Phim Tết Việt đã thực sự “mất thiêng”?
Những bộ phim hài chiếu Tết giờ đây không còn là món ăn tinh thần duy nhất đáng chờ đón trong năm nữa, thay vào đó là một thời kỳ đột phá mới của điện ảnh Việt Nam sắp bắt đầu.
Đầu tuần này, 3 phim Tết 2011 đã hoàn toàn lộ diện, nhìn ở bất kỳ góc độ nào thì Cô dâu đại chiến (ĐD: Victor Vũ) cũng vượt trội hơn 2 phim còn lại là Thiên sứ 99 (ĐD: Nguyễn Minh Cao) và Bóng ma học đường (ĐD: Lê Bảo Trung).
Nếu trong văn học từ lâu đã dùng khái niệm paraliterature để chỉ những tác phẩm “cận văn học” như khoa học viễn tưởng, kinh dị, bí ẩn, tiểu thuyết ba xu, truyện tranh…, thì gần đây ngành điện ảnh cũng dùng phổ biến khái niệm paracinema để chỉ những bộ phim “cận điện ảnh”. Khái niệm này không có ý nhận xét những tác phẩm thể loại “cận” là hay hoặc dở, mà đơn thuần để phân biệt các tác phẩm “cận” với dòng văn học, điện ảnh thuần túy.
“Cận” điện ảnh
Trong 3 phim vừa kể trên, chỉ có Cô dâu đại chiến là tương đối thuần điện ảnh, 2 phim còn lại chỉ “cận” điện ảnh, theo 2 nghĩa khác nhau.
Thiên sứ 99 chưa phải là điện ảnh, vì nó chỉ dùng chất liệu phim để kể lại một câu chuyện khá ngây ngô và thô thiển, thiếu vắng ngôn ngữ điện ảnh.
Bóng ma học đường thì “cận” theo nghĩa dùng một kỹ thuật có tính tiên phong (3D) để làm phim, nhưng vì mải chạy theo kỹ thuật nên ngôn ngữ điện ảnh cũng bị “bỏ qua”.
Nhìn chung, 3 phim này đều vì một mục đích tối thượng, với ý đồ khá rõ ràng: thu hút khán giả đến rạp để giải trí thuần túy. Dân gian hay nói “hai đánh một không chột cũng què”, trong trường hợp này thì ngược lại, “ma” và “thiên sứ” bị đánh bởi “cô dâu”. Bởi so về kịch bản, cả 3 đều không có gì mới, nhưng Cô dâu đại chiến xử lý thông minh, gần gũi và hài hước hơn. So về diễn xuất thì Cô dâu đại chiến quá ưu trội, cách diễn của Huy Khánh, Lê Khánh, Ngọc Diệp, Ngân Khánh… tạo bất ngờ và hứng thú cho người xem, trong khi phần lớn các vai của 2 phim còn lại hình như chẳng phân biệt được sân khấu, phim truyền hình và điện ảnh. Về thủ pháp điện ảnh thì Victor Vũ nhuần nhuyễn, nhiều sáng tạo hơn.
Video đang HOT
Cảnh trong phim Cô dâu đại chiến. Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Thô như phim “luận đề”
Giống như tinh thần của tiểu thuyết luận đề hồi thập niên 1930-1940 tại Việt Nam, điểm yếu kém nhất của 3 bộ phim này vẫn là tính chất luận đề, khi đổ toàn bộ công sức ra xây dựng câu chuyện, để cuối cùng nói chuyện đạo lý một cách giản đơn. Đành rằng đạo lý là giềng mối của xã hội, nhưng nghệ thuật không thể làm thay chức năng của đạo đức học, nên đạo lý phải để người xem tự hiểu qua hình tượng nhân vật, chứ không phải nghe nhân vật “rao giảng”.
Thiên sứ 99 kể chuyện một thiên tử bị đày từ trên trời xuống trần gian vì tội làm đánh mất mũi tên tình yêu. Thách thức với chàng trai này là phải tìm được 99 lời tỏ tình thì mới được trở về trời. Đáng lý đây là một câu chuyện khá lãng mạn, nhưng rồi tất cả các nhân vật không làm nghĩa vụ xây dựng hình tượng cho mình, mà chỉ mở miệng nói những câu đạo lý sáo rỗng. Kết thúc phim, người xem thấy chẳng có gì là thách thức với vai chính này cả, khi cái tội “động trời” ấy dễ dàng được tha thứ, vì các nhân vật công nhận với nhau bằng lời nói là Thiên Minh đã ăn năn, đã thay đổi.
