Phim ‘Ròm’ đón nhận nhiều luồng khen chê từ khán giả
“Ròm” được khen về dụng ý nghệ thuật, cảnh phim chân thực, diễn xuất tốt của diễn viên chính. Tuy nhiên, một số chi tiết và kết phim khiến người xem cảm thấy hụt hẫng.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung bộ phim Ròm
Ròm, tác phẩm của đạo diễn Trần Thanh Huy, khởi chiếu từ 25/9. Sau ngày đầu tiên ra rạp, phim bán được hơn 120.000 vé và cán mốc doanh thu 10 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, doanh thu vượt trội không có nghĩa Ròm nhận được “cơn mưa” lời khen từ khán giả. Trên mạng xã hội và nhiều fanpage phim, xuất hiện ý kiến trái chiều xung quanh tác phẩm điện ảnh từng đoạt giải ở Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) năm 2019.
Ròm đạt doanh thu cao trong ngày khởi chiếu.
Ròm được đánh giá cao về dụng ý nghệ thuật, hình ảnh phim đẹp, chân thực. Hai diễn viên chính, Trần Anh Khoa (Ròm) và Anh Tú Wilson (Phúc) hợp vai và diễn tốt. Không phải phim hành động, nhưng Ròm có những cảnh rượt đuổi hấp dẫn, giao đấu đẫm máu. Chính sự lăn xả của diễn viên góp phần làm nên thành công cho tác phẩm.
Từ câu chuyện về một khu chung cư cũ sắp bị giải tỏa tại TP.HCM với người dân tìm đến lô đề với khát khao đổi đời, Ròm lột tả cuộc sống của một tầng lớp trong xã hội. Không ai tốt hoàn toàn, không ai xấu hoàn toàn. Nhưng khi rơi vào đường cùng, họ sẵn sàng “đạp” lên nhau để sinh tồn.
Hình ảnh ấn tượng, thông điệp chân thực về cuộc sống
Khán giả Nguyen Tuan nêu cảm nghĩ: “Cậu bé Khoa trong vai Ròm, trưởng thành cùng nhân vật, để rồi ta chợt nhận ra, cái số phận của Ròm trong phim gần như gắn chặt với một phần đời của Khoa. Nó giúp nhân vật có chiều sâu và gây mối thiện cảm rất lớn cho khán giả”.
Thành viên mạng Tùng Hoàng cũng dành lời khen cho tác phẩm của Trần Thanh Huy: “Mình thấy chuẩn từ kịch bản đến diễn viên. Phim xoáy sâu vào cuộc sống của những con người được gọi là ‘tầng lớp thấp trong xã hội’, vòng tuần hoàn ấy sẽ luôn lặp lại như thế ngày này qua ngày khác”.
Nói thêm về kết phim, khán giả này nhận định: “Bạn sinh ra ở vạch xuất phát của cuộc sống, đồng cảnh ngộ với nhân vật chính, thì bạn sẽ hiểu rằng tim của Ròm sẽ không thể nào thoát ra được cái vòng xoáy của cuộc sống ấy. Chẳng thể có cái kết gọi là happy ending (kết thúc có hậu) cho Ròm đâu. Cuộc sống là thế”.
Phim có nhiều hình ảnh ấn tượng, thông điệp đáng suy ngẫm.
Khán giả Hải Nguyễn ấn tượng với những cảnh chạy xuyên suốt phim. Người này đưa ra nhận xét: “Phim sẽ không hợp với các bạn thiên về cốt truyện, hành động hay tìm kiếm cú lật kèo ở phút cuối. Nó là một cuộc chạy đua, mãi luẩn quẩn trong con số lô đề của những người dưới đáy xã hội. Ròm và Phúc đánh nhau trước mũi tàu chạy đến để giành giật số ghi đề. Không ai buông ra, cũng chỉ vì vòng luẩn quẩn muốn đổi đời, muốn nuôi hy vọng.
Ở đoạn cuối, Ròm lên xe khách để đi tìm mẹ và hết phim. Vậy các bạn có tự hỏi Ròm sẽ đi đâu tìm mẹ. Mẹ Ròm có thật hay không? Đạo diễn không hề hé lộ rằng bà mẹ còn sống, chỉ là Ròm hy vọng như thế. Mình cảm thấy phim không có kịch bản, mà như câu chuyện cuộc sống”.
Có lẽ những ai không kỳ vọng quá nhiều vào đường dây kịch bản, sự rõ ràng, mạch lạc trong từng tình tiết, họ sẽ cảm thấy thú vị trước cách kể chuyện của Trần Thanh Huy và thông điệp mà đạo diễn muốn gửi gắm. Như khán giả Nguyễn Trí Hùng bày tỏ: “Cả cuộc đời con người sẽ chạy theo đồng tiền. Việc Ròm và Phúc đuổi nhau qua mọi ngóc ngách vì một túi tiền y như cuộc đời của con người ở khu ổ chuột vậy. Họ cứ u mê chạy mà không tìm ra lối thoát”.
