Phó Chủ tịch LĐ luật sư: Ông Phí Thái Bình có quyền nói mình vô tội
Bên hành lang Quốc hội sáng nay, 24.5, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, trường hợp bị đề nghị khởi tố như ông Phí Thái Bình có quyền nói mình không có sai phạm.
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến. (Ảnh: Đàm Duy).
Nói về việc cơ quan điều tra đề nghị Viện KSND phê chuẩn quyết định khởi tố ông Phí Thái Bình – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng: Khi cơ quan điều tra xác định hành vi của người nào đó cấu thành tội phạm, họ sẽ tiến hành khởi tố bị can và đề nghị Viện KSND cùng cấp phê chuẩn. Khi đó, Viện Kiểm sát cũng cần xem xét đề nghị của cơ quan điều tra để phê chuẩn hay không.
Đánh giá về việc ông Phí Thái Bình khẳng định với báo chí rằng ông không phạm tội sau khi có thông tin ông bị cơ quan điều tra đề nghị khởi tố, ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng: Theo quy định của pháp luật, bất cứ người nào khi bị xem xét trách nhiệm hình sự như trường hợp ông Phí Thái Bình đều có quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa.
Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định người bị tạm giữ/bị can/bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
Video đang HOT
“Do vậy, đương nhiên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, xem xét trách nhiệm thì người bị tình nghi, người bị đề nghị khởi tố như ông Phí Thái Bình có quyền khẳng định mình không có sai phạm” – ĐB Chiến khẳng định.
Cũng về vụ việc liên quan tới việc đề nghị khởi tố ông Phí Thái Bình, ĐB Thào Xuân Sùng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư cho rằng, ông rất tâm đắc với việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là Tổng Bí thư gần đây đã chỉ đạo quyết liệt về việc phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý.
“Trường hợp doanh nghiệp nhà nước để xảy ra những sai phạm, sự cố như ở Vinaconex thời gian vừa qua, việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, quy trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm là hoàn toàn đúng đắn và chính xác chứ không phải quá nghiêm khắc. Anh là lãnh đạo, nhưng anh thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân giao không đến nơi đến chốn, gây ra sự cố thì sẽ phải chịu trách nhiệm” – ĐB Thào Xuân Sùng nói.
Theo ĐB Thào Xuân Sùng, việc xử lý người đã nghỉ hưu chỉ là bất đắc dĩ, chắc chắn nhân dân cũng không mong muốn. Bởi dù thế nào đi nữa, những người nghỉ hưu cũng đã có những đóng góp nhất định. Trong trường hợp họ có sai phạm thực sự nghiêm trọng thì mới phải xem xét xử lý.
ĐB Sùng đánh giá, chúng ta không mong muốn phải xử lý những người đã về hưu. Việc tích cực nhất cần làm là tập trung hoàn thiện các thể chế trong thực thi công vụ, thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu. Theo ông, nên tăng quyền hạn cho người đứng đầu và có cơ chế giám sát, phản biện, góp ý của hệ thống chính trị đối với người đứng đầu.
“Người đứng đầu có quyền hạn thì họ mới quyết đoán, mới tránh được tình trạng thụ động, cái gì cũng báo cáo, hay vừa quyết định vừa lo nơm nớp. Nhưng quyền hạn này cũng đi kèm với trách nhiệm và cơ chế giám sát trách nhiệm. Cái này phải quy định rất rõ, để khi có sai phạm thì biết họ phải chịu trách nhiệm đến mức nào?” – ĐB Thào Xuân Sùng chốt lại.
Theo Danviet
Đề nghị khởi tố nguyên Phó Chủ tịch HN vì vụ vỡ đường ống Sông Đà
Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 7 người liên quan đến vụ việc đường ống Sông Đà liên tục bị vỡ, trong đó có ông Phí Thái Bình - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Quyết định đang chờ Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phê chuẩn.
Theo đó, ông Phí Thái Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với những sai phạm trong thời gian làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Vinaconex là đơn vị chủ đầu tư dự án đường ống nước sông Đà trên địa bàn TP.Hà Nội nhưng đã để liên tiếp xảy ra sự cố vỡ đường ống nước.
Đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ trong quá trình sử dụng. (Ảnh: Hoàn Nguyễn)
Trong vòng 3 năm từ 2012- 2015, trong quá trình khai thác, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ 14 lần vỡ đường ống nước với số lượng 18 cây ống composite cốt sợi thuỷ tinh bị phá huỷ.
Đơn vị khai thác đã phải chi trả số tiền hơn 13 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa sự cố này. Theo số liệu, 177.000 hộ dân bị ảnh hưởng ngừng cung cấp nước sạch với thời gian dừng cấp nước là gần 350 giờ và lượng nước là 1,5 triệu m.
Thông tin cũng cho biết, trong vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Cơ quan CSĐT còn quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên Tổng giám đốc Vinaconex và 5 bị can khác cùng với tội danh Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan điều tra, cả 7 bị can trên đều được cho tại ngoại. Lý do được đưa ra là do tuổi cao, có người bị bệnh nặng và các bị can chấp hành đầy đủ các quy định của cơ quan điều tra nên không nhất thiết phải bắt tạm giam.
Được biết, các quyết định khởi tố 7 bị can đã được chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và cơ quan này đang xem xét, cân nhắc việc phê chuẩn các quyết định này.
Được biết, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2004. Năm 2009 dự án được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, quá trình sử dụng, đường ống nước liên tục bị vỡ dẫn đến dư luận hoài nghi về năng lực nhà thầu cũng như chất lượng thi công dự án trong một thời gian dài.
Theo Danviet
Từ vụ ông Phí Thái Bình bị khởi tố, nhìn lại 20 lần vỡ, rò rỉ đường ống nước sông Đà Dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội đưa vào sử dụng được gần 5 năm nhưng đã xảy ra 20 lần vỡ, rò rỉ tại đường ống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Theo Danviet