Phim Việt khủng hoảng nhân tài
Qua mỗi kỳ Liên hoan phim, các đạo diễn tên tuổi cứ đuối dần và rơi rụng. Vấn đề đặt ra tại sao các nhà làm phim lại mệt mỏi sớm đến thế và ai là những người kế cận.
Nhìn vào biểu đồ sáng tạo của đa số các nhà làm phim nước ta, nhiều người không khỏi giật mình trước xu thế chung. Đó là khi những mũi tên chỉ xuống theo cột mốc thời gian. Những nguyên nhân nào tạo nên một kết quả như vậy? Các đạo diễn của chúng ta vẫn miệt mài làm việc, vẫn ngày đêm đau đáu với các dự án ngắn hạn và dài hạn như làm phim quảng cáo, làm phim tài liệu, làm phim truyền hình dài tập. Có người còn viết báo rất ăn khách. Có người còn tham gia giảng dạy ở nhiều nơi.
Trong năm 2013, Vũ Ngọc Đãng sẽ trở lại với một dự án truyền hình chứ không phải điện ảnh.
Có ý kiến cho rằng, họ bị phân tán vì làm nhiều việc cùng một lúc nhưng các đạo diễn nước ngoài cũng phải làm nhiều việc cùng một lúc mới đủ sống. Trương Nghệ Mưu lập công ty, làm đạo diễn sân khấu, lễ hội. Oliver Stone cũng có văn phòng riêng, giảng dạy, thuyết trình ở nhiều nơi và cũng làm nhiều phim tài liệu.
Hay đạo diễn phim Người tình G.G. Anaud cũng đã từng làm đến 500 phim quảng cáo ở tận châu Phi. Chẳng có đạo diễn nào làm phim trong điều kiên dư dả về tài chính. Ngay đạo diễn của phim Cái trống thiếc từng tuyên bố: “Phim nào của tôi cũng làm trong tình trạng khủng hoảng tài tiền bạc”.
Đạo diễn Iran A. Kiarostami cũng thừa nhận, chưa bao giờ ông có đủ tiền làm phim. Đọc hồi ký của Lưu Hiểu Khánh, được biết, tình hình làm phim ở Trung Quốc, nhiều đoàn phim cũng cãi nhau như mổ bò, không kém bên ta. Tại sao phim của họ ta đi mua về xem chăm chú, còn phim của ta, họ không mua hoặc nếu có dịp xem lại không hiểu lắm? Điều này ai cũng biết và có nhiều người đưa ra nhiều cách lý giải. Cách nào cũng đúng. Tôi chỉ đưa ra cách của mình.
Làm phim không tỉ mỉ, thiếu bình tĩnh
Làm phim là một nghề rất công phu, đòi hỏi ai cũng phải tỉ mỉ, kỹ càng. Thế nhưng, nghề làm phim ở nước ta từ khi bắt đầu cho đến nay, ai cũng làm phim trong tình trạng vội vàng. Ngay từ thời làm Cánh đồng ma hay Trận phong ba, các diễn viên của ta ở Hong Kong đều làm việc trong hoàn cảnh bị o ép trăm bề, mâu thuẫn chủ – thợ, mâu thuẫn nội bộ nên ai cũng cốt làm cho xong, bị quỵt tiền cũng về cho đỡ mệt. Đó là chuyện từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Ngô Quang Hải được đánh giá là không lên tay với bộ phim mới Mùa hè lạnh.
Lịch sử điện ảnh của chúng ta bị gián đoạn trong một thời gian dài. Mãi đến năm 1959, chúng ta mới làm bộ phim truyện đầu tiên. Ngay từ khâu kịch bản, cho đến tận bây giờ, chúng ta cũng làm không kỹ. Nếu đặt một kịch bản, dù đã được duyệt, trước mặt một nhà biên kịch (tác giả) hay một đạo diễn (nhận làm phim), thử hỏi những câu như Ý tưởng kịch bản là gì? (Nói gọn trong một câu), Tinh thần kịch bản là gì? (Nói ngắn trong một câu), Bài học rút ra từ kịch bản là gì? (Trong một câu), Những tài liệu tham khảo? (Sách, tiểu thuyết, phim), Nhân vật chính muốn nói điều gì với khán giả?… Các biên kịch và đạo diễn trả lời một cách lơ mơ hoặc không rõ ràng, thiếu nghiêm túc.
