Phó Chủ tịch Quốc hội: Khó luật hóa từ chức vì đó là nhận thức của cá nhân
“Từ chức là do nhận thức của mỗi cá nhân. Nếu họ tự thấy không hoàn thành, không xứng đáng, thì nên từ chức để cho người khác làm thay. Do vậy, đưa vấn đề cụ thể này vào trong luật thì cũng khó”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Ngày 7/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã trao đổi với phóng viên Dân trí những vấn đề liên quan đến văn hóa từ chức của cán bộ khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao để tránh một cuộc bỏ phiếu nặng nề.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, từ chức là do nhận thức của mỗi cá nhân
Từng đặt vấn đề đưa cơ chế từ chức vào trong Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, nhưng đề xuất này chưa được cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu, cũng không thấy Uỷ ban Pháp luật – cơ quan thẩm tra – đề cập khi dự thảo luật được trình ra Quốc hội. Họ có giải thích với ông lý do tại sao không?
Theo tôi từ chức là do nhận thức của mỗi cá nhân. Nếu người ta nhận thấy không làm được việc thì xin từ chức là đúng nhất. Thực tế các nước trên thế giới vấn đề này diễn ra thường xuyên. Họ thấy đó là trách nhiệm của mình, không hoàn thành công việc được giao thì người ta tự giác xin từ chức. Còn ở Việt Nam mình thì các tổ chức Đảng, các tổ chức cấp trên sẽ xem xét và nếu họ thấy từ chức là đúng thì tôi nghĩ chắc người ta cũng ủng hộ.
Hôm trước tôi cũng biết việc này nên hỏi Bộ trưởng Bộ Nội vụ xem thái độ của anh thế nào thì anh cũng trả lời rất là chung chung rằng đây là vấn đề rất tế nhị, liên quan đến cán bộ thuộc quản lý của Đảng. Cho nên mong muốn là như thế nhưng đưa vào luật thì khó.
Giải thích của Bộ Nội vụ đã được đưa ra như vậy, nhưng quan điểm của cá nhân ông về vấn đề này như thế nào?
Như tôi nói mong muốn là như thế nhưng đưa vào thì khó, bởi vì trong lúc này còn nhiều cái quan hệ ràng buộc. Cán bộ là của Đảng, công tác cán bộ là công tác của Đảng nên việc quy định hay không chắc là phải Đảng cho ý kiến, ít nhất Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến.
Không đưa vấn đề này vào Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, thì ban soạn thảo có giải thích rằng trong luật Cán bộ công chức đã có nội dung này. Tuy nhiên, từ khi ban hành (năm 2008) Luật Cán bộ công chức đến nay, chưa thấy trường hợp cán bộ nào tự từ chức. Do vậy, nhiều người cho rằng quy định từ chức đã có chưa đủ sức nặng, thưa ông?
Video đang HOT
Thực tế từ chức ở mình không nhiều, chứ không phải là không có. Ví như thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí như Phó Giám đốc Sở, một số người đã xin từ chức. Cũng có thể họ thấy không hoàn thành trách nhiệm hay do sức khỏe hoặc do vấn đề này khác nên xin từ chức.
Trong Luật Tổ chức Chính phủ, thực tế đã không đề cập đến vấn đề này. Theo ông việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 có nên đưa vấn đề này vào hay không vì thực chất nhiều đại biểu cho rằng, nếu cán bộ chủ động từ chức thì sẽ tránh được một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm rất nặng nề?
Khi thảo luận vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nên xem xét việc đó. Ví dụ như khi lấy phiếu tín nhiệm, số phiếu tín nhiệm thấp mà quá cao, không quá bán, thì khuyến khích cho việc từ chức.
Tuy nhiên, cái đó luật chưa đưa ra, nhưng Nghị quyết (Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đang được sửa, bổ sung – PV) còn đang thảo luận chưa thông qua. Do vậy, đưa vấn đề đó vào hay không thì còn chờ ý kiến Quốc hội.
Khi một số Bộ, ngành xảy ra những chuỗi vấn đề nghiêm trọng, dư luận cũng thẳng thắn đặt vấn đề Bộ trưởng này, Trưởng ngành kia nên từ chức để cho người khác có năng lực tốt hơn lên làm thay. Vậy ông có bình luận gì về việc này?
Đặt ra vấn đề đó đúng là khó thật, bởi Bộ trưởng của mình áp lực thì nặng nề nhưng quyền hạn của họ chỉ có mức độ chứ không được quyền quyết hết như Bộ trưởng ở nước khác. Còn nếu họ được quyền quyết hết thì trách nhiệm đã rất rõ ràng. Của mình là cơ chế lãnh đạo tập thể, quyết định theo đa số, do vậy Bộ trưởng cũng chỉ là một cá nhân.
Vì vậy, nếu kết tội hết cho Bộ trưởng thì cũng không hoàn toàn chính xác. Bắt Bộ trưởng chịu trách nhiệm – về lý thuyết là như thế nhưng cũng phải xem xét toàn diện hơn. Bởi lẽ bên dưới Bộ trưởng còn có các Thứ trưởng phụ trách từng lĩnh vực được giao và cũng còn có các cơ quan khác có trách nhiệm.
Vậy đến thời điểm này ông còn băn khoăn gì không khi đề xuất của mình không được ghi nhận hay không? Ông còn bảo lưu quan điểm của mình về giải pháp từ chức nên đưa vào trong Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi như trước đây nữa không?
Thật ra tôi cũng không băn khoăn vì mình nêu vấn đề đó ra là để cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ thấy liệu có cần thiết đưa vào trong luật hay không và anh thấy rằng nó cũng khó như lúc tôi nói công tác cán bộ là công tác của Đảng. Còn khuyết điểm của ai thì cũng phải xem xét, đánh giá đúng mức cả khách quan, lẫn chủ quan dẫn đến chuyện đó.
