Phó Chánh án Tòa án TPHCM bị “tố” ra Quyết định kháng nghị trái thẩm quyền
Liên quan đến vụ ban hành Quyết định kháng nghị có dấu hiệu bất thường trong vụ tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa Công ty Kim Long và Hợp Nhất, bên nguyên đơn tiếp tục lên tiếng “tố” Phó Chánh án Tòa án TPHCM đã ban hành Quyết định kháng nghị trái thẩm quyền.
Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của Tòa án TPHCM
Tiếp tục vụ án “Tranh chấp hợp đồng thuê nhà” giữa Công ty Kim Long – chủ sở hữu cao ốc Master Building tọa lạc tại số 41- 43 Trần Cao Vân, phường 6, quận 3, TP.HCM với đơn vị thuê là Công ty Hợp Nhất. Ngày 16/8/2012, ông Trần Văn Sự – Phó Chánh án TAND TPHCM ban hành Quyết định kháng nghị số 01/2012/QĐKN-KDTM-GĐT đối với bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST của Tòa án quận 3; Đến ngày 28/8/2012, ông Trần Văn Sự tiếp tục ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 35 ngày 28/8/2012, tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về TAND quận 3 xét xử lại theo trình tự sơ thẩm, mặc dù bên nguyên đơn và bị đơn đều không kháng cáo bản án sơ thẩm, từ đó Tòa án TPHCM ban hành Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp nói trên.
Theo ý kiến của đại diện Công ty Kim Long, Bản án sơ thẩm số 01/2012/KDTM-ST của Tòa án quận 3 chỉ có hiệu lực từ ngày Tòa án TPHCM ban hành Quyết định số 702/2012/QĐPT – KDTM ngày 22/6/2012 về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng thuê nhà. Trong phần quyết định của Quyết định đình chỉ nêu trên ghi rõ “ Quyết định này có hiệu lực ngay sau khi tuyên án“.
Công ty Kim Long cho rằng nếu có kháng nghị Giám đốc thẩm phải là
Quyết định đình chỉ xét xử chứ không phải bản án sơ thẩm của TAND quận 3
Như vậy, trong trường hợp này nếu kháng nghị Giám đốc thẩm phải là Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 702 /2012/QĐPT – KDTM ngày 22/6/2012 của Tòa án TPHCM, chứ không thể kháng nghị Giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2012/KDTM – ST ngày 20/1/2012 của TAND quận 3. Theo quy định tại khoản 1 Điều 285 Bộ Luật tố dụng Dân sự, thì chỉ có Chánh án Tòa án tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao mới có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định đình chỉ xét xử vụ án phúc thẩm số 702/2012/QĐPT – KDTM ngày 22/6/2012 của Tòa án TPHCM.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Ngô Tất Hữu, Trưởng Văn phòng luật sư Thủ đô cho biết: Đây là vụ án kinh doanh thương mại, Tòa án sơ thẩm và Tòa phúc thẩm đều thụ lý, xét xử vụ án kinh doanh thương mại; Chánh án TPHCM cũng ban hành Quyết định kháng nghị Bản án kinh doanh thương mại, nhưng Ủy ban Thẩm phán Tòa án TPHCM lại ban hành Quyết định Giám đốc thẩm dân sự nhưng khi xét xử lại xác định vụ án dân sự, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng.
Phiên tòa Giám đốc thẩm do ngày 28/8/2012 ông Bùi Hoàng Danh – Chánh án Tòa án TPHCM làm Chủ tọa phiên tòa, nhưng khi ký ban hành Quyết định Giám đốc thẩm vẫn do ông Trần Văn Sự – Phó Chánh án ký thay Chánh án. Đây là một vi phạm nghiêm trọng về việc ban hành Quyết định Giám đốc thẩm. Bởi lẽ, Quyết định Giám đốc thẩm là quyết định tố tụng theo quy định của Bộ Luật tố tụng Dân sự, chứ không phải quyết định hành chính nên chỉ có Chủ tọa phiên tòa phải ký Quyết định Giám đốc thẩm. Ông Sự là Phó Chánh án, không phải là Chủ tọa phiên tòa nên không có quyền ký Quyết định Giám đốc thẩm, lại càng không được ký Quyết định Giám đốc thẩm thay Chánh án – Chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm.