Sang đến khâu đạo diễn, chúng ta còn làm cẩu thả hơn. Vũ khí duy nhất của đạo diễn chỉ là mấy chục trang kịch bản phân cảnh được làm đại khái. Nếu đặt câu hỏi cho đạo diễn: Cảnh trung tâm của phim là cảnh nào? Trường đoạn nào quan trọng nhất? Anh dàn dựng thế nào? Tông màu? Trang phục? Góc máy? Động tác máy? Giai điệu nhạc thế nào? Tiếng động nào nổi bật? Âm thanh nào đáng chú ý? Diễn viên có mấy phương án ? Anh có lường hết những tâm lý của họ?… Nếu hỏi nhiều quá, đạo diễn sẽ cáu bởi anh ta hầu như chưa bao giờ đặt ra một cách chi ly những vấn đề này.
Bên cạnh công việc chính là làm phim, Nguyễn Quang Dũng còn được biết đến với vai trò giám khảo của nhiều cuộc thi trên truyền hình.
Một kịch bản phim ngắn của của một sinh viên nước ngoài phải sửa đi sửa lại đến hơn 10 lần trong suốt một năm. Chúng ta không có thời gian làm được như thế. Cũng kịch bản đó, đạo diễn phải viết thuyết trình về công việc của mình dài khoảng 120 trang. Chúng ta thường làm tắt hoặc nói qua bằng lời.
Một kịch bản phim quảng cáo của hãng bia Tiger chỉ khoảng 3 phút nhưng họ phải có 1.200 trang thuyết trình. Vì thế, khi xem một đoạn phim của Mỹ, người ta có thể dừng hình, tua lại nhiều lần để phân tích những cái hay của nó. Thế nhưng khi xem phim của ta, hầu như tất cả đều cứ trôi qua. Không những thế, người xem còn thấy thừa chỗ này, thiếu chỗ kia. Độ dài của cảnh hay của trường đoạn đều có vấn đề. Tất cả đều do không chuẩn bị kỹ lưỡng.
Khi đến trường quay, chúng ta chưa bao giờ làm phim một cách đúng đắn. Tất cả đều có tâm lý làm cho xong. Sức ép tiền bạc. Ăn uống thiếu chất. Ngủ nghỉ thiếu tiện nghi. Sức ép thời gian. Phải hoàn thành bao nhiêu cảnh quay trong hôm nay? Thêm vào đó, trong đoàn phim, không phải mọi thành phần đều có chung mục đích. Quay phim đẹp làm gì, nếu hay đạo diễn hưởng. Thiết kế mỹ thuật đẹp làm gì, nếu có giải đạo diễn nhận. Nếu đạo diễn có quyết tâm đến mấy cả đoàn phim vẫn mệt mỏi, sau này, bên bàn dựng, dẫu có mời phù thủy bộ phim vẫn nhạt nhòa. Phim Việt xem xong đều có cảm giác làm vội vàng. Trong khi đó, nghề làm phim là một nghề tỉ mỉ hơn bất kỳ nghề nào.
Thế hệ kế cận, anh ở đâu?
Mấy năm trước, một số đạo diễn có triển vọng thành công trong phim đầu tay như Đỗ Thanh Hải, Đào Duy Phúc, giờ chuyển sang làm quản lý. Họ đã sớm nhận ra sự nghiệt ngã của nghề bởi họ càng làm những phim sau không thể bằng phim trước. Những đạo diễn còn theo nghề như Bùi Tuấn Dũng, Ngô Quang Hải cũng thành công với phim đầu tay nhưng khi làm những phim sau, cũng không thể vượt phim đầu. Những đạo diễn phim thương mại như Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng… cũng đang tạo nên những vệt mờ dần.
Tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 2 nữ đạo diễn Mina Yonezawa của Nhật Bản đã giành giải Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất.
