Phim về nạn ấu dâm tranh Oscar: Từ đời thực đến màn ảnh
Nhận 6 đề cử Oscar đều ở các hạng mục quan trọng, “ Spotlight” là một trong những ứng cử viên tiềm tàng của mùa giải thưởng điện ảnh năm nay.
Spotlight kể lại chiến công báo chí của nhóm phóng viên điều tra tại tờThe Boston Globe. Năm 2001, họ quyết tâm phanh phui nạn ấu dâm trong giới Nhà thờ Công giáo tại thành phố Boston, nước Mỹ. Sau đó, loạt phóng sự giúp họ nhận được giải thưởng báo chí cao quý Pulitzer.
Spotlight có 6 đề cử quan trọng tại Oscar 2016. Phim cũng mới có chiến thắng vang dội tại giải thưởng điện ảnh Tinh thần Độc lập năm nay. Ảnh: Open Road Films
Trong năm 2015, đạo diễn Tom McCarthy quyết định đưa cuộc điều tra từng khiến dư luận toàn thế giới chấn động lên màn ảnh rộng. Được giới phê bình ca ngợi, Spotlight nhận 6 đề cử Oscar, trong đó có hạng mụcPhim truyện xuất sắc. Trang HistoryvsHollywood đưa ra những so sánh về những gì từng thực sự xảy ra ở ngoài đời với bộ phim.
Điều gì đã khiến tờ Boston Globe quyết định điều tra nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong giới Nhà thờ Công giáo La Mã tại Boston, Mỹ?
Cuối tháng 7/2001, biên tập viên Marty Baron của tờ báo (do Liev Schreiber thể hiện trong phim) đã kiên quyết tìm hiểu sâu hơn về những án kiện một tu sĩ tham gia lạm dụng tình dục được nhắc đến trong mục của nhà báo Eileen McNamara. Khi ấy, ông mới chuyển từ tờ Miami Herald đến công tác tại Boston Globe. Sau khi biết rằng tòa án đã niêm phong tài liệu xét xử để giữ kín thông tin cá nhân của vị tu sĩ, Baron càng quyết tâm đưa sự thật ra ánh sáng.
Hình ảnh biên tập viên Marty Baron trên phim do hôn phu của Naomi Watts thể hiện và ở ngoài đời thực. Ảnh: HistoryvsHollywood
Walter Robinson, người dẫn đầu đội điều tra Spotlight do Michael Keaton thể hiện, từng nói rằng: “Ở Florida, mọi thứ đều có vẻ công khai”, như muốn ám chỉ rằng Marty Baron chưa quen với cung cách làm việc kín đáo tại Boston.
Sau khi tìm được thông tin, Marty Baron chỉ đạo đội phóng viên điều tra mang tên Spotlight theo sát vị cha xứ John Geoghan, kẻ đã lạm dụng nhiều giáo dân trẻ tuổi và bắt họ giữ bí mật trong suốt 30 năm trời. Song, Geoghan thực chất mới chỉ là phần nổi của tảng băng.
Bao nhiêu vị mục sư đã bị nhóm Spotlight phát hiện có nhiều năm dính líu tới nạn lạm dụng tình dục tại Boston?
“Khi đó rất nhiều, rất nhiều mục sư khác, khoảng 15 đến 20 người đã phạm tội tương tự”, Walter Robinson tiết lộ. “Nhưng Toà Giám mục đã che giấu tội ác của họ bằng những thoả thuận bí mật. Đến cuối cuộc điều tra, chúng tôi biết được có gần 250 mục sư ở Boston đã lạm dụng tình dục trẻ em suốt nhiều thập kỷ”. Nhà thờ đã thuyên chuyển nhiều tăng lữ sang các giáo phận khác để tránh bị chính quyền phát hiện.
Có đúng là một vị mục sư đã thú tội với Sacha Pfeiffer?
Giống như trong phim, Ronald H. Paquin đã thú nhận với phóng viên Sacha Pfeiffer (do Rachel McAdams thể hiện) về việc lạm dụng các bé trai ở hai giáo xứ cho đến năm 1989, tức một năm trước khi hắn bị Toà Giám mục cách chức.
