Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Lễ hội Tịch điền
Lễ hội Tịch điền – Đọi Sơn là lễ hội truyền thống cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dâng hương tại Lễ hội Tịch điền – Đọi Sơn
Sáng nay (16/2), tức mùng 7 tháng Giêng, tại cánh đồng xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền – Đọi Sơn, lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự và dâng hương cùng đông đảo người dân địa phương.
Lễ hội Tịch điền – Đọi Sơn là lễ hội truyền thống đã được UBND tỉnh Hà Nam phục dựng và tổ chức quy mô lớn trong nhiều năm gần đây.
Trong nhiều tài liệu lịch sử sách còn lưu lại, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp nước ta.
Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn thực hiện một cách thành kính, trang trọng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Tịch điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc.
Video đang HOT
Phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Trần Xuân Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam khẳng định: “Lễ hội Tịch điền – Đọi Sơn đã thực sự trở thành điểm nhấn văn hóa đầu năm đi vào tâm thức của mọi người, một lễ hội văn hóa có ý nghĩa lịch sử và hiện đại. Nhiều năm qua, từ khí thế đầu Xuân của lễ hội này, nông dân Hà Nam phấn khởi thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển nông nghiệp toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt chương trình nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, thu hút mọi lực lượng chung tay xây dựng”.
Lễ hội Tịch điền chứa đựng nhiều phong tục đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, không chỉ giữ gìn nét đẹp truyền thống mà còn giáo dục thế hệ con cháu đời sau tiếp bước cha ông xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Từ vị Vua đến người nông dân đều yêu lao động, cần cù lao động trên mảnh đất quê hương mình.
Kết thúc lễ hội, một cao niên trong làng khoác Long bào nhập linh khí quân vương, khoan thai đi đường cày đầu tiên, lật lên những lớp đất nâu, tơi xốp hứa hẹn cho những vụ mùa bội thu và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo xahoi
Ông lão 4 lần khoác long bào đi cày
Từng bước chậm rãi, song dứt khoát, ông Đinh Trọng Tế (84 tuổi) bắt đầu tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày những thửa ruộng đầu tiên trong năm mới ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Đã 84 tuổi nhưng cụ Tế vẫn khỏe mạnh và tinh anh. Ảnh: Văn Định.
Nhiều năm nay người dân trong vùng mỗi dịp đầu xuân thường kéo đến xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, xem lễ hội tịch điền. Không chỉ cầu một năm mưa thuận gió hòa, họ còn muốn được xem ông cụ 84 tuổi đóng giả vua đi cày.
Đã bước qua tuổi bát tuần nhưng cụ Tế vẫn khỏe mạnh và tinh anh. Hàng ngày, cụ thức dậy từ sớm để luyện tập động tác đi đứng, cử chỉ thật nhuần nhuyễn chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu năm sắp tới gần. Kể từ năm 2009 lễ hội tịch điền được khôi phục đến nay, năm nào cụ Tế cũng đứng ra nhận trọng trách của cả làng là đóng giả vua đi cày.
Cụ Tế kể, xuân 2009, bô lão trong làng họp bàn tìm ra người phù hợp đóng giả vua đi cày là cụ Ngụy Nguyên Chiều (82 tuổi). Đến ngày tổng duyệt (25 tháng chạp), cụ Chiều đổ bệnh rồi 10 ngày sau qua đời. Việc chuẩn bị đã gần như tươm tất, nhưng ban tổ chức vẫn "rối như tơ vò" vì chưa tìm được ai thay thế. Lúc này cụ Tế tự ứng cử. Thấy thế nhiều người cười nhạt vì lo cụ không làm nổi. Con cháu ra sức khuyên cụ từ bỏ ý định vì sợ "đắc tội với bề trên".
4 lần khoác long bào đóng giả vua đi cày, ông Tế chia sẻ: 'Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi'. Ảnh: Văn Định.
"Trước tới nay tôi chưa bao giờ tin vào chuyện bị bề trên 'vật' cả", cụ Tế khẳng định. Đọc nhiều sổ sách ghi chép nên phần nào cụ nắm được các nghi thức, phong tục lễ hội thời xưa. Để mọi người tin tưởng, cụ diễn vài bước cơ bản và được vỗ tay tán thưởng. Muốn cho động tác nhuần nhuyễn, nhiều hôm cụ thức tập cả đêm. Có hôm đang ngủ tay cụ vẫn giơ lên trời khiến cụ bà giật mình gọi dậy.
