Phổ biến kiến thức về động đất cho người dân vùng Sông Tranh 2
Ngày 18/10, hơn 300 cán bộ và người dân trên địa bàn Quảng Nam đã được các chuyên gia ở Viện Vật lý địa cầu phổ biến kiến thức về động đất và cách phòng tránh, ứng phó khi có động đất xảy ra.
PGS.TS. Cao Đình Triều – chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu – là người chủ trì buổi nói chuyện. Đặc biệt, buổi nói chuyện này cũng được truyền hình trực tiếp để nhiều người dân của Quảng Nam mà đặc biệt là người dân quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) theo dõi.
PGS.TS. Cao Đình Triều phổ biến kiến thức về động đất và cách phòng tránh, ứng phó
Theo PGS.TS. Cao Đình Triều, động đất là một hiện tượng thiên tai “hung hãn”. Nghiên cứu và hiểu biết nó, dự báo sự xuất hiện của nó là cả một vấn đề mà loài người còn phải đối đầu trong tương lai.
Sự rung động của động đất thường xuyên xuất hiện gây ra sự tàn phá, chết chóc làm cho con người luôn sợ hãi. Ở nhiều nước trên thế giới, những truyền thuyết trong dân gian coi động đất như là con vật hung hãn, gớm ghiếc được Trái đất nâng đỡ.
“Động đất là sự rung động của Trái đất, nó được gây nên bởi chùm tia sóng địa chấn lan tỏa từ một vùng nguồn nào đó do quá trình giải tỏa nhanh năng lượng đàn hồi tạo nên. Nói cách khác, động đất là sự giải phóng nhanh của năng lượng đàn hồi được tích lũy tại một điểm nào đó trên trong Trái đất gây nên sóng địa chấn và tác động lên bề mặt làm phá hoại các công trình, sự biến dạng bề mặt cũng như gây chết chóc cho con người” – PGS.TS. Cao Đình Triều giải thích về động đất.
PGS.TS. Cao Đình Triều cũng giải thích có hai loại sóng mặt: Sóng Love và sóng Rayleigh được truyền dọc theo bề mặt Trái đất và trong các lớp dẫn sóng. Ngoài ra có hai loại sóng khối: Sóng dọc P và sóng ngang S truyền xuyên qua lòng đất, khúc xạ qua các môi trường vật chất khác nhau hoặc phản xạ tại các ranh giới của môi trường trước khi trở lại mặt đất.
Về vấn đề động đất đang diễn ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My), PGS.TS. Cao Đình Triều cho rằng, đây là động đất do kích thích hồ chứa liên quan với các hoạt động của con người, xảy ra tại vùng hồ sau khi tích nước. Động đất kích thích hồ chứa luôn là vấn đề quan tâm và được cập nhật thông tin liên tục, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới công tác vận hành của các nhà máy thủy điện.
Video đang HOT
Chánh Văn phòng huyện Bắc Trà My – ông Lê Văn Tuấn – trình bày những băn khoăn của mình với PGS.TS. Cao Đình Triều tại buổi nói chuyện
“Vừa tích nước vừa nghe ngóng, đừng để biến động nước hồ quá nhanh gây ra những phản ứng tiêu cực”, PGS.TS. Cao Đình Triều phát biểu. PGS.TS. Cao Đình Triều cũng cho rằng cần bảo vệ khu vực lòng hồ, tránh những hoạt động tai biến địa chất khác như sạt lở, lũ ống… để bảo vệ khu vực lòng hồ Sông Tranh 2.
Đến nay, đã biết được có trên 100 trường hợp về các trận động đất do hồ chứa gây ra. Với hồ thủy điện Sông Tranh 2 cần hạn chế tối đa sự biến động nhanh của mực nước hồ, vì điều này đã được minh chứng là gây nên biến động của ứng suất gia tăng làm thay đổi nhanh trạng thái suất lỗ rỗng và có thể gây nên động đất.
Tại buổi nói chuyện này, các đại biểu là lãnh đạo các huyện ở khu vực hạ du thủy điện Sông Tranh 2 cũng bày tỏ những băn khoăn đối với công tác ứng phó khi có động đất xảy ra. Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức – ông Đào Bội Thuyên – băn khoăn: Huyện Hiệp Đức cách thân đập Sông Tranh 2 khoảng 40km, khi có sự cố vỡ đập xảy ra thì ứng phó như thế nào. Vì đối với huyện Hiệp Đức, người dân còn có thời gian để chuẩn bị thoát khỏi vùng nước từ thủy điện Sông Tranh 2 đổ xuống.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam – cũng băn khoăn khi cho rằng, các nhà khoa học đã xác định động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 tối đa chỉ là 5,5 độ richter, liệu đã là con số tối đa chưa hay đó chỉ là dự báo?
