Phim tình cảm gia đình tiếp tục hút khách
Sau đại dịch Covid-19, có một điều đáng chú ý: đa số phim Việt ăn khách đều là phim lấy đề tài gia đình làm chủ đạo.
Cụ thể như Nhà bà Nữ (475 tỉ đồng), Lật mặt 7: Một điều ước (456 tỉ đồng), Bố già (426 tỉ đồng), Làm giàu với ma (119 tỉ đồng)…, thậm chí có những phim dù nói đến chuyện yêu đương nhưng vẫn lồng vào tình cảm gia đình như Mai (524 tỉ đồng) hay phim kinh dị nhưng đậm yếu tố về tình mẫu tử như Ma da (126,9 tỉ đồng).
Phim kinh dị mới nhất, ra rạp ngày 20.9 là Cám cũng đưa mối quan hệ gia đình kèm những bất ổn trong việc đối xử giữa cha mẹ với con cái, chị với em và ngược lại vào nội dung. Cô dâu hào môn do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn, khởi chiếu ngày 18.10 cũng mang đậm đề tài về gia đình, về môn đăng hộ đối của giới thượng lưu.
Lâm Thanh Mỹ vào vai Cám trong phim Cám. ẢNH: ĐPCC
Theo nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm, thì chủ đề tình thân gia đình lên ngôi trong thời gian qua vì gần gũi và truyền đi những giá trị mang tính nhân văn của người Việt, phù hợp với số đông. Khán giả Việt ưa thích những chủ đề gần gũi với nhân sinh quan của họ.
“Điểm chính của những bộ phim thuộc xu hướng này là khai thác tình phụ tử, mẫu tử nên dễ tạo được sự xúc động hay chiêm nghiệm cho khán giả vì đề cao các giá trị của tình thân. Về cách thể hiện, nhiều bộ phim có cùng công thức khai thác chất liệu bình dân, bắt đầu từ những mâu thuẫn, những chấn thương, những hiểu lầm giữa bố mẹ và con cái rồi tạo ra một cú bùng nổ cảm xúc để hòa giải và cuối cùng thấu hiểu nhau. Có lẽ những chất liệu và cách xử lý kiểu này dễ tạo được sự đồng cảm của số đông khán giả và được họ chấp nhận, cho dù hầu hết các phim thuộc thể loại này vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết về cách kể bằng ngôn ngữ điện ảnh”, ông Lâm nói.
Video đang HOT
Tuấn Trần (vai Lanh) và Hoài Linh (ông Đạo) trong phim Làm giàu với ma. ẢNH: ĐPCC
Đạo diễn kiêm nhà sản xuất Võ Thanh Hòa nhận định đề tài gia đình rất thân thuộc với người Đông Á. Hầu như yếu tố gia đình đã xuất hiện ở các tác phẩm ăn khách từ trước đến nay rồi. Cuộc sống người Việt xoay quanh gia đình nên đề tài này luôn gần gũi, quan trọng là làm có hay, có cảm xúc hay không thôi. Nhiều người có thể làm phim có yếu tố gia đình nhưng để trở nên tinh tế, tạo được cảm xúc thì không phải ai cũng làm được.
Cảnh trong phim Cô dâu hào môn. ẢNH: ĐPCC
Nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng thì cho rằng có vẻ sau một đại dịch khủng khiếp, trải qua những mất mát, khán giả có xu hướng quay về và đồng cảm với những câu chuyện tình cảm gia đình. “Hiện nay, cách thể hiện đề tài này ở các phim đạt doanh thu cao có nhiều điểm nhấn mới. Thứ nhất, phải độc/lạ để hút khán giả. Thứ hai, dù món chính là tình cảm gia đình nhưng chủ đề phim là sự giao thoa rất đại chúng của thế hệ trẻ (con cái) và thế hệ người lớn (bố mẹ), vì vậy phim phải tiếp cận được đa số khán giả trẻ. Thứ ba, thể loại tình cảm gia đình rất cũ nên cách kể phải mới, không bi lụy, không cố gắng lấy nước mắt khán giả, mà nhịp kể phải nhanh, hiện đại, sử dụng âm nhạc và các thủ pháp điện ảnh trẻ trung để khán giả tự đồng cảm”, anh nhận xét.
Sôi động mùa phim Việt cuối năm
Sau mùa lễ 2.9 với nhiều phim thắng lợi về doanh thu, các nhà sản xuất phim Việt tiếp tục tung ra một loạt phim mới, đa dạng hơn về thể loại, hứa hẹn chinh phục khán giả.