Ngày hội diễn ra, được khoác trên mình tấm long bào, đeo mặt nạ đóng giả vua, cụ Tế run run lo lắng. Sau một hồi lấy lại bình tĩnh, cụ bước chậm rãi song dứt khoát, một tay cầm roi, một tay giữ tay cày rồi thúc trâu cày thẳng tắp. Phía sau là đoàn người đi vãi hạt giống để cầu một năm mùa màng bội thu.
Sau màn đóng giả vua đi cày thành công, cụ Tế tiếp tục được ban tổ chức tin tưởng giao trọng trách đóng vua vào năm sau. Năm 2011, khi gần đến lễ hội thì cụ ngã bệnh rồi nằm liệt giường. Người được lựa chọn thay thế là cụ Phạm Lương Bì (74 tuổi). Điều lạ là mới tập dượt được vài ngày thì cụ Bì lại ngã bệnh rồi không thể tham gia. Gần đến ngày hội, cụ Tế tỉnh dậy quyết đóng vua đi cày bằng được.
Để có sức khỏe và những đường cày thẳng tắp, hàng ngày cụ Tế vẫn chăm chỉ tập thể dục. Ảnh: Văn Định.
Trải qua 4 lần khoác áo vua, đến nay dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng hàng ngày cụ vẫn đạp xe hàng chục cây số, có bận còn đạp sang Hưng Yên, Nam Định để rèn luyện sức khỏe. Con cái nhiều lần khuyên cha nghỉ ngơi tuổi già nhưng cụ nhất quyết không nghe.
Có nhiều thành tích trong việc xây dựng và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhiều năm qua cụ Tế được UBND tỉnh Hà Nam trao tặng bằng khen. Nói về dự định sắp tới, cụ ông cười hiền nói: "Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi không còn sức lực nữa mới thôi".
Ông Lê Thế Quân, Phó bí thư xã Đọi Sơn cho biết, lễ hội tịch điền được tổ chức từ mùng 5 đến 7 tháng giêng hàng năm. Đến nay việc đóng vua đi cày đều do ông Đinh Trọng Tế đảm nhận và làm rất tốt. "Chính quyền và nhân dân xã Đọi Sơn luôn đề cử ông Tế gánh vác trọng trách này cho tới khi ông không làm được nữa", ông Quân nói thêm.
Sử sách ghi lại, lễ hội tịch điền lần đầu tiên diễn ra vào thế kỷ thứ 10 ở tỉnh Hà Nam, quê hương của vua Lê Đại Hành. Mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành cùng bá quan văn võ đi cày ruộng ở xã Đọi Sơn rồi thấy dưới đất một chiếc chum vàng. Một năm sau vua đi cày ở Bàn Hải thì bắt được một chiếc chum bạc. Từ đó những thửa ruộng này được nhà vua đặt tên là Kim Ngân Điền (ruộng của vua) nay thuộc xã Đọi Sơn, Duy Tiên.
Hàng năm cứ mỗi dịp đầu xuân, nhà vua lại xắn long bào cùng văn võ bá quan xuống đồng cày ruộng cầu cho dân chúng no ấm, hạnh phúc. Lễ hội này được duy trì qua nhiều thế kỷ nhưng đến đời vua Khải Định thì dần mai một. Năm 2009, nhằm lưu giữ những phong tục truyền thống bị đánh mất, lễ hội tịch điền được khôi phục và tổ chức tại xã Đọi Sơn. Việc quan trọng nhất là cử ra người đóng giả vua để tái hiện lại cảnh đi cày.
Theo VNE
Lễ hội kỳ lạ nhất của Tây Ban Nha Hàng trăm người ném củ cải vào một người đàn ông ăn mặc kỳ lạ. Người Tây Ban Nha tự hào là người sáng tạo nên những lễ hội kỳ lạ nhất trên thế giới, chẳng hạn như cuộc chiến cà chua lớn nhất thế giới hay lễ hội nghìn người chạy thi với 6 con bò tót trên đường phố Pamplona. Nhưng...