lan đã gặp phải: Cô con gái riêng người Malaysia của một người đàn ông trong họ qua thăm cha ở khu Geylang không may bị cảnh sát tưởng nhầm là gái đứng đường, bị bắt về đồn. Ông cha phải vác giấy tờ đi bảo lãnh ra. “Lỡ không may em bị cảnh sát bắt nhầm ở khu Geylang, chồng em có thể nghi ngờ em ra đó làm gái kiếm thêm tiền”, Lan chia sẻ. Người phụ nữ ngoài 30 tuổi và có 2 con trai này nói thêm sẽ không cho chồng biết vụ đi cùng tôi ra Geylang. “Nói ra mắc công lần sau ảnh ngại, không muốn cho đi gặp ai nữa”, Lan nói.
Đau lòng cuộc gặp giữa đường
Video đang HOT
Rời quán, Lan và tôi đi ngược lại ga tàu điện ngầm với cảm giác vui vui xen lẫn chút tiếc nuối. Và trong lúc chờ đèn đỏ để băng qua Đại lộ Geylang, bất ngờ tôi nghe tiếng gọi của người Việt: “Chị chị, chị nói tiếng Anh giùm em đi!”. Tôi quay sang phải, ngay cạnh tôi, một cô gái Việt độ 25-28 tuổi mặc áo đầm, ngồi chồm hổm bên cạnh một chàng trai đen đúa, tay cầm một chiếc bịch ny-lông đựng mấy thứ linh tinh. Tôi đã không thấy cô gái khi đứng ngay bên cạnh, vì cô bị che một bên bởi chàng thanh niên, một bên là những bệ chắn bằng nhựa mà công nhân cầu đường đặt bên lề. “Nó bảo em đi khách sạn, mà đi nãy giờ xa quá vẫn chưa tới, em sợ không biết đường quay về với lại sợ nó không trả tiền cho em”, cô gái nói như kêu cứu.
Tôi hỏi cô cặn kẽ rồi hỏi lại chàng trai bằng tiếng Anh: “Anh người nước nào?”. Anh ta bảo người Bangladesh, rồi đưa tay bắt tay tôi. Cực chẳng đã, tôi cũng đưa tay ra. “Anh định đưa cô ấy tới khách sạn nào? Sao đi nãy giờ chưa tới?”, tôi hỏi. Anh ta chỉ tay về phía trung tâm mua sắm City Plaza bên kia Đại lộ Guillemard và bảo: “Không xa đâu, đi 5 phút nữa thôi mà”. Tôi hỏi cô gái có muốn đi không, giá bao nhiêu. “50 đô. Chị bảo nó đưa tiền cho em trước”, cô trả lời. “30 đô thôi. Yên tâm đi, tôi không quỵt đâu mà”, vừa nói, chàng trai độ mới ngoài 20 tuổi vừa rút chiếc ví trong túi quần ra: “Tôi có tiền đây mà. Xem nè, tôi còn mua nước uống các thứ nữa nè. Hết 10 đô đó”, anh ta vạch bị ny-lông ra cho tôi xem. Cô gái hạ giá xuống 40 đô và đòi tiền trước, nhưng người thanh niên nhất định không chịu và lấy điện thoại di động bấm số 30 đưa cho tôi xem, như sợ tôi không nghe ra vậy.
Giằng co một lúc, anh ta tỏ ra lo lắng: “Coi chừng cảnh sát đến đó”. Trong lúc rối rắm, tôi dồn dập hỏi cô gái nhiều câu. Cô ta cho biết mới qua Singapore được hơn 10 ngày cùng với vài cô nữa và không biết địa chỉ chỗ ở. Cô bắt đầu đi cùng chàng trai Bangladesh này từ Lorong 30. “Bây giờ nếu cứ đi thẳng thì được, chớ nó mà dắt em qua hướng khác, chắc em không biết đường về chỗ cũ”, cô nói. Ái ngại, tôi khuyên cô gái “bỏ kèo” và quay về chỗ cũ đi. Nghe lời, cô đứng lên, cảm ơn rồi đi ngược lại, dọc Đại lộ Geylang. Chàng trai đi theo.
Lan và tôi băng qua đường. Bên kia là Đại lộ Paya Lebar hướng về ga tàu điện ngầm.
Nhưng sự lo lắng và cảm giác bất an cho cô gái, cộng thêm chút tò mò, khiến tôi kéo tay Lan đi dọc vỉa hè Đại lộ Geylang, đuổi theo cô gái mặc chiếc đầm hồng. Lan và tôi cứ đi bên này đường, trong khi cô gái đầm hồng đã biến mất ở bên kia. Rồi đến lúc tôi phát hiện cô gái và anh chàng Bangladesh ngồi ngay chiếc bàn trống bên hông một quán ăn ngay đầu Lorong 42, thì cũng là lúc họ đứng lên đi tiếp về phía những Lorong có số giảm dần. Tôi rút điện thoại di động, chụp một bức ảnh của họ từ xa xa. Lan kéo tay và giục tôi đi ngược lại.
