Phó CT nước: Người ta “ăn của dân không từ chỗ nào”
“Ăn của dân không từ một chỗ nào, từ tiền BHYT của thương binh. Cháu nghèo trường dân tộc cũng bị hiệu trưởng, ban giám hiệu “ăn” gần 3 tỉ đồng. Đến liều vắc-xin con con cũng ăn của các cháu!” – Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 11/9.
Sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012.
Khẳng định chính sách BHYT đạt kết quả nhưng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng bày tỏ sự lo lắng đối với các chính sách an sinh. Trong đó, chính sách y tế về đến địa phương thì “biến dạng”.
Bà Nguyễn Thị Doan bức xúc kể: Sáng 11/9, VTV1 đưa tin ở Hà Tĩnh, MTTQ xã biển thủ tiền hỗ trợ người nghèo (6 triệu đồng/hộ) và chỉ bị phát hiện khi báo chí vào cuộc.
Phó Chủ tịch nước phê báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT chưa “sắc nét” vì chưa nêu rõ được thực trạng để đưa ra biện pháp khắc phục.
Theo Phó Chủ tịch nước, do công tác thanh tra, kiểm tra chưa tốt, pháp luật không nghiêm dẫn đến “vi phạm sau lớn hơn vi phạm trước”. Bà Nguyễn Thị Doan đặt vấn đề tại sao có sự “nhờn thuốc”, vô lương tâm của một số cán bộ ngành y tế, từ việc bác sĩ kê đơn thuốc đắt để bán, mang thiết bị vào bệnh viện thu tiền… Thanh tra, kiểm tra không phát hiện thì phải làm rõ trách nhiệm.
“Ăn của dân không từ một chỗ nào, từ tiền BHYT của thương binh. Cháu nghèo trường dân tộc cũng bị hiệu trưởng, ban giám hiệu “ăn” gần 3 tỉ đồng. Đến liều vắc-xin con con cũng ăn của các cháu” – bà Nguyễn Thị Doan gay gắt.
Khoa Xét nghiệm BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) – nơi diễn ra tình trạng “nhân bản” hàng ngàn xét nghiệm để trục lợi từ quỹ BHYT gây bức xúc dư luận thời gian qua
Phó Chủ tịch nước bộc bạch: “Đi giám sát nhiều nơi, càng đi càng thấy buồn vì lần nào cũng phát hiện ra sai phạm dù người dân vẫn tin vào chính sách của Nhà nước. Buồn vì chính sách tốt đẹp của Nhà nước đến với dân là bị méo mó, san xẻ”.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng không đồng tình với báo cáo khi mới chỉ liệt kê ra 5 đối tượng dẫn đến yếu kém từ Quốc hội đến Bộ Y tế… mà chỉ thấy “ai cũng có 1 tí trách nhiệm nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm. Họp xong, giám sát xong vẫn chừng đó thôi”.
Thể hiện sự bức xúc, ông Sơn chỉ thẳng báo cáo không làm rõ vấn đề y đức và dẫn ví dụ Bệnh viện Hoài Đức “nhân bản” kết quả xét nghiệm và trạm y tế xã ở Thăng Bình, Quảng Nam làm cả giấy giả, đóng dấu giả để trục lợi.
“Tôi thấy 2 việc này bức xúc vô cùng, có đem ra bắn cũng đáng. Trách nhiệm dẫn đến việc này do ai?” – ông Sơn gay gắt. Ông Sơn cho rằng không thể để báo cáo “lấy lòng nhau” mà phải làm rõ trách nhiệm chính, 5 đối tượng thì Bộ trưởng Y tế là chịu trách nhiệm chính cũng cần phải làm rõ ra, không có gì phải nể nang.
Tham gia phát biểu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thành tựu BHYT Việt Nam là rất đáng khích lệ. Về những tồn tại trong BHYT vừa qua, người đứng đầu ngành y tế đổ lỗi cho sự chồng chéo, không rõ chức năng nhiệm vụ giữa các ngành.