Nhiều tình tiết và cái kết gây hụt hẫng?
Có một thực tế rằng sau khi thưởng thức Ròm, không ít khán giả ở trong trạng thái ngẩn ngơ, hụt hẫng. Có lẽ họ cần thời gian để ngẫm nghĩ, kết nối lại mạch phim từ đầu đến cuối. Nhiều tình tiết gây khó hiểu, không có lời giải đáp rõ ràng.
Chẳng hạn như sự xuất hiện chớp nhoáng của nhân vật do Hải Triều đóng mang ý nghĩa gì? Vì sao đại ca giang hồ (Wowy) bảo Ròm đốt khu chưng cư? Ai là người đã quay lại cảnh Ròm đổ xăng dẫn đến cháy nhà?
Ngay từ đầu phim, Ròm tâm sự muốn đi tìm cha mẹ. Bà Ghi hứa giúp cậu. Ở gần cuối phim, Ròm gọi điện cho một ai đó, hứa hẹn mang tiền cho người này để được gặp gia đình. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Không rõ Ròm đã gọi cho ai, người đó có ở cùng “đường dây” của bà Ghi hay không.
Bạn Đỗ Quyên chia sẻ: “Nhiều người trong phòng ngẩn ngơ hỏi Ròm hết hay chưa vì còn nhiều tình tiết bị bỏ ngỏ quá. Họ mong muốn phim đưa ra những lời giải thích thuyết phục hơn”.
Độc giả Nguyễn Ngọc Tâm bình luận: “Xem phim chưa đạt đến cảm xúc tột cùng, cứ thấy còn gì thiếu thiếu”. Tương tự, thành viên mạng Lan Anh bày tỏ: “Khá thất vọng so với những gì mong chờ. Phần đầu phim diễn biến quá nhanh, thoại thì khó nghe. Đến phần hai đứa trẻ giành nhau bọc tiền, rồi chạy thục mạng thì hết phim. Mình không hiểu cuối cùng Ròm có tìm được cha mẹ hay không”.
Tác phẩm vẫn khiến không ít khán giả cảm thấy tiếc nuối.
Theo đánh giá của khán giả Nguyễn Hoàng Đặng, phần mở đầu của Ròm theo kiểu kể chuyện an toàn, phần giữa có cao trào. Còn đoạn kết để lại cảm giác tiếc nuối.
“Biết là kết mở và cuộc sống thì vẫn tiếp tục như vậy, nhưng mà sao thấy nhạt, không một tia hy vọng, vẫn tiếp tục chông chênh… Mình không thích cái kết này”, người này viết.
Có một bộ phận khán giả tỏ ra gay gắt với nội dung Ròm. Như độc giả Thành Chung viết: “So với nhiều bộ phim Việt, chất lượng kỹ thuật của Ròm thuộc hàng tốt. Nhưng riêng nội dung phim tôi chỉ cho 2/10. Tôi chấp nhận sự hư cấu trong nội dung, nhưng nó cần phải thuyết phục được người xem. Có những chi tiết được bày biện, để rồi bị bỏ quên, lãng phí. Tôi từng nghĩ nội dung bộ phim phải hay hơn thế”.
Ẩn chứa thông điệp hay, nhưng có lẽ Ròm chưa truyền tải được trọn vẹn điều đó đến người xem, do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Mạch phim có lúc bị rời rạc, nhiều tình huống khó hiểu. Số phận của nhân vật chính Ròm dường như chưa được khắc họa một cách rõ nét.
Có lẽ một bộ phận khán giả mong chờ một sự thay đổi nào đó ở Ròm sau hàng loạt biến cố, xung đột, đổ máu. Cho đến sau cùng, cậu bé vẫn bị lừa, vẫn phải cắm đầu chạy để mưu sinh.
Phim Ròm: 8 năm thực hiện, 27 bản dựng, 89 ngày quay, tổng dữ liệu có thể dựng tới tận 3 phim điện ảnh!
Đạo diễn Trần Thanh Huy đã chia sẻ những thông tin thú vị về phim Ròm trong chương trình Khoảnh Khắc Cuộc Đời.
Ròm - bộ phim điện ảnh Việt đặc biệt nhất năm vừa chính thức ra rạp. Sự kiện nhanh chóng nhận được sự chú ý lớn của giới chuyên môn cũng như khán giả. Trong tập 118 của Khoảnh Khắc Cuộc Đời vừa được lên sóng tối ngày 25/9 trên HTV9, đạo diễn của bộ phim Trần Thanh Huy đã có những chia sẻ đầy thú vị xoay quanh quá trình thực hiện bộ phim. Bên cạnh đó còn có những khoảnh khắc xúc động khi chia sẻ về xuất thân của mình.
