Phó chủ tịch phê xấu lý lịch, phường bẻ khóa bắt gà hay nỗi lo năng lực cán bộ
Những sự việc như phó chủ tịch phê xấu cả nhà cử nhân trong lý lịch, phường tự ý bẻ khóa vào nhà bắt 9 con gà Đông Tảo, gây khó khi cấp giấy chứng tử hay tự ý san bằng cả nghĩa trang liệt sỹ đã dấy lên nỗi lo về năng lực, nhận thức và lối hành xử của cán bộ cấp phường, xã, thị trấn.
Vụ việc Phó Chủ tịch xã An Bình ( huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) phê xấu vào lý lịch nữ cử nhân Nguyễn Thị Quyên vì gia đình của Quyên “chưa đóng 2 triệu/nhân khẩu tiền xây đường giao thông nông thôn” khiến cô cử nhân này không thể xin được việc làm đang gây bức xúc dư luận.
Nữ cử nhân Quyên và phê xấu của vị phó chủ tịch xã
Ngày 9.8, ông Trương Phúc Thực – người trực tiếp phê dòng chữ: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành, và thực hiện tốt quy định của địa phương” trong lý lịch của Quyên đã nhận sai và xin lỗi gia đình cô cử nhân này.
Ông Thực cũng lý giải lý do phê như vậy là nhằm mục đích “răn đe” là chính.
Trước sự việc này mấy ngày, tại phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM, đoàn cán bộ, công an phường và tổ dân phố đã tự ý bẻ khóa vào nhà anh Đào Tuấn Anh (đường Phan Huy Ích) bắt đi 9 con gà Đông Tảo với lý do “nuôi trái phép” trong khi gia chủ không có mặt tại nhà.
Đoàn công tác của phường 15 bắt gà Đông Tảo của anh Tuấn Anh
Sự việc lên tới đỉnh điểm khi phường nhất quyết không nhận sai, “chờ kết luận cuối cùng” trong khi giới luật sư, chuyên gia thì khẳng định phường này đã sai mười mươi vì các hành vi trên có dấu hiệu của tội “Xâm phạm chỗ ở của công dân” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Bộ luật Hình sự.
Chưa hết, cuối tháng 6.2017, nhiều lão thành, nguyên cán bộ xã, gia đình người có công tại xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã phản đối gay gắt việc UBND xã này cho nhà thầu san ủi hàng loạt mộ liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ xã này để tạo mặt bằng mà không thông báo cho thân nhân các liệt sỹ.
Nhiều mộ liệt sỹ tại đây đã bị san phẳng
Đối chất với dân, Chủ tịch UBND xã Đại Quang đã phải xin lỗi thân nhân các gia đình liệt sỹ và thừa nhận việc làm trên là sai.
Chỉ trong 2 tháng, từ Bắc chí Nam đã xảy ra hàng loạt vụ việc gây bức xúc cho dư luận rốt cuộc chỉ vì những quyết định “chướng tai gai mắt” của lãnh đạo cấp phường, xã.
Video đang HOT
Những hành vi này sau khi được báo chí, dư luận lên tiếng, cấp trên vào cuộc thì người đứng đầu đều phải công khai xin lỗi.
Việc chính quyền xin lỗi nhân dân nếu làm sai rất cần thiết bởi nó chỉ giúp cho cán bộ, lãnh đạo cấp cơ sở nhìn lại mình, rút ra bài học và hoàn thiện thêm. Xin lỗi dân nếu sai chỉ được chứ không mất.
Thế nhưng, lo lắng của tôi là vì sao chỉ trong khoảng thời gian ngắn mà từ Bắc chí Nam, hàng loạt cán bộ, lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn kể cả ở Thủ đô cho tới các tỉnh, thành lại mắc những lỗi ngớ ngẩn như vậy.