Rachel McAdams bên cạnh nữ phóng viên Sacha Pfeiffer, người mà cô thể hiện trong bộ phim Spotlight. Ảnh: HistoryvsHollywood
Mức án dành cho Paquin là 15 năm tù. Hắn cho biết: “Đúng, tôi có động tay động chân, nhưng chưa bao giờ cưỡng bức bất cứ ai, và cũng không thấy vui vẻ gì với chuyện đó”. Bản thân Paquin cũng từng bị cưỡng bức bởi một vị mục sư khi còn là thiếu niên. Cuộc phỏng vấn của Pfeiffer thực chất diễn ra trong căn hộ của hắn, chứ không phải trước cửa nhà như trong phim.
N hà thờ Công giáo ở Boston có thực sự quyền lực như bộ phim miêu tả không?
Walter Robinson ngoài đời đã chứng thực về quyền lực chính trị to lớn của nhà thờ nơi đây. Ông tiết lộ: “Họ luôn gây áp lực với những cơ quan báo chí như tờ The Boston Globe. Bạn luôn phải rất, rất cẩn thận bởi sức mạnh của nhà thờ là cực kỳ khó lường. Chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu liên quan”.
Nhà thờ Công giáo cảm thấy thế nào khi bộ phim Spotlight đề cập lại bê bối tình dục này?
Hồng y Giáo chủ của Boston là Sean P. O’Malley, người lên nắm quyền năm 2003 sau vị tiền nhiệm đáng xấu hổ Bernard F. Law, cho rằngSpotlight đã miêu tả “quãng thời gian vô cùng đau đớn” trong lịch sử nhà thờ. Chuỗi phóng sự hồi đầu thế kỷ từng khiến họ “phải xử lý những điều nhục nhã bị giấu kín.” Một phát ngôn viên của O’Malley cho biết ngài tổng giám mục không ngăn cản mọi người theo dõi bộ phim.
Video đang HOT
Vị Hồng y Giáo chủ cũng nhấn mạnh cam kết sẽ xoá sổ những mục sư phạm tội ra khỏi nhà thờ. Ông phát biểu: “Toà Giám mục Boston cam đoan sẽ không tha thứ cho bất cứ vụ lạm dụng trẻ em nào nữa”.
Tỷ lệ lạm dụng tình dục trong giới Nhà thờ Công giáo có cao hơn trong xã hội không?
Câu trả lời là không. Tỷ lệ nạn ấu dâm trong các Nhà thờ Công giáo là khoảng 6% vào năm 2002, tương đương với tỷ lệ bên ngoài xã hội như được nhắc tới trong phim. Song, những cố gắng che đậy của một số thành viên trong giới tăng lữ khiến sự việc thêm phần bi kịch.
Có phải các phóng viên của nhóm Spotlight không phải là người mộ đạo?
Đúng vậy. Đội ngũ biên kịch nhận ra rằng nếu để một trong số các nhân vật phóng viên mang niềm tin tôn giáo sẽ giúp bộ phim trở nên kịch tính hơn. Nhưng trên thực tế, không ai trong nhóm Spotlight sùng đạo cả.
Tất cả các phóng viên điều tra đều theo Công giáo nhưng không đi lễ. Sau cuộc điều tra năm 2001, một số phóng viên cảm thấy không thể quay lại với tôn giáo nữa, như Walter Robinson cho biết: “Khi ấy, tôi là con chiên nhưng không đi nhà thờ. Còn hiện tại, tôi hoàn toàn cách xa tôn giáo”.
Michael Keaton bên cạnh Walter Robinson – trưởng nhóm phóng viên Spotlight ở ngoài đời thực. Ảnh: HistoryvsHollywood
Sau khi vụ việc được công khai, có nhiều nạn nhân tìm đến nhóm Spotlight không?
Nhóm phóng viên Spotlight ngoài đời đã phỏng vấn khoảng 30-40 nạn nhân trong quá trình điều tra, và những buổi phỏng vấn ấy đều gây tác động rất mạnh đến tâm tư người làm báo. Khi câu chuyện được nhắc tới trong những buổi đi lễ đầu năm 2002, nhiều nạn nhân khác đã ra mặt bởi họ cảm thấy mình không còn cô đơn.
“Trong vòng hai tháng, chúng tôi nhận được những cuộc gọi từ hơn 300 nạn nhân chỉ trong giáo phận Boston”, Robinson hồi tưởng. Họ đều là nạn nhân trong quá khứ và từng không dám nói ra sự thật vì quá sợ hãi.