Hình trong phim Thiên Sứ 99
Kín đáo hơn một chút là Bóng ma học đường, khi cấu trúc của kịch bản có nhiều đất để diễn xuất, thế nhưng khi cần làm rõ một vấn đề, các nhân vật đã chọn cách nói chuyện đạo lý, chứ không phải thể hiện bằng tình huống hay hình tượng. Cái ác dễ dàng thay đổi thành cái tốt hoặc dễ dàng bị trừng trị bởi lời thoại, chứ không phải bằng sự biến chuyển hợp lý về hình tượng nhân vật.
Cô dâu đại chiến đáng lẽ thoát được cái kết luận đề khi gần 90 phút phim, đạo diễn đã dẫn dắt người xem theo tình huống của câu chuyện và từng nhân vật. Thế nhưng khi mọi chuyện vỡ lẽ và cho thấy Thái (do Huy Khánh thủ vai) là một chàng lăng nhăng, đa tình thì ở phút thứ 89, Linh (Ngọc Diệp) lại phán một câu kết phim khá luận đề, phải nói là “gây sốc” cho người xem. Bởi với phim này, không có câu luận đề này thì càng hoàn chỉnh, vì người xem đã nắm trọn vẹn ý đồ kịch bản qua các tình huống tương đối chặt chẽ, logic.
Phim Tết, chào mi!
Với thực tế là năm 2010 đã có vài phim thành công về doanh thu như Bẫy rồng, Để Mai tính, Giao lộ định mệnh, Cánh đồng bất tận… và cả vài chục dự án điện ảnh đang rục rịch cho những năm tới, nên phim Tết bây giờ đã gần như… mất thiêng. Vì với đà sản xuất như thế này, thì khoảng 2015, mỗi năm Việt Nam phải có đến 20 phim, 5 cái Tết chiếu cũng không hết, chứ đừng nói 1 cái. Câu ca “có đói cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa” không còn phù hợp với điện ảnh nữa rồi.
Có ý kiến cho rằng nên dần dần dẹp bỏ tư duy làm phim để chiếu Tết, vì cách làm có thiên hướng dễ dãi này (chủ yếu hài hước, giải trí nhẹ nhàng) sẽ kéo thụt lùi tay nghề của vài đạo diễn và ê-kíp, dẫn đến làm thụt lùi “gu” thẩm mỹ nơi người xem. Nên bắt đầu nói câu tạm biệt: Phim Tết, chào mi!
Theo TTVH
Phim Việt nào "náo loạn" màn ảnh rộng Tết năm nay?
Thiên sứ 99 và Bóng ma học đường quy tụ một dàn hot boy, hot girl, những cây hài nổi tiếng. Bộ phim thứ 2 còn được làm bằng công nghệ 3D tối tân. Cô dâu đại chiến cũng không kém "hot" với những diễn viên đẹp, diễn xuất khá tốt.
Theo thông lệ, mỗi dịp Tết đến cũng là lúc các nhà đầu tư, các hãng phim Việt Nam công chiếu những tác phẩm điện ảnh "hốt bạc" của mình. Phim Việt chỉ dám chiếm lĩnh thị trường vào mùa này, còn những thời điểm khác trong năm thì không thể nào cạnh tranh lại phim ngoại. Vui cùng không khí tết đến, người dân cũng không ngần ngại bỏ tiền mua vé vào rạp xem phim để... cười cho đã đời (đa số phim Tết năm nào cũng toàn là phim hài).
Mùa phim Tết năm nay có 3 bộ phim là: Thiên sứ 99 (hãng Phước Sang - khởi chiếu 21/1), Bóng ma học đường (Galaxy - 26/1) và Cô dâu đại chiến (BHD - 28/1). Cả 3 tác phẩm đều được hứa hẹn là mang nhiều yếu tố hài hước, những tình huống vui nhộn nhằm mang lại cho khán giả nhiều tiếng cười trong những ngày đầu năm.