PGS.TS. Cao Đình Triều cho rằng, động đất kích thích xảy ra bao giờ cũng nhỏ hơn động đất kiến tạo, đồng thời nó cũng xảy ra ở tầng nông hơn nên người dân đã nghe tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất.
Một lớp tập huấn ứng phó với động đất cho cán bộ và người dân tại huyện Bắc Trà My
TS. Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu – cho biết, ngày 19/10, trạm quan trắc động đất đầu tiên tại đập thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) sẽ được hoàn thành. Đây là cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình động đất ở Bắc Trà My hiện nay cũng như phục vụ công tác dự báo động đất về sau. Trong thời gian tới, Viện Vật lý địa cầu sẽ mời các chuyên gia về động đất kích thích giỏi nhất thế giới cùng với các chuyên gia đầu ngành trong nước tới Bắc Trà My khảo sát, nghiên cứu tình hình động đất ở đây, giúp cho người dân địa phương hết hoang mang về các vấn đề liên quan đến động đất.
TS. Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, sắp tới Viện Vật lý địa cầu sẽ lắp đặt thêm các trạm quan trắc khác ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 và vùng dạ du để có thể đo chính xác những trận động đất xảy ra trên khu vực, đồng thời phục vụ cho việc dự báo về động đất có khả năng xảy ra trên khu vực trong tương lai.
Theo Dantri
Thêm 2 trận động đất ở khu vực sông Tranh 2
Ngày 16/10, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) lại xuất hiện hai trận động đất mạnh làm rung chuyển nhà cửa của người dân trên địa bàn.
Người dân trên địa bàn xã Trà Sơn (Bắc Trà My) lo sợ chạy ra ngoài sân khi có động đất xảy ra
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - cho biết, vào lúc 9h29 phút sáng nay 16/10, xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện một trận động đất mạnh làm nhà cửa của người dân rung lắc.
BQL dự án thủy điện 3 (chủ đầu từ nhà máy thủy điện Sông Tranh 2) cho biết, trận động đất này máy gia tốc đặt tại nền đập vai trái đập thủy điện ghi được 0,037g tương đương 36,26 cm/s2. Theo đánh giá của Ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2, trận động đất này có cường độ nhỏ nhơn trận động đất ngày 23/9 (4,1 richter).
Trong khi đó, theo Viện Vật lý địa cầu, trận động đất này có cường độ 3,5 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (15,399 độ vĩ Bắc, 108,158 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km.
Theo đánh giá động đất gây nên rung động trên cấp V (theo thang MSK-64) ở khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2, nhiều người ở khu vực chấn tâm động đất cảm thấy được trận động đất này.
Cô trò trường mẫu giáo Hoa Phượng (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) chạy ra sân mỗi khi có động đất xảy ra
Tiếp đó vào lúc 11h53 phút lại xuất hiện tiếp một trận động đất nữa, cảm nhận ban đầu của người dân là có tiếng nổ trong lòng đất. Tuy nhiên, trận động đất này máy gia tốc tại đập thủy điện không ghi nhận được. Viện Vật lý địa cầu cũng không có thông tin gì về trận động đất này.
Theo ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc (Bắc Trà My) - trận động đất lúc 9h30 là trận động đất mạnh, người dân rất lo lắng. Ông Lợi cũng cho biết, các em học sinh và giáo viên các trường học trên địa bàn còn lo sợ trường sập.
Cô giáo Trần Thị Thu Trang - chủ nhiệm mẫu giáo lớn với 20 em ở trường mẫu giáo Hoa Phượng (thôn 2A, xã Trà Đốc, Bắc Trà My) - cho biết, khi cô đang ở trong lớp thì nghe tiếng rầm, sau đó là la phòng rung lắc, cô vội dắt trò chạy ra ngoài sân.
"Sau khi động đất xảy ra, có nhiều phụ huynh lo lắng đến xem thử con em mình có bị sao không. Tuy nhiên sau khi được trấn an, họ đã yên tâm ra về", cô Trang cho biết.
Theo Dantri
"Báo cáo về động đất": Cẩu thả và liều! Trong khi những trận động đất tại Bắc Trà My vẫn tiếp diễn thì dư luận lại không khỏi ngỡ ngàng về "Báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2" của EVN. Báo cáo khẳng định, thủy điện Sông Tranh 2 "Không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước". Báo cáo sơ sài Bản...