Phó đại sứ Triều Tiên “bỏ chạy” vì mệt mỏi với chính quyền?
Giới quan chức Hàn Quốc cho biết, phó đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Anh đã phải bỏ chạy sang nước họ vì “chán nản và mệt mỏi” với chính quyền của ông Kim Jong-un.
Ông Thae Yong Ho, phó đại sứ Triều Tiên tại London (Anh) đã cùng gia đình bỏ trốn sang Seoul – Ảnh: Reuters
Theo Washington Post, cuộc bỏ trốn từ Anh sang Hàn Quốc của ông Thae Yong Ho là một sự kiện chấn động mới nhất trong một loạt những vụ bỏ trốn của các yếu nhân tại Triều Tiên những năm qua.
Sự việc gây bối rối với chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời cũng hé ra cơ hội khai thác tin tức tình báo của Hàn Quốc và các đồng minh của nước này, trong đó có Mỹ.
Ông Thae Yong Ho, phó đại sứ Triều Tiên tại Anh cũng là người từng hộ tống ông Kim Jong Chol, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thời gian ông này tới Anh năm ngoái khi tham dự chương trình biểu diễn của nghệ sỹ Eric Clapton.
Ông Thae Yong Ho cũng trở thành nhà ngoại giao cao cấp nhất của Triều Tiên bỏ trốn kể từ khi đại sứ Triều Tiên tại Ai Cập bỏ chạy tới Mỹ xin cư trú năm 1997.
Ông Adam Cathcart, chuyên gia về CHDCND Triều Tiên tại Đại học Leeds, người từng gặp ông Thae nhiều lần nhận định:
Video đang HOT
“Ông ấy thực sự là trung tâm của mọi hoạt động tại đại sứ quán. Ông ấy đã ở đó lâu hơn cả đại sứ và mọi nhân viên khác của Triều Tiên tại London đều cho rằng ông ấy là nhân vật chủ chốt tại đó”.
Trên nhiều phương diện, ông Thae trở thành gương mặt đại diện trước công chúng của đại sứ quán Triều Tiên tại Anh. Ông đăng đàn diễn thuyết tại các hiệu sách và có mặt tại các hội nghị của Đảng Cộng sản Anh.
Sau nhiều ngày râm ran tin đồn, bộ thống nhất Hàn Quốc ngày hôm qua (17-8) cũng đã xác nhận việc ông Thae (khoảng 50 tuổi) và gia đình ông ấy hiện đang cư trú tại Seoul.
Hãng tin Yonhap dẫn lời người phát ngôn bộ này, Jeong Joon Hee, cho biết: “Họ (gia đình ông Thae) hiện đang được chính phủ Seoul bảo vệ, các cơ quan liên quan cũng đang tiến hành những thủ tục cần thiết”.
Những người bỏ trốn sang nước ngoài từng nắm giữ các cương vị trọng yếu về chính trị hay quân sự trong chính quyền Triều Tiên sẽ bị cơ quan tình báo Hàn Quốc thẩm vấn rất kỹ càng, sau đó họ sẽ được chuyển tới cơ quan tình báo Mỹ.
Nhìn chung những người này sẽ không trải qua các thủ tục của chương trình tái định cư thường áp dụng với những người bỏ trốn thông thường, mà rốt cuộc thường sẽ liên quan tới một tổ chức nghiên cứu nghiên cứu gắn với chính phủ.
Chính phủ Hàn Quốc đã viện dẫn sự bỏ trốn của ông Thae để lên án, chế giễu chính quyền Bình Nhưỡng: “Vụ việc này cho thấy các yếu nhân Triều Tiên đã nhìn nhận rằng không còn cơ hội nào tại đất nước họ. Nó cũng chứng tỏ sự đoàn kết trong nội bộ chính quyền Triều Tiên rất lỏng lẻo”.
Tuy nhiên một số chuyên gia phân tích phỏng đoán, quyết định bỏ trốn của ông Thae có lẽ liên quan tới những lệnh trừng phạt ngặt nghèo quốc tế đang áp lên Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và các vụ thử tên lửa tầm xa năm nay.
Các đại sứ quán của Triều Tiên luôn được nghĩ là những “cỗ máy in tiền” cho chính phủ trong nước và nhiều năm qua, không ít nhà ngoại giao nước này bị bắt vì tội buôn lậu đủ loại mặt hàng, từ vàng, thuốc lá, cho tới sừng tê giác, heroin.
Sự kiểm soát ngặt nghèo với mọi hoạt động giao thương của Triều Tiên rất có thể đã khiến các nhà ngoại giao không thể kiếm đủ tiền để hoàn thành mức “quota” được giao của họ.
Các quan chức Hàn Quốc không tiết lộ việc ông Thae đã đến Hàn Quốc khi nào và bằng cách nào. Tuy nhiên báo Guardian dẫn nguồn tin của họ nói ông Thae và gia đình đã “biến mất” vào một thời điểm nào đó trong tháng 7.