Một "mùa vàng" mới
Trước nay, phòng vé phim Việt thường chỉ nhộn nhịp và hốt bạc vào mùa tết, lễ 30.4; nhưng nay đã có thêm một mùa mới vào dịp 2.9 kéo dài đến cuối năm. Các phim vừa ra rạp như Ma da, Làm giàu với ma, Hai Muối gây bất ngờ khi đạt doanh thu khả quan, sau một mùa hè các phim Việt ra rạp đều thất thu. Trong đó, Ma da của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng hiện đang giữ kỷ lục phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất với 127 tỉ đồng và vẫn đang tiếp tục trình chiếu tại rạp. Làm giàu với ma của đạo diễn Nhật Trung chiếu từ 30.8 đến nay thu được 119 tỉ đồng, còn Hai Muối của đạo diễn Vũ Thành Vinh với doanh thu gần 40 tỉ đồng cũng đã đủ vốn và có lãi chút ít.
Phim Ngày xưa có một chuyện tình của Trịnh Đình Lê Minh. ảnh: ĐPCC
Khi thị trường sôi động hơn thì các nhà sản xuất phim Việt sẽ tăng tốc trong việc mạnh dạn đưa phim mới ra rạp. Càng nhiều phim ra mắt ở thị trường, tạo nên một mùa vụ mới như thời điểm này sẽ càng giúp điện ảnh Việt phát triển, kích thích sự hào hứng của khán giả đến rạp, nhất là khi có phim hay.
Theo đó, hàng loạt phim sắp ra rạp có thể kể như: Cám (đạo diễn Trần Hữu Tấn), Cô dâu hào môn (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), Domino - Lối thoát cuối cùng (đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương), Ngày xưa có một chuyện tình (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), Kính vạn hoa (đạo diễn Võ Thanh Hòa), Công tử Bạc Liêu (Lý Minh Thắng), Linh miêu - Quỷ nhập tràng (Lưu Thành Luân), Nhà gia tiên (Huỳnh Lập)...
Lâm Thanh Mỹ và Rima Thanh Vy trong phim Cám. ảnh: ĐPCC
Trong đó, phim Cám với câu chuyện dị bản của truyện cổ tích Tấm Cám do bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn thực hiện chính thức ra rạp vào 20.9 đang được xem là điểm sáng về thị trường khi đông đảo khán giả cho biết đang chờ đợi để xem câu chuyện Tấm Cám được dàn dựng dưới góc độ kinh dị sẽ như thế nào. Cám có sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên: Rima Thanh Vy, Lâm Thanh Mỹ, Thúy Diễm, Quốc Cường, Mai Thế Hiệp, NSƯT Ngọc Hiệp, Hải Nam, Doãn Hoàng, Phước Lộc, Thiên Tú... Đạo diễn Trần Hữu Tấn sau thành công của series Tết ở làng địa ngục và phim chiếu rạp Kẻ ăn hồn, cho biết: "Trong vài năm trở lại đây, phim kinh dị Việt được khán giả rất yêu thích, thể hiện qua doanh thu các phim này khá tốt, nhiều phim trên 100 tỉ đồng hoặc đa số 60 tỉ trở lên. Dù doanh thu không phải là quá cao như các phim thành công lớn khác, nhưng đủ đem lại lợi nhuận tốt và là ngách nhỏ thuận lợi để các nhà sản xuất, đạo diễn mới có thể chọn làm để có thành công trên thị trường. Lý do phim được công chúng đón nhận là nhờ nội dung phim có lồng ghép các yếu tố dân gian, bản địa của VN, giúp khán giả thấy được sự gần gũi nên thích thú hơn".
Kỳ vọng gì ở các phim Việt sắp tới?
Đạo diễn Nhật Trung chia sẻ: "Khi có nhiều phim cùng ra mắt ở rạp sẽ giúp thị trường sôi động hơn, và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các phim cũng rất cần thiết để nâng chất hơn cho phim Việt. Nếu trên một bàn tiệc có nhiều món ăn hấp dẫn sẽ giúp khán giả có nhiều cơ hội chọn lựa cũng như có thể thưởng thức hết". Khán giả Việt hiện cũng đang chứng minh vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho phim nội thông qua doanh thu các phim Việt như Ma da, Làm giàu với ma đã dẫn đầu phòng vé suốt 5 tuần qua, vượt qua nhiều phim ngoại khác đang chiếu rạp cùng thời điểm.