Như tôi đã nói việc từ chức tốt nhất là cá nhân tự thấy mình không hoàn thành, không xứng đáng thì nên từ chức để cho người khác làm. Còn đưa cụ thể vấn đề này vào trong luật thì nó cũng khó.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong thực hiện
Theo Dantri
Bộ trưởng Tư pháp: 'Không có từ chức vì không thể quy trách nhiệm cá nhân'
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng ở nước ngoài lãnh đạo từ chức khi có sai sót là do họ nắm quyền toàn vẹn, còn ở Việt Nam việc phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng nên người đứng đầu chưa thể chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường.
- Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng quy định về từ chức đã đưa vào luật Cán bộ công chức nên không đưa vào uật Tổ chức Chính phủ. Tuy nhiên từ năm 2008 đến nay chưa một cán bộ nào từ chức dù có sai phạm. Theo ông lý do là gì?
- Vấn đề từ chức không nhất thiết phải đưa vào luật bởi nó là văn hóa của cán bộ. Khi anh cảm thấy không hoàn thành nhiệm vụ thì việc từ chức là bình thường. Luật tổ chức cán bộ đã quy định về việc từ chức là rất tốt vì mang tính bao quát, phủ rộng tới tất cả các loại cán bộ có chức vụ, quyền hạn được giao. Ngoài ra, vấn đề từ chức nếu quy định thêm trong Luật giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân thì sẽ tốt hơn nữa.
Tới đây, luật pháp phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi chức danh. Khi chức trách rõ ràng rồi thì bất kỳ ai có tự trọng khi nhận nhiệm vụ gì cũng phải cân nhắc cẩn thận. Hiện nay, việc phân công nhiệm vụ, giữa cá nhân và tập thể không rõ ràng. Có thể một người phải thực hiện quyết định của cả một tập thể. Như vậy, không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho một người được.
Thực tế từ 2008 đến nay chưa có cán bộ từ chức, nhưng tôi hy vọng mọi thứ sẽ chặt chẽ, các quy định của Hiến pháp sẽ được cụ thể hóa trong luật, tiến tới việc từ chức sẽ diễn ra.
- Vừa qua, có những vụ việc nghiêm trọng xảy ra nhưng không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng đưa quy định về từ chức trong luật Tổ chức Chính phủ thì sẽ kích thích trách nhiệm của cán bộ?
- Ngay cả các đại biểu Quốc hội, không phải ai cũng làm tròn trách nhiệm của mình. Mà đại biểu Quốc hội là chính khách được nhân dân bầu ra để thực hiện quyền lực cao nhất. Vì vậy, cần phải nói một cách công bằng, chỉ nên quy định chung chứ không nên xoáy vào luật Tổ chức Chính phủ hay luật Tổ chức Quốc hội.
- Ở nước ngoài, quan chức có thể dễ dàng từ chức sau khi có những sai phạm còn ở Việt Nam tại sao lại không thực hiện được điều đó?
- Những nước đó có chế độ đa đảng. Chỉ cần họ phát hiện ra trong hoạt động bầu cử có sử dụng tài chính bất minh thì cũng phải từ chức. Ví dụ như sự việc nữ bộ trưởng của Nhật Bản phải từ chức sau khi có những thông tin sai phạm trong bầu cử.
Ở Việt Nam, Đảng lãnh đạo duy nhất và công tác cán bộ được coi là ưu tiên hàng đầu. Đảng giao nhiệm vụ, ra trung ương biểu quyết và đưa ra cơ quan Quốc hội để phê duyệt, vì vậy, khi anh từ chức anh cũng phải báo cáo tổ chức, trừ khi anh sai phạm rõ ràng.
Các nước khác quản lý theo ngành dọc, Tư pháp là công việc của trung ương. Vì vậy, kể cả hộ tịch viên ở các xã cũng là người của trung ương cử xuống làm nhiệm vụ hộ tịch. Người đó không thể làm sai lời Bộ trưởng. Còn ở Việt Nam, cán bộ hộ tịch là người giúp việc cho ông chủ tịch. Ông này nói thế nào thì phải theo thế đấy. Vậy thì làm sao người đứng đầu Tư pháp có thể chịu trách nhiệm được?
Khi việc phân cấp, phân quyền rõ ràng thì mới đảm bảo người đứng đầu có quyền hạn toàn vẹn và chịu trách nhiệm toàn vẹn. Nếu các bạn gọi tôi là Tư lệnh trong ngành Tư pháp thì không đúng vì tôi chỉ đứng đầu Bộ tư pháp. Tư pháp ở địa phương không phải do tôi quản lý, pháp chế ở các Bộ cũng không phải do tôi phụ trách. Vì vậy, tôi nói nhưng họ có làm hay không là một câu chuyện khác.
Hay như vừa qua có những việc nọ việc kia phê bình bộ trưởng Bộ Y tế nhưng lỗi không phải do Bộ trưởng Y tế mà do Ủy ban nhân dân địa phương sắp đặt. Như vậy, tại sao cứ bắt Bộ trưởng Y tế từ chức?
Hoàng Thuỳ ghi
Theo VNE
Lộ diện đầu nậu chuyên bán thông tin cá nhân Việc mua bán thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà, email... được thực hiện công khai, gây bức xúc. Đi sâu vào tìm hiểu thấy bất ngờ về nguồn tiết lộ danh sách này. Như Tiền Phong đã phản ánh trong bài viết "Đủ kiểu mua bán thông tin cá nhân" về tình trạng mua bán danh sách cá...