Thông thường các nhà ngoại giao Triều Tiên phải để lại một thành viên trực tiếp trong gia đình họ ở lại Bình Nhưỡng, một biện pháp phòng thủ chống bỏ trốn của chính quyền Bình Nhưỡng. Hiện chưa rõ ông Thae có xoay xỏa để đưa được toàn bộ gia đình ông tới Seoul hay không.
Việc ông Thae bỏ trốn từ London tới Seoul có thể làm phức tạp thêm quan hệ ngoại giao giữa London và Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Anh từ chối bình luận về vấn đề này.
Theo Tuổi Trẻ
Sứ mệnh khó khăn sau phán quyết PCA
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đang "lĩnh ấn tiên phong" thực hiện sứ mệnh mở đường cho đàm phán giữa Manila và Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos phát biểu tại Hồng Kông trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến thăm Trung Quốc
Ngày 8-8, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đã tới Hồng Kông, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Quốc kéo dài khoảng 4-5 ngày, để gặp các cựu quan chức Chính phủ Trung Quốc. Không công bố công khai, song dư luận đều biết rất rõ là chuyến công du của phái đoàn do ông Fidel Ramos dẫn đầu với cương vị Đặc phái viên Tổng thống Philippines có nhiệm vụ mở đường cho cuộc đàm phán giữa Manila và Bắc Kinh sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines về Biển Đông ngày 12-7 vừa qua.
Quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng từ khi Trung Quốc đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò" hòng "nuốt trọn" Biển Đông, trong đó có nhiều vùng biển đảo rộng lớn mà Manila tuyên bố chủ quyền. Mối quan hệ này càng xấu thêm khi Trung Quốc dùng sức mạnh để đuổi ngư dân và lực lượng chức năng của Philippines để cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough mà Manila tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
"Giọt nước cuối tràn ly" chính là việc chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino III, người tiền nhiệm của đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte, đệ đơn kiện Trung Quốc ra tòa PCA về vấn đề Biển Đông. Đơn kiện của chính quyền ông Benigno Aquino không chỉ làm "mất mặt" Trung Quốc với tư thế một cường quốc mà còn đẩy Bắc Kinh trước một phán quyết của công lý mà phần thua đã được dự báo trước sẽ thuộc về Trung Quốc.
Tuy nhiên, quan hệ Philippines - Trung Quốc đã dịu đi phần nào khi ông Duterte từ khi tranh cử cho tới lúc đắc cử đều khẳng định sẽ ưu tiên cải thiện mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc. Chính sách này càng được thể hiện rõ hơn khi Đại sứ nước ngoài đầu tiên mà ông Duterte gặp gỡ sau khi đắc cử là Đại sứ Trung Quốc chứ không phải là Đại sứ Mỹ như thông lệ.
Thế nhưng, không phải vì thế mà cựu Tổng thống có thể dễ dàng hoàn thành sứ mệnh mở đường cho tiến trình đàm phán sau phán quyết PCA. Phán quyết của PCA không chỉ tuyên "phần thắng" về Philippines mà còn là cú trời giáng pháp lý vào tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh khi bác bỏ cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc với vùng biển đảo nằm trong yêu sách "đường lưỡi bò", không một đảo hay bãi đá nào mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế...
Trung Quốc đã không công nhận thẩm quyền của PCA kể từ khi Philippines đệ đơn kiện đầu năm 2013 và càng lớn tiếng hơn tuyên bố bác bỏ mọi phán quyết của Tòa án này của Liên hợp quốc ngày 12-7 vừa qua. Trung Quốc chắc chắn không chịu "nhả" những vùng biển đảo mà họ đã dùng vũ lực cưỡng chiếm và kiểm soát trên Biển Đông, chẳng những thế mà còn dùng sức mạnh để hiện thực hóa tham vọng "nuốt" 80% diện tích Biển Đông.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Duterte dù muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, song cũng không thể nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền. Manila không thể không đòi lại chủ quyền cũng như vùng đánh cá tại bãi cạn Scarborough cho ngư dân Philippines.
Sứ mệnh mở đường của cựu Tổng thống Ramos vì thế rất cam go, không hề dễ như việc ông cầm gậy ra sân golf trong chuyến công du được dư luận gọi là "ngoại giao sân golf" để "phá băng" quan hệ này.
Theo An Ninh Thủ Đô
5 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ tuần hành ủng hộ chính quyền Tổng thống Erdogan gọi cuộc tuần hành là một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vững mạnh hơn. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đổ xuống phố ngày 7.8 để ủng hộ chính quyền Ngày Chủ nhật 7.8, hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống phố, thể hiện sự ủng hộ chính quyền Tổng thống...