Phim Cô dâu hào môn của Vũ Ngọc Đãng. ảnh: ĐPCC
Ngoài phim kinh dị Cám hứa hẹn ăn khách, nhiều phim Việt khác cũng đang được kỳ vọng lập nên thành tích mới về doanh thu cho từng thể loại của điện ảnh Việt. Nối tiếp thành công của Quỷ cẩu chiếu rạp cuối năm 2023 đạt doanh thu 108 tỉ đồng, đạo diễn Lưu Thành Luân và nhà sản xuất Võ Thanh Hòa sẽ ra mắt Linh miêu - Quỷ nhập tràng - dự án điện ảnh thứ hai nằm trong 3 phim kinh dị lấy chất liệu dân gian VN vào 22.11 tới. Kịch bản phim lấy cảm hứng từ nhiều truyện kể dân gian về "quỷ nhập tràng" để xây dựng cốt truyện xoay quanh gia đình làm nghề khảm sành ở Huế, cài cắm thông điệp về bất bình đẳng giới, giá trị tình thân, mối quan hệ nhân quả. Phim quy tụ dàn diễn viên gồm nghệ sĩ Hồng Đào, Samuel An, Văn Anh, Thiên An và hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên.
Cùng thể loại kinh dị, phim Việt còn một dự án đáng chú ý ra mắt vào tháng 12 của biên kịch - đạo diễn Huỳnh Lập là Nhà gia tiên khai thác yếu tố tâm linh kết hợp câu chuyện gia đình, văn hóa Việt; với diễn xuất của Huỳnh Lập, Huỳnh Đông, ca sĩ Phương Mỹ Chi, NSƯT Hạnh Thúy, Trung Dân, Kiều Linh, Puka, Trác Thúy Miêu, nghệ sĩ Thanh Hiền của Lật mặt 7... Đây là bộ phim tâm huyết của Huỳnh Lập sau 5 năm ra mắt phim điện ảnh Pháp sư mù (đạt doanh thu hơn 60 tỉ đồng).
Một sự thú vị dành cho fan của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi trong những tháng tới có đến 2 phim dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn ăn khách này ra rạp. Ngày xưa có một chuyện tình - truyện từng bán hơn 100.000 bản, lọt vào top 10 tác phẩm best-seller của Nguyễn Nhật Ánh - do Trịnh Đình Lê Minh làm đạo diễn, Phan Gia Nhật Linh làm nhà sản xuất sẽ công chiếu vào 1.11, lấy bối cảnh Phú Yên thập niên 1990. Phim xoay quanh 3 nhân vật chính: Vinh (Avin Lu đóng), Miền (Ngọc Xuân), Phúc (Đỗ Nhật Hoàng) - nhóm bạn thân gắn bó suốt thời niên thiếu và mối tình tay ba là mấu chốt dẫn đến biến cố cuộc đời các nhân vật. Kính vạn hoa - bộ truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh từng được chuyển thể lên phim truyền hình cách đây 20 năm, nay có phiên bản điện ảnh do đạo diễn Võ Thanh Hòa dàn dựng, sẽ ra rạp ngày 27.12.
Sau 2 năm thực hiện, bộ phim Công tử Bạc Liêu của đạo diễn Lý Minh Thắng cũng đã tung trailer, poster ấn định lịch khởi chiếu vào tháng 12. Tác phẩm lấy bối cảnh cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, xoay quanh cậu Ba Hơn (Trần Trinh Huy) - thiếu gia nổi tiếng miền Nam - cùng các mỹ nhân đương thời. Nam chính của phim do Song Luân đảm nhận (từng thành công với vai John trong phim Nhà bà Nữ của Trấn Thành). Phim được UBND tỉnh Bạc Liêu cấp phép quay hình nhằm góp phần quảng bá văn hóa địa phương và được quay tại một số di tích nổi tiếng như nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu, cánh đồng muối H.Đông Hải... Nhà sản xuất cho biết bối cảnh và trang phục của bộ phim được đầu tư hoành tráng nhằm khắc họa mức độ xa hoa của cậu Ba Hơn. Cùng khai thác thế giới xa hoa giàu sang, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng sẽ trở lại với phim Cô dâu hào môn chiếu rạp vào 18.10 với các diễn viên được khán giả yêu thích như Thu Trang, Uyển Ân, Kiều Minh Tuấn, Lê Giang, NSND Hồng Vân, Samuel An...
Phim kinh dị 18+ 'Cám' vừa ra rạp đã 'thổi bay' phim của Hoài Linh Phim kinh dị "Cám" vừa ra rạp hôm 20/9 đã thu về 50 tỷ đồng, đánh bật phim "Làm giàu với ma" của Hoài Linh xuống vị trí thứ 3 sau 3 tuần xưng vương. Cám là phim mới nhất của ê-kíp sản xuất loạt phim kinh dị Kẻ ăn hồn và Tết ở làng địa ngục từng làm khuynh đảo phòng vé...