Thiên sứ 99 quy tụ một dàn hot boy, hot girl.
Thiên sứ 99 (đạo diễn Nguyễn Minh Cao) có cốt truyện khá quen thuộc, một chàng trai sống ở thiên đình vì phạm tội nên bị đày xuống trần gian. Qua những cuộc phiêu lưu hài hước ở chốn hồng trần, chàng trai nhận ra tình yêu đích thực của mình và không muốn quay về nữa. Bộ phim tập trung một dàn diễn viên hài thượng thặng như Mai Thanh Dung, Chí Tài, Mạnh Tràng... bên cạnh những hot boy, hot girl nổi tiếng như: Huỳnh Anh, Ngô Kiến Huy, Diễm My 9X, Khổng Tú Quỳnh, Ánh Nhật, Cao Mỹ Kim... Nội dung phim nhàn nhạt, hài hước kiểu "thọt lét", chọc cười khán giả, cách dựng phim cũng khá cẩu thả, dàn diễn viên diễn đều đều, non tay nghề nhưng biết đâu Thiên sứ 99 lại bất ngờ làm một cuộc thắng lớn bất ngờ như Công chúa teen và ngũ hổ tướng năm vừa rồi (cũng do hãng Phước Sang sản xuất).
Hoài Linh là một tên tuổi bảo chứng cho doanh thu của Bóng ma học đường
Cùng sử dụng chiêu bài hot girl, hot boy để câu khách nhưng Bóng ma học đường (đạo diễn Lê Bảo Trung) lại có thêm một yếu tố hút khán giả trong mùa Tết đó là lần đầu tiên phim Việt Nam được quay bằng công nghệ 3-D. Tuy nhiên các hiệu ứng ánh sáng, phép thuật, khinh công... trong phim dường như bị coi nhẹ nên còn giống với cải lương thập niên 90. Đó là điều đáng tiếc nhất về mặt kỹ thuật của bộ phim. Bàn về nội dung thì Bóng ma học đường khai thác tốt đề tài bạo lực học đường nóng hổi trên các diễn đàn, trang báo giáo dục suốt một năm qua. Những hình ảnh nam sinh đánh nhau, nữ sinh xé áo, quay clip lại, phụ huynh không quan tâm đến con cái... được đạo diễn Lê Bảo Trung tập trung thể hiện. Tuy nhiên bên cạnh đó thì các tình tiết khác của bộ phim lại hơi dông dài, mang nhiều tính kể lể làm khán giả càng xem càng thấy chán. Các diễn viên trẻ Trương Quỳnh Anh, Wanbi Tuấn Anh, Elly Trần, Thiên Minh... giống như những con búp bê minh họa hơn là thực sự nhập vai.
Lê Khánh (phải) với diễn xuất khá tốt trong Cô dâu đại chiến.
Được đánh giá tốt về chất lượng nhưng cũng không tránh khỏi những nghi ngờ dò xét từ phía giới chuyên môn, truyền thông cũng như khán giả là đạo diễn Victor Vũ với Cô dâu đại chiến. Vết xe đổ từ Giao lộ định mệnh (nhận giải Trái cóc xanh 2010 của báo Tuổi Trẻ Cười) làm cho người ta không thể không dè chừng với vị đạo diễn Việt kiều này. Ngay từ khi trailer được tung lên internet, đa phần ý kiến của độc giả trên các diễn đàn đều cho rằng giống với Chasing Papi và John Tucker must die của điện ảnh quốc tế. Tuy nhiên như đạo diễn Victor Vũ thổ lộ trước buổi công chiếu ra mắt báo chí của phim thì: "Với một cốt truyện quen thuộc như Cô dâu đại chiến thì người xem có quyền nói phim của tôi giông giống với rất nhiều bộ phim khác".
Chuyện phim kể về một anh chàng đẹp trai, hào hoa lăng nhăng với rất nhiều cô gái trẻ đẹp và lừa dối họ. Cho đến một ngày anh bị 5 cô gái xinh đẹp từng là tình nhân lột mặt nạ ngay tại đám cưới của mình. Xem xong Cô dâu đại chiến của Victor Vũ, người ta không chỉ thấy tình tiết phim của anh man mác giống với bộ phim nổi tiếng của Hollywood - Alfie (có 2 phiên bản: 1966 do diễn viên Michael Caine thủ vai và 2005 do Jude Law đóng, được trình chiếu khá nhiều lần trên kênh truyền hình cáp HBO với tựa tiếng Việt - Tay chơi hết thời) mà tương tự cả cái cách nhân vật chính (Thái - Huy Khánh) vừa diễn vừa đối thoại với khán giả hay cái kết khi Thái bị những người thân của mình bỏ mặc anh ta trong nỗi cô đơn ân hận cũng... khá giống với Alfie.
