Phim Việt bỏ lỡ ‘thời cơ vàng’ và sự tê liệt của rạp chiếu phim
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ với Zing quan điểm trước câu chuyện “rạp phim rất cần có phim để chiếu, còn phim Việt lại không dám công chiếu”.
Hôm 21/9, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh phối hợp cùng các đơn vị phát hành phim CJ CGV Việt Nam, Galaxy Cinema, Lotte Cinema Việt Nam và BHD Star Cineplex tổ chức buổi hội thảo Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19 vào thời điểm dịch bệnh đã và đang dần được kiểm soát.
Tuy nhiên, dù có sự góp mặt của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các hệ thống rạp chiếu lớn và nhiều gương mặt tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh, sự kiện chưa thể đem lại một giải pháp cụ thể nào. Kết quả đáng buồn đó đến từ một bài toán vô cùng nan giải mà tất cả bên liên quan đều mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.
“Thời cơ vàng” đã qua
Trở lại khoảng thời gian tháng 6/2020, dù Việt Nam đã hết sức thành công trong công tác đối phó với làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19, nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, các đơn vị kinh doanh rạp chiếu phim – những nơi tụ tập đông người – gặp phải khó khăn to lớn. Ngay cả một đơn vị đầu ngành như CGV cũng phải đóng cửa các cụm rạp Happyland Việt Trì (Phú Thọ), Sun Grand Lương Yên (Hà Nội) hay Empire (Bình Dương) do không thể trụ nổi.
Phần còn lại cố gắng cầm cự bằng cách cắt giảm chi phí vận hành quyết liệt. Tinh giản nhân sự, hay loại bỏ toàn bộ ca chiếu từ 8 đến 11 giờ sáng, là một vài phương án mà nhiều cụm rạp lựa chọn.
Tình hình ảm đạm đó xảy ra một phần do những lo ngại về dịch bệnh. Song, lý do lớn hơn là ngay cả khi khán giả muốn đi xem phim ngoài rạp, thì lựa chọn dành cho họ cũng không có nhiều. Toàn bộ mùa phim hè của Hollywood như bị “xóa sổ”, còn các phim lớn của điện ảnh nước nhà cũng đều dời lịch chiếu.
Rạp chiếu phim thưa thớt sau khi tái hoạt động, phần nhiều do không có phim hấp dẫn công chúng. Ảnh: Chí Hùng.
Trong khi đó, so với các nhà rạp, mảng sản xuất phim điện ảnh chưa thực sự bị ảnh hưởng quá nặng. Dù phải đưa ra những thay đổi ngoài ý muốn về kế hoạch ghi hình hay phát hành, nhìn chung, các nhà sản xuất vẫn có thể tính toán tương đối rộng dài và thiệt hại về mặt kinh tế còn nằm trong mức kiểm soát được.
Điều đau đầu nhất đối với họ chỉ là câu hỏi “Bao giờ chiếu?”. Chỉ cần phim chưa chiếu, họ vẫn còn toàn quyền chủ động đối với vận mệnh “đứa con tinh thần” của mình. Nhưng nói gì đi nữa, trong khung cảnh độc nhất vô nhị của một mùa hè vắng bóng bom tấn Hollywood, điện ảnh Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội vàng để lấp đầy khoảng trống ấy.
Thiếu sự chuẩn bị, cùng vấn đề non kém nội lực bấy lâu, điện ảnh Việt Nam không thể đưa ra đại diện nào khả dĩ thay thế phim Hollywood vào lúc khán giả “đói phim” nhất, và đành lòng nhìn một bộ phim Hàn Quốc là Peninsula ( Bán đảo) đạt doanh thu hơn 80 tỷ đồng. Dẫu vậy, con số cũng đem lại ít nhiều niềm tin vào sự hồi sinh của thị trường. Một số bộ phim đáng chú ý như Ròm (CJ), Tiệc trăng máu (Lotte) hay Song song (CJ) đều đã lên lịch ra mắt trong khoảng thời gian này.
