Phó chủ tịch Hà Giang lên tiếng về “thí sinh được nâng điểm là con cháu lãnh đạo”
Trong sự việc bê bối liên quan đến điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, dư luận đang đặt câu hỏi: “Liệu trong số 114 thí sinh được nâng điểm, có con, cháu của lãnh đạo tỉnh thi hay không?”
Trả lời trước báo giới, ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND Hà Giang cho rằng: “Đương nhiên trong một kỳ thi, có nhiều đối tượng thi, người nhà có, người thân quen có.
Tuy nhiên, tôi nghĩ không có người nhà nào lại làm những việc như chỉ đạo phải đưa con tôi vào trường ĐH nào cả”.
Cũng theo ông Quý, hiện các cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm việc. “Sai ở mức độ nào, sai ở đâu và bao gồm những ai thì tôi sẽ trả lời sau vì cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm việc.
Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi xác định phải xử lý vụ việc một cách nghiêm túc, vào ai, vi phạm vào điều nào, khoản nào thì phải xử lý theo đúng quy định.
Nếu đúng phải khởi tố thì sẽ khởi tố, đuổi việc hay cảnh cáo… đều phải làm đúng quy định, đúng người, đúng việc”, ông Quý khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý (người đứng phát biểu) nghĩ rằng không có người nhà nào lại làm những việc như chỉ đạo phải đưa con tôi vào trường ĐH nào cả. (ảnh: Kiên Trung)
Về công tác chỉ đạo, quy trình để xảy ra sai phạm, ông Quý khẳng định: “Với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang, rõ ràng tôi phải chịu trách nhiệm.
Mặc dù các bước rất chặt chẽ nhưng có những cái chúng tôi không thể lường trước. Mặc dù công tác chỉ đạo rất quyết liệt nhưng do có những cái chúng ta không có nghiệp vụ cũng như chưa có chuyên môn sâu nên đã tạo khe hở cho tiêu cực.
Trách nhiệm của Ban chỉ đạo thi và hội đồng thi của Hà Giang đến đâu thì xử lý đến đó, chúng tôi không “thoái” trách nhiệm”.
Video đang HOT
Ngay sau khi kết quả 330 bài thi đã được chỉnh sửa để nâng điểm từ 1,0 đến 8,75 điểm, nhiều người phải thốt lên “quá khủng khiếp”!
Trả lời câu hỏi của phóng viên về cảm xúc của một Trưởng ban chỉ đạo thi nhưng để xảy ra tiêu cực về điểm chác cho hàng trăm thí sinh? Ông Quý cho hay: “Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã trả lời báo chí nhiều lần rằng tôi rất vui vì điểm cao nhưng tôi rất lo là điểm không thực chất. Nên khi kết quả như vậy tôi rất buồn.
Mặc dù vậy, tôi vẫn vui vì mục tiêu đặt ra trước khi rà soát sự việc này đã đạt được, đó là phải trả lại điểm thực chất cho các em, tạo sự công bằng cho thí sinh cả nước và tạo niềm tin cho nhân dân”.
Vụ sửa điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang khiến nhiều người phải giật mình về lỗ hổng trong công tác xử lý điểm thi. (ảnh minh họa)
Trước đó, ông Quý cho biết, khi chưa có văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về sự việc này, tuy nhiên qua phân tích của các chuyên gia, nhận thấy đây là điều cần quan tâm ngay nên tỉnh đã chỉ đạo trước.
“Ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã rà soát. Khi rà soát và nhận thấy có những vấn đề bất thường, tức những vấn đề không bình thường, nên đã báo cáo Bộ GD&ĐT nhờ hỗ trợ luôn”, ông Quý cho hay.
Cũng theo ông Quý, về quy trình, địa phương này rà soát tất cả khâu song song và đồng bộ nhưng chọn khâu then chốt nhất, có thể xảy ra tiêu cực đó là khâu chấm thi.
Phó Chủ tịch tỉnh cho hay, không phải dư luận, báo chí mà cả người dân Hà Giang đều đang rất quan tâm đến sự việc này.
Do đó, địa phương phải làm nghiêm túc, đến nơi đến chốn và quyết tâm triển khai để tạo lòng tin cho người dân Hà Giang; phải đưa về điểm thực và sai đến đâu cũng phải làm kể cả có vấn đề hình sự, ở đây không có vùng cấm.
Mỹ Hà
Theo Dantri
Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?
Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức.
Nhờ phản ánh của Báo chí và dư luận về những bất thường trong số liệu thống kê về phổ điểm thi tại Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc để tiến hành điều tra. Với tinh thần làm việc kịp thời, nhanh chóng và quyết liệt, những chiêu trò gian lận "hô biến" kết quả thi đã bị phanh phui. Bộ GD&ĐT cũng đã thẳng thắn thừa nhận và công khai những sai sót, tiêu cực trong công tác tổ chức thi tại Hà Giang. Tác giả cho rằng đây là hành động bước đầu rất đáng được ghi nhận của cơ quan chủ quản ngành giáo dục nước nhà.
Dư luận vẫn đang tiếp tục chờ đợi những hành động tiếp theo của Bộ GD&ĐT trong việc xử lý các vi phạm nghiêm trọng tại Hà Giang nói riêng và vấn đề minh bạch, công bằng trong thi cử nói chung. Bởi lẽ, nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý các đối tượng vi phạm và tiếp tục rút kinh nghiệm cho những lần thi sau thì e rằng sẽ còn những "quả bom" hẹn giờ khác, có điều kín đáo, tinh vi và khó phát hiện hơn.
Từng nhiều lần tham gia công tác coi thi tại kỳ thi THPT Quốc gia, tác giả nhận thấy những quy định, quy trình về thi cử được ban hành luôn theo xu hướng năm sau chi tiết, thậm chí rườm rà hơn năm trước. Có nhiều thủ tục, quy trình thậm chí quá chi li và tiểu tiết khiến cho cả giám thị và thí sinh đều mệt mỏi.
Chung quy lại, mong muốn của Bộ GD&ĐT đều hướng đến việc tạo ra một kỳ thi công bằng, minh bạch, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho thí sinh và đặc biệt là phòng ngừa tiêu cực. Năm nào các quy định mới cũng được cập nhật bổ sung từ kinh nghiệm của năm trước đó, vậy tại sao tiêu cực vẫn cứ tiếp tục xảy ra?
Gian lận thi cử ở Hà Giang đang khiến dư luận nổi sóng. Tranh minh họa: Đan/ Báo Lao động
Khi quy trình chặt nhưng có những kẻ thực thi tồi
Công bằng mà nói, Bộ GD&ĐT trong những năm qua đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải cách công tác thi cử, từ cách thức tổ chức thi đến phương thức đánh giá năng lực người học. Một số hiệu quả từ nỗ lực này đã được chứng minh trên thực tế, nhưng dường như vẫn thiếu tính toàn diện và chưa thực sự đi vào cốt lõi.
Khi đọc các quy định về tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy việc tổ chức một kỳ thi sẽ bao gồm nhiều công đoạn, từ ra đề thi, vận chuyển đề thi, coi thi, chấm thi, xử lý và công bố kết quả. Ở mỗi giai đoạn đều có một quy trình đi kèm với sự tham gia của nhiều bên. Điểm chung là luôn tồn tại một lực lượng thực hiện vai trò giám sát, thanh tra cũng như sự tham gia của lực lượng công an nhằm tạo ra những cơ chế kiểm tra chéo, đối trọng lẫn nhau phòng chống sự lạm dụng dẫn đến can thiệp vào kết quả thi cử.
Song, thực tế đã chứng minh, quy định, quy trình có tốt và chặt chẽ đến mức nào cũng sẽ bị vô hiệu hóa nếu được thực thi bởi những kẻ kém tử tế, không trung thực và cố ý vi phạm. Đồng thời, một cá nhân khó lòng có thể dùng "vải thưa che mắt thánh" với cơ chế giám sát, thanh tra hiện hành. Như vậy, ngoài một đối tượng đã được công khai danh tính, còn những ai tham gia thực hiện hoặc liên quan đến sai phạm hay không? Bộ GD&ĐT và cơ quan điều tra cần phải có câu trả lời thích đáng cho người dân cả nước.
Tất cả những người có trách nhiệm liên quan phải bị lôi ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh, chứ không thể "đóng cửa bảo nhau". Vấn đề của tiêu cực nằm ở yếu tố con người. Đâu chỉ ở công tác khảo thí, còn trong công tác giảng dạy, nghiên cứu. Hiện tượng chạy trường, chạy điểm, chạy bằng cấp, đạo văn vẫn không ngừng được thông tin trên truyền thông.
