Phim một đằng, nhạc một nẻo
Mức chi phí hàng trăm triệu đồng riêng cho phần nhạc trong phim có thể gây sửng sốt, nhưng người trong nghề cho rằng, đó chỉ là số tiền tàm tạm đủ để làm nhạc cho một bộ phim.
Làm cho có
Theo nhạc sĩ Trọng Đài, mức cát-sê nhạc phim một triệu đến 1,5 triệu đồng một tập như hiện nay chỉ đủ để người làm nhạc “chế biến cho vừa miệng, không làm món ăn bị chán đi là may lắm rồi”. Vì lẽ này, chuyện “làm nhạc cho có nhạc” không lạ với phim Việt. Để giảm thiểu kinh phí, một đoạn nhạc hay thường được nhạc sĩ dùng cho nhiều bộ phim, bất kể nội dung có giống nhau hay không.
Video đang HOT
Ca khúc trong phim có thể sống độc lập hay “chết” sau khi phim công chiếu, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo giới làm nghề, lỗi lớn nhất mà nhạc phim Việt Nam thường mắc là “nhạc không ăn nhập với phim”.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Chung, người khá thành công khi làm nhạc cho nhiều bộ phim ăn khách như Giã từ dĩ vãng, Thiên đường mong manh… tỏ ra khó chịu khi phải nghe những đoạn nhạc xa lạ với hình ảnh, không phù hợp với tâm trạng, cảm xúc nhân vật. Thậm chí vì thiếu nhạc hay, có phim còn đưa cả nhạc dạo của chương trình dự báo thời tiết trên truyền hình vào để lấp chỗ trống. “Điều này chẳng những không nâng tác phẩm lên mà còn kéo tụt nó xuống một cách thê thảm”, ông nói.
Với cả những công trình nhạc được nhận giải Âm nhạc xuất sắc tại LHP Bông Sen Vàng lớn nhất Việt Nam, theo đạo diễn Đặng Hữu Phúc, cũng chưa hoàn hảo. Chẳng hạn, kỹ sư âm thanh Christopher Wong, mặc dù được trao giải Đạo diễn âm thanh xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 15 nhờ phần nhạc phim Dòng máu anh hùng liên tục khiến người xem thay đổi cảm xúc, nhưng là người Mỹ nên anh vô tình sử dụng chất liệu nhạc không thuần Việt, không phù hợp với bối cảnh bộ phim đậm chất Việt Nam.
Phim Chuyện của Pao với phần âm nhạc của Nguyễn Thiện Đạo ngay từ đoạn dạo đã khiến nhiều thành viên giám khảo phải gật gù. Nhưng vì mục đích tạo sự phong phú cho phim, ngoài phần nhạc chính, Chuyện của Pao thêm thắt một phần nhỏ âm nhạc Đường xa vạn dặm rất nổi tiếng của nhạc sĩ Quốc Trung. Chất liệu âm nhạc vùng đồng bằng Bắc bộ trong Đường xa vạn dặm đã “tố cáo” sự thiếu cẩn trọng của ê-kíp làm phim, bởi câu chuyện diễn ra ở Tây Bắc.
Là người làm nhạc phim chuyên nghiệp và có nhiều năm ngồi ở ghế Ban giám khảo LHP Việt Nam, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để làm nhạc phim hay là biết khai thác bản sắc vùng miền, nơi chuyện phim diễn ra. “Nhưng để đạt được đó, không thể thiếu sự chuyên nghiệp và thời gian nghiên cứu lâu dài”, ông nhấn mạnh.
Một vài thành công
Sau khởi đầu thuận lợi với bài hát Giấc mơ tuyết trắng trong bộ phim truyền hình Tuyết nhiệt đới, ca sĩ Thuỷ Tiên dấn một bước với series nhạc phim Ngôi nhà hạnh phúc, trong đó 4/8 ca khúc trở thành hit.
Áp lực so sánh với nhạc phim gốc Full house của Hàn Quốc khiến cô gái trẻ này phải làm việc căng thẳng trong nhiều tháng. Ngoài chất trẻ trung trong nội dung, Thuỷ Tiên cho biết cô gắng khai thác chất Việt trong từng ca khúc. “Phim đã được Việt hóa, nên nếu ca khúc trong phim không phù hợp với chất Việt, chắc chắn nó sẽ bị loại”, Thủy Tiên nói.
Thủy Tiên và các diễn viên chính của Ngôi nhà hạnh phúc
Nhạc sĩ Huy Tuấn thời gian qua cũng thử sức làm nhạc cho phim Em muốn làm người nổi tiếng. Không theo khuôn mẫu người buồn thì nhạc phải buồn, Huy Tuấn thổi vào phim kiểu âm nhạc mới. Phân đoạn cô Nhung xinh đẹp (Đan Lê đóng) một mình lên máy bay Nam tiến, xa người thân, bạn bè để đi tìm ánh hào quang, lòng ngổn ngang lo toan, Huy Tuấn lồng ngay vào một đoạn hip hop, gây sốc nhưng lại rất hợp lý.
Trả lời về cách làm khác người này, Huy Tuấn nói, anh muốn mang tới cảm xúc lạ. “Phim cho người trẻ, không khí cũng phải trẻ. Nhân vật mông lung về tương lai, nhưng nhạc phim tươi vui sẽ tạo nên tâm trạng vui vẻ, kỳ vọng thành công”. Phần nhạc phim này sau đó được Ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 dành nhiều thiện cảm.