Đáng tiếc thay, làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát hồi tháng 7 đã dội một gáo nước lạnh vào những kỳ vọng về sự hồi phục. Hai thị trường lớn là Đà Nẵng và Hà Nội tê liệt. Bom tấn Hollywood duy nhất là Tenet cũng không thể làm nên chuyện do nội dung thiếu tính đại chúng. Tình hình của các rạp chiếu phim có thể nói là vô cùng nguy ngập.
Phim Hàn Quốc Bán đảo thu hút lượng lớn khán giả tới rạp trước khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập tới Việt Nam, dù chất lượng thực tế chỉ ở mức trung bình. Ảnh: Lê Huy.
Do đó, các nhà phát hành phim lớn nhất trên thị trường đã có sáng kiến cùng với Cục Điện ảnh tổ chức buổi hội thảo Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19 nêu trên. Với nội dung tri ân những nhà làm phim, ban tổ chức đã trao cho các bộ phim Việt Nam nhiệm vụ “đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc giải cứu thị trường”, theo thông cáo báo chí đã viết.
Từ trước đến nay, các nhà rạp luôn ở thế cửa trên đối với nhà sản xuất phim Việt Nam, nhưng có lẽ chưa bao giờ họ lại cảm thấy cần phim Việt đến thế. Song, câu hỏi đặt ra là nhà sản xuất phim Việt Nam nào dám nhận lấy cái nhiệm vụ nghe thì vinh quang, nhưng thực chất hết sức rủi ro ấy?
Phim Việt bỗng dưng có giá?
Cái tên đang khiến các bên tranh cãi là Tiệc trăng máu. Dù thuộc dòng remake, đây có thể coi là dự án điện ảnh thuộc hàng bom tấn của Việt Nam với kịch bản chất lượng và dàn diễn viên hùng hậu: Thái Hòa, Thu Trang, Kiều Minh Tuấn, Hứa Vĩ Văn, Hồng Ánh, Đức Thịnh và Kaity Nguyễn. Phim lẽ ra đã khởi chiếu từ 28/8, nhưng hiện chưa thông báo lịch phát hành mới.
Các nhà rạp mong muốn Tiệc trăng máu trình làng vào tháng 10 như cánh chim đầu đàn cho sứ mệnh “giải cứu”. Nhưng phía nhà sản xuất không hề muốn thành phẩm của mình phải “đưa đầu chịu báng”. Quan điểm của nhà rạp là họ sẵn sàng đưa ra một số đề xuất hấp dẫn, như dành cho bộ phim lượng suất chiếu áp đảo trong ngày, hay tỷ lệ ăn chia doanh thu lớn hơn mức 50% thường thấy dành cho nhà sản xuất.
Nhà rạp hy vọng Tiệc trăng máu hoặc một bộ phim Việt có chất lượng tốt sẽ cứu vãn tình hình hiện tại. Ảnh: Lotte.
Song, dưới góc độ của nhà sản xuất, rủi ro vẫn còn quá lớn. Toàn bộ điều khoản nói trên đều vô nghĩa nếu khán giả không đến rạp, trong khi họ có nghĩa vụ tài chính với đội ngũ nhà đầu tư của bộ phim. Không có lý do gì để vội vàng, nhà sản xuất vẫn có thể tiếp tục ém phim để chờ thời điểm công chiếu tối ưu.
Nhiều năm qua, các nhà rạp luôn ưu tiên phim Hollywood, khiến cho thị trường lệ thuộc vào phim ngoại. Trong thỏa thuận phân chia doanh thu, các nhà sản xuất phim Việt Nam không nhận được ưu ái nào đặc biệt, dù chơi trên sân nhà.