Cô gái Việt và chàng công nhân Bangladesh lại tiếp tục đi với nhau về phía trung tâm phố đèn đỏ, sau mấy lần “dừng lại hội ý” bằng ngôn ngữ cơ thể – Ảnh: Thục Minh
Có lẽ đến hết cuộc đời mình, tôi khó lòng quên được giây phút bẽ bàng bên cô gái đồng hương xinh xắn mặc chiếc đầm hồng lộ một phần áo ngực màu xanh ngồi ngay góc Đại lộ Geylang ngã giá đi khách với chàng công nhân đen đúa vào buổi hoàng hôn ngày thứ bảy.
Theo Khmapha
Phố đèn đỏ Geylang, Singapore - Kỳ 1: Nỗi ám ảnh của cảnh sát đảo sư tử
Lần đầu tiên, lực lượng cảnh sát Singapore (SPF) thừa nhận khu đèn đỏ Geylang "có dấu hiệu vô luật pháp" và đến "cảnh sát đôi lúc cũng bị đám đông hooligan chặn đường".
Thuốc kích dục được bày bán tràn lan trên vỉa hè ngay góc Đại lộ Geylang và Đại lộ Ajunied, trong khi các cô gái chèo kéo khách công khai trước mặt nhiều người - Ảnh: Thục Minh
Những nhận định trên được chính Giám đốc SPF Ng Joo Hee nói tại tòa án hôm 25.3.
Và nếu không có vụ bạo động xảy ra tại khu Tiểu Ấn vào đêm 8.12.2013, có lẽ công chúng Singapore sẽ khó có thể nghe được từ cơ quan chức năng những nhận định có phần gây hoang mang như vậy.
Vụ bạo động ngày 8.12 với hơn 300 công nhân từ các nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh tấn công cảnh sát, lực lượng phòng vệ dân sự và đốt phá xe công vụ của Singapore, sau khi một công nhân Ấn Độ bị xe buýt cán chết.
Tiểu Ấn là nơi tập trung sinh sống và kinh doanh của người Singapore gốc Ấn và thu hút hàng chục ngàn công nhân Nam Á vào những ngày cuối tuần.
Biến cố diễn ra sau gần nửa thế kỷ vắng bóng bạo động, bất ổn trên đảo sư tử giàu có và bình yên khiến chính quyền vô cùng quan tâm.
Một ủy ban điều tra tức tốc được thành lập với những cựu quan tòa, luật sư và cảnh sát để độc lập xem xét các nguyên nhân dẫn đến vụ việc và tìm ra những phương cách ngăn chặn bạo động trong tương lai.
Phiên tòa điều tra kéo dài đến 5 tuần, bắt đầu hôm 19.2, đã lần lượt chất vấn hàng trăm nhân chứng là những người có mặt tại sự việc đêm 8.12 cũng như các chuyên gia nhiều lĩnh vực.
Giám đốc SPF Ng Joo Hee đã xuất hiện nhiều lần tại tòa để đưa ra các lời khai từ việc chỉ huy lực lượng dẹp bạo động, trả lời về các quyết định điều hành của mình cũng như về trách nhiệm giữ gìn trật tự xã hội nói chung.
Khu đèn đỏ Geylang với những con đường nhỏ (Lorong) "mọc" ra như xương cá từ Đại lộ Geylang bị bủa vây bởi các khách sạn giá rẻ và tính phí theo giờ, đặc biệt là 2 chuỗi khách sạn Hotel 81 và Fragrance - Ảnh: Google Map
Và phần trả lời tại tòa của ông hôm 25.3 làm lộ ra một góc tối khác ở Singapore, tuy không mới, nhưng thật sự đáng quan ngại - khu đèn đỏ Geylang.
Ổ mại dâm, thuốc lá lậu, băng đảng và côn đồ
Trong phần tường trình của mình về tình hình trật tự quốc gia được báo Straits Times trích đăng, ông Ng nhìn nhận Geylang là nơi quần tụ của các công nhân nước ngoài gốc Trung Quốc, và một số lượng đáng kể gốc Nam Á. Họ tụ tập về đây gặp gỡ, ăn uống, và mua sắm, không chỉ vào cuối tuần.
Chưa hết, các quán bar, hộp đêm, quán ăn bình dân... cũng thu hút đông đảo người dân địa phương.
"Là một phố đèn đỏ truyền thống, khu vực này tự nó có sức hút đặc biệt, và vì vậy cũng luôn hiện diện một loạt các thách thức. Đây là một điểm nóng cờ bạc trái phép, lừa đảo, là nơi bán thuốc lá lậu, ma túy và các loại thuốc kích dục phi pháp", ông Ng nói.
Bên cạnh đó, các khách sạn bình dân, nhà nghỉ với giá tính theo giờ cũng là những điểm nhức nhối trong công tác bảo vệ trật tự ở nơi đây.
"Một điều mà ai cũng biết là các băng đảng tội phạm, thành phần lừa đảo thường thích tụ tập ở Geylang", ông Ng nói.