Nhà thờ Công giáo đã cách chức những giám mục che đậy tội ác chưa?
Mặc dù biên tập viên Marty Baron khá hài lòng với những động thái ý nghĩa từ phía nhà thờ, nhưng ông vẫn cho rằng họ đã mất quá nhiều thời gian trước khi chỉ định một toà án để xử lý các giám mục tham gia bao che cho những tên mục sư lạm dụng trẻ em trong giáo khu của mình.
“Đã 14 năm trôi qua, chuyện này lẽ ra phải được quyết định từ lâu lắm rồi”, Baron phát biểu khi nói về quyết định chỉ định toà án hồi mùa hè 2015. “Rõ ràng đây là vấn đề mà nhà thờ vẫn đang cố ghìm lại”.
Thể hiện phóng viên Michael Rezendes trên màn ảnh, Mark Ruffalo nhận đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar 2016. Ảnh: HistoryvsHollywood
Câu chuyện có đem về cho nhóm Spotlight giải thưởng báo chí nào không?
Ngoài đời thực, đội ngũ Spotlight đã nhận giải thưởng Pulitzer cao quý vào năm 2003 cho hàng loạt những bài báo về bê bối lạm dụng tình dục trẻ em tại các nhà thờ Công giáo, cũng như việc bao che có hệ thống cho những tội ác ấy.
Những phóng viên và biên tập viên tham gia cuộc điều tra có góp phần thực hiện bộ phim không?
Tất nhiên là có. Đạo diễn kiêm biên kịch của Spotlight là Tom McCarthy cho biết: “Chúng tôi phỏng vấn từng người trong số họ về những thời điểm giống nhau, để so sánh câu chuyện đã xảy ra từ 11 năm trước. Những gì trong phim được kể từ lời của họ, của chúng tôi, hoặc cả hai. Các phóng viên và biên tập viên ấy đều đã đọc tất cả những bản thảo được chúng tôi gửi tới”.
“Dĩ nhiên tôi rất lo lắng khi ý tưởng làm phim được đưa ra”, nữ phóng viên Sacha Pfeiffer ngoài đời thổ lộ. “Nhưng kịch bản theo rất sát những gì đã diễn ra, và có rất ít chi tiết bị thay đổi. Nên tôi nghĩ họ đã tạo ra một câu chuyện chân thực, đúng với lịch sử, và tôi rất trân trọng điều đó”.
Theo Zing
Phim về nạn ấu dâm là ứng cử viên số một tại Oscar 2016
"Spotlight" kể lại cuộc điều tra nạn ấu dâm trong giới giáo sĩ Boston của nhóm phóng viên tờ The Boston Globe. Đây là chiến công báo chí từng được trao giải thưởng Pulitzer 2003.
Pulitzer là giải thưởng báo chí thường niên quan trọng nhất tại xứ sở cờ hoa. Nó được trao cho các tờ báo được đánh giá là có thành tựu và đóng góp tích cực nhất đối với lợi ích công chúng và xã hội nước Mỹ.
Năm 2003, nhật báo The Boston Globe của thành phố Boston nhận giải Pulitzer với lời khen tặng chính thức từ hội đồng xét giải, "vì hoạt động đưa tin toàn diện và dũng cảm về những vụ xâm hại tình dục của các giáo sĩ Công giáo. Nỗ lực ấy đã giúp phá vỡ bức màn bí mật, thúc đẩy phản ứng từ địa phương, quốc gia cho tới cộng đồng quốc tế, đồng thời tạo ra sự thay đổi từ chính bên trong Giáo hội Công giáo La Mã".
Spotlight dựa trên cuộc điều tra có thật của nhóm phóng viên tờ The Boston Globe về nạn ấu dâm trong nhà thờ công giáo tại Boston, Mỹ vào đầu thế kỷ XXI.
Hơn một thập kỷ sau sự kiện đó, cũng như sau rất nhiều thay đổi lớn lao trong nhận thức và hành động của xã hội Mỹ và Giáo hội Công giáo về nạn ấu dâm trong giới giáo sĩ, đạo diễn Tom McCarthy đưa lên màn ảnh chân dung nhóm tác giả của những bài báo có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ấy qua bộ phim Spotlight.
Cuộc chiến gian nan của những người phóng viên quả cảm
Trên thực tế, những vụ án liên quan tới nạn ấu dâm của giáo sĩ Công giáo tại nước Mỹ không phải đề tài mới mẻ đối với báo chí. Nhưng, trong quá khứ, chúng mới chỉ được nhìn nhận như những trường hợp cá biệt, hiếm hoi, nhất là tại một thành phố có đến 1/3 dân số là giáo dân Công giáo như Boston.
Mãi tới năm 2001, khi tờ nhật báo The Boston Globe có biên tập viên mới là Marty Baron (Liev Schreiber) - một người gốc Do Thái, thì việc điều tra tệ nạn ấy mới được tiến hành triệt để.
Với con mắt tinh tường của "người ngoài cuộc", Baron nhanh chóng nhận ra rằng các bài báo nhỏ lẻ không thể giúp The Boston Globe tìm được gốc rễ sự việc. Bởi vậy, thay vì tập trung vào từng kẻ thủ ác hay các nạn nhân, tờ báo cần phải sẵn sàng đối diện với cả Giáo hội Công giáo, với tòa án, với truyền thống sùng đạo của người dân Boston, mới có thể lôi cả hệ thống đã bao che tội ác suốt nhiều năm qua ra ánh sáng công luận.
Có thể nói nhóm phóng viên Spotlight tập hợp đầy đủ những phẩm chất cần thiết cho nghề báo: từ kinh nghiệm cho tới sự điềm tĩnh, từ xông xáo cho tới sự nhạy cảm.
Trọng trách được Marty Baron giao phó cho nhóm nhà báo điều tra của mục Spotlight (tạm dịch: Tin điểm) - đội ngũ phóng viên tinh túy nhất của tờ The Boston Globe khi đó, chuyên trách các phóng sự dài kỳ về những vấn đề xã hội nóng bỏng.
Tuy chỉ có bốn cá nhân, nhưng nhóm Spotlight là đại diện cho những phẩm chất cần thiết nhất của nghề báo: trưởng nhóm Walter "Robby" Robinson (Michael Keaton) điềm tĩnh, kinh nghiệm; Michael Rezendes (Mark Ruffalo) nhiệt huyết, xông xáo; Sacha Pfeiffer (Rachel McAdams) tinh tế, nhạy cảm; và Matt Carroll (Brian d'Arcy James) hiểu biết, tận tụy.
Quá trình điều tra của nhóm Spotlight diễn ra không hề suôn sẻ khi họ vấp phải sự thờ ơ, bàng quan, thậm chí là xa lánh của đồng nghiệp và những người dân cùng thành phố. Đơn giản bởi họ không tin, hoặc không muốn tin, rằng những vị giáo sĩ đáng kính lại có thể gây ra tội ác ghê tởm đến thế.
Hơn nữa, là những người sinh ra và lớn lên ngay giữa lòng thành phố sùng đạo, bốn nhà báo còn phải đối diện với cuộc khủng hoảng tinh thần bên trong chính họ, khi mà niềm tin tâm linh của bản thân và những người thân bị phản bội không thương tiếc bởi hệ thống Giáo hội thành phố.
Dẫu gặp nhiều khó khăn, nhóm phóng viên Spotlight không bao giờ chịu lui bước hay khuất phục. Họ giành chiến thắng bằng niềm tin và lòng dũng cảm của nghề báo.
Nhưng nhóm Spotlight vẫn tiếp bước, vẫn kiên cường trên con đường kiếm tìm sự thật. Bởi cứ mỗi ngày trôi qua, họ lại được gặp gỡ những nạn nhân với nỗi đau khôn nguôi, cũng như hiểu ra rằng mình không hề đơn độc. Xã hội vẫn còn nhiều người như luật sư Mitchell Garabedian (Stanley Tucci), như cựu giáo sĩ chuyển nghề tâm lý học trị liệu Richard Sipe (Richard Jenkins), sẵn sàng đưa sự thật ra ánh sáng.
Xét về mặt quyền lực hay tiền bạc, đó có thể là cuộc chiến không cân sức cho những nhà báo đến từ tờ The Boston Globe. Nhưng xét về mặt niềm tin và lòng dũng cảm, chẳng ai có thể sánh ngang với họ, kể cả Giáo hội Công giáo - nơi luôn tự cho mình cái quyền nắm giữ đức tin của con người.
Cách tiếp cận và kể chuyện tinh tế của Tom McCarthy
Nhắc đến Tom McCarthy, đạo diễn và biên kịch của Spotlight, công chúng có thể nhớ tới ngay The Visitor - tác phẩm gây tiếng vang về đề tài dân nhập cư tại Mỹ, hoặc Up - bộ phim hoạt hình cảm động của Pixar mà ông viết kịch bản. Tuy có câu chuyện và đối tượng khán giả khác nhau, The Visitor và Up vẫn chia sẻ một điểm chung: đó là cách tiếp cận nhẹ nhàng, trầm lắng, nhưng rất đỗi nhân văn về những đề tài khó nhằn như tuổi già hay sự cô đơn.
Với Spotlight, khán giả lại được thấy phong cách nghệ thuật ấy của Tom McCarthy, áp dụng cho một đề tài khó khăn không kém: nạn ấu dâm của giáo sĩ Công giáo. Nói là khó khăn bởi nạn nhân của tội ác ấy chính là những giá trị thiêng liêng đối với những người sùng đạo nói riêng và đại chúng nói chung: tuổi thơ ấu, sự trong trắng và niềm tin.
Do vậy, làm thế nào để để cập đến tội ác và sự trừng phạt theo cách trung thực, không né tránh, nhưng đồng thời không được khiến người xem cảm thấy khó chịu, e ngại, là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Cách tiếp cận câu chuyện chậm rãi của Tom McCarthy có thể khiến khán giả nóng ruột trong nửa đầu. Nhưng nhà làm phim có cái lý của mình và đòi hỏi ở người xem sự quan sát tinh tế.
Có lẽ cũng vì lý do đó mà trong vài thập kỷ trở lại đây, chỉ có một số ít tác phẩm điện ảnh thực sự lột tả được diện mạo xấu xí đến tột cùng của tội ác ấu dâm, cũng như nỗi đau không dứt của những đứa trẻ nạn nhân, như The Magdalene Sisters (2002) của Peter Mullan, Philomena (2013) của Stephen Frears, hay Calvary (2014) của John Michael McDonagh.
Nhưng khác với những bộ phim đó, Spotlight của Tom McCarthy có cách tiếp cận nhẹ nhàng, không đề cập trực tiếp đến tội ác và những kẻ thủ ác. Thay vào đó, nhà làm phim tập trung toàn bộ thời lượng phim cho quá trình tìm kiếm sự thật của nhóm phóng viên điều tra. Gián tiếp thông qua họ, những hậu quả lâu dài, bi thương mà nạn nhân của các vụ ấu dâm phải chịu đựng cứ thế được khơi gợi rất đỗi tự nhiên.
Có khởi đầu chậm rãi và chỉ dần tăng tốc ở nửa sau, Spotlight hẳn khiến nhiều khán giả cảm thấy nóng ruột khi họ không được chứng kiến những trường đoạn cao trào, kịch tính gắn với tội ác của các giáo sĩ, hay sự che đậy có hệ thống của Giáo hội Boston.
Nhưng nếu kiên nhẫn hơn, người xem có thể nhận ra rằng không chỉ họ, mà chính các phóng viên điều tra tinh tường và quả cảm của tờ The Boston Globe trên màn ảnh, đang phải kìm nén cảm xúc khi đối diện với những giọt nước mắt, những lời tâm sự đến thắt lòng từ nạn nhân của đám thủ ác giấu mặt. Chỉ có như vậy, nhóm Spotlight mới đủ sáng suốt để tìm ra được sự thật về tội ác có quy mô lớn đến khó mức tưởng tượng ấy.
Cách kể chuyện tinh tế của Spotlight giúp bộ phim càng về sau càng lôi cuốn, khiến người xem cảm thấy mình thực sự trở thành một phần của cuộc điều tra, dần nhận ra những chi tiết ẩn giấu bên dưới vẻ yên bình của thành phố Boston. Đó thực chất chỉ là thứ yên bình giả tạo, được tô vẽ và bao phủ lên vô số những xung đột, tội ác, nỗi đau và sự hèn nhát.
Sự toàn diện trên những khía cạnh nghệ thuật
Đóng góp cho kịch bản thâm trầm của Spotlight là tông màu ngả vàng và những thước phim đặc tả tuyệt vời đến từ nhà quay phim Masanobu Takayanagi người Nhật Bản. Ông thành công trong việc nêu bật muôn mặt cảm xúc ẩn giấu bên trong các nhân vật, từ sự bàng hoàng của các phóng viên khi tiếp xúc với nạn nhân, cho tới thái độ bàng quan vô cảm của những kẻ coi trọng "danh dự" hơn sự thật.