Giờ đây, khi Hollywood vắng mặt, các nhà rạp mới trọng thị phim Việt Nam. Điều đó liệu có quá muộn? Lẽ ra, những đề nghị hấp dẫn về phân chia doanh thu phải được đưa ra từ lâu trước đại dịch Covid-19, để các nhà sản xuất có thêm sức mạnh tài chính tái đầu tư, phát triển mảng sản xuất phim, bồi dưỡng nội lực…
Nhắc đến kỳ tích giải cứu hậu Covid-19 như Deliver Us from Evil ( Ác quỷ đối đầu) tại Hàn Quốc hay Bát bách ở Trung Quốc, đó thực tế là kết quả đến từ những nền điện ảnh có nội lực, được chính phủ hậu thuẫn. Không ai dám khẳng định một bộ phim Việt có thể vực dậy cả ngành công nghiệp thời hậu Covid-19, mà điều cần hơn là những chiến lược dài lâu cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy nước nhà.
Ngành điện ảnh Việt Nam đang rơi vào vòng luẩn quẩn không dễ thoát ra. Các rạp phim rất cần có phim để chiếu, còn phim Việt lại không dám công chiếu. Nhưng nếu hệ thống rạp chiếu sụp đổ, thì phim Việt cũng không có đất sống.
Để gỡ nút thắt này, có thể các nhà rạp phải hy sinh nhiều hơn. Song, sự hy sinh không thể diễn ra nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Cơ quan quản lý như Cục Điện ảnh không thể chỉ hô khẩu hiệu suông. Một số nhà sản xuất đã nghĩ đến việc đề nghị Nhà nước và các nhà rạp có phương án đưa ra gói hỗ trợ tài chính tạm gọi là “mua phim”, bởi số tiền sẽ được trả trước cho nhà sản xuất như một khoản doanh thu đảm bảo.
Nhưng có thể giải pháp này sẽ lại đem đến những câu hỏi nan giải khác: các nhà rạp có thể chịu thiệt đến đâu và Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thiết thực cho phim Việt đến mức nào?
Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn sinh năm 1984, hiện là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Anh là đạo diễn của các bộ phim điện ảnh Dành cho tháng Sáu (2012) – tác phẩm nhận Giải thưởng Ban giám khảo tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVIII (2013) và Mặt Trời, con ở đâu (2018).
Nhà phát hành kêu gọi phim Việt trở lại rạp
Các đơn vị phát hành trong nước cùng kêu gọi nhà sản xuất Việt đưa tác phẩm ra rạp để thu hút khán giả.
"Hâm nóng" rạp phim là chủ đề được quan tâm trong tọa đàm Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19, chiều 21/9. Sau hai lần bùng phát dịch, các đơn vị phát hành phim bị ảnh hưởng nặng. Theo thống kê do CGV thực hiện vào tháng 5 - khi mở cửa sau gần hai tháng gián đoạn, doanh thu các rạp chỉ đạt 25% cùng kỳ năm 2019.
Từ phải qua: vợ chồng đạo diễn Lý Hải, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, đạo diễn Charlie Nguyễn dự tọa đàm "Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19", chiều 21/9, tại TP HCM. Ảnh: Long Bình.
Khi đợt dịch thứ hai bùng phát vào tháng 7, nhiều phim phải hoãn lịch chiếu như Ròm, Tiệc trăng máu, Chồng người ta... Nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh cho biết sau thời gian giãn cách xã hội, thói quen đến rạp của khán giả chưa trở lại hoàn toàn. Không ít người đã quen với việc xem phim qua các ứng dụng. Số lượng phim Việt ra rạp cũng giảm dần. Nếu ba tháng đầu năm, chín tác phẩm điện ảnh được công chiếu thì ba tháng gần đây chỉ có năm phim ra rạp.
