Phim Việt ‘chết yểu’, lỗ hàng chục tỷ đồng
Đầu tư 25 tỷ đồng, Charlie Nguyễn – nhà sản xuất phim “Người cần quên phải nhớ” – gánh lỗ 23 tỷ đồng vì chỉ thu về gần hai tỷ.
Hôm 10/1, tại buổi tọa đàm điện ảnh ở TP HCM, Charlie Nguyễn cho biết Người cần quên phải nhớ - phim anh hợp tác với đạo diễn Đức Thịnh, ra mắt dịp Noel 2020 – sau hai tuần công chiếu thu về 1,9 tỷ đồng. Nhà sản xuất thừa nhận thất bại lớn của anh và êkíp. Anh nói: “Tôi và các cộng sự đã làm hết sức với dự án, còn kết quả do ông trời tính. Tôi không quá vui khi thành công, không quá buồn khi thất bại. Với tôi, mỗi thất bại là một bài học”.
Hai diễn viên trẻ Hoàng Yến Chibi (trái) và Trần Ngọc Vàng không đủ làm nên sức hút phim “Người cần quên phải nhớ”. Ảnh: CGV.
Người cần quên phải nhớ thuộc thể loại hài lãng mạn (rom-com) – thế mạnh của đạo diễn Đức Thịnh. Phim xoay quanh Loan (Hoàng Yến Chibi) – một nữ nhà báo điều tra nguyên nhân cái chết bí ẩn của cha mình. Trên đường tìm manh mối vụ án, cô đụng độ Bình (Trần Ngọc Vàng) – một thanh niên giang hồ được giao nhiệm vụ phá rối Loan. Sau nhiều tình huống dở khóc dở cười, cả hai dần nảy sinh tình cảm.
Dù Thái Hòa – ngôi sao phòng vé – đóng vai phụ, phim không gây được tiếng vang khi ra rạp. Công chiếu cùng thời điểm, Chị Mười Ba 2 của Thu Trang có sức bán vé vượt trội hơn hẳn nhờ thành công của phần một và hiệu ứng từ web-drama Thập tam muội , đạt 75 tỷ đồng sau ba tuần ra mắt – theo số liệu của Box Office. Đạo diễn Đức Thịnh cho biết phim không thể hoàn vốn cho nhà đầu tư vì ế ẩm, song anh không buồn mà chỉ thương các diễn viên. “Theo tôi, họ đã làm rất tốt, nhưng sự lao động nghiêm túc của họ chưa được đến với khán giả nhiều. Họ còn quá trẻ, chưa từng trải qua cảm giác hụt hẫng này”, anh viết trên trang cá nhân.
Charlie Nguyễn giãi bày về thất bại của phim “Người cần quên phải nhớ” chiều 10/1. Ảnh: Xine House.
Người cần quên phải nhớ không phải tác phẩm Việt duy nhất chịu thất bại ở phòng vé gần đây. Hôm 7/1, nhà sản xuất Võ sinh đại chiến phải rút phim khỏi hệ thống rạp toàn quốc vì doanh thu quá thấp sau sáu ngày chiếu – một hành động chưa có tiền lệ. Dịp Tết dương lịch, phim chỉ đạt hơn 840 triệu đồng với 2.249 suất chiếu, ít hơn bốn lần Chị Mười Ba 2 – chiếu trước hai tuần. Trước khi bị rút khỏi rạp, phim mới đạt 1,3 tỷ đồng, so với kinh phí 25 tỷ. Đạo diễn Bá Cường nói êkíp rút tác phẩm để tìm thời điểm phát hành thuận lợi hơn, trong bối cảnh phim Việt chen nhau ra mắt đầu năm.
Nhiều lý giải khác nhau về tình trạng phim Việt lỗ nặng . Nhà sản xuất Võ sinh đại chiến cho rằng phim thất bại chủ yếu do bị nhà phát hành Galaxy “chèn ép suất chiếu”. Ông Thái Bá Dũng – đồng sản xuất phim – nói ngay từ lúc mới ra rạp, phim chỉ xếp được bốn suất chiếu mỗi ngày, vào các khung giờ ít người xem như 8h30, 12h30, 23h30… Khi trao đổi với nhà phát hành, êkíp được cho biết phim là tác phẩm mới về đạo diễn lẫn dàn diễn viên, đồng thời là dự án độc lập (tức không có nhà phát hành góp vốn) nên không được ưu tiên.