Số phận các đạo diễn Việt Kiều cũng không thể khác. Dù họ có lấy Trần Anh Hùng hay Nguyễn Võ Nghiêm Minh ra làm gương, những tấm gương đó đang ngày càng phủ bụi thời gian. Tại sao có hiện tượng này? Quan niệm làm phim là một nghề dễ dãi. Đây là một điều hết sức tai hại. Dường như ai cũng có thể làm đạo diễn. Không học trường lớp nào cũng làm phim. Thuê người nước ngoài quay và dựng là xong. Quay phim chuyển sang làm đạo diễn. Tại sao thế? Vì thiên hạ thường gọi tôi là thằng quay phim. Phải chuyển nghề để họ gọi là ông đạo diễn.
Đạo diễn không cần kiến thức văn hóa, lịch sử. Vì thế, một đạo diễn của ta khi họp báo ở Pháp, khán giả hỏi, cả thế giới khâm phục người Việt Nam đánh thắng Mỹ, sao anh làm phim phủ nhận? Đạo diễn trẻ lúng túng, quay sang cầu cứu ông thầy mình (biết tiếng Pháp). Ông thầy cũng không thể trả lời hộ học trò thế nào. Chuyện này do đạo diễn Trần Đắc kể trên một tờ báo khi ông còn sống.
Đạo diễn không bao giờ đọc sách. Một cô gái hâm mộ các đạo diễn tên tuổi của ta. Cô định viết một cuốn sách về những gương mặt điện ảnh sáng giá của nước nhà. Cô đi một vòng qua các nhà đạo diễn đó. Một điểm chung cô bỗng nhận ra, không nhà đạo diễn nào có sách! May ra có vài phim video phủ bụi. Cô cầm lên, sau đó phải đi rửa tay. Cô hỏi, nếu đạo diễn đó nhận một dự án làm phim, một giám khảo hỏi: “Anh có thể kể cho chúng tôi biết những nguồn tham khảo?”, không biết họ trả lời thế nào.
Đạo diễn không cần hiểu hội họa, âm nhạc… Tất cả những thứ “phụ trợ” này đã có các thành phần chuyên môn lo. Anh ta chỉ thích cầm tiền làm phim.
Tìm đâu một đạo diễn đau đớn vì số phận con người? Một đạo diễn yêu lịch sử dân tộc, viết và nói tiếng Việt chuẩn xác (đỡ phải pha tiếng Anh giả cầy làm phụ đề)? Một đạo diễn làm phim khi xem, người ta phải phát hiện cảnh này anh copy ở phim nào? Một đạo diễn dám tuyên bố: “Tôi kể câu chuyện của đất nước tôi đây? Một câu chuyện 100 phần trăm thuần Việt nhưng quốc tế đều hiểu?”. Hãy chờ đợi và hy vọng.
Video đang HOT
Theo Thế giới điện ảnh
'Bom tấn' ngoại đối đầu 'hàng nội địa' trong tháng Tết
Trong số hơn một 10 bộ phim chính thức ra rạp trong tháng 2/2013, số lượng sản phẩm "made in Việt Nam" không hề ít nhưng để nói về chất lượng thì không ai dám khẳng định trước bất cứ điều gì.
1. Mỹ nhân kế
Ngày phát hành: 1/2
Ngược dòng về xứ Đại Việt cổ xưa, giữa nơi rừng thiêng nước độc cách xa thành thị, có một tửu điếm nức tiếng giang hồ thời bấy giờ mang tên Đường Sơn Quán. Không chỉ nhờ vị trí tuyệt đẹp, lưng dựa núi, mặt hướng biển, khung cảnh thơ mộng trữ tình, Đường Sơn Quán còn lừng danh bởi những cô đào xinh như tiên nữ nơi đây. Nhưng kỳ lạ hơn, hầu hết tửu khách bước vào Đường Sơn Quán đều một đi không trở lại. Và bước ngoặt xảy đến khi nơi này "thu nạp" thêm một bông hoa tuyệt đẹp nhưng cũng đầy bí ẩn. Xuất thân là tiểu thư quyền quý, Linh Lan (Tăng Thanh Hà) lạc vào Đường Sơn Quán sau khi chạy thoát họa diệt vong của toàn gia tộc dưới tay đại tướng quân Quan Du tàn ác (Thái Hòa). Thuần khiết như một hoa lan buổi sớm, nhưng cũng âm thầm sắc nhọn như gai của hoa hồng, Linh Lan chiếm được cảm tình đặc biệt của Kiều Thị (Thanh Hằng), và được mỹ nhân "cao thủ" nhất của Đường Sơn Quán đích thân luyện rèn võ nghệ. Kỳ vọng của Kiều Thị, là biến nàng Linh Lan với vẻ ngoài thuần khiết như sương mai kia trở thành một đóa hoa gai góc, một sát thủ mà kẻ thù ngoài kia phải ngã rạp dưới chân nàng.