Đạo diễn Trần Thanh Huy nói suốt 8 năm thực hiện Ròm chưa từng khóc mặc dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng khi nhắc về hình ảnh của bản thân trong phim, nam đạo diễn đã rơi nước mắt.
8 năm thực hiện, 27 bản dựng, 89 ngày quay là những con số ấn tượng mà khán giả đã được biết về bộ phim đang gây sốt Ròm. Tuy nhiên, đến với chương trình, nam đạo diễn sinh năm 1990 chia sẻ những thông tin hậu trường thú vị cùng những con số lần đầu được tiết lộ.
Là phim Việt đầu tiên đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan, một trong những liên hoan phim lớn nhất châu Á, Ròm khai thác chủ đề người lao động nghèo, đặc biệt các thiếu niên đường phố. Trần Thanh Huy tiết lộ một shot hình quay ít nhất 8 lần, dữ liệu của bộ phim lên đến 36TB (1TB tương đương khoảng 200.000 bài hát 5 phút, 310.000 hình ảnh hoặc 500 giờ phim, 24TB = số lượng dữ liệu video được tải lên YouTube mỗi ngày hồi năm 2016). Ngoài ra, với dữ liệu hiện có, anh có thể dựng thành 3 bộ phim điện ảnh khác nhau.
Trong suốt quá trình thực hiện Ròm, Trần Thanh Huy đã trải qua nhiều khoảnh khắc vui buồn lẫn lộn. Nam đạo diễn tiết lộ ngày đầu đi thuyết trình phim Ròm, anh gặp thất bại. Từ đó anh rút ra được bài học cho bản thân.
Như đã chia sẻ, một shot hình quay của phim ít nhất được quay 8 lần. Tuy vậy, nam đạo diễn không nghĩ dừng lại ở lần quay thứ 8 mà có thể là 10, 15 lần nếu cảnh quay chưa đạt được ý đồ như anh mong muốn: "Bao nhiêu bản dựng không quan trọng, quan trọng bộ phim được dựng một cách tốt nhất, chỉn chu nhất".
Để đạt được hiệu quả hình ảnh cao nhất, ê-kíp thực hiện đã quay ròng rã trong nhiều năm. Có những cảnh Trần Thanh Huy và ê-kíp phải chờ đến 2 tháng rưỡi cho nước ngập đầy thành phố để cảnh quay được thực hiện đẹp nhất. Vậy mới thấy công sức và tâm huyết của Trần Thanh Huy và ê-kíp bỏ ra cho bộ phim Ròm nhiều như thế nào. Về mặt âm thanh, nam đạo diễn quyết định mang qua Pháp xử lý để mỗi khán giả bước vào rạp xem phim sẽ cảm nhận bộ phim một cách trọn vẹn nhất.
Nói về những lời dị nghị khi em trai làm diễn viên chính bộ phim Ròm, Trần Thanh Huy chia sẻ đã cân nhắc rất kỹ việc lựa chọn diễn viên. Nhiều người cũng từng nói không nên để người nhà đóng vì dễ bị tình cảm chi phối, chính vì thế nam đạo diễn cũng tổ chức casting nhưng chưa thấy ai thật sự phù hợp. Mỗi lần đi quay dựng thử trước khi bấm máy, anh đều dắt Khoa đi theo và nhờ em trai diễn thử. Sau đó, đạo diễn hình ảnh và ê-kíp gợi ý mời Khoa vì hợp vai hơn những diễn viên khác. Từ đó, anh quyết định để em trai đóng phim của mình.
Hiện tại, sau khi hoàn tất bộ phim, Trần Anh Khoa đang du học tại Canada về làm phim. Mặc dù em trai rất muốn về nước để tham gia sự kiện quảng bá của bộ phim thế nhưng anh ngăn cản với lý do: "Hiện tại chính là quá khứ, tương lai mới là quan trọng. Nếu về mà ảnh hưởng tương lai thì không cần phải về. Hơn là việc em về dự sự kiện, em lên báo, em được mọi người chúc tụng, mọi người vui vẻ, ăn mừng. Tất cả những thứ đó chỉ là quá khứ".
Sau cùng, nam đạo diễn của Ròm gửi lời cảm ơn ê-kíp làm phim, đội ngũ diễn viên và cảm ơn em trai vì dành tuổi thiếu niên đồng hành cùng anh làm phim.
Đạo diễn, diễn viên phim "Ròm" livestream chia sẻ hậu trường phim trên TikTok Đạo diễn và diễn viên chính phim "Ròm" sẽ có buổi livestream trực tiếp trên nền tảng TikTok trong chương trình "TikTok Cine" diễn ra từ 18g tối ngày 25/9 để chia sẻ những câu chuyện hậu trường thú vị xoay quanh bộ phim này. TikTok Việt Nam lần đầu tiên ra mắt nội dung mới là "TikTok Cine". Số phát sóng đầu...