Cùng với phần nhạc phim lúc dồn dập, lúc khoan thai của nhà soạn nhạc danh tiếng Howard Shore, Spotlight chính là một trong những tác phẩm toàn diện nhất về cả mặt nội dung lẫn kỹ thuật của điện ảnh Hollywood năm 2015.
Các ngôi sao như Michael Keaton hay Mark Ruffalo không có nhiều cơ hội để trở nên nổi bật với một bộ phim như Spotlight. Nhưng họ đã truyền tải được chính xác ý đồ của kịch bản và đạo diễn.
Tuy toàn diện về mặt câu chuyện, nhưng nhịp phim trầm lắng củaSpotlight lại là bất lợi dành cho dàn diễn viên, bởi các nhân vật của họ sẽ không có nhiều khoảnh khắc bột phát về mặt tình cảm, tinh thần - những thời điểm cần thiết để phô diễn khả năng diễn xuất trên màn ảnh.
Nhưng xét cho cùng, nhiệm vụ của người diễn viên là truyền tải ý đồ của kịch bản và đạo diễn. Và dàn diễn viên của Spotlight đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ: Michael Keaton thâm trầm trong vai Walter Robinson, Rachel McAdams nhạy cảm trong vai Sacha Pfeiffer, Mark Ruffalo nhiệt huyết trong vai Michael Rezendes. Cả ba tạo nên "đội hình mơ ước" của nhóm phóng viên điều tra Spotlight - những người trung thực, nhạy bén, dũng cảm và quyết chiến đấu đến cùng cho chất lượng loạt bài báo, cho lợi ích chung của xã hội.
Tiếc rằng thành viên thứ tư của Spotlight, nhà báo Matt Carroll do Brian d'Arcy James thể hiện, lại có phần mờ nhạt hơn khi so sánh với ba người còn lại. Tương tự, tuyến nhân vật phụ của Spotlight không để lại nhiều ấn tượng, ngoài hai điểm sáng hiếm hoi là Liev Schreiber trong vai biên tập viên Marty Baron và Stanley Tucci trong vai luật sư Mitchell Garabedian. Tuy không có nhiều đất diễn và rất ít khi biểu lộ cảm xúc, Tucci đem đến cho khán giả đoạn kết phim đầy xúc động và đáng nhớ cùng với Mark Ruffalo.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Spotlight được giới phê bình và truyền thông tại Mỹ đánh giá rất cao, qua đó trở thành ứng cử viên số một cho giải thưởng điện ảnh Oscar 2016.
Nghề báo là một trong những nghiệp được trân trọng bậc nhất tại nước Mỹ, bởi người phóng viên là đại diện cho tiếng nói công chúng, soi rọi ánh sáng vào mọi góc tối để đưa sự thật đến cho công chúng. QuaSpotlight, khán giả hoàn toàn có thể cảm nhận được những đóng góp lớn lao ấy của các nhà báo điều tra. Chính sự dũng cảm của họ đã giúp truyền lửa cho cả xã hội, cho từng nạn nhân của tội ác, để tất cả có thể cất lên tiếng nói của chính bản thân. Với tầng ý nghĩa nhân văn và sâu sắc như thế, Spotlight chính là ứng cử viên hàng đầu cho các giải thưởng điện ảnh năm nay.
Tại giải thưởng Quả cầu vàng 2016, Spotlight nhận ba đề cử bao gồmPhim truyện - Thể loại chính kịch, Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc. Rất nhiều nhà phê bình phim quốc tế hiện xếp tác phẩm là ứng cử viên số một cho giải thưởng Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2016, diễn ra vào cuối tháng 2.
Zing.vn đánh giá: 4,5/5
Theo Zing
Bộ phim về nghề báo và sự thật vụ linh mục phạm tội ấu dâm Năm 2002, nhóm phóng viên tờ Boston Globe quyết điều tra tới cùng chuyện các linh mục phạm tội ấu dâm tại một nhà thờ Công giáo địa phương. Báo chí và thế giới đã thay đổi nhờ đó. Cách đây gần 40 năm, bộ phim All the President's Men ra mắt, biến hai chàng phóng viên trẻ là Carl Bernstein và Bob...