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Vì sao 350.000 đồng gây sóng dư luận?
Sở Y tế Hà Nội ra quyết định khen thưởng người tố cáo sai phạm tại Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) là cần thiết và đúng thời điểm. Nhưng vì sao gây ra các phản ứng khác nhau trong xã hội?
ThS. Lê Thanh Tùng (Ban Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, tiêu cực ở Bệnh viện Hoài Đức là việc không hay. Đáng lẽ nhân việc trao thưởng cho bác sỹ Nguyệt, Sở Y tế Hà Nội có thể lấy lại hình ảnh và niềm tin.
Lãnh đạo Sở Y tế thiếu nhạy cảm
Th.S Tùng cho rằng, bác sỹ Nguyệt tố cáo đồng nghiệp của mình là một việc làm bất đắc dĩ. Cũng như các cá nhân khác khi đứng lên tố cáo tiêu cực, không mấy ai nghĩ chuyện được thưởng. Tuy nhiên cách Sở Y tế Hà Nội tổ chức buổi khen thưởng dễ làm cho người nhận tủi thân.
Sở Y tế Hà Nội ra quyết định khen thưởng là cần thiết và đúng thời điểm. Nhưng vì sao gây ra các phản ứng khác nhau trong xã hội? Ông Tùng cho rằng, điều đó có thể lý giải được.
Bởi chúng ta thường xuyên bắt gặp những món thưởng nóng ở các ngành, các lĩnh vực khác với số tiền rất lớn (ngoài ngân sách). Một cầu thủ bóng đá ghi bàn, có thể được thưởng nóng vài ba chục triệu đồng.
Sở Y tế Hà Nội hoàn toàn có thể linh hoạt thưởng nóng hoặc đề xuất thưởng nóng ngoài quy định với chị Nguyệt.
Buổi lễ trao thưởng cho 3 người tố cáo sai phạm tại Bệnh viện Hoài Đức
Tiêu cực ở Bệnh viện Hoài Đức là việc không hay đối với ngành y tế nói chung và với Sở Y tế Hà Nội nói riêng. Nhưng theo Th.S Lê Thanh Tùng, nhân cơ hội này, Sở có thể thông qua khen thưởng chị Nguyệt, để chứng tỏ sự quyết tâm đấu tranh tiêu cực, lấy lại niềm tin người dân. Có như vậy vai trò cá nhân lãnh đạo của Sở Y tế sẽ được nâng lên rất nhiều.
"Lãnh đạo Sở Y tế lại không làm như thế." - Th.S Tùng nói.
Theo ông Tùng, việc tổ chức khen thưởng của Sở Y tế Hà Nội là không thích hợp. Buổi tôn vinh chị Nguyệt và đồng nghiệp đã không được tổ chức trang trọng như đáng phải có với những gì các chị ấy đã phải đánh đổi.
"Tôi có cảm giác rằng việc khen thưởng của Sở Y tế Hà Nội là rất thụ động. Lãnh đạo Sở xem ra đã không nhạy cảm cho lắm khi xử lý vụ việc." - Nhà nghiên cứu xã hội học nhận xét.
Sau này có bị trả thù?
Ngoài ra, theo Th.S Lê Thanh Tùng, các cơ quan nhà nước phải sửa quy định về tiền thưởng xứng đáng với những gì người chống tiêu cực đem lại cho xã hội. Có như vậy mới khuyến khích nhiều người đứng lên tố cáo tiêu cực. Khen thưởng 350.000 đồng với thành tích của những người như chị Nguyệt là không phù hợp với hiện nay.
