Phó chủ tịch TP.Hà Nội: Không chủ trương rung chuông đêm giao thừa
Ngày 21.1, trước đề nghị hướng dẫn rung chuông đêm giao thừa của quận Hoàn Kiếm, Phó chủ tịch Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định thành phố không có chủ trương về việc này, không nên chỉ đạo cơ sở tôn giáo thực hiện
Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2017 được tổ chức sáng 21.1. Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội và các quận, huyện đã báo cáo kế hoạch tổ chức hoạt động trong mùa lễ hội, Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết, đã có kế hoạch phân luồng giao thông khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường 19/8 để bà con du xuân. Theo văn bản đề nghị của Sở Văn hoá Thể thao, quận đã chỉ đạo các cơ sở tôn giáo, di tích rung chuông vào thời khắc giao thừa.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, ý tưởng rung chuông của Sở Văn hóa “rất hay”, nhưng cần có hướng dẫn cụ thể hơn về khoảng thời gian, số hồi – tiếng chuông nên đánh, để thống nhất trong cả thành phố. Quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị tạo độ vang cho tiếng chuông ở đền Ngọc Sơn để không gian di tích đặc biệt này của quốc gia trở nên linh thiêng hơn trong phút giao thừa.
Năm 2017, Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa. Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội đề nghị các cơ sở tôn giáo rung chuông báo hiệu năm mới. Ảnh: Ngọc Thành
Trả lời ý kiến của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho rằng nên dừng việc rung chuông. “Thành phố không có chủ trương, quy định nào về việc rung chuông lúc giao thừa. Theo tôi, không nên chỉ đạo các cơ sở tôn giáo làm thế. Nhà chùa nào có nhu cầu thì để chùa thực hiện thôi”, ông Quý nói và đề nghị Sở Văn hoá nghiên cứu thêm ý tưởng rung chuông.
Trước đó ngày 3.1, tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Tô Văn Động cho hay đã có văn bản đề nghị các nhà thờ, đình, đền, chùa rung chuông tại thời điểm giao thừa, khi thành phố không tổ chức bắn pháo hoa. Ông cho rằng, sự cộng hưởng của tiếng chuông sẽ báo thời điểm chuyển giao đến rộng khắp mọi người.
Theo Quỳnh Trang (VNE)
Video đang HOT
Đề nghị rung chuông thay pháo hoa: Tiết kiệm nhưng liệu có hấp dẫn?
Chiều 3.1, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết: Sở dự kiến đề nghị các nhà thờ, đình, đền, chùa sẽ rung chuông cùng lúc vào thời khắc giao thừa để báo hiệu năm mới đến. Đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc NTNN/Dân Việt.
Việc nên làm
Việc rung chuông trong thời khắc giao thừa vừa để chào mừng, vừa là báo hiệu năm mới đã đến ở trong các nhà thờ, đình, chùa đã có từ xưa, và đã trở thành một phong tục.
Việc này không những khiến không khí năm mới thêm tưng bừng mà còn không ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, tôi cho rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu Hà Nội rung chuông đón giao thừa thay cho bắn pháo hoa là việc nên làm.
Luật sư Vũ Viết Năng (Văn phòng Luật sư Hưng Giang, Hà Nội)
Sở Văn hóa Hà Nội có văn bản đề nghị các cơ sở tôn giáo rung chuông vào thời khắc giao thừa (Ảnh chụp tại Nhà thờ Lớn Hà Nội). Ảnh: Giang Huy
Nên bắn pháo hoa ở Thủ đô
Tôi cho rằng, ngoài việc rung chuông, Hà Nội nên tổ chức bắn pháo hoa ở hồ Hoàn Kiếm, và cũng chỉ nên bắn pháo hoa ở một điểm này thôi. Hà Nội và hồ Hoàn Kiếm là biểu tượng của cả nước, không khí đón xuân nhộn nhịp ở nơi linh thiêng này sẽ lan tỏa niềm vui đến mọi người dân trong cả nước.
Bạn đọc Phạm Thị Lương (Văn phòng UBND xã Giao Long, Giao Thủy, Nam Định)
Dành tiền tặng người nghèo
Có ý kiến cho rằng việc rung chuông vào thời điểm giao thừa sẽ gây ồn ào, ảnh hưởng không tốt đến người già, trẻ nhỏ... Nhưng tôi thấy không phải vậy.
Bởi lẽ, từ khi tôi sinh ra đến nay, đã hơn 60 năm, giao thừa năm nào, các nhà thờ quanh nơi tôi sống đều kéo chuông. Nghe tiếng tiếng chuông, từ người già đến trẻ nhỏ đều reo lên: "Năm mới rồi". Thế thì tốt quá, sao lại nói là ảnh hưởng.