Ông Dũng nói: “Nhìn suất chiếu lèo tèo ở Galaxy, những cụm rạp khác có muốn tăng suất cũng không dám”. Trước ý kiến cho rằng phim kém trong khâu marketing, đạo diễn Bá Cường nói anh chi gần bốn tỷ đồng để quảng bá. “Tôi cũng tin rằng phim chất lượng không tệ vì nhiều người trong ngành sau khi xem khen kịch bản đầu tư, hình ảnh tốt”, anh cho biết.
Bà Võ Thị Thùy Trang – đại diện Galaxy – cho rằng êkíp sản xuất quy trách nhiệm cho nhà phát hành là không công bằng. Theo bà, việc phân bố suất chiếu cho một phim phụ thuộc vào thị hiếu của khán giả. “Nếu doanh thu thấp, phim phải nhường cho tác phẩm khác được nhiều người lựa chọn hơn, vì sự sống còn của rạp”, bà nói.
“Võ sinh đại chiến” là thất bại mới nhất trên phòng vé Việt khi đạt doanh thu 1,3 tỷ đồng dù kinh phí 25 tỷ. Ảnh: Galaxy.
Ngược lại, Charlie Nguyễn cho biết phim lỗ nặng phần lớn do lỗi của anh và êkíp. Theo anh, Người cần quên phải nhớ chưa có một câu chuyện đủ lôi cuốn khán giả, cảm xúc của phim bị lửng lơ, chưa đẩy lên cao trào. “Vì sao khán giả phải thương một chàng trai muốn làm đại ca, hay một cô nhà báo muốn dùng cái chết của cha để được lên trang nhất và thăng chức? Khi xem buổi công chiếu ở Hà Nội, tôi đã thấy phim mắc phải hai vấn đề lớn đó”, anh nói. Lúc đó, anh muốn quay lại một số cảnh trong phim để sửa lỗi thì không còn kịp.
Charlie Nguyễn phủ nhận thất bại của phim nằm ở khâu quảng bá hay sắp xếp suất chiếu. Anh cho rằng nhiều nhà sản xuất thường khó chịu khi thấy tác phẩm tâm huyết của mình bị xếp ít suất chiếu, nói như thế là bất công. “Đòi hỏi công bằng trong nghề này là không thực tế. Áp lực lớn đến với mọi người, từ nhà sản xuất, rạp đến nhà phát hành. Khi phim thành công, có ai ý kiến nên giảm suất chiếu của mình, tăng suất cho phim khác? Do đó, phim thất bại thì cũng không nên thắc mắc tại sao phim bị xếp ít suất chiếu”, anh nhận định.
“Chị Mười Ba 2″ thắng trong cuộc đua doanh thu từ cuối năm 2020, đạt 75 tỷ đồng sau hai tuần chiếu. Video: Galaxy.
Theo anh Poly – một người làm sản xuất phim lâu năm, sau thời gian đóng băng vì dịch, khi rạp mở cửa, tình trạng doanh thu phim Việt sẽ bị phân hóa rõ rệt. Khán giả có xu hướng quan tâm nội dung phim hơn: phim nào chất lượng tốt, giờ chiếu đẹp sẽ được đón nhận, phim tệ sẽ thẳng thừng chê bai trên mạng xã hội. Từ truyền thông – báo chí và hiệu ứng truyền miệng, phim sẽ được quyết định số phận: hoặc doanh thu cao ngất ( Tiệc trăng máu, Chị Mười ba 2 ), hoặc lỗ vốn nặng.
Anh Phước Châu – cựu quản lý truyền thông một cụm rạp – cho rằng mối quan hệ giữa nhà phát hành với nhà sản xuất phim là thế “chung xuồng”. Năm 2020, các cụm rạp – sau thời gian khốn đốn vì dịch – phải kêu gọi nhà làm phim đưa tác phẩm ra rạp, cùng lời hứa về cơ chế sắp xếp lịch chiếu. Tại tọa đàm thúc đẩy điện ảnh Việt tháng 9/2020, đại diện các cụm rạp CGV, Galaxy khẳng định sẽ ưu ái giờ “vàng” cho phim Việt, ưu tiên suất chiếu.