Vậy nên, theo ông, "gom tất cả lại, Geylang đại diện cho một hệ sinh thái phức tạp, ẩn chứa bóng dáng tội phạm. Và đó là những dấu hiệu về tình trạng bất ổn tiềm tàng ở đây".
"Nhưng có lẽ điều đáng quan ngại nhất ở Geylang là thái độ ra mặt căm ghét và chống đối lực lượng cảnh sát. Các bạn có thể cảm thấy bất an thực sự khi nghe rằng cảnh sát đôi lúc cũng bị đám đông hooligan chặn đường khi thi hành công vụ tại đây", ông Ng tiết lộ.
Ông cũng thuật lại chuyện một cảnh sát bị đánh bởi một đám côn đồ khi tiến hành vây bắt chủ một sới bạc.
Do "lờn mặt" cảnh sát, hoạt động phi pháp đôi lúc diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật.
Chẳng hạn, chiều 28.3, cảnh sát bắt giữ nhiều thuốc lá lậu do một băng tội phạm vận chuyển trong một con hẻm cạnh một ngôi chùa trong khu này.
Nhiều quán ăn bình dân nằm ở đầu những con hẻm khu Geylang là nơi tụ tập, gặp gỡ giữa gái bán hoa, khách hàng và những tay dắt gái. Không khó để nhận ra ở những nơi này, ai là thực khách chân chính - Ảnh: Thục Minh.
Phức tạp hơn khu Tiểu Ấn
Sau vụ bạo động 8.12.2013, tình hình trật tự ở khu Tiểu Ấn trở thành mối quan tâm lớn của chính phủ và đề tài bàn tán của công chúng.
Lệnh cấm bán bia rượu trong những ngày cuối tuần, hạn chế công nhân tụ tập ở một số điểm trong khu này đã được ban hành. Cảnh sát cũng tăng cường tuần tra nơi đây.
Tuy nhiên, phát biểu hôm 25.3, ông Ng nói: "Nếu người Singapore phiền lòng vì tình trạng xả rác, tiếng ồn và nạn băng ngang đường bất chấp đèn đỏ ở khu Tiểu Ấn, thì họ chắc chắn sẽ nhanh chóng nhận ra ở Geylang tồn tại dấu hiệu vô luật pháp".
Ông Ng chỉ ra rằng, khu Geylang có nhiều "vấn nạn" mà khu Tiếu Ẩn không có, như "đặc thù" phố đèn đỏ, nhà nghỉ, khách sạn tính tiền phòng theo giờ, nơi quần tụ các hoạt động phi pháp và các băng nhóm côn đồ.
Chính vì vậy, "số lượng hành vi phạm tội ở Geylang cao và không theo một tỉ lệ nào. Các loại tội phạm đặc biệt đáng quan ngại như cướp giật, bạo động, ẩu đả tồn tại kinh niên và luôn luôn chực chờ xảy ra", ông Ng phát biểu.
Ông này cũng đưa ra số liệu thống kê tội phạm ở hai khu vực từ năm 2008 -2013. Theo đó, con số ở Geylang luôn cao hơn ở khu Tiểu Ấn.
Ví dụ năm 2008, khu Tiểu Ấn có 132 vụ giết người, hiếp dâm, cướp giật, trộm xe... và 35 vụ ẩu đả, đâm chém trọng thương; thì các con số đó lần lượt ở khu Geylang là 213 và 45.
Năm 2013, các con số đó ở khu tiểu Ấn là 83 và 25, thì khu Geylang là 135 và 49.
Vậy nên, trong năm 2013, Biệt đội tác chiến nội đô đã được triển khai đến khu Geylang đến 41 lần, trong khi đến Tiểu Ấn chỉ 16 lần.
Vào những ngày cuối tuần, Geylang có đến 5 đội phản ứng nhanh của SPF quần thảo, trong khi ở khu Tiểu Ấn chỉ có 3 đội, còn những khu vực khác chỉ có một đội.
Ngoài ra, khoảng 20 sĩ quan đồng phục cũng đi bộ tuần tra trong khu vực, trong khi một lực lượng cảnh sát mặc thường phục khác trà trộn vào các quán bar, hộp đêm vào điểm mát-xa để kiểm tra.
Tuy nhiên, ông Ng thừa nhận có thể làm nhiều hơn để tăng cường sự hiện diện của cảnh sát ở Geylang. Và kế hoạch gần nhất của ông là đưa thêm 150 cảnh sát tuần tra thường xuyên ở nơi này.
Theo TNO
Phố đèn đỏ Geylang, Singapore - Kỳ 2: Tràn lan gái đứng đường, thuốc kích dục Tình trạng kinh doanh phi pháp và ẩu đả như cơm bữa, khiến người dân quanh khu phố tai tiếng bất an và chọn cách... ở trong nhà. Sau các thông tin có phần gây hoang mang trong công chúng của Giám đốc lực lượng cảnh sát Singapore (SPF) Ng Joo Hee, các phóng viên báo Straits Times đã có cuộc "thực địa"...