Phim về vụ thảm sát trên sông Mekong có hành động mãn nhãn
Các pha hành động gay cấn với cường độ cao đủ khiến khán giả quên đi những thiếu sót về mặt nội dung của “ Operation Mekong”, tác phẩm mới nhất của đạo diễn Lâm Siêu Hiền.
Trailer bộ phim ‘Điệp vụ Tam Giác Vàng’: “Operation Mekong” là bộ phim dựa trên sự kiện có thật năm 2011, khi toàn bộ 13 thuyền viên hai chiếc thuyền buôn Trung Quốc bị sát hại và ném xác xuống sông tại khu vực Tam Giác Vàng.
Bộ phim Operation Mekong được xây dựng dựa trên một sự kiện có thật. Năm 2011, hai chiếc thuyền buôn Trung Quốc bị cướp tấn công khi đang di chuyển trên vùng sông Mekong ở khu vực Tam Giác Vàng.
Toàn bộ 13 thuyền viên bị sát hại và ném xác xuống sông, còn tại hiện trường vụ thảm sát, quân đội Thái Lan phát hiện thấy hơn 900.000 viên ma túy đá bị bỏ lại.
Sau sự kiện đau lòng, chính phủ các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Myanmar đã bắt tay hợp tác điều tra và phát hiện ra tên trùm ma túy Naw Kham (Pawarith Monkolpisit) và đồng bọn là những kẻ chủ mưu vụ thảm sát.
Bộ phim Operation Mekong được thực hiện dựa trên vụ thảm sát có thật tại khu Tam Giác Vàng từng khiến công chúng Trung Quốc rúng động. Ảnh: Bona Film Group.
Tuy nhiên, để tìm ra và bắt sống được hắn là nhiệm vụ khó khăn, bởi tên tội phạm cáo già ẩn mình rất kỹ trong những cánh rừng bạt ngàn của vùng Tam Giác Vàng.
Vụ thảm sát trên sông Mekong là sự kiện lớn, từng gây rúng động toàn bộ Trung Quốc. Điều đó thôi thúc tập đoàn điện ảnh Bona thực hiện một tác phẩm dựa trên vụ án.
Họ quyết định hợp tác với một trong những đạo diễn hàng đầu Hong Kong là Lâm Siêu Hiền, người từng trình làng nhiều tác phẩm hành động ấn tượng như Thiên cơ biến (2003), Chứng nhân (2008), Nghịch chiến(2012), Ma cảnh (2014)…
Bữa đại tiệc hành động đa dạng và mãn nhãn
Trên hết, Operation Mekong có thể tự hào về khoản hành động. Đạo diễn Lâm Siêu Hiền đã vượt qua giới hạn của bản thân khi tạo ra bữa đại tiệc hành động chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Hoa ngữ.
Phim ngập tràn các cảnh hành động bắn súng, truy sát, cháy nổ đầy kịch tính và mãn nhãn từ đầu đến cuối, không hề thua kém các sản phẩm Hollywood.
Các trường đoạn hành động kéo dài là điểm nhấn lớn của Operation Mekong. Ảnh:Bona Film Group.
Các cảnh hành động diễn ra liên tục với ít nhất ba trường đoạn hành động lớn, được phân bổ dàn trải xuyên suốt, giúp mạch phim luôn duy trì được tiết tấu nhanh, gấp gáp. Những trường đoạn hành động cũng được đạo diễn dày công xây dựng với tính chất khác biệt để tạo ra sự đa dạng, không bị lặp lại.
Video đang HOT
Bộ phim cũng không ngại đưa vào các hình ảnh bạo lực, máu me nhằm gia tăng tính chân thực và ác liệt của cuộc chiến chống ma túy. Nếu so với các tác phẩm cùng thể loại của Hollywood, phong cách hành động trongOperation Mekong không có nhiều đột phá.
Nhưng nếu so với các thị trường khác trong khu vực, đây là nỗ lực sáng tạo đáng khen của đạo diễn Lâm Siêu Hiền.
Bổ trợ cho phần hành động là mảng hình ảnh đáng khen ngợi. Bối cảnh vùng Tam Giác Vàng hiện lên trên phim khá đa dạng và ấn tượng: từ những vùng rừng núi trùng điệp, hoang vu, cho đến những khu vực thành thị đông đúc, hay những khu vực nguy hiểm tập trung tội phạm.
Đạo diễn Lâm Siêu Hiền thường xuyên sử dụng các cảnh toàn từ trên cao nhìn xuống để làm nổi bật sự hùng vĩ của rừng núi, cao nguyên, cũng như giúp khán giả bao quát được toàn cảnh các trường đoạn hành động đang diễn ra.
Nội dung dàn trải và chưa sát với sự thật
Nội dung của Operation Mekong bao quát trọn vẹn toàn bộ các hoạt động liên quan đến vụ thảm sát sông Mekong. Bộ phim cố gắng giới thiệu cho khán giả về những sự kiện đã xảy ra, hành động của chính phủ các nước liên quan trong việc điều tra và âm mưu thực sự phía sau vụ thảm sát.
Tất cả các thông tin kể trên là cần thiết để khán giả có thể tiếp cận phần nội dung chính: chuyên án hành động nhằm tìm ra tung tích và bắt sống tay trùm ma túy Naw Kham và đồng bọn do đội đặc nhiệm Trung Quốc thực hiện, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Cao Cương (Trương Hàm Dư) và sự hỗ trợ của cảnh sát ngầm Phương Tân Vũ ( Bành Vu Yến).
Câu chuyện trong Operation Mekong mang nhiều chi tiết hư cấu và tập trung ca ngợi hình ảnh người lính Trung Quốc. Ảnh: Bona Film Group.
Tham vọng mong muốn khán giả đại chúng có thể nắm rõ từng chi tiết của sự kiện khiến nội dung Operation Mekong trở nên dàn trải. Khoảng nửa đầu phim, quá nhiều thông tin được đưa ra liên tục và chóng vánh. Hậu quả là người xem có thể không kịp nắm bắt sự kiện đang xảy ra hay vai trò thực sự của các nhân vật trong tác phẩm.
Vấn đề trên càng thể hiện rõ khi Operation Mekong đi vào mạch chính, với nội dung đa phần là hư cấu và phóng tác. Đội ngũ biên kịch của phim dày công xây dựng toàn bộ chuyên án hành động với nhiều bước, qua nhiều liên kết trung gian để từ từ khiến những kẻ thủ ác phải lộ diện, giống như một bộ phim hình sự điều tra bài bản.
Tuy nhiên, điều đó khiến kịch bản phim trở nên rối rắm với hàng loạt sự kiện diễn ra liên tục.
Các hoạt động nằm vùng, đóng kịch nhằm tiếp cận mục tiêu trung gian để lần ra mục tiêu chính, hay sắp đặt kế hoạch đột kích… khi được nêu ra có vẻ ghê gớm, nhưng kỳ thực khá đơn giản, thậm chí nông cạn. Nhìn chung, điểm yếu này cũng phần nào được khỏa lấp nhờ phần hành động mãn nhãn.
Song, bản thân Operation Mekong là một bộ phim hành động của Trung Quốc, nên tác phẩm luôn tập trung ca ngợi hình tượng anh hùng Trung Quốc, phớt lờ vai trò của các quốc gia khác, dù sự kiện ngoài đời thực là hoạt động chung của bốn quốc gia.
Sự thật rằng tên Naw Kham bị an ninh Lào bắt được và dẫn độ về Trung Quốc. Do đó, những ai từng đọc về sự kiện cách đây 5 năm có thể cảm thấy câu chuyện phim còn khá giả tạo.
Nhân vật đông đảo nhưng thiếu chất
Operation Mekong có số lượng nhân vật đông đảo, ở cả hai tuyến chính diện lẫn phản diện. Về tuyến chính diện, bộ phim tập trung vào hai nhân vật chính là chỉ huy Cao Cương và cảnh sát ngầm Phương Tân Vũ.
Về cơ bản, phim thể hiện khá trọn vẹn tính cách của họ: Cao Cương là một cảnh sát dày dặn kinh nghiệm trong việc đối phó với tội phạm ma túy, sở hữu tính cách quyết đoán, dứt khoát và quả cảm. Còn Phương Tân Vũ là cảnh sát ngầm lâu năm, hoạt động cẩn trọng, linh hoạt, nhưng đôi khi cũng rất cảm tính.
Chú chó Hao Thiên rốt cuộc lại là nhân vật nổi bật nhất trong biệt đội chống ma túy đặc biệt. Ảnh: Bona Film Group.
Để tạo thêm chiều sâu cho nhân vật, đạo diễn Lâm Siêu Hiền cố gắng đưa thêm vào những chi tiết nhỏ về đời tư của mỗi người, như câu chuyện gia đình của Cao Cương và quá khứ bi thương của Tân Vũ. Song, chúng khá cũ kỹ và rập khuôn nên không tạo được hiệu quả như mong đợi.
Hai diễn viên Trương Hàm Dư và Bành Vu Yến hoàn thành khá trọn vẹn nhân vật của họ. Công bằng mà nói, thử thách thực sự dành cho hai người có lẽ là các trường đoạn hành động ác liệt, chứ không phải là các cảnh phim đỏi hỏi khả năng diễn xuất tâm lý.
Nhóm nhân vật phụ thì đông đảo nhưng không đủ chất lượng. Nguyên một biệt đội hành động dưới sự chỉ huy của Cao Cương rất khó để lại dấu ấn cho khán giả sau khi phim khép lại. Ngoài các pha hành động, họ không có nhiều đất diễn để có thể khắc họa rõ nét tình đồng đội.
Trớ trêu thay, nhân vật nổi bật nhất trong biệt đội ấy lại là chú chó Hao Thiên, khi mỗi lần xuất hiện của chú đều rất ấn tượng và đáng nhớ.
Tên trùm Naw Kham chỉ ấn tượng qua lời kể của các nhân vật trong phim. Ảnh: Bona Film Group.
Tuyến nhân vật phản diện thậm chí còn thê thảm hơn. Hàng loạt nhân vật được giới thiệu và lần lượt xuất hiện với vai trò tưởng như ghê gớm, to tát, để rồi biến mất nhanh chóng. Tất cả đều có lối diễn xuất cường điệu và thường xuyên cố tỏ ra nguy hiểm.
Bản thân tên trùm ma túy Naw Kham – kẻ cầm đầu gây ra vụ thảm sát, mục tiêu cuối cùng của chuyên án – lại trở thành nhân vật đáng thất vọng nhất. Được miêu tả từ đầu đến cuối là một kẻ cẩn trọng, tàn bạo với nhiều dã tâm, nhưng khán giả lại chẳng thấy được hắn thể hiện nhiều.
Thêm một lần nữa, các nhân vật đáng nhớ hơn lại là các vai phụ không tên. Bộ phim đã rất dũng cảm khi đưa vào những cậu bé bị Naw Kham tẩy não và trở thành tay sai cho hắn. Khán giả hẳn sẽ rất cảm thấy rùng mình kinh hãi khi chứng kiến những đứa trẻ có thể dễ dàng cầm súng bắn người hay đánh bom liều chết đầy vô cảm.
Operation Mekong là tác phẩm hành động đáng chú ý của điện ảnh Hoa ngữ trong thời gian qua. Khai thác câu chuyện về cuộc chiến chống ma túy quen thuộc, nhưng đạo diễn Lâm Siêu Hiền đã tạo ra sự khác biệt với phong cách hành động bạo liệt mang đậm chất Hollywood.
Dù vẫn còn nhiều hạn chế, đây là bộ phim mà các fan của dòng phim hành động khó có thể bỏ qua.
