Phó ban Nội chính Trung ương: ‘Tiếp tục tinh thần đốt lò’
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian tới “vẫn mạnh mẽ, quyết liệt” và “không ai có thể cưỡng lại được”.
Ông Nguyễn Thái Học, Phó Ban Nội chính Trung ương, nói như trên khi trả lời câu hỏi của VnExpress tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, chiều 9/12.
Ông Học cho hay, trong nhiều phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Trưởng Ban chỉ đạo) đã nêu vấn đề về tâm trạng của người dân, “quan tâm lo lắng, vừa qua làm tốt rồi, tới đây sẽ như thế nào?”.
Theo ông, thời gian qua trong bối cảnh đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tập trung phòng, chống dịch Covid-19, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn được tiến hành “không dừng, không nghỉ, không trùng xuống”.
“Đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào quần chúng, trở thành xu thế không ai có thể cưỡng lại được; ai không muốn làm, không dám làm thì đứng dẹp sang một bên để người khác làm”, ông Học dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Với quyết tâm chính trị này của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, ông Học khẳng định “chắc chắn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian tới vẫn mạnh mẽ, quyết liệt. Lò nóng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII thì tinh thần đấu tranh vẫn mãi như thế”.
Ông Nguyễn Thái Học, Phó Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Gia Chính
Video đang HOT
Về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 , ông Học nói, từ khi được thành lập vào năm 2013 đến nay, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận, xã hội quan quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ.
Trong đó, cấp độ một là Ban chỉ đạo, cấp độ hai Ban Nội chính Trung ương và cấp độ ba các tỉnh thành. Riêng Ban chỉ đạo đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc; đến nay các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo; phúc thẩm là 61 vụ án, 581 bị cáo…
Ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương, cho biết căn cứu vào thực tiễn, các cấp có thẩm quyền đã xây dựng năm cấp độ phối hợp xử lý án tham nhũng để giúp đảm bảo tiến độ các công việc liên quan.
“Quá trình giải quyết một vụ án sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc đặt ra, như đánh giá chứng cứ, xác định tội danh. Theo luật hiện hành thì cơ quan tố tụng nào làm theo nhìn nhận của cơ quan đó, nên nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ, việc xử lý vụ án sẽ bị kéo dài”, ông Dũng giải thích.
Cấp độ một , nếu vụ việc, vụ án đang được cơ quan tố tụng xử lý có khó khăn thì thủ trưởng của ngành chủ trì cuộc họp liên ngành, mời các cơ quan khác để giải quyết các vướng mắc.
Trong giai đoạn điều tra, thủ trưởng cơ quan điều tra tổ chức cuộc họp mời Viện kiểm sát, toà án, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương dự để trao đổi, tháo gỡ. Nếu vụ án nằm ở giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát chủ trì, ở giai đoạn xét xử thì toà án chủ trì; trường hợp chưa thống nhất, Trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì họp liên ngành để bàn tháo gỡ.
Ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Gia Chính
Nếu vẫn chưa thống nhất thì chuyển sang cấp độ hai , do Thường trực Ban Bí thư (Phó trưởng Ban chỉ đạo) chủ trì cuộc họp liên ngành.
Cấp độ ba là họp thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước (Trưởng ban), các phó trưởng ban…
Cấp độ bốn là họp toàn thể Ban chỉ đạo để giải quyết, nếu chưa xong sẽ chuyển lên cấp độ năm là họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ông Võ Văn Dũng nói đối với những vụ án phức tạp thì cấp có thẩm quyền sẽ thành lập Ban chỉ đạo riêng để xử lý. “Ban chỉ đạo không chỉ đạo tội danh, mức án cụ thể mà đặt ra yêu cầu là phải làm thế nào đảm bảo tiến độ, đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không được thiên vị, không được oan sai, không được nhẹ tay mà phải làm nghiêm minh”, ông Dũng nêu rõ.
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 sẽ diễn ra vào ngày 12/12.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Bình
Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình bằng hình thức cảnh cáo vì các vi phạm trong giai đoạn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Theo thông báo từ Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 6/11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên bí thư Ban cán sự đảng, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Bình. (Ảnh: NHNN)
Theo đó, xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm.
Cụ thể, ông Bình chịu trách nhiệm người đứng đầu về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản quy định có nội dung không đầy đủ, không đúng nguyên tắc theo quy định của Chính phủ, dẫn đến các vi phạm, khuyết điểm trong xử lý nợ xấu, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Theo thông cáo, ông Bình cũng vi phạm trong việc ký ban hành nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng Xây dựng vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm.
Ông Bình còn chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chấp thuận cho nhóm Thiên Thanh được mua lại cổ phần của Ngân hàng Đại Tín; chấp thuận cho Phạm Công Danh là nhân sự dự kiến thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; không kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Xây dựng.
Ngoài ra, ông Bình vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc khi không báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương đối với những vấn đề lớn, hệ trọng; không báo cáo đầy đủ và thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong việc mua bắt buộc 3 ngân hàng với giá không đồng là vi phạm nguyên tắc thẩm quyền.
Đặc biệt, ông Bình đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Bình là "nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cá nhân".
"Trong quá trình kiểm điểm, ông Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật", thông cáo nêu.
Xét bối cảnh tình hình, nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quá trình công tác, đóng góp của ông Nguyễn Văn Bình đối với Đảng, Nhà nước; căn cứ quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Bình bằng hình thức cảnh cáo.
Cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine ủng hộ đồng bào miền Trung Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc phát động cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài cùng chung tay giúp đỡ bà con các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại bởi bão lụt. Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã phối hợp...