Phim truyền hình miền Nam ‘ngủ đông’ vì thua lỗ
Đa số các nhà sản xuất phim truyền hình tại TP.HCM đều cắt giảm số lượng đầu phim trong năm qua hoặc chuyển hướng vì đối diện với thực trạng “thu không bù chi”.
Thời gian qua, hai bộ phim Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử do VTV sản xuất được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Cùng với đó là lượng rating cao khủng, doanh thu từ quảng cáo lên tới 3 tỷ đồng/tập phim. Đây là con số ấn tượng, đem tới ánh sáng, niềm hy vọng cho người làm phim bởi hai năm qua phim truyền hình phủ một màu đen ảm đạm.
Nhà sản xuất phim truyền hình đang ngủ đông
Sự đón nhận của khán giả từ hai bộ phim trên có phải là tín hiệu khởi sắc của phim truyền hình Việt Nam vào cuối năm 2017? Trao đổi với Zing.vn, đa số các nhà sản xuất tại TP.HCM đều khẳng định tình trạng trì trệ, ảm đạm vẫn bao phủ.
Phim Sống chung với mẹ chồng gây sóng từ tập đầu tiên. Ảnh: VTV.
Đạo diễn, nhà sản xuất Châu Thổ cho biết 4 năm trước Sena film do chị làm giám đốc đảm nhận việc sản xuất phim Việt giờ vàng cho kênh HTV9. Nhiều bộ phim do Sena sản xuất tạo được tiếng vang như Trở về, Một văn phòng luật sư, Biệt thự Pensee… Đến năm 2017, đơn vị của chị quyết định dừng hợp tác và cũng ngưng đầu tư sản xuất phim mà chuyển sang gia công theo đơn đặt hàng cho các hãng phim khác.
Video đang HOT
“Trong bốn năm đầu tư sản xuất phim cho Việt giờ vàng HTV9 thì hai năm đầu công ty có lãi chút ít, năm thứ ba thì lỗ. Mỗi bộ phim phát sóng chúng tôi thường lỗ một tỷ đồng. Đến năm 2017 thì Sena quyết định ngừng sản xuất”, biên kịch Châu Thổ chia sẻ.
M&T Picture là một trong những đơn vị sản xuất phim lớn nhất TP.HCM. Vào thời hưng thịnh, mỗi năm đơn vị này sản xuất 1.000 tập phim. Đến nay, số lượng sụt giảm hơn một nửa. Đầu năm 2017, nhà sản xuất phim truyền hình kỳ cựu còn chuyển hướng làm phim sitcom nhằm giảm kinh phí sản xuất, thu hồi vốn nhanh.
Một nhà sản xuất cho biết: “Sự thu hẹp này là điều tất yếu. Khi vật giá, mọi thứ đều đi lên, chỉ có tiền sản xuất phim không lên. Mỗi tập phim nhà đài chỉ trả 200 triệu đồng thì dù liệu cơm gắp mắm thế nào cũng khó”.
Đồng quan điểm này, đạo diễn, nhà sản xuất Nam Phương nhận định: “Các nhà làm phim ở miền Nam như đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Tiền dành cho sản xuất không tăng suốt 10 năm qua trong khi cát-xê diễn viên, bối cảnh, máy móc và đạo cụ đều tăng theo cấp số nhân. Ngược lại, doanh thu từ quảng cáo dành cho phim truyền hình giảm rất nhiều”.
Trước tình hình ảm đạm này, sau phim Trần trung kỳ án, đạo diễn Nam Phương quyết định dừng sản xuất phim truyền hình. “Làm phim truyền hình bây giờ chắc chắn thua lỗ, tôi chỉ còn làm phim cổ tích. Tôi làm như vậy để đỡ nhớ nghề và cầm cự cho qua ngày thôi”, anh chia sẻ.
Thanh Trúc và Hòa Hiệp trong phim Trần trung kỳ án. Ảnh: ĐPCC.
Trách nhiệm của nhà đài với sự sống còn của phim truyền hình
Lý giải thành công của Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng, đạo diễn Nam Phương cho rằng: “Nhà sản xuất VTV đã đầu tư nghiêm túc cho hai sản phẩm của họ. Họ đã hạn chế được yếu điểm của khâu kịch bản bằng cách mua từ nước ngoài hoặc chuyển thể từ tiểu thuyết Trung Quốc. Không những thế diễn viên làm việc tập trung thể hiện qua những vai diễn khai thác tâm lý sâu sắc, chân thật”.
Theo anh, khán giả Việt không quay lưng hoàn toàn với phim Việt nhưng không phải ngẫu nhiên yêu phim Việt. Để có sự đón nhận đó nhà sản xuất phải làm việc nghiêm túc mới có thể cho ra sản phẩm hấp dẫn, thuyết phục người xem.
“Không cần đao to búa lớn, những đề tài tưởng như đã cũ, quá gần gũi với đời sống như biết cách khai thác và xử lý thì vẫn hấp dẫn”, anh nhận định.
Biên kịch Châu Thổ cũng cho rằng sự trỗi dậy của hai phim truyền hình ngoài Bắc chứng tỏ dòng phim này vẫn có sức sống, không thể bị chết. Tuy nhiên, điều này chưa có được với các nhà làm phim ở TP.HCM.
Bà khẳng định: “Nếu muốn có được một cú hích, tạo nên sự đổi mới thì nhà đài phải thay đổi chính sách, đầu tư. Với kinh phí eo hẹp dành cho phim truyền hình như hiện nay để tạo được một phim hay là không tưởng”.
Mặc dù sản xuất phim theo đơn đặt hàng của đài THVL, không chịu áp lực về doanh thu quảng cáo nhưng đạo diễn Nam Phương vẫn không thể cầm cự được với khoản đầu tư 4-5 tỷ đồng dành cho một phim. Bộ phim cổ tích Trần Trung kỳ án do anh thực hiện dù có rating tới 9,0 nhưng vẫn nhận quả đắng thua lỗ.
Diễm My và Lương Thế Thành trong phim Hợp đồng scandal. Ảnh: ĐPCC.
Một trong những đơn vị sản xuất phim truyền hình mạnh của miền Nam một thời là TFS cũng vắng bóng trên thị trường phim truyền hình hai năm qua. Gần đây đơn vị này mới ra mắt phim Lẩn khuất một tên người.
Một đại diện của nhà sản xuất TFS tiết lộ: “Bộ phim hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay mới phát sóng. Hai năm qua doanh thu quảng cáo từ phim truyền hình vô cùng ảm đạm. Có phim sau 30 tập phát sóng chỉ thu 800 -900 triệu đồng. Trong khi đó thời đỉnh cao một phim thu về 12 tỷ đồng. Vì thế chúng tôi không dám gửi phim cho nhà đài”.
Hai năm qua, câu chuyện nhà sản xuất than trời vì khoản đầu tư eo hẹp nhà đài dành cho phim truyền hình vẫn là “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. “Có bột mới gột nên hồ” vì thế chưa có sự tiếp sức từ chính sách của nhà đài thì phim truyền hình ở miền Nam tiếp tục quẩn quanh trong ngõ tối.
Theo Zing