“Nếu cho rằng việc phim Việt bị ‘ép suất chiếu’ là do mạnh được yếu thua, tuân theo quy luật thị trường, nhà phát hành cần đảm bảo công bằng từ đầu. Chẳng hạn, ba ngày đầu, số suất được phân đều cho các phim. Những ngày sau, nếu tác phẩm nào ‘hụt hơi’, bị khán giả đào thải thì phải chấp nhận. Khi ấy, nhà rạp lẫn giới làm phim sẽ tâm phục khẩu phục hơn”, anh Châu nói.
3 phim điện ảnh thất bại doanh thu đầu năm 2021: Vì đâu nên nỗi?
Dù chất lượng phim không tệ, nhưng "Người cần quên phải nhớ", "Võ sinh đại chiến" và cả "Cậu Vàng" được đánh giá là phim Việt thất bại đầu năm 2021.
Nhìn vào con số doanh thu "bé mọn" của các phim, mới thấy rằng: Xu hướng của điện ảnh thay đổi nhanh quá, mà nếu không nắm đúng xu hướng, đạo diễn danh tiếng, nhà sản xuất danh tiếng và nguyên tác danh tiếng, cũng có thể thất bại như thường.
"Người cần quên phải nhớ"... thua vì xu hướng cũ
Khởi chiếu từ ngày 24-12-2020, "Người cần quên phải nhớ" hiện chỉ đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng. Cùng "Võ sinh đại chiến" bộ phim của đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn bị thất bại doanh thu phòng vé nặng nề. Và cả hai phim đều chính thức... rút rạp.
Trong buổi tọa đàm chiều 10-1 do Xinê House tổ chức, Charlie Nguyễn tiết lộ phim của anh lỗ 1 triệu USD và chỉ ra nguyên nhân vì sao lần này. Phim anh sản xuất và Đức Thịnh đạo diễn lại... "thua".
Charlie Nguyễn khẳng định có nhiều yếu tố dẫn tới việc một bộ phim không thành công. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm.
"Người cần quên phải nhớ" chưa chạm đến cảm xúc sâu xa của khán giả (Ảnh; ĐPCC)
"Sau mỗi bộ phim, tôi thường cùng cộng sự ngồi lại, mổ xẻ, lý giải những điểm chưa được. Ở Người cần quên phải nhớ, phim chưa kể được câu chuyện chạm đến trái tim khán giả. Sau buổi ra mắt ở Hà Nội, tôi đã tìm thấy câu trả lời vì sao phim chưa hấp dẫn".
Nhà sản xuất cũng cho rằng: "Tôi không nghĩ "Người cần quên phải nhớ" là bộ phim tồi tệ. Nhưng tôi chắc chắn nó không phù hợp với nhu cầu thị trường này, không đáp ứng nhu cầu của khán giả bây giờ. Nhu cầu ấy thay đổi hàng ngày chứ không phải hàng năm. Khi làm phim, mình theo "trend" (xu hướng) này thì đến khi phim ra, "trend" đã thay đổi rồi. Nếu Người cần quên phải nhớ ra rạp vào mấy năm trước, sẽ có nhiều bạn trẻ hưởng ứng".
Đúng là "Người cần quên phải nhớ" không tệ, câu chuyện ý nghĩa, diễn viên tròn vai, nhưng đúng là "Người cần quên phải nhớ" tập trung vào những người trẻ nhiều hơn nhưng lại thiếu gương mặt nổi bật, thiếu cảm xúc bùng nổ, và có thể là câu chuyện khá rối.
"Võ sinh đại chiến" không thể đến với khán giả vì bị chèn ép suất chiếu ?
Tương tự "Võ sinh đại chiến" chỉn chu và không tệ. Nhưng phim thiếu những diễn viên tên tuổi, ít được quảng bá và suất chiếu khi ra rạp gặp nhiều bất lợi.
Phim "Võ sinh đại chiến" kinh phí 22 tỉ, thu 1 tỉ đồng vì lịch chiếu quá ít và rơi vào các khung giờ thấp điểm. Đạo diễn Bá Cường cảm thấy không thỏa mãn khi phim quá ít suất chiếu. "Có những rạp một ngày chỉ có 4 suất thì làm sao khán giả coi được? Tôi chưa hiểu vấn đề nằm ở đâu. Cả khán giả và những người trong nghề đều đánh giá tốt về phim của tôi" - Đạo diễn nói.