Ông Bùi Hoàng Danh ngồi ghế Chủ tọa phiên xử Giám đốc thẩm, nhưng ông Trần Văn Sự – Phó Chánh án Tòa án TPHCM lại ký Quyết định Giám đốc thẩm
Về nội dung bản án, sau khi TAND quận 3 xét xử sơ thẩm, Công ty Hợp Nhất kháng cáo, sau đó tại phiên tòa phúc thẩm bên bị đơn lại rút kháng cáo nên tòa án phúc thẩm đã ban hành Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, Công ty Hợp Nhất cũng không có đơn đề nghị Giám đốc thẩm. Điều đó chứng tỏ, Công ty Hợp Nhất đã chấp nhận phán quyết của TAND quận 3 tại Bản án sơ thẩm nêu trên. Nhưng Ủy ban Thẩm phán Tòa án TP HCM lại cho rằng Tòa án cấp sơ thấm xét xử sai là không đúng.
Khi xét xử Giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán Tòa án TPHCM cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xác định thiếu người tham gia tố tụng vì còn có 3 Công ty khác mà Công ty Hợp Nhất cho thuê văn phòng tại tòa nhà Master Building tọa lạc tại số 41- 43 Trần Cao Vân, đó là Công ty CP Đầu tư Tư vấn thương mại Tiến Thắng, Công ty Tìm kiếm tài năng Việt và Công ty Việt Phát Tiến. Đây là lý do thứ nhất để Ủy ban Thẩm phán Tòa án TPHCM hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của Tòa án quận 3. Nhưng chỉ sau có 49 ngày kể từ ngày Ủy ban Thẩm phán Tòa án TPHCM ban hành Quyết định Giám đốc thẩm (ngày 28/8/2012) đến ngày Tòa án quận 3 thụ lý sơ thẩm lại vụ án (17/10/2012), Công ty Hợp Nhất đã cho tổng cộng 276 Công ty và các nhân thuê tòa nhà này. Với tốc độ cho thuê nhà nhằm “đối phó” với vụ kiện, không biết đến bao giờ bên nguyên đơn mới lấy được phại khối tài sản hợp pháp của mình?.
Video đang HOT
Công ty Hợp Nhất vẫn “độc chiếm” tòa nhà Master Building
Trong khi không ngừng mở rộng số lượng doanh nghiệp thuê tại cao ốc Master Building, Công ty Hợp Nhất còn chây ỳ không thanh toán tiền thuê nhà đang nợ của Công ty Kim Long, mặc dù TAND quận đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp, còn Chi cục THADS đã ra Quyết định cưỡng chế buộc Công ty Hợp Nhất thanh toán khoản tiền thuê và các khoản phát sinh cho theo Hợp đồng ký kết với Công ty Kim Long (Hợp đồng số 05/HĐ-Uniland ngày 5/12/2007, Phụ lục hợp đồng số 03 ngày 21/3/2009).
Quyết định áp dụng Biện pháp khẩn cấp của TAND quận 3
Quyết định thi hành án chủ động của Chi cục THADS quận 3
Cụ thể, ngày 30/9/2013, TAND quận 3 ban hành Quyết định số 14/QĐ-BPKCTT về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Công ty Hợp Nhất thực hiện nộp tiền thuê tòa nhà Master Building số 41-43 Trần Cao Vân mỗi quý là 421.852,53 USD. Chi cục THADS quận 3 có trách nhiệm thu số tiền nêu trên. Ngày 7/10/2013, TAND quận 3 ban hành thông báo bổ sung số 14A/TB-TA, yêu cầu Công ty Hợp Nhất bắt đầu thực hiện nộp tiền thuê nhà từ ngày 10 – 15 (dương lịch) tháng 10/2013.