Hơn nữa, thay bắn pháo hoa bằng rung chuông sẽ dành được số tiền để tặng người nghèo sẽ càng ý nghĩa.
Bạn đọc Bùi Xuân Châu (Giáo dân xứ Quần Phương, Hải Hậu, Nam Định)
Ý nghĩa và tránh lãng phí
Giao thừa ở các nước châu Âu cả bầu trời rực lên sắc màu của pháo hoa. Bên cạnh đó là tiếng còi hú, tiếng chuông nhà thờ rộn rã khắp nơi, khiến lòng người vô cùng náo nức. Chỉ tiếc thời khắc đó lại là Tết dương lịch. Bởi vậy Việt kiều ai cũng mong được nghe tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ vào thời khắc giao thừa Tết Nguyên đán, để vơi đi nỗi nhớ, nỗi quạnh hiu.
Nước ta còn nhiều khó khăn. Do đó, thay pháo hoa bằng rung chuông sẽ xóa đi ấn tượng trong suy nghĩ lâu nay của kiều bào rằng: "Người Việt nghèo nhưng lãng phí".
Bạn đọc Nguyễn Thị Thúy (Việt kiều tại Cộng hòa Séc)
Mất đi sự náo nhiệt
Rung chuông thay cho bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa cũng là một hình thức hay để chào đón năm mới. Nhưng đã trở thành thông lệ từ nhiều năm nay, người dân Hà Nội, nhất là giới trẻ thường đến những khu trung tâm để đón giao thừa.
Nay chỉ rung chuông mà không bắn pháo hoa sẽ làm mất đi cái hồ hởi, háo hức của người dân Hà Nội nói chung, đặc biệt là thanh niên nói riêng. Hãy tưởng tượng xem, khi mà hàng ngàn người đổ về hồ Hoàn Kiếm để đón giao thừa mà thiếu pháo hoa thì giờ phút ấy khó có thể tạo nên sự "bùng nổ" náo nhiệt.
Bạn đọc Vũ Tuân (Huỳnh Thúc Kháng, Hà Đông, Hà Nội)
Người Hà Nội sẽ không hào hứng với rung chuông? Đây là băn khoăn của TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) trước đề nghị rung chuông nhà thờ, nhà chùa trong thời khắc giao thừa thay cho bắn pháo hoa của Hà Nội.
Ông Bình cho rằng, những người quản lý văn hóa Hà Nội rất có trách nhiệm với các hoạt động, chương trình vui chơi của người dân Thủ đô. Vì không có bắn pháo hoa nên những nhà quản lý muốn thay thế nó bằng một hình thức giải trí khác, tiết kiệm hơn. "Tuy nhiên, theo tôi điều này chưa chắc được dư luận ủng hộ. Chuông nhà thờ, nhà chùa sẽ "đánh thức" được bao nhiêu người? Sẽ có bao nhiêu nhà thờ, nhà chùa cùng được rung chuông? Và nếu nhà thờ, nhà chùa chưa sẵn sàng cho việc này thì sẽ xử lý thế nào?" - ông Bình đặt câu hỏi.
Theo ông Bình, đằng sau tất cả những điều này, thực ra văn hóa là một chu trình vận hành trường chinh chứ không phải thích là áp đặt được điều đó. Do vậy, có lẽ người Hà Nội sẽ không có tập quán, thú chơi "nghe chuông" đón giao thừa thay vì ngắm pháo hoa chào năm mới. Còn pháo hoa, thực ra nó cũng không phải là truyền thống của người Việt, nhưng khi bắn nó lên trời thì đông đủ mọi nơi có thể nhìn được, kể cả người giàu, kẻ nghèo đều được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ ảo của nó trong giờ khắc thiêng liêng mừng năm mới.
"Tiếng chuông đúng là có thể len lỏi tới nhiều nơi, nhưng tôi dám chắc một bộ phận lớn dân cư cũng không thích tiếng chuông trong đầu năm mới. Mặt khác, nó còn liên quan tới tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều khi phải làm rất thận trọng. Không phải cứ thích, hoặc muốn cái độc đáo là làm, bởi nó không hợp với văn hóa của người Hà Nội" - ông Bình nói. Thùy Anh
Theo Danviet
Hà Nội: Nhà thờ, đình chùa sẽ cùng rung chuông vào thời khắc giao thừa? Ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội - cho biết, đang nghiên cứu đề nghị các nhà thờ, đình chùa cùng rung chuông để đánh thức người dân vào thời khắc giao thừa chào năm mới Tết âm lịch. Ngày 3/1/2017, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội...