Phim về nữ sinh lớp 8 gây tranh cãi khi bị xếp hạng R
Phim “ Eighth Grade” (Lớp 8) có cảnh một học sinh lớp Tám ngồi xem video về cảnh quan hệ tình dục bằng miệng.
Trailer phim ‘Eighth Grade’ Bộ phim độc lập về học sinh lớp 8 bị xếp hạng R. Đạo diễn phản đối bằng cách chiếu phim miễn phí ở nhiều bang của Mỹ.
Eighth Grade là phim độc lập đang được đánh giá cao tại Mỹ. Phim đươc chiếu ở một số rạp hạn chế từ hôm 13/7, có doanh thu tốt nên từ hôm 3/8 đã được đưa ra chiều đại chúng.
Nhưng khi tiếp cận khán giả đại chúng, phim bị tổ chức MPAA xếp hạng R (người dưới 17 tuổi xem phải có sự hướng dẫn của cha mẹ). Điều này khiến nhà sản xuất phản đối và tổ chức chiếu miễn phí để thách thức giới hạn độ tuổi.
Bộ phim là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Bo Burnham, kể về Kayla Day ( Elsie Fisher đóng), nữ sinh lớp 8 đang gặp nhiều vướng mắc trong cuộc sống và học tập trước khi vào trung học. Sau khi phim ra mắt, tài năng của đạo diễn và nữ diễn viên chính đều được giới phê bình khen ngợi.
Nữ sinh lớp 8 Kayla Day do Elsie Fisher đóng trong Eighth Grade. Ảnh: A24.
Nữ diễn viên Molly Ringwald, chuyên dòng phim thanh xuân, còn nhận xét: “Tôi vừa xem Eighth Grade và đây có lẽ là phim hay nhất về thời niên thiếu mà tôi đã xem trong một thời gian dài. Có lẽ là mọi thời đại”.
Giải thích về hạng R của phim, MPAA cho biết là vì những ngôn ngữ táo bạo và các cảnh liên quan đến tình dục, trong đó có cảnh nữ sinh lớp Tám ngồi xem đoạn video hướng dẫn quan hệ tình dục bằng miệng.
Trong bảng phân loại của MPAA giải thích rõ hơn rằng, nếu chỉ có một chi tiết thuộc dạng trên, bộ phim vẫn có thể xếp hạng PG-13, nhưng vượt quá một chi tiết thì sẽ bị xếp hạng R.
Nhưng sau khi đã xem Eighth Grade, nhiều khán giả lại cho rằng xếp hạng R là quá tầm của phim. Một số nhà phê bình cũng cho rằng phim có tác động tích cực để thanh thiếu niên, tạo nên nhân vật mà họ có thể đồng cảm cũng như hiểu được những khó khăn trong quá trình trưởng thành của họ. Hơn nữa, các đoạn thoại chân thực về tình dục, bắt nạt và ám ảnh vì hình ảnh bản thân cũng khiến phim gần gũi hơn chứ không phản cảm.
Cả khán giả lẫn các nhà phê bình đều cho rằng phim không đáng bị xếp hạng R. Ảnh: A24.
Trong bài phê bình phim trên Rotten Tomatoes, nhà phê bình Christy Lemire cho rằng các bậc cha mẹ nên phớt lờ nhãn R và để con cái đi xem phim thoải mái.
“Cũng như các phim cùng chủ đề như The Breakfast Club và Fast Times at Ridgemont High, Eighth Grade bị dán nhãn khá cao so với thanh thiếu niên, nhưng bộ phim chính xác là những gì thanh thiếu niên cần xem khi họ bắt đầu khám phá thế giới”, Lemire viết, “Tôi khuyến khích chính các học sinh lớp 8 đi xem, lớp 6 hoặc 7 cũng được”.
Bo Burnham, đạo diễn kiêm biên kịch của phim, là người tức giận nhất trước quyết định của MPAA. Ông gọi quyết định này là “ngu ngốc”. Đạo diễn cũng thể hiện sự phản đối bằng cách tổ chức hàng loạt buổi chiếu miễn phí cho khán giả mọi lứa tuổi. Với sự hỗ trợ từ hãng phim độc lập A24, mỗi bang ở Mỹ sẽ có một buổi chiếu vào hôm 8/8.
Trang web của phim tuyên bố: “Nếu bạn từng học qua lớp 8, Eighth Grade là bộ phim dành cho bạn. Đây không phải là nội dung người lớn. Đây là Lớp 8“.
Hạ Huyền
Theo Zing
"Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè" có thể sẽ hoàn hảo hơn nếu không mắc phải 3 hạt sạn sau đây
Được khen ngợi nhiều từ giới chuyên môn lẫn khán giả, nhưng "Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè" vẫn còn một số điểm yếu mà nếu khắc phục được thì phim đã tốt hơn.
Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn và khán giả sau suất chiếu đầu tiên dù nội dung phim thực sự không dành cho đại chúng. Quay phim đẹp, thiết kế bối cảnh kĩ lưỡng, diễn xuất tốt, nhạc phim hay và tinh thần quyết tâm phi thường của ekip chính là những lý do khiến Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè chiếm được cảm tình.
Tuy nhiên, phần kịch bản vẫn còn nhiều điểm yếu, gãy khiến cho bộ phim không chạm được đến phần cảm xúc chín mùi nhất. Nguyên nhân có lẽ cũng do vì biên kịch và đạo diễn đã hơi duy ý chí trong lúc triển khai, dẫn đến nhiều điểm không thuyết phục người xem và khiến mạch phim bị lê thê.
Hạ bị mất kết nối với khán giả
Một trong những điểm khiến khán giả than phiền nhiều nhất trong Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè chính là nhân vật Hạ. Nhưng, không phải do diễn xuất của Phương Anh Đào có vấn đề mà chính bản thân Hạ có những điểm chưa thuyết phục, trong khi Hạ cũng chính là khán giả, là con mắt và tâm hồn của khán giả để cảm nhận và tìm hiểu mọi chuyện.
Từ đầu phim, Hạ đã được miêu tả là một cô gái mạnh mẽ, quyết đoán, sôi nổi như chính cái tên mình. Hạ không được gặp cha từ sau khi cha mẹ cô ly dị và ông bỏ sang Nhật Bản vì đam mê nhiếp ảnh, lúc đó Hạ chỉ mới 10 tuổi. Cô bé nhỏ đứng trước cảnh gia đình đổ vỡ vẫn luôn chờ đợi những tấm ảnh do cha chụp và viết đôi dòng gửi về từ nước Nhật xa xôi, kể cả khi mẹ cô luôn cự tuyệt. Thị trấn Higashikawa qua những dòng viết của cha chính là thứ mà Hạ luôn muốn được một lần nhìn thấy.
Ấy thế mà khi Hạ quyết định quyết định sang Nhật tìm cha, khán giả lại không nhìn thấy được cái cảm xúc khi mà cô đã đến được nơi mà mình mong muốn bấy lâu. Như đã nói, qua phần dẫn truyện, khán giả có cùng dòng cảm xúc với Hạ khi câu chuyện của cô bắt đầu. Nhưng sự kết nối lại bị đứt gãy khi Hạ đến Nhật.
Khán giả không thấy sự ngạc nhiên, hay thất vọng, hay bất kì cảm xúc nào khi cô đặt chân đến Higashikawa, như thể đây là một chỗ đã quen thuộc vậy. Khi cô nàng ăn mì ramen chính gốc, mặc yukata, đi đền thờ Thần Đạo, thăm cánh đồng hoa hướng dương... phần cảm xúc nhân vật đều bị bỏ qua. Có lẽ vì ekip viết ra kịch bản bằng góc nhìn và tâm thế đã quen với những điều này nên bỏ quên cảm xúc của những người được lần đầu diện kiến nó sẽ như thế nào. Từ đó, Hạ dần trở nên xa lạ và tách khỏi dòng cảm xúc của khán giả.
Cũng vì vậy mà càng về sau, khi nhân vật đối diện với những sự kiện bất ngờ, trải qua nhiều cảm xúc hơn thì khán giả càng khó nắm bắt được tâm lý nhân vật như lúc đầu nếu không bám được vào sợi dây khá mong manh giữa người xem và Hạ. Cho nên khi xem đến hết phim, mọi cảm xúc đều chỉ ở mức lửng lơ. Không phải ai cũng cảm nhận được hết sự tiếc nuối hay nỗi tang thương, sự chấp nhận của Hạ dành cho mọi chuyện. Một điểm đáng tiếc lớn nhất của bộ phim.
Nếu ekip có cách thể hiện khách quan hơn, không quá áp đặt quan điểm và góc nhìn của mình vào câu chuyện thì sẽ chạm được đến nhiều người hơn. Vì thực sự số lượng những người hiểu phim trọn vẹn khá ít, có rất nhiều những chi tiết quan trọng trở nên mập mờ, thậm chí là sai chỉ vì người ta chưa hiểu được nhân vật.
Cách diễn đạt lê thê, khiến cảm xúc bị dàn trải
Trừ phi bạn muốn thực hiện một bộ phim có cái không khí lãng đãng xuyên suốt từ đầu đến cuối bởi những lát cắt cuộc sống thực tế thì mới cần cái cảm xúc lưng lửng ấy. Đằng này Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè muốn truyền đạt một cảm giác mạnh hơn, của sự tiếc nuối và chấp nhận, qua một kịch bản có khá nhiều gút thì cách diễn đạt tất nhiên phải khác.
Phim bắt đầu bằng câu chuyện tìm cha, nhưng ngay sau sự kiện đầu tiên là cha của Hạ đã mất được phơi bày, cảm xúc đã bị vơi đi khá nhanh. Không phủ nhận Phương Anh Đào đóng cảnh gọi điện về Việt Nam rồi nghẹn ngào giấu nước mắt rất ấn tượng, nhưng nó chưa đủ để khán giả thấm thía cái cảm giác mà Hạ đang mang trong lòng khi đó.
Sau đó phim dần chuyển sang mối quan hệ giữa Hạ và Akira với thời lượng khá lớn. Vô tình, bộ phim mang không khí của những phim tình cảm lãng mạn. Trong khi câu chuyện về cha vẫn cứ âm ỉ chảy vì nó là cái sườn của kịch bản. Và, đạo diễn đã chưa đủ sức để dung hòa hai thứ cảm xúc tình yêu và tình thương ấy làm một. Khi khán giả đang say đắm trong mối quan hệ yêu đương vừa có tiến triển thì đã phải nặng nề vì câu chuyện cha con ngay sau đó. Nó khiến cho cuộc tình giữa Hạ với Akira vô tình bị trầm buồn theo, không khí lãng mạn không thể đẩy lên cao trào.
Rồi câu chuyện giữa Akira và Michiko lại quá thiếu sự chuẩn bị cho đoạn kết bất ngờ mà Hạ biết được sau khi về nước. Thành thử ra khi nỗi đau mất mát vừa được khơi lên, câu chuyện mập mờ của Akira và Michiko cũng được xâu chuỗi lại cùng lúc, cảm xúc một lần nữa bị phân tán.
Giao duyên văn hóa chưa đủ mạnh
Tiêu chí ban đầu của ekip là muốn dung hòa văn hóa giữa hai nước vì số lượng người Nhật biết về văn hóa Việt Nam không nhiều. Điều này đã được chứng minh qua những yếu tố Việt Nam xuất hiện trong phim như tính cách bộc trực của Hạ, chén trè trôi nước, bữa cơm truyền thống Việt Nam với món thịt kho trứng, ca khúc thiếu nhi Nhong Nhong Nhong... Tuy nhiên, đó chỉ là những thứ mang tính hình thức.
Văn hóa không chỉ là đồ ăn, thức uống hay quần áo, âm nhạc. Những thứ này của Việt Nam người Nhật hoàn toàn có thể biết qua sách vở từ trước. Thứ văn hóa hay ho nhất nên được truyền tải qua phim ảnh chính là văn hóa về con người. Trong phim, chỉ một mình tính cách của Hạ là theo chiều hướng này, nhưng vẫn chưa đủ.
Phải chi có những đoạn cô nàng kể với ai đó về gia đình mình ở Việt Nam, về những kỉ niệm hồi nhỏ với cha mang đậm văn hóa Việt Nam hơn. Giống như cách mà bộ phim đã khắc họa rất rõ nét về cách ứng xử và giao tiếp của người Nhật vậy.
Thêm nữa, đoạn Akira và Hạ cùng hát Nhong Nhong Nhong chính là để thể hiện sự giao duyên giữa hai nền văn hóa, vượt qua rào cản ngôn ngữ lại không đủ cảm xúc. Nói nôm na thì nét Việt vẫn còn khá thiếu thốn trong Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè.
Tạm kết
Những điểm còn thiếu sót trên đây không phải thể hiện sự ẩu tả hay hời hợt của ekip, mà chỉ là do họ còn chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý trong bộ phim đầu tay. Lại còn là một bộ phim độc lập không dành cho đại chúng. Nếu như quá nuông chiều bản thân, bộ phim sẽ rất dễ dàng đi lạc đường và bỏ rơi một vài khán giả trên đường đi. Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè vẫn là một bộ phim tốt và đáng khen ngợi, nhưng nếu không có những điểm yếu kể trên thì đã hoàn hảo hơn rất nhiều.
Theo Trí Thức Trẻ
Tình cha con là sợi dây xuyên suốt 'Nhắm mắt thấy mùa hè'! Phim "Nhắm mắt thấy mùa hè" chọn cách kể chuyện bằng cảm xúc, và chính tình cha con là sợi dây xuyên suốt, bắt đầu và phát triển tình cảm của Nhật Hạ dành cho chàng trai Akira và Nhật Bản. Nhắm mắt thấy mùa hè là bộ phim xoay quanh cô gái tên Nhật Hạ ( Phương Anh Đào) quyết định sang...