Hầu hết những cán bộ, lãnh đạo xã – phường khi xin lỗi đều viện lý do là “nhân thức, năng lực hạn chế” hay “ nóng vội, chưa nắm bắt hết nguyện vọng nhân dân”.
Thế nhưng, liệu điều đó có phải là lý do chính đáng cho lối hành xử bất chấp và ngày càng coi thường người dân của một số cán bộ cấp phường, xã?
Hầu hết cán bộ cấp phường, xã trưởng thành ngay từ cơ sở, nhiều người nhận sự nuôi dưỡng, bao bọc, ủng hộ từ lòng dân nên nếu nói chưa hiểu dân thì e rằng khó chấp nhận.
Liệu có phải rằng những cán bộ này khi được chính người dân tin yêu, phó thác sứ mệnh, trách nhiệm phục vụ nhân dân lại cố tình đánh đồng giữa quyền hạn được giao và quyền lực để rồi sử dụng thứ quyền lực ấy áp đặt và răn đe lại chính người dân.
Phải chăng những cán bộ này tự cho mình cái quyền ban phát ân huệ với dân?
Thậm chí là cả “quyền sinh, quyền sát”?
Phường, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương cơ sở và tiếp xúc hằng ngày, trực tiếp với dân.
Trong lăng kính của người dân, cấp chính quyền phường, xã, thị trấn là “biểu trưng” rõ ràng nhất cho sự hiện diện của Đảng, Nhà nước.
Chính sách của Đảng, Nhà nước có tốt đẹp và nhân văn tới đâu nhưng nếu những cấp thừa hành thực thi trực tiếp là xã, phường, thị trấn mà gây bức xúc và phẫn nộ trong dân thì lại phản tác dụng.
Thế nên, dẫu muốn hay không thì cũng tuyệt đối không thể để những cán bộ yếu kém về năng lực, chuyên môn hay có vấn đề về nhận thức, đạo đức trong bộ máy chính quyền dù là cấp cơ sở.
Bởi đơn giản, một khi đã làm cán bộ thì không cho phép “vấp” phải những sai lỗi ấy. Bằng không thì tốt nhất không nên làm cán bộ!
Theo Danviet
Phó Chủ tịch xã phê "xấu" vào sơ yếu lý lịch: Làm như vậy để răn đe
Sáng 8.8, trên mạng Facebook truyền đi một thông tin chóng mặt, ghi lời phê của Phó Chủ tịch UBND xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) vào sơ yếu lý lịch của một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học rằng: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương".
Thông tin trên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, để làm rõ vấn đề trên, chiều 8.8 PV Dân Việt đã tìm về xã An Bình gặp trực tiếp người phê vào sơ yếu lý lịch của sinh viên Nguyễn Thị Quyên (23 tuổi) ở thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương).
Sơ yếu lý lịch của sinh viên Nguyễn Thị Quyên được Phó Chủ tịch UBND xã An Bình - Trương Phúc Thực phê: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương" xôn xao trên mạng xã hội.
Theo đó, chiều 7.8, anh Nguyễn Danh Cường ở xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương) đăng lên facebook cá nhân bức ảnh chụp mặt sau của bản sơ yếu lý lịch kèm bút phê và con dấu của UBND xã này ghi: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương". Người phê vào sơ yếu lý lịch của sinh viên Quyên là ông Trương Phúc Thực - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình.
Ông Trương Phúc Thực - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) cho biết việc phê "xấu" vào sơ yếu lý lịch của sinh viên Nguyễn Thị Quyên là bởi gia đình công dân này chưa hoàn thành các nghĩa vụ đóng góp của địa phương. Cụ thể chưa đóng 2 triệu đồng/nhân khẩu tiền xây dựng đường giao thông nông thôn và việc phê như vậy là nhằm "kích thích" các hộ đóng góp, hoàn toàn không có thù hằn cá nhân.
