Phim nạn nhân chất độc da cam VN lọt vòng tiền đề cử Oscar
Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ chọn “Chau, beyond the Lines” vào top 10 hạng mục Phim tài liệu ngắn xuất sắc của giải thưởng Oscar 2016.
Chau, beyond the Lines là tác phẩm tài liệu ngắn xoay quanh Lê Minh Châu, chàng trai trẻ là nạn nhân của chất độc da cam. 40 năm sau cuộc chiến tranh Việt Nam, cậu là người duy nhất trong gia đình bị dị tật do hậu quả của thứ vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ đã rải xuống.
Lê Minh Châu, nhân vật trong bộ phim tài liệu ngắn dài 34 phút Chau, beyond the Lines.
Ngay từ nhỏ, Châu được đưa tới Làng trẻ em Hòa Bình, bệnh viện Từ Dũ, TP HCM để vừa học nghề, vừa học chữ. Dị tật ở tay và chân khiến Châu không thể có được cuộc sống như người bình thường. Song, cậu rất thích hội họa, luôn nuôi mơ ước được trở thành nhà thiết kế thời trang, có thể đem sản phẩm của bản thân ra với thế giới.
Những người xung quanh Châu bảo cậu rằng đó là giấc mơ không bao giờ có thể trở thành hiện thực. Trong suốt 7 năm, ngay cả khi cổ tay bị chấn thương và chỉ có thể dùng miệng với cây bút vẽ, Châu quyết tâm đi tìm đáp án cho câu hỏi: liệu đó thực sự là ước mơ xa vời, hay mình có thể làm điều không thể?
Trailer bộ phim tài liệu ‘Chau, beyond the Lines’
Bộ phim Chau, beyond the Lines có độ dài 34 phút, do nữ đạo diễn 29 tuổi Courtney Marsh người Los Angeles thực hiện. Nhà làm phim gặp gỡ Châu từ khi cô còn là sinh viên, cảm thấy thực sự xúc động về nhân vật và muốn kể lại câu chuyện về chàng trai không chịu đầu hàng số phận. Nhân vật trong phim cho biết Courtney Marsh đã bắt đầu ghi hình từ năm 2007. Quá trình bấm máy kéo dài đúng 7 năm và tác phẩm chỉ hoàn tất vào năm 2014.
Các thành viên thuộc nhánh phim tài liệu của Viện hàn lâm Khoa học Nghệ thuật và Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) đã chọn Chau, Beyond the Lines cùng 9 tác phẩm khác từ 74 bộ phim hợp lệ được gửi đến tranh giải năm nay cho hạng mục Phim tài liệu ngắn xuất sắc. Danh sách 5 tác phẩm nằm trong vòng đề cử cuối cùng sẽ được AMPAS công bố vào ngày 14/1.
Trước khi đến với Oscar 2016, Chau, beyond the Lines từng được ban giám khảo tại Liên hoan phim Austin 2015 và Liên hoan phim Mỹ 2015 vinh danh. Mới đây, kênh Netflix ra lời đề nghị được phát hành tác phẩm tại thị trường Bắc Mỹ trên sóng truyền hình.
Video đang HOT
Đạo diễn Courtney Marsh bên cạnh Lê Minh Châu (bìa phải) và một số nạn nhân của chất độc hóa học màu da cam.
Các nhà sản xuất hiện tổ chức nhiều buổi chiếu đặc biệt dành cho Chau, beyond the Lines tại nhiều nơi trên nước Mỹ, nhằm thu hút sự chú ý của giới truyền thông cho cuộc đua Oscar, đồng thời giúp công chúng xứ sở cờ hoa biết rõ hơn về nỗi đau da cam mà quân đội Mỹ đã để lại trên mảnh đất Việt Nam.
10 tác phẩm lọt vòng tiền đề cử hạng mục Phim tài liệu ngắn xuất sắc Oscar 2016
Body Team 12
Chau, beyond the Lines
Claude Lanzmann: Spectres of the Shoah
50 Feet from Syria
A Girl in the River: The Price of Forgiveness,
Last Day of Freedom
Minerita
My Enemy, My Brother
Starting Point
The Testimony
Theo Zing
Cô gái Việt có phim dự Oscar: 'Muốn làm phim về quê hương'
"My Home" là tác phẩm của cô gái 27 tuổi mang hai quốc tịch Việt - Pháp, Nguyễn Phương Mai. Bộ phim mới lọt vòng tiền đề cử hạng mục Phim hoạt hình ngắn xuất sắc của Oscar 2016.
"Ngạc nhiên và hạnh phúc", đó là cảm xúc của Nguyễn Phương Mai khi cô biết tin My Home đang đứng rất gần với vòng đề cử cuối cùng của Oscar 2016. "Đó là ước mơ của giới làm phim hoạt hình ngắn trên toàn thế giới, ngay cả những người mà tôi ngưỡng mộ", cô gái 27 tuổi mang hai quốc tịch Việt - Pháp trả lời Zing.vn.
Một hình ảnh trong bộ phim hoạt hình ngắn My Home (tựa gốc: Chez Moi).