Thực hiện Quyết định trên, ngày 18/10/2013, Chi cục THADS quận 3 ký Quyết định số 130/QĐ-CCTHA về việc thi hành án chủ động buộc Công ty Hợp Nhất nộp tiền thuê nhà tòa nhà Master Building số 41-43 Trần Cao Vân. Cùng ngày, Chi cục THADS quận 3ban hành Thông báo số 39/TB-THA về việc cưỡng chế thi hành án theo Quyết định số 130/QĐ-CCTHA của Chi cục THADS quận 3. Tuy nhiên, cho đến nay phía công ty Hợp Nhất vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thiền thuê theo các Quyết định của TAND quận 3 và Chi cục THADS quận 3.
Thông báo cưỡng chế của Chi cục THADS quận 3
Trong lúc đó, đối tác ký Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng tòa nhà Master Building số 41-43 Trần Cao Vân là Công ty CP Dược phẩm TW25 liên tục có văn bản hối thúc Công ty Kim Long nộp tiền thuê mặt bằng, thông báo việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng giữa Công ty Kim Long và Công ty CP Dược phẩm TW25 đẩy Công ty Kim Long đến bờ vực phá sản.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp đang bị xâm hại, Công ty Kim Long đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật, Cơ quan thi hành án buộc Công ty Hợp Nhất nộp tiền thuê tòa nhà Master Building số 41-43 Trần Cao Vân theo các Quyết định đã ban hành. Công ty Kim Long khẩn thiết đề nghị ông Chánh án TAND tối cao, ông Viện Trưởng Viện KSND tối cao, Cục Điều tra Hình sự Viện KSND tối cao xem xét lại Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm, Quyết định Giám đốc thẩm do ông Trần Văn Sự – Nguyên Phó Chánh án Tòa án TPHCM ban hành có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ban Bạn đọc
Theo Dantri
Bài 39 Vụ án 194 phố Huế: "Biết vi phạm vẫn làm trái thì cần phải xét xử nghiêm minh"
Về vụ án 194 phố Huế có dấu hiệu bao che cho bị cáo "siêu đặc biệt" Trịnh Ngọc Chung, ông Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao nhận định: Trước pháp luật tất cả đều công bằng, việc biết vi phạm vẫn làm cần phải xét xử nghiêm minh.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao
Về hành vi phạm tội của bị cáo Trịnh Ngọc Chung - Nguyên Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, tại bản cáo trạng số 18/VKSTC - V1A đề ngày 8/7/2013 của Viện KSND tối cao nêu rõ: "Trong quá trình thực hiện quyết định ủy thác của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hà Nội (Thi hành Quyết định số 143/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP. Hà Nội), ngày 28/6/2011, Trịnh Ngọc Chung là chấp hành viên, Trưởng Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐTHA để thực hiện việc giao nhà số 194 phố Huế cho người trúng đấu giá (Ngày 24/8/2009, Công ty Cổ phần bán đấu giá Hà Nội tiến hành bán đấu giá nhà 194 phố Huế với giá 31.528.000.000đ, trong khí đó giá trị thực của ngôi nhà là gần 80 tỷ đồng - PV).
Đại diện gia đình số 194 phố Huế đau xót trình bày lại vụ việc cưỡng chế trái pháp luật
Quá trình điều tra xác định Trịnh Ngọc Chung đã có hàng loạt những vi phạm mang tính cố ý như: Kê biên nhà 194 phố Huế cũng như quá trình bán đấu giá không thông báo cho các đồng sở hữu biết; nhà 194 phố Huế chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện chuyển dịch bất động sản cũng như đang bị phong tỏa theo thông báo số 02/TB-THA ngày 20/1/2000, hiện nay chưa có quyết định giải tỏa; Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái với ý chí, nguyện vọng của người thi hành án; Vận dụng Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 không đúng; Tự chế ra mẫu quyết định cưỡng chế sai với biểu mẫu theo quy định của Bộ Tư pháp.