Nhưng Linh Lan có thật sự sẵn sàng để đối mặt và đoạt mạng kẻ mà nàng và cả Đường Sơn Quán ngày đêm vừa căm thù vừa kinh sợ? Liệu Kiều Thị có thành công trong nỗ lực rèn luyện nữ sát thủ Linh Lan? Liệu những bí ẩn xung quanh các mỹ nhân của Đường Sơn Quán có được hé lộ? Và những mỹ nhân thời loạn lạc ấy, liệu giành được cho mình cái kết yên bình như họ hằng ao ước?
Trailer của bộ phim do Nguyễn Quang Dũng làm đạo diễn.
2. Nhà có năm nàng tiên
Ngày phát hành: 2/2
Sản phẩm điện ảnh duy nhất mà Hoài Linh tham gia trong dịp Tết 2013 là một trong những phim được mong đợi nhất. Ê-kíp sản xuất phim chọn cách làm việc bài bản, chuyên nghiệp ngay từ những ngày đầu tiên: ra mắt dự án từ rất sớm, độc quyền danh hài Hoài Linh, "book" rạp trước nửa năm... Được tất cả các hệ thống rạp lớn nhất nhận chiếu, chế biến nội dung phù hợp với thị hiếu số đông, bộ phim này hoàn toàn là ứng viên sáng giá đứng đầu bảng doanh thu năm nay.
Nhà có năm nàng tiên kể về một gia đình có đến 5 cô công chúa xinh đẹp. Nổi bật nhất là nhân vật do Bảo Anh thể hiện với giọng hát trời cho và cô đã tham gia một cuộc thi âm nhạc. Từ đó, cô công chúa bé bỏng vấp phải nhiều chuyện mà cô không mong muốn. Ngay khi công bố nội dung phim, nhiều người đã cho rằng sản phẩm này được "đo ni đóng giày" cho riêng hiện tượng The Voice. Tuy nhiên, sự góp mặt của Hoài Linh - Việt Hương cùng những cô con gái xinh đẹp do Ngân Khánh, Miu Lê, Phương Thảo, Trương Nhi... thể hiện cũng đem lại cho khán giả nhiều tiếng cười thú vị.
Trailer bộ phim độc quyền dịp Tết của Hoài Linh.
3. Bay vào cõi mộng
Dàn diễn viên Bay vào cõi mộng trong ngày công bố dự án.
Ngày phát hành: 2/2
Tác phẩm của đạo diễn Phương Điền là kể về một cô con gái nhà nghèo để có tiền đi học đã làm nai lưng làm thêm đủ nghề. Nhưng vì làm việc quá sức nên có lần, cô đã ngã gục trong lớp. Từ đó, cô mắc bệnh mộng du và tâm tính thay đổi hoàn toàn khiến vô số tình huống bi hài xuất hiện trong cuộc sống.
Bộ phim gây chú ý không chỉ bởi kinh phí sản xuất lên tới 7-8 tỷ đồng mà còn do sự góp mặt của hàng loạt nghệ sĩ hải ngoại như nữ diễn viên hài Kiều Oanh, vợ chồng Lynda Trang Đài... Đây cũng là lần đầu tiên ca sĩ Khánh Phương thử tài với nghệ thuật thứ bảy trong một dự án lớn nên chắc chắn bộ phim sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các fan yêu mến giọng ca Chiếc khăn gió ấm.
Trailer Bay vào cõi mộng.