Ông Tùng cũng cho rằng, cần có các biện pháp bảo vệ lâu dài người tố cáo. Có thể dưới áp lực của xã hội, trước mắt, những người tố cáo chưa bị trù úm, trả thù. "Nhưng sau này, rất có thể phần thiệt thòi sẽ rơi vào họ." - Th.S Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Việc bác sỹ Nguyệt tố cáo đồng nghiệp là bất đắc dĩ
PGS. TS. Trịnh Hòa Bình (Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học) cho rằng, không thể chê trách phần thưởng của Sở Y tế Hà Nội là ít. Bởi đó đã là quy định. Tuy nhiên, Lãnh đạo Sở hoàn toàn có thể phối hợp với các "mạnh thường quân" cùng trao thưởng cho bác sỹ Nguyệt và đồng nghiệp.
Bằng chứng là sau khi Sở Y tế trao thưởng, chị Nguyệt đã được một số cơ quan doanh nghiệp tặng quà. Nếu việc trao tặng này diễn ra cùng một lúc, đã không tạo ra sự phản cảm như thế.
Hơn nữa, mức thưởng không quan trọng bằng cách thưởng. Điều đáng nói là cách Sở Y tế trao thưởng. Cách tổ chức trao thưởng hời hợt như vậy khiến người chống tiêu cực cảm thấy mình không được coi trọng. Sự tôn vinh đó chưa xứng đáng.
Theo TS. Bình, có thể lý giải được cách trao thưởng đó của Sở Y tế. Rõ ràng không ai cảm thấy vui khi chuyện trong nhà mình bị người ta bới móc. Đối với Sở Y tế Hà Nội, trao thưởng cho bác sỹ Nguyệt chỉ là một việc "không thể không làm".
Kể cả việc dư luận phản ứng gay gắt trước việc trao thưởng của Sở Y tế, TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, cũng là một biểu hiện của "giọt nước tràn ly". Đó là sự cộng dồn nỗi bức xúc trước nhiều sự việc, nhiều vụ tiêu cực trong ngành y tế. Vì vậy, người ta càng để ý dù một chi tiết nhỏ. Đây lại là vụ việc tố cáo sai phạm rất lớn, đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt là người đã gửi đơn đến nhiều cơ quan tố cáo hàng loạt sai phạm tại Bệnh viện Hoài Đức. Đơn tố cáo bệnh viện này đã bố trí người không đủ chuyên môn, kinh nghiệm làm xét nghiệm huyết học cho bệnh nhân. Những người này đã lấy máu của bệnh nhân nhưng không xét nghiệm mà vứt bỏ rồi lấy mẫu xét nghiệm trước đó và in kết quả, trả cho bệnh nhân. Theo phản ánh trong đơn, số bệnh nhân bị bệnh viện "lừa" lên đến hàng nghìn người. Từ đó, nhiều cặp bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm máu giống nhau. Có em bé hơn 20 tháng tuổi trùng kết quả xét nghiệm máu với bệnh nhân khoảng 80 tuổi. Theo Sở Y tế Hà Nội, hồi tháng 5, cơ quan này mới nhận được đơn và phối hợp với các cơ quan vào cuộc làm rõ. Qua đó xác định đơn tố cáo của bác sỹ Nguyệt là có cơ sở. Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã tặng giấy khen cho bác sỹ Nguyệt cùng 2 đồng nghiệp, kèm theo số tiền thưởng 350.000 đồng/người. Hôm qua (20/8), tại Hội nghị Sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, khi đánh giá công tác xử lý sai phạm của Bệnh viện Hoài Đức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Sở Y tế Hà Nội đã hành xử rất đúng".
Theo Cảnh Kiên (Khampha.vn)
Chính thức khen thưởng chị "Nguyệt Hoài Đức" Hôm nay (16/8), chị "Nguyệt Hoài Đức" và 2 cá nhân dũng cảm tố cáo vụ "nhân bản" xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) được chính thức trao thưởng. Các cá nhân dũng cảm được Sở Y tế trao thưởng Sở Y tế Hà Nội trao thưởng 3 cá nhân gồm các chị Hoàng Thị Nguyệt, Phan Thị...