Do đó, đủ căn cứ để xác định Trịnh Ngọc Chung biết rõ quyết định cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế là trái pháp luật. Hành vi của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào tội "Ra quyết định trái pháp luật", quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự, gây thiệt hại cho người phải thi hành án là ông Hoàng Ngọc Minh 6,69 tỷ đồng.
Hành vi phạm tội trên đây của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào Khoản 3, Điều 296 Bộ luật Hình sự: "Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm...".
Vụ án "Ra quyết định trái pháp luật" tại 194 phố Huế thu hút sự quan của dư luận
Bị can Trịnh Ngọc Chung hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú theo lệnh số 11/VKSNDTC-C6 (P1) ngày 8/5/2012 của Cơ quan Điều tra VKSNDTC. Ngoài ra, Quận ủy Hai Bà Trưng cũng đã có quyết định số 1370-QĐ/QU đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với Trịnh Ngọc Chung".
Viện KSND tối cao ký và ban hành cáo trạng từ tháng 7/2013, nhưng đến nay TAND TP Hà Nội vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử, mặc dù thời hạn phải đưa bị cáo "siêu đặc biệt" này đã hết hạn đến nay gần 1 tháng. Để làm rõ vụ án những "bất thường" của vụ án 194 phố Huế, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Từ Văn Nhũ, Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao dưới góc nhìn pháp lý về vụ án này.
Nhận định về thời hạn đưa vụ án ra xét xử, ông Từ Văn Nhũ cho biết: "Anh Trịnh Ngọc Chung bị truy tố về tội "Cố ý làm trái" theo Điều 296 Bộ luật hình sự. Hành vi phạm tội này được coi là tội phạm rất nghiêm trọng, với mức án cao nhất 10 năm.
Ông Từ Văn Nhũ - Nguyên Phó Chánh án Tòa án tối cao trả lời PV Dân trí
Tại Khoản 2 - Điều 176 Bộ luật tố tụng Hình sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử: Trong thời gian 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng; 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau: Đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ điều tra bổ sung; đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Anh Chung bị truy tố là tội rất nghiêm trọng nên thời gian đưa ra xét xử chỉ là 2 tháng, kể từ khi nhận hồ sơ vụ án. Tôi không biết tòa án nhận hồ sơ ngày nào, nên chưa dám khẳng định tòa án có làm sai hay không. Đến giờ tôi chưa được biết tòa án đã ra quyết định nào trong 3 quyết định theo luật quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử theo Điều 176 Bộ luật tố tụng Hình sự.
Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng Hình sự cũng quy định: Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có quyền gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Tôi không biết trong thời gian chuẩn bị xét xử vụ án này, Chánh án TAND Thành phố có ký quyết định gia hạn thời thời hạn chuẩn bị xét xử hay không nên không thể bình luận. Nếu thời gian này Chánh án ký quyết định gia hạn thời hạn xét xử thì họ được kéo dài...".
Chứng kiến "ngoại lệ" mà các cơ quan bảo vệ pháp luật TP Hà Nội đang dành cho bị cáo "siêu đặc biệt" Trịnh Ngọc Chung, dư luận đang đặt dấu hỏi, liệu bị cáo "siêu đặc biệt" này có được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật, tương xứng với hành vi phạm tội và những hậu quả đã gây ra. Về nghi ngờ này, ông Từ Văn Nhũ cho biết:
"Khi xét xử một vụ án, một bị cáo phải xem xét chung cả vụ án, xem trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án. Hội đồng xét xử phải xác định các tình tiết quan trọng của vụ án như: Thiệt hại, hậu quả cụ thể của vụ án; ý thức chủ quan của từng bị cáo; điều kiện và hoàn cảnh xảy ra vi phạm pháp luật; thái độ khai báo của từng bị cáo; bị cáo có tỏ ra ăn năn, hối cải thế nào; khắc phục hậu quả như thế nào?; từng bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng gì?.