"Võ sinh đại chiến" sớm rút khỏi rạp (Ảnh: ĐPCC)
Trước câu hỏi liên quan đến mối quan hệ giữa nhà sản xuất và rạp chiếu phim, nhà phát hành ồn ào trong thời gian qua, liệu có chuyện nhà phát hành xếp ít suất chiếu, bản thân Charlie Nguyễn cũng cho hay: "Đó là sự thật. Trong công ty tôi, có mấy bạn rủ nhau đi xem phim nhưng khi đến rạp không có suất. Thời gian chiếu nếu có lại rơi vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nhưng đây không phải là yếu tố quyết định phim thất bại".
Thực tế là sự thất bại của phim còn có rất nhiều yếu tố khác liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng thất bại của cả "Võ sinh đại chiến" lẫn "Người cần quên phải nhớ" còn yếu ở các khâu như truyền thông, tiếp thị; không có gương mặt diễn viên hút khán giả (dù dàn diễn viên trẻ đẹp); phim mới dừng ở mức chỉn chu, sạch sẽ, chưa quá xuất sắc.
"Cậu Vàng" lại tranh cãi vì... biến chuyển kịch bản
Nhìn vào tình hình của "Cậu Vàng", phim cũng khó có khả năng thắng được doanh thu nhất là khi tranh cãi chưa bao giờ chấm dứt.
Chú chó vào vai "Cậu Vàng" gây tranh cãi vì là một giống chó Nhật, nhưng đến lúc lên phim lại thể hiện tốt hơn mong đợi. Cái bị chê của "Cậu Vàng" lại ở sự biến chuyển kịch bản từ kịch bản gốc không hợp lý.
"Cậu Vàng" có những thay đổi so với kịch bản nhưng chưa phù hợp (Ảnh: ĐPCC)
Trailer Cậu vàng
Phim vẫn giữ được tinh thần và giá trị nhân văn của nguyên tác, dù đạo diễn - biên kịch không chỉ phối hợp lại những nhân vật điển hình trong các truyện ngắn của nhà văn Nam Cao như "Lão Hạc, Chí Phèo, Tắt đèn, Sống mòn, Đời thừa"..., mà còn sáng tạo, khai thác thêm nhiều câu chuyện của những nhân vật mới tại làng Vũ Đại. Những ai yêu thích văn chương Nam Cao sẽ thấy được sự sáng tạo của tác giả kịch bản cũng như đạo diễn khi kết hợp những lão Hạc, Binh Tư, Chí Phèo, Bá Kiến... xuyên suốt trong một bộ phim.
Nhưng những sáng tạo của "Cậu Vàng" có vẻ không phù hợp. "Cậu Vàng" không có bối cảnh xã hội - lịch sử cụ thể, do đó câu chuyện về lão Hạc diễn ra hết sức hời hợt. Người xem khó mà hiểu tại sao lão Hạc lại khổ như vậy và cái khổ của lão bắt nguồn từ đâu. Trường hợp Binh Tư cũng tương tự, nếu không biết trước bối cảnh xã hội diễn ra câu chuyện thì bi kịch tha hóa của hắn chẳng còn sức nặng.
"Cậu Vàng" cũng xây dựng lại một số nhân vật, nhưng không hợp lý. Và từ đó làm nổ ra tranh cãi về việc có nhất thiết phải chuyển thể tác phẩm kinh điển theo hướng khác hay không?
Tuy nhiên, suy cho cùng, vẫn là chất lượng của phim chưa thật xuất sắc, vì thế, thất bại về doanh thu, tranh cãi là đương nhiên.
Với điện ảnh, bài toán thắng doanh thu giờ đây đã rất khác, chất lượng, cảm xúc phải bùng nổ, đúng xu hướng, truyền thông tốt, diễn viên bảo chứng..., còn lại, nếu chỉ khoác cái áo danh tiếng của nhà sản xuất hay đạo diễn, hay nguyên tác hay, chưa chắc đã không thất bại, ba phim đầu năm 2021 là ví dụ.
3 bi kịch lớn tạo nên 'Người cần quên phải nhớ': Gia đình, tình yêu hay giấc mộng hoàn hảo? Bi kịch thì phải quên thế nhưng nỗi nhớ cứ mãi dông dài, thông điệp mà ekip cài cắm trong 'Người cần quên phải nhớ' khiến ai bất kỳ ai cũng có đôi chút chạnh lòng. Là bộ phim vừa hài hước, vừa sâu lắng dành riêng cho Noel của nhà sản xuất Charlie Nguyễn và đạo diễn Đỗ Đức Thịnh, Người cần...