Operation Mekong (Điệp vụ Tam Giác Vàng) khởi chiếu trên toàn quốc từ 14/10.
Zing.vn đánh giá: 3,5/5
Theo Zing
Phim ăn khách tại Trung Quốc có thể bị cấm chiếu ở Thái Lan
Chính phủ Thái Lan muốn kiểm tra nội dung của "Operation Mekong" và bộ phim rất có thể bị cấm chiếu tại xứ chùa vàng bất chấp đang rất ăn khách tại Trung Quốc.
Ở tuần thứ hai trình chiếu tại Trung Quốc, tác phẩm hành độngOperation Mekong của đạo diễn Lâm Siêu Hiền vươn lên vị trí dẫn đầu phòng vé khi thu 26,3 triệu USD trong ba ngày cuối tuần qua. Sau 10 ngày trình chiếu, bộ phim đã cán mốc 100 triệu USD tại quốc gia tỷ dân.
Nội dung phim là cuộc chiến chống ma túy khốc liệt diễn ra ở vùng Tam giác Vàng, lấy cảm hứng từ sự kiện có thật năm 2011. Cách đây 5 năm, 13 thuyền viên của tàu chở hàng Trung Quốc bất ngờ bị tấn công và sát hại trên khúc sông nằm trong khu vực nằm ở biên giới Myanmar và Thái Lan.
Operation Mekong có sự góp mặt của Trương Hàm Dư và Bành Vu Yến. Phim chuẩn bị khởi chiếu tại Việt Nam từ 14/10. Ảnh: Noori.
Sau khi chính quyền Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Myanmar hợp tác điều tra, người ta phát hiện ra rằng tên trùm ma túy Naw Khan và băng đảng của hắn là những kẻ đứng sau vụ việc. Tuy nhiên, điều đáng nói là quân đội Thái Lan dường như cũng cấu kết với chúng xuyên suốt sự việc.
Đứng trước tòa án, Naw Khan ban đầu đổ lỗi cho lính Thái Lan về vụ thảm sát. Hắn sau đó có nhiều lần thay đổi lời khai, nhưng rốt cuộc vẫn bị xử tử cùng ba tòng phạm, trong đó có một công dân Thái Lan. Án tử hình được thi hành tại Trung Quốc vào năm 2013.
Theo tờ The Bangkok Post, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết ông đã ra lệnh cho cấp dưới kiểm tra nội dung Operation Mekong."Nếu gây tổn hại đến hình ảnh quốc gia, bộ phim sẽ bị cấm chiếu", ông nói.
Thủ tướng Thái Lan e ngại Operation Mekong có thể gây tổn hại tới hình ảnh đất nước và nhiều khả năng sẽ ban hành lệnh cấm chiếu bộ phim. Ảnh: Noori.
Sự vươn lên của Operation Mekong tại phòng vé khiến bộ phim I Belonged to You rơi xuống vị trí thứ hai với 12,5 triệu USD. Tuy nhiên, tác phẩm lãng mạn cũng đã thu về tới 97,6 triệu USD sau 11 ngày trình chiếu.
Bom tấn Tước tích tiếp tục giữ vị trí thứ ba với 5,23 triệu USD. Tuy nhiên, thành tích tổng của bộ phim giả tưởng mới chỉ là 54 triệu USD và không thể khiến các nhà sản xuất hài lòng.
Tại Việt Nam, Operation Mekong chính thức khởi chiếu từ 14/10 dưới tựa đề Điệp vụ Tam giác Vàng.
Theo Zing
16 bí mật "không phải dạng vừa" của bom tấn "Điệp vụ tam giác vàng" Vũ khí, quân trang trong phim đều là đồ thật, giúp khán giả cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến chống ma túy Bộ phim hành động mạo hiểm Mekong/Operation Mekong (tên khi phát hành tại Việt Nam: Điệp vụ tam giác vàng) của đạo diễn tên tuổi xứ cảng Lâm Siêu Hiền (Dante Lam) sắp ra mắt khán giả Việt...