Bà Ngô Bích Hiền - giám đốc BHD TP HCM - cho rằng để thuyết phục các nhà làm phim, các đơn vị rạp cần cam kết hình thức ủng hộ. Chẳng hạn, với các tác phẩm chất lượng tốt, nhà phát hành phải cam đoan sẽ chiếu trong ít nhất một tháng, số suất mỗi ngày ra sao, bố trí các khung giờ vàng như thế nào. Các cụm rạp cũng có thể hỗ trợ về tỉ lệ ăn chia với đơn vị sản xuất để họ có thêm doanh thu, thay vì mức 45/55 thường thấy (rạp hưởng 55%, còn lại thuộc về nhà làm phim).
Tuy vậy, đại diện các đơn vị rạp cho rằng dịch bệnh chỉ là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu ngành phim đi xuống. Lý do chính khiến khán giả ít đến rạp là chưa có tác phẩm nổi trội về chất lượng. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - giám đốc khối vận hành cụm rạp Galaxy - dẫn chứng về hiện tượng Peninsula - phim bom tấn Hàn Quốc đề tài xác sống. Dù công chiếu vào giữa tháng 7, thời điểm dịch còn diễn biến phức tạp, Peninsula trở thành phim Hàn có doanh thu cao nhất lịch sử tại Việt Nam với 83 tỷ đồng, vượt kỷ lục của Parasite năm 2019. Ông Nguyễn Hoàng Hải - đại diện CJ & CGV - cũng đưa ra thống kê ở thị trường phim Trung Quốc. Dù đóng cửa rạp suốt sáu tháng, khi mở lại, doanh thu ngành phim của Trung Quốc tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. The eight hundred - bom tấn về đề tài chiến tranh - thu về hơn 400 triệu USD dù kinh phí đầu tư chỉ hơn 80 triệu USD.
Nhà sản xuất Việt được người trong nghề nhận định đang đứng trước cơ hội vàng ở mùa phim cuối năm, vì không nhiều bom tấn nước ngoài góp mặt trong cuộc đua này. Nếu dồn sang năm sau, hiện tượng "phim chồng phim" sẽ khiến khán giả ngán ngẩm, hiệu suất doanh thu không cao vì mỗi tác phẩm chỉ trụ rạp được một, hai tuần. Tuy vậy, ngoài Ròm - tác phẩm Việt đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) năm 2019 - sắp ra rạp, ít phim nào khiến khán giả hứng khởi, trông chờ. Một số phim sắp chiếu không phải là tác phẩm gây chú ý, như Sài Gòn trong cơn mưa, Người cần quên phải nhớ... "Phim cần chiếu trong thời gian này là những tác phẩm có nội dung vượt trội để tạo cú hích cho khán giả lấy lại thói quen đến rạp", bà Ngô Thị Bích Hiền, giám đốc BHD TP HCM nói.
"Ròm" - phim được kỳ vọng tạo cú hích phòng vé Việt khi công chiếu ngày 25/9. Video: CGV.
Trailer Ròm
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết anh vẫn giữ niềm tin về thói quen đến rạp của khán giả Việt. Theo anh, trải nghiệm xem phim rạp mang lại giá trị riêng so với xem phim online, tại nhà. Anh nói: "Được khóc, cười, hoảng hốt, hạnh phúc khi ngồi trong rạp là những cảm xúc đặc thù. Điều các nhà làm phim lẫn đơn vị phát hành cần quan tâm là chất lượng phim. Nếu hay, khán giả sẽ tự tìm đến", anh nói.
Phòng vé Mỹ có thể ế ẩm nhất 22 năm quaHollywood chiếu phim trực tuyến 'cứu' doanh thu
Tà Năng Phan Dũng - phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam hoãn chiếu hơn nửa năm vì dịch bệnh Tà Năng Phan Dũng quyết định lỡ hẹn với khán giả tới tận tháng 4/2021. Là phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam, dù vướng phải không ít lùm xùm xoay quanh vấn đề "mượn hình tượng" người đã khuất để xây dựng nhân vật chính nhưng không thể phủ nhận Tà Năng Phan Dũng đang là tác phẩm được rất nhiều...