Phim truyền hình miền Nam chết vì diễn viên chạy show, chảnh chọe?
Theo các đạo diễn và nhà sản xuất, diễn viên miền Nam bận rộn chạy show, không tập trung cho vai diễn nên khó tạo được vai diễn ấn tượng.
Chạy show có lẽ là từ quen thuộc với diễn viên miền Nam. Nhiều người quan niệm diễn viên mà không được gắn với từ này đồng nghĩa với việc không hot, không được yêu thích. Thực tế, người càng nổi tiếng, càng tài năng thì càng được săn đón nhiều.
Tuy nhiên, việc chạy đua với thời gian, đóng cùng lúc nhiều phim, tham gia nhiều chương trình khiến họ không thể toàn tâm toàn ý cho vai diễn. Không có một vai diễn ấn tượng, không tạo nên bộ phim hay thì việc bị khán giả quay lưng là điều tất yếu.
Diễn viên chạy show có vai diễn để đời là không tưởng
Vừa qua, thành công của hai phim Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử khiến người trong cuộc phải nhìn lại tình hình đang diễn ra ở ngành phim truyền hình Việt.
Liệu phim Việt có bị khán giả quay lưng? Người Việt không làm được phim truyền hình hay?… Thành công của hai phim do VTV sản xuất một lần nữa cho thấy khán giả không bao giờ quay lưng với phim Việt. Vấn đề là làm thế nào thuyết phục khán giả bằng sản phẩm chất lượng, hấp dẫn.
Video đang HOT
Phim Người phán xử được khán giả quan tâm suốt thời gian qua.
Để có một bộ phim hay không thể thiếu vai trò quan trọng của kịch bản. Một nhà làm phim thế giới từng khẳng định: “Yếu tố quyết định của một bộ phim hay là kịch bản và kịch bản”. Tuy nhiên, để truyền tải sự hấp dẫn ấy cần có diễn viên giỏi và tâm huyết.
Thực tế ở Việt Nam, không hiếm diễn viên giỏi nhưng ít diễn viên tạo được vai diễn để đời. Đạo diễn Châu Thổ cho rằng vai diễn hay phải khai thác tối đa lợi thế của diễn viên, có chiều sâu nhưng quan trọng là diễn viên phải cố gắng và đầu tư nghiêm túc cho vai diễn.
Đạo diễn lâu năm trong nghề nhận định: “Nghề diễn đòi hỏi sự sáng tạo và cảm xúc vì thế nếu thực sự hòa nhập, diễn viên mới thổi hồn cho nhân vật. Nếu dùng kỹ thuật thì chỉ là thợ diễn, khó tạo nên dấu ấn”.
Nói về thực trạng diễn viên chạy show hiện nay, đạo diễn Nam Phương cho biết: “Tôi là đạo diễn, nhà sản xuất nhưng đôi khi nản với thái độ làm việc của diễn viên”.
“Thời buổi sản xuất phim truyền hình khó khăn, chúng tôi phải liệu cơm gắp mắm nhưng diễn viên không chỉ đòi hỏi cát -xê cao mà đi muộn, về trễ, yêu cầu sắp lịch để thuận tiện cho việc chạy show. Chứng kiến thái độ làm việc của diễn viên như giờ đến chưa có nhưng giờ về đã có, ê-kíp mất hết cảm xúc”, đạo diễn bức xúc.
Theo anh, hệ quả của việc chạy show là các vai diễn na ná nhau. Diễn viên dù cố gắng và tập trung lắm thì cũng chỉ làm tròn vai. “Một diễn viên phân thân thành 2-3, thậm chí 4 nhân vật trong ngày mà đòi hỏi sự xuất sắc là không tưởng”, anh nhấn mạnh.
Đạo diễn phim Trần trung kỳ án cũng không phủ nhận việc chạy show là không thể tránh khỏi với diễn viên miền Nam. “Để đảm bảo cuộc sống, mua nhà cửa, lo cho tương lai nên khi cơ hội đến buộc họ phải tận dụng”, anh nói.
Sống chung với mẹ chồng cũng tạo được hiệu ứng tốt.
Kịch chết và phim ngủ đông
Lý giải sự thành công của hai bộ phim truyền hình Sống chung cùng mẹ chồng và Người phán xử, đạo diễn Nam Phương đánh giá: “Ngoài khâu kịch bản tốt, sản xuất đầu tư, có thể nhận thấy rõ sự tập trung cao độ của diễn viên. Không chỉ diễn viên chính, diễn viên phụ diễn cũng rất tốt”.
“Ví dụ, cô em chồng dù xuất hiện không nhiều vẫn tạo ấn tượng với người xem vì có tính cách và tâm lý riêng biệt. Các nhân vật trong phim diễn thật, ra tâm lý nhân vật nên thuyết phục người xem”, anh phân tích. Theo anh nếu diễn viên chạy show thì không thể đóng ra như thế.
Nhìn lại thực tế phim ảnh miền Nam, diễn viên chạy show là chuyện cơm bữa. Thậm chí đây còn là một trong những tiêu chí đánh giá độ hot và nổi tiếng của họ. Không chỉ nhận nhiều phim, diễn viên miền Nam khá đa năng, họ có thể nhảy tốt, hát hay và làm MC giỏi.
Vì thế, khán giả vừa bắt gặp diễn viên A trong bộ phim truyền hình, chuyển kênh khác đã thấy họ tham gia trong game show hát và lúc khác họ lại đảm nhận vai trò MC ở một chương trình khác.
Vài năm qua, các ông bầu, bà bầu sân khấu miền Nam luôn than thở về việc thiếu diễn viên. Nhưng trở thành kép chính của sân khấu đồng nghĩa với việc họ nổi tiếng nên được săn đón khắp “mặt trận” nghệ thuật.
Long “Đẹp trai” – Giám đốc sân khấu Nụ cười mới – từng chia sẻ: “Diễn viên nổi tiếng chỉ diễn khi họ sắp xếp được thời gian. Vì thế để chủ động, sân khấu buộc phải tìm và đào tạo các bạn trẻ để bổ sung nguồn lực cho sân khấu”.
Thân Thúy Hà trong phim Mật danh Rocker.
Đạo diễn Ngọc Hùng, giám đốc sân khấu Thế giới trẻ, cho hay diễn viên của mình dù ưu tiên cho sân khấu nhưng đôi lúc cũng rơi vào tình trạng thế vai vì diễn viên chính đắt show ngoài. Để tập được kịch Tết, ê-kip của anh thường làm việc khuya, vào lúc 2-3h khi diễn viên đã xong công việc của họ.
Nói về việc chạy show, diễn viên lại có lý lẽ của mình. Cát-xê và môi trường đào thải nhanh, tuổi thọ nghề không cao khiến họ không thể không nhanh tay nắm giữ các cơ hội đến với mình.
Một diễn viên đắt show của phim truyền hình miền Nam nhận định: “Có thực mới vực được đạo, trong khi cát-xê trả không cao, chưa đủ để để đánh đổi mọi thứ để hết mình với vai diễn. Tuy nhiên, tâm tư của diễn viên đều muốn có cuộc sống ổn định rồi mới nghĩ tới lựa chọn, đóng những vai mình thích và hết mình với nó”.
Theo Zing