Trao đổi với Dân Việt, ông Trương Phúc Thực - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, năm 2016 xã có chủ trương xây dựng tuyến đường trục xã dài 5.189m, kéo dài từ cổng làng An Ninh đến cuối đường thôn Đào Xá, kinh phí xây dựng tuyến đường này là 30,2 tỷ đồng, được chia thành 6 gói thầu khác nhau. Trong đó, dự kiến người dân phải đóng góp 50%, còn lại dựa vào kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện và xã hội hóa.
Để có tiền triển khai, UBND, HĐND xã đã họp bàn và thống nhất với các thôn. Theo đó, mỗi nhân khẩu sẽ phải đóng góp 2 triệu đồng, thu làm 2 vụ. Vụ chiêm năm 2017 (từ 1.1 đến 30.6.2017) thu 60% (1,2 triệu đồng), vụ mùa năm 2017 (1.7 đến 31.12.2017) thu 40% (800.000 đồng).
Một phần Kế hoạch số 92/KH-UBND, ngày 27.4.2017 có ghi phần đóng góp mỗi khẩu 2 triệu đồng, được đóng thành 2 vụ và mục các đối tượng được miễn giảm.
Theo ông Thực, việc xác định mức thu này đã được thống nhất từ cấp ủy, UBND, HĐND, các chi bộ và người dân. Trong đó, UBND xã đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 92/KH-UBND, ngày 27.4.2017, về việc "Vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ công trình mở rộng đường trục xã. Hỗ trợ kinh phí tháo dỡ công trình và đóng góp xây dựng bê tông đường trục xã", trong văn bản này có đoạn ghi:
"Ngày 20.11.2016, UBND xã đã tổ chức hội nghị họp với nhân dân tuyến đường từ cổng làng An Ninh đến trạm palye cụm 10 để giải phóng mặt bằng. Ngày 17.2.2017, UBND xã tổ chức hội nghị với người dân các tuyến đường phía trước trường Mầm non An Đông: Đoạn từ đình làng An Ninh đến thôn Đa Đinh; Đoạn từ ngã tư ông Chuyển cụm dân cư số 7 đến cổng chào thôn An Đoài để giải phóng mặt bằng. Và ngày 10.3.2017, UBND xã tiếp tục tổ chức hội nghị họp dân tuyến đường từ trạm palye cụm 10 đến dốc đê An Đông, tại hội nghị có 13 ý kiến phát biểu.
Kết quả 3 hội nghị trên nhân dân đều nhất trí cao về chủ xây dựng đường bê tông, tuyến đường trục xã, các hộ thuộc tuyến giải phóng mặt bằng đều chấp hành nghiêm túc, đến nay các tuyến đã giải phóng mặt bằng xong. Những tuyến đường vận động người dân hiến đất, tháo dỡ công trình, đến nay các hộ đã cơ bản hoàn thành việc tháo dỡ công trình để hiến đất làm đường...".
Trụ sở UBND xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) nơi xảy ra sự việc phế "xấu" vào sơ yếu lý lịch của công dân gây xôn xao cư dân mạng ngày 8.8.2017.
Ông Thực cho biết, cả xã có khoảng 2.000 hộ/hơn 8.000 nhân khẩu, tính đến nay đã có gần 70% số hộ đóng góp. Ngoài ra tuyến đường còn ảnh hưởng đến 450 hộ thuộc diện phải hiến đất giải phóng mặt bằng, theo đó có khoảng 7.000m2 đất thổ cư người dân sẽ hiến để xây dựng mở rộng tuyến đường.
Trao đổi với chúng tôi về việc, ngày 7.8.2017, khi công dân Nguyễn Thị Quyên lên xã xin xác nhận lý lịch để xin việc, thì được ông phế vào sơ yếu lý lịch rằng: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương", ông Thực lý giải: "Mỗi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Nếu phê như nhau, thì bỗng dưng những người không chấp hành thực hiện các quy định của địa phương cũng có hồ sơ đẹp như những người chấp hành. Do đó, tôi nghĩ phê vào sơ yếu lý lích như vậy vừa răn đe, vừa "kích thích" người dân đóng góp để xây dựng NTM".