Đối với những vụ án hình sự đều phải xét xử công minh, khách quan, công tâm, đúng pháp luật và thuyết phục được người dân. Xét xử không làm được điều này là không đáp ứng được niềm tin của người dân. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng như nhau, dù anh ở vị trí nào, cấp bậc gì, chức vụ gì mà anh vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh, không có cái miễn trừ, ngoại trừ hoặc đặc ân nào...".
Liên quan đến vụ án này, trong quá trình Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng lên kế hoạch chuẩn bị cưỡng chế, Viện KSND quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu làm rõ một số nội dung (Văn bản 270/KSTHA/CV ngày 23/8/2011), đồng thời từ chối tham gia vụ cưỡng chế 194 phố Huế nhưng cơ quan này "phớt lờ" ý kiến của cơ quan kiểm sát.
Do Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng không làm theo yêu cầu, Viện KSND quận Hai Bà Trưng đã ra thông báo không tham gia kiểm sát việc cưỡng chế, giao nhà 194 phố Huế, không đến địa điểm cưỡng chế thi hành án.Tuy nhiên, tại các biên bản: Biên bản phá khóa; biên bản liệt kê tài sản; biên bản cưỡng chế giao nhà do Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng lập đều ghi có sự tham gia của đại diện Viện KSND quận Hai Bà Trưng.
Điều này có nghĩa là Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng đã được cơ quan kiểm sát cảnh báo vi phạm, nhưng bị cáo Trịnh Ngọc Chung - Nguyên Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng vẫn cố ý làm trái bằng việc ra quyết định và tổ chức cưỡng chế nhà 194 phố Huế ngày 7/7/2011.
Về tình tiết này, ông Từ Văn Nhũ - Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao nhận định: "Chi tiết Viện KSND quận Hai Bà Trưng gửi văn bản đề nghị dừng thi hành án, không tham gia thi hành án, nhưng trong biên bản lại ghi có đại diện Viện KSND tham gia là tình tiết quan trọng của vụ án để đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Tình tiết này nói lên điều kiện, hoàn cảnh khi phạm tội. Khi xem xét, đánh giá về vụ án cũng như mức độ vi phạm thì phải xem xét kỹ tình tiết này. Cần xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan. Tất cả đều phải được xem xét kỹ lưỡng, xét xử nghiêm minh, tương xứng vi phạm. Có như vậy mới có ý nghĩa răn đe, giáo dục, có sự trừng phạt phù hợp, đúng đắn...".
Báo Nhân dân, số 20429, ngày 12/8/2011 cũng vào cuộc lật tẩy các sai phạm vụ thi hành án 194 phố Huế (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Như vậy, sau gần 40 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của vụ thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đến nay đã có kết quả của vụ việc. Đây là một trong những vụ án được đông đảo bạn đọc Dân trí quan tâm và gây bức xúc dư luận tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua. "Điều 296 Bộ luật hình sự: Tội ra quyết định trái pháp luật 1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm."
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ án trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương
Theo Dantri
Bài 40: Báo Nhân dân, Công an Nhân dân vào cuộc, vụ án 194 phố Huế vẫn là "ẩn số" Sau rất nhiều nỗ lực liên hệ với Tòa án Hà Nội để tìm hiểu thông tin về vụ án 194 phố Huế, rốt cuộc PV Dân trí cũng chỉ nhận được thông tin trả lời qua điện thoại của một lãnh đạo tòa án Hà Nội là lịch xét xử vẫn chưa có. Gần 5 tháng kể từ ngày VKSNDTC ban hành...