My Home là câu chuyện về bé trai 6 tuổi, sống cùng với mẹ. Một ngày đẹp trời, mẹ đưa cha dượng về nhà. Tuy nhiên, điều đặc biệt là người đàn ông ấy mang hình dạng nửa người - nửa chim. Cảm hứng để Nguyễn Phương Mai thực hiện bộ phim đến từ chính trải nghiệm ngoài đời thực của cô.
"Tôi lớn lên trong một gia đình có con chung con riêng, nên luôn quan tâm đến mối quan hệ giữa người cha dượng với con cái. Bộ phim My Home bắt nguồn từ bức tranh minh họa một người cha dượng có đầu chim và cậu bé nhìn ông ấy theo cách tò mò, lạ lùng", nhà làm phim trẻ chia sẻ.
Nguyễn Phương Mai sinh năm 1988 tại TP HCM. Cô sống tại Việt Nam cho tới năm 15 tuổi rồi chuyển đến nước Pháp để theo đuổi giấc mơ làm phim hoạt hình. Sau rất nhiều dự án nhỏ chung tay sản xuất với bạn bè, My Home mới là tác phẩm chuyên nghiệp đầu tiên trong sự nghiệp của cô.
Đạo diễn Nguyễn Phương Mai năm nay 27 tuổi. Cô hiện mang hai quốc tịch Việt Nam và Pháp. Ảnh: ARTE.
Mai hồi tưởng: "Tôi mất tổng cộng hai năm để thực hiện My Home, bộ phim có thời lượng 12 phút. Năm đầu tiên, tôi vừa viết kịch bản, vừa đi xin tài trợ tại Pháp. Sau khi hoàn tất quá trình đó, tôi mất thêm một năm nữa để thực hiện tác phẩm. Phim lần đầu tiên được trình chiếu tại Forum des Images, một rạp chiếu phim ở trung tâm Paris".
Nguyễn Phương Mai tự nhận mình là một người rụt rè từ khi còn nhỏ, lúc nào cũng chỉ biết ngồi một mình cặm cụi vẽ tranh, đọc truyện hoặc xem phim hoạt hình. Khi ấy, được làm họa sĩ truyện tranh hoặc vẽ tranh minh họa là ước mơ của cô bé.
"Nhưng rồi tôi khám phá ra rằng mình hoàn toàn có thể giúp những bức tranh trở nên sống động hơn. Tôi may mắn được nhận vào ngôi trường dạy làm phim hoạt hình Gobelins L'École de L'Image và khám phá được nhiều điều phía sau niềm đam mê thời bé thơ". Một điều may mắn khác dành cho Nguyễn Phương Mai là gia đình cô không có ai làm việc trong ngành nghệ thuật, nhưng luôn luôn ủng hộ cô theo đuổi giấc mơ và niềm đam mê.
Trên thực tế, để thực hiện một bộ phim hoạt hình ngắn cần rất nhiều công đoạn. Với My Home, cô gái sinh năm 1988 trực tiếp tham gia xây dựng kịch bản, thiết lập kịch bản đồ họa (storyboard), thiết kế bối cảnh, nhân vật và hiệu ứng kỹ xảo... Cô chỉ trở nên bớt bận rộn khi phim bước vào giai đoạn hậu kỳ. "Xây dựng kịch bản và thiết lập kịch bản đồ họa luôn là khâu khó khăn nhất. Thú thực, giờ xem lại My Home, tôi cảm thấy hơi xấu hổ vì còn nhiều điều mình có thể làm tốt hơn thế", nữ đạo diễn bộc bạch.
Trailer bộ phim 'My Home'
Thời gian tới, My Home sẽ chu du tới nhiều liên hoan phim quốc tế. Nguyễn Phương Mai hy vọng có cơ hội đưa bộ phim trở về quê hương, đồng thời làm quen và học hỏi từ những đồng nghiệp tại Việt Nam. Sau My Home, nữ đạo diễn trẻ đang ấp ủ một kịch bản phim hoạt hình mới, mà theo như lời cô là nhiều khả năng sẽ "mang đề tài quê hương Việt Nam."
Bốn tác phẩm hoạt hình mà Nguyễn Phương Mai rất ngưỡng mộ là Hedgehog in the Fog (1975) của Yuri Norstein, Le Roi et l'oiseau (1980) của Paul Grimault, Au bout du monde (1999) của Konstantin Bronzit và Father and Daughter (2000) của Michal Dudok de Wit.
Trùng hợp thay, chính thần tượng Konstantin Bronzit của cô cũng có tên trong danh sách top 10 hạng mục Phim hoạt hình ngắn xuất sắc Oscar 2016 với tác phẩm mới mang tên We Can't Live without Cosmos.
Ngoài làm phim hoạt hình, Nguyễn Phương Mai còn sở hữu niềm đam mê chụp ảnh, trồng cây và đi bộ leo núi.
Theo Zing
Phim hoạt hình của cô gái Việt lọt top 10 Oscar 2016 Danh sách vòng tiền đề cử Oscar 2016 hạng mục "Phim hoạt hình ngắn xuất sắc" có tên "My Home", tác phẩm do cô gái 27 tuổi Nguyễn Phương Mai thực hiện. Ngày 20/11, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) công bố danh sách 10 tác phẩm lọt vòng tiền đề cử hạng mục Phim hoạt hình...