Một đoạn đường thôn An Đông, xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) đang chuẩn bị thi công mở rộng lòng đường.
Ông Thực nói thêm, trước khi làm Phó Chủ tịch UBDN xã, ông làm Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp, nên hiểu biết còn hạn chế: "Tôi chưa được tiếp cận với các Thông tư, cũng như các hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc hướng dân xác nhận sơ yếu lý lịch, nên cứ nghĩ ghi vậy là đúng. Trước đây, nếu hồ sơ sinh viên, chúng tôi thường phê: "Chấp nhận mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước".
Còn đối với người dân, thì xác nhận là: "Đã hoàn thành các đóng góp của địa phương". Đây là trường hợp đầu tiên tôi phê: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương" - ông Thực nói.
Ông Thực cũng thông tin thêm, anh Nguyễn Danh Cường (sinh năm 1983), hiện đang là Thôn đội trưởng thôn An Đông, là đảng viên: "Trước khi tôi xác nhận vào sơ yếu lý lịch của cháu Nguyễn Thị Quyên, cũng có anh Cường ở đó và tôi đã trao đổi với anh Cường, anh Cường cũng đồng ý cho tôi phê như vậy".
Theo ông Thực, sở dĩ ông phê như vậy, bởi gia đình nhà ông Nguyễn Danh Toán (bố anh Cường) đã không đóng góp khoảng kinh phí 2 triệu đồng/khẩu (gia đình ông Toán có 3 khẩu), mặc dù xã đã vận động nhiều lần, nên buộc ông phải ghi vào như vậy đề răn đe, kích thích hộ đóng tiền.
Cổng làng thôn An Ninh, xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương), nơi có tuyến đường dài gần 5,2km, với tổng kinh phí 30,2 tỷ đồng chạy qua.
"Tôi nghĩ việc ghi như vậy là có hiệu quả, răn đe người khác. Cụ thể sáng ngày 7.8, đã có 7 trường hợp đến xin xác nhận giấy tờ, nhưng cũng chưa hoàn thành việc đóng góp nghĩa vụ với địa phương, chúng tôi đã vận động và họ vui vẻ đóng và chúng tôi đã xác nhận vào hồ sơ là: "Hoàn thành đóng góp các nghiã vụ với địa phương". Chứ chúng tôi hoàn toàn không có thù hằn gì với gia đình nhà ông Toán, anh Cường" - ông Thực khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Danh Cường cho rằng, việc xác nhận của ông Trương Phúc Thực vào sơ yếu lý lịch của em gái anh như vậy là sai với quy định của pháp luật: "Đóng góp và việc đóng góp, xác nhận sơ yếu lý lịch là việc khác. Việc xác nhận này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi xin việc của công dân, liệu có đơn vị này muốn tiếp nhận khi nhìn vào dòng chữ này không" - anh Cường nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Khoa - Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, sau khi biết sự việc, sáng 8.8 UBND xã đã triệu tập cuộc họp để rút kinh nghiệm, kiểm điểm về vấn đề trên và yêu cầu ông Thực giải trình.
Ông Phùng Văn Diện - Chánh văn phòng UBND huyện Nam Sách (Hải Dương) xác nhận, huyện đã nắm được vụ việc và hiện đã cử cán bộ về để xác minh, nắm thêm tình hình.
Theo Danviet
Lãnh đạo xã phê bình cả nhà cô gái khi xác nhận sơ yếu lý lịch Đến xin xác nhận sơ yếu lý lịch để đi xin việc, cô gái vừa ra trường bị lãnh đạo xã bút phê "bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương". Chiều 7.8, anh Nguyễn Danh Cường (ở xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương) đăng lên mạng xã hội bức ảnh chụp mặt sau của...