4. Yêu anh! Em dám không?
Ngày phát hành: 6/2
Trong bộ phim do Phước Sang sản xuất, Đan Trường đảm nhận vai diễn anh không ngại đi bán kem dạo để có tiền đóng học phí. Đức tính chịu thương chịu khó đã chinh phục được trái tim cô bạn cùng lớp xinh xắn (Miu Lê thủ vai). Tuy nhiên, chuyện đời không như mơ nên tình cảm của Đan Trường và Miu Lê đã trải qua vô số rắc rối, khó khăn.
Dù là một bộ phim hài nhưng Đan Trường không được Phước Sang chọn để chọc cười, chỉ muốn khai thác yêu tố "ngô nghê". Dù vậy, anh Bo cũng gặp không ít khó khăn khi phải đóng chung với các danh hài có tài tung hứng rất điệu nghệ là Nhật Cường và Trấn Thành.
Trailer bộ phim đánh dấu sự tái xuất của Đan Trường trong nghệ thuật thứ bảy.
5. Movie 43- 43 ngày kỳ quặc
Ngày phát hành: 8/2
43 ngày kỳ quặc gây ấn tượng ngay từ poster chính thức. Với thiết kế độc đáo & táo bạo, cùng hình ảnh về dàn diễn viên khủng của Hollywood góp mặt trong bộ phim đã tạo nên một "hiệu ứng đặc biệt"; khơi gợi sự tò mò về nội dung hài hước, vui nhộn của bộ phim.
Những câu chuyện trong phim tất nhiên sẽ vẫn là bí mật đối với khán giả cho tới khi phim ra rạp, nhưng chỉ cần nhìn vào poster với một danh sách dài những ngôi sang hàng đầu như: Halle Berry, Naomi Watts, Kate Winslet, Kate Bosworth, Gerard Butler, Anna Faris, Richard Gere, Hugh Jackman, Justin Long, Emma Stone, Uma Thurman... cũng đủ để "bảo chứng" cho chất lượng.
Với mô típ không còn xa lạ với khán giả Việt cùng dàn diễn viên hạng sao, bộ phim Movie 43 - một series các câu chuyện hài hước sẽ ra mắt khán giả đúng vào dịp Tết Nguyên Đán 2013.
6. Die hard 5
Ngày phát hành: 10/2
Với tên chính thức là A good day to die hard, đây là bộ phim hành động mới của đạo diễn John Moore và biên kịch Skip Woods. Trong phần thứ năm của loạt phim Die hard, ngôi sao Bruce Willis vẫn tiếp tục đảm nhận vai chính John McClane. Trong tập tiếp theo này, John Mc Clane du lịch tới Matxcơva để gặp gỡ cậu con trai Jack nhưng lại vướng vào cuộc truy đuổi trong thế giới ngầm ở Nga. Hai cha con anh cùng lập kế hoạch lật đổ chiến dịch khủng bố toàn cầu của những tên trùm mafia nguy hiểm.
Ngoài Bruce Willis và Jai Courtney (vai Jack McClane), bộ phim còn có sự tham gia của Sebastian Koch, Yulia Snigir và Cole Hauser. Phim được chiếu tại Việt Nam sớm hơn khu vực Bắc Mỹ tới 4 ngày.
Trailer phim.
7. Hit: Hoàng tử & Lọ lem
Ngày phát hành: 10/2
Hit: Lọ Lem & Hoàng tử là câu chuyện về một cô gái thiếu niềm tin vào tình yêu cùng với những tình huống hài hước, sự đam mê cháy bỏng trong âm nhạc và một mối tình có nhiều thăng trầm.
Đây là dự án phim thứ hai Midu hợp tác cùng đạo diễn Ngô Quang Hải trong thời gian gần đây. Ở Mùa hè lạnh, dư luận từng xôn xao với thông tin cô "cặp kè" cùng vị đạo diễn điển trai này để có vai diễn tuy nhiên, Midu nhanh chóng phủ nhận tất cả.
Bảo Hân (Midu) - với niềm đam mê âm nhạc luôn cháy bỏng trong tim và mong một ngày có những sản phẩm âm nhạc hit mang đến cho khán giả. Bên cạnh đó, cô cũng có một tình yêu chân thành với Khanh (Trương Nam Thành) - một anh chàng đẹp trai láu cá, chủ một công ty truyền thông và cũng là nhà sản xuất âm nhạc có tiếng tăm. Kịch tính xảy ra khi Bảo Hân muốn nhận được 20 bông hồng Bulgaria ngay trong dịp sinh nhật lần thứ 20 của mình. Từ đó, rất nhiều rắc rối nảy sinh.