Cần lắm một sự thanh lọc mạnh mẽ, dứt khoát và toàn diện từ nội bộ những người gắn với sự nghiệp trồng người. Nền giáo dục nước nhà không thể tiếp tục dung dưỡng những con người gian dối, xem thường đạo đức và luật pháp. Đây là những chất độc hại có thể phá vỡ toàn bộ sự nghiệp trồng người và gây hậu quả khôn lường, bởi giáo dục là cái gốc của một xã hội văn minh. Hậu quả sẽ kéo dài hàng thế hệ chứ không phải trong một hai kỳ thi.
Sự nghiệp giáo dục không thể chỉ xoay quanh những kỳ thi
Với truyền thống khoa bảng bao thế kỷ, tâm lý người Việt nói chung rất coi trọng việc thi cử. Nhìn lại một chút nền giáo dục Việt Nam của thập niên qua cũng dễ nhận thấy công tác thi cử là khía cạnh được thay đổi nhiều nhất, thậm chí qua từng năm. Và cũng chính bởi cách thức quản lý cũng như vận hành nền giáo dục như hiện nay diễn ra trong thời gian quá dài khiến cho kết quả của kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh đại học trở thành một đại lượng quyết định tương lai của một con người.
Thực tế đã chứng minh, xã hội hiện nay vẫn dung dưỡng cho những người không có năng lực thực chất nhưng đầy đủ bằng cấp. Một bộ phận không nhỏ những người chỉ cần có thể bước vào được trường đại học, qua 4 năm sẽ có được tấm bằng cử nhân, bằng cách này hay cách khác, rồi sau đó, suôn sẻ kiếm được công việc, chỗ đứng trong xã hội. Đây cũng là một động lực, nguyên nhân sâu xa cho những gian dối, sai phạm. Và tiêu cực đâu chỉ dừng lại ở công tác thi tuyển đại học, nó còn gắn liền với quãng đường hậu tuyển sinh cho đến khi có được tấm bằng.
Hoạt động cốt lõi của giáo dục là dạy và học, thi cử vốn là hoạt động phái sinh để đánh giá hiệu quả của quá trình đó. Công tác khảo thí tốt sẽ giúp cho việc dạy và học trở nên thực chất hơn, chứ không thể quyết định chất lượng giáo dục.
Bởi theo lẽ thường, trong một nền giáo dục và một xã hội coi trọng những giá trị thực, thì dù anh có điểm thi tuyển sinh đại học cao đến cỡ nào, nếu không có năng lực cũng khó lòng đáp ứng những chuẩn đầu ra của trường đại học để có tấm bằng cử nhân. Hoặc nếu bằng cách nào đó, anh có được tấm bằng cử nhân, dù là loại ưu, nhưng không đi kèm theo đó là kiến thức, kỹ năng, thái độ tương xứng, anh sẽ không được trọng dụng tại bất kỳ đơn vị tuyển dụng nào. Khi đó, người sở hữu tấm bằng cũng như ngôi trường cấp bằng cho anh ta sẽ bị đánh giá, sẽ dần bị đào thải nếu không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Người ta sẽ giảm chạy điểm, chạy trường nếu như sau cánh cửa trường đại học là cả một quá trình đào tạo và cả đào thải nghiêm túc, một cuộc "chạy đua" học tập, nghiên cứu, thực hành, chứ không phải "vào được ắt ra được". Người ta sẽ thôi bất chấp thủ đoạn can thiệp kết quả thi cử nếu như đó chỉ là những con số chuyển tiếp sự nghiệp học hành của một con người, chứ không phải là yếu tố trọng yếu quyết định tương lai.
Nhu cầu và cách vận hành của xã hội sẽ định hướng tính chất của nền giáo dục, và ngược lại giáo dục sẽ là yếu tố tác động sự thay đổi của xã hội. Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức. Muốn xã hội văn minh thì phải bắt nguồn từ một nền giáo dục công bằng, minh bạch và tử tế.
Lưu Minh Sang
Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Theo VNN
Người Hà Giang bức xúc,lo lắng về việc gian lận thi cử tại tỉnh nhà Đó là chia sẻ bức xúc của người dân tại Hà Giang, địa phương vừa phát hiện ra sự việc gian lận trong khâu chấm thi THPT quốc gia tối 17.7. Vụ việc điểm thi bất thường vì bị tác động hiện tại đang là điểm nóng tại Hà Giang. Mỗi góc phố, con đường người dân đều thảo luận về tội "tày...