Nếu nhưng trong các kỳ phim Tết trước, các tác phẩm được đầu tư khá mạnh về phần âm nhạc như Lọ lem hè phố, Nữ tướng cướp, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Những nụ hôn rực rỡ... thì năm nay nhạc phim được làm khá cũ kỹ và cẩu thả. Một Thiên sứ 99 với phần âm nhạc khá lỗi thời, lạc hậu. Bóng ma học đường nhàn nhạt không để lại nhiều ấn tượng, ca khúc chủ đề Bốn mùa trong anh được biết đến qua giọng hát Anh Tú - thành viên Quả dưa hấu (2003) và được trình diễn khá nhiều lần trên sân khấu hải ngoại qua cặp song ca Bằng Kiều và Nguyễn Hồng Nhung. Nay nó được xào lại theo kiểu bình mới rượu cũ bằng cặp song ca Idol Mai Hương và Lân Nhã.
Còn Cô dâu đại chiến có lẽ do "chạy nước rút" trong vòng vài tháng cận tết không kịp đặt hàng bài hát nên nhạc phim là một collection những ca khúc quen thuộc của các ca sĩ Lưu Hương Giang, Vy Oanh, Thụy Anh... Cá biệt, bộ phim còn sử dụng lại bài hát Cô nàng tự tin của Tăng Nhật Tuệ đình đám một thời trong sê-ri phim truyền hình Những cô nàng 8X để làm bài hát chính.
Tuy nhiên nếu bỏ qua hết những cái "giông giống" đó thì có thể nói rằng Cô dâu đại chiến là bộ phim đáng xem nhất trong chùm phim Tết năm nay. Ngoài một Lê Khánh xuất sắc trong vai cô đầu bếp "tưng tửng" nhiều nam tính Quyên thì cái tên còn lại Huy Khánh cũng khá lém lỉnh, đáng yêu với vai anh chàng hào hoa chuyên đi lừa tình các cô gái nhẹ dạ. Lại thêm một Ngân Khánh có nhiều tiến bộ với vai diễn cô tiếp viên hàng không tên Trang có tiền sử 13 lần bị bỏ rơi...
Cái được nhất của 3 bộ phim tết năm nay là bên cạnh những tình huống gây cười, các nhà làm phim còn cố gắng lồng vào những câu chuyện nhân văn như: Tình yêu đích thực luôn đến từ sự chân thật (Thiên sứ 99); câu chuyện về tình cha con và những bạo lực học đường, trang web đen... (Bóng ma học đường); tình yêu không dành cho những ai đùa giỡn với nó (Cô dâu đại chiến).
Mùa phim tết 2011 mới chỉ khởi động, kết quả doanh thu thì còn phải chờ vài tuần nữa nhưng chắc chắn sẽ không một phim nào trong số bộ ba này lỗ về mặt tài chính cả. Kinh nghiệm cho thấy những bộ phim hài hước, vui nhộn, mang tính giải trí cao luôn luôn thắng lớn trong dịp này. Bàn về chất lượng thì có thể Cô dâu đại chiến sẽ thắng, còn nếu về yếu tố lạ (công nghệ 3D) cộng với cái tên Hoài Linh thì Bóng ma học đường cũng có thể sẽ thắng lớn trong mùa Tết này.
Theo PLTP
Những gương mặt nổi bật mùa phim Tết 2011 Nếu như năm 2010, một loạt cái tên đình đám xuất hiện trong phim mùa Tết như Thanh Hằng, Minh Hằng, Trúc Diễm, Thanh Thức, Bảo Thy... thì năm nay cuộc đổ bộ của những sao teen đã làm cho diện mạo của sân chơi này mới mẻ hơn. Bóng ma học đường và Thiên sứ 99 là hai trong số ba bộ...