Dự án phim mới được công bố cách đây vài tuần nên chỉ có nhiều nhất là 1,5 tháng để hoàn tất từ khâu sản xuất tới làm hậu kỳ.
8. Lọ Lem Sài Gòn
Dàn diễn viên tham gia bộ phim Lọ Lem Sài Gòn.
Ngày phát hành: 10/2
Đây là bộ phim điện ảnh tình cảm, lãng mạn, hài hước chiếu Tết kết hợp giữa hai đạo diễn Việt - Hàn là Đỗ Mai Nhất Tuấn và Kim Guk Jin. Trong dàn diễn viên, có một nhân vật đặc biệt là Psy nhí - cậu nhóc 8 tuổi đang đình đám khắp châu Á. Nội dung phim xoay quanh hành trình thực hiện ước mơ và khát khao cháy bỏng với "âm nhạc và những vũ điệu cuồng say" của các bạn trẻ.
Jun Oh là lãnh đạo của nhóm Idol nổi tiếng Hàn Quốc đến Việt Nam làm giám khảo danh dự của cuộc thi Audition. Ở đây, anh đã gặp Mai - một cô gái nghèo nhưng thông minh sống chăm chỉ và luôn có ước mơ trở thành ca sỹ. Phương - cô nàng giàu có nhưng kiêu căng và ích kỷ, luôn tìm mọi cách hãm hại Mai. Phương được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của ba nên vào được vòng chung kết của cuộc thi Audition.
Kiệt với vai trò là vệ sỹ của Phương đã yêu thầm Mai và luôn quan tâm, giúp đỡ cô. Kiệt sẵn sàng hy sinh mọi thứ để giúp Mai thực hiện ước mơ và chiến thắng cuộc thi.
Mai làm công việc dọn dẹp phòng khách sạn nơi Jun Oh ở. Cô bị nghi oan là thủ phạm ăn trộm chiếc đồng hồ. Vì việc này, Mai bị đuổi khỏi khách sạn. Sau đó, Kiệt vì bảo vệ Mai nên bị thương. Phương cảm thấy không vừa lòng do Kiệt luôn làm mọi việc vì Mai, nên tiếp tục tìm cách gây cản trở. Trong buổi tiệc do ba Phương tổ chức, Jun Oh gặp Phương. Dù Jun Oh không có một chút quan tâm nào đối với Phương nhưng Phương lại rất thích thú với anh chàng này.
Sau đó, Jun Oh định bí mật bỏ trốn về Hàn Quốc. Và anh gặp Mai ở phía sau cửa khách sạn. Trải qua nhiều sự việc cùng nhau, dần dần Jun Oh và Mai đã hiểu nhau hơn. Dù vẫn luôn cãi vã, nhưng Jun Oh đã giúp đỡ rất nhiều để Mai chiến thắng cuộc thi Audition.
9. Warm bodies - Tình yêu Zombie
Ngày phát hành: 10/2
Warm bodies xoay quanh tình yêu giữa con người và thây ma (Zombie). Anh chàng thây ma tên R. (Nicholas Hoult) đã yêu cô nàng Julie (Teresa Palmer) từ cái nhìn đầu tiên, và hướng dẫn Julie cách "bắt chước" thây ma để không gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, điều trớ trêu là Julie lại chính là con gái của nhà lãnh đạo đội quân chống lại các thây ma.
Trailer phim.
10. Monster, Inc (3D) - Xưởng quái vật
Ngày phát hành: 15/2
Bộ phim nói về một ngôi làng chỉ toàn là Monsters sinh sống. Và trong ngôi làng đó có một xưởng sản xuất gọi là Monster, Inc. - xưởng sản xuất điện cho cả thành phố. Còn điện thì đến từ ..."tiếng thét" của các em bé bị các Monsters nhát ma. Và trong số những anh chàng Monsters thuộc hàng sao của hãng, chuyên thu thập nhiều điện nhất là Sulley (Goodman) và anh chàng một mắt bé xíu - một trợ lý đắc lực Mike (Crystal).... Thành phố này có cuộc sống bình thường cho đến một ngày...hai chàng gặp đối thủ của mình....Và từ những tranh chấp đó, một cô bé con đã tình cờ lạc vào xứ sở Monster, gây nên nỗi kinh hoàng cho tất cả mọi người. Nhưng điều lý thú là cô bé này lại lạc vào tay anh chàng Monster nổi tiếng dữ dằn nhất Sully và Mike...
Monster, Inc. là bộ phim cũ duy nhất được phát hành trong tháng 2/2013. Tuy nhiên, nhà sản xuất tin tưởng phiên bản 3D sẽ đem tới nhiều thành công vang dội hệt như lúc bản 2D xuất hiện.
11. Beautiful creatures - Gia tộc huyền bí
Ngày phát hành: 22/2
Bộ phim tâm lý thần thoại của đạo diễn Richard LaGravenese kể việc anh chàng Ethan đang chờ đợi để thoát khỏi thị trấn nhỏ miền Nam tẻ nhạt của mình.Bất chợt anh bị thu hút bởi một cô gái bí ẩn mới chuyển đến thị trấn, Lena. Cùng nhau họ phát hiện ra bí mật đen tối về gia đình mình, dòng họ và thị trấn. Với kinh phí đầu tư rơi vào khoảng 65 triệu đôla, các nhà sản xuất kỳ vọng Gia tộc huyền bí sẽ sớm soán ngôi series Twilight.
12. The last stand - Chốt chặn cuối cùng
Ngày phát hành: 22/2
Sau khi rời đội cảnh sát thành phố Los Angeles vì những sai phạm không đáng có, cảnh sát trưởng Owens (Arnold Schwarzenegger) lựa chọn cuộc sống một mình. Tuy nhiên, anh vẫn không ngừng chiến đấu với lũ tội phạm ở thị trấn biên giới buồn chán Sommerton.
Sau khi trốn thoát một cách ngoạn mục khỏi cuộc đời của một tù nhân FBI, trùm ma túy khét tiếng nhất ở tây bán cầu hướng về phía biên giới trong một chiếc xe được trang bị đặc biệt cùng với một con tin và đội quân khốc liệt của các băng đảng. Toàn bộ lực lượng thực thi pháp luật của Mỹ chỉ còn cơ hội cuối cùng để chặn tên tội phạm lừng danh thoát qua biên giới mãi mãi.
13. Journey to the West - Tây du ký: Mối tình ngoại truyện
Ngày phát hành: 22/2
Bộ phim là một phiên bản điện ảnh khác được chuyển thể từ Tây du ký - tác phẩm văn học nổi tiếng của Ngô Thừa Ân ra đời năm 1592, kể về chuyến đi Tây Thiên để thỉnh kinh của Đường Tam Tạng với sự hộ tống của ba đồ đệ...
Bên cạnh đó còn có những bộ phim được nhiều người chú ý như Thạch Sanh 3D... Ban đầu, bộ phim có sự góp mặt của Dương Cẩm Lynh, Nhật Tinh Anh... dự kiến được phát hành đúng vào dịp Tết Nguyên Đán nhưng vài người trước, nhà sản xuất đột ngột tuyên bố sẽ lùi ngày ra mắt tới tận mùa hè. Còn Hiệp sĩ guốc vông với sự tham gia của Quách Ngọc Ngoan, Nguyễn Phi Hùng... lại được phát hành sớm vào ngày 11/1.
VIỆT ANH
Theo Infonet
Điện ảnh Việt năm 2012: Bất ngờ đến giây phút cuối Gần 20 bộ phim đã được bấm máy và khởi chiếu trên tất cả các rạp toàn quốc là tín hiệu đáng mừng cho Điện ảnh Việt Nam năm 2012 bất chấp khủng hoảng kinh tế đang ngày một nặng nề. Tuy nhiên, "lượng" không hẳn đi đôi với "chất". Bên cạnh những điểm sáng hiếm hoi, năm 2012 cũng đánh dấu sự...