Phim mới trên VTV3 “Hoa hồng trên ngực trái”: Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra!
Sau “Chạy trốn tuổi thanh xuân” và “Về nhà đi con”, bộ phim “Hoa Hồng trên ngực trái” do NSƯT Vũ Trường Khoa đạo diễn, bộ ba biên kịch Nguyễn Thu Thủy, Minh Ngọc, Diệu Thúy đang phát trên sóng VTV3 lúc 21 giờ 40 thứ tư, thứ năm hàng tuần tiếp tục “gây sốt” cư dân mạng và những fan yêu mến phim truyền hình Việt Nam.
Hình ảnh chia tay giữa Khuê với mẹ chồng và con gái đầu.
Chuyện phim kể về hành trình gìn giữ và đi tìm hạnh phúc đích thực của những người phụ nữ thời @. Đó là Khuê ( Hồng Diễm thủ vai) vì trót lỡ mang thai với Thái trăng hoa (Ngọc Quỳnh) nên dang dở học hành, làm mẹ khi chưa tròn 20 tuổi. Suốt gần 10 năm sống trong vai trò bà nội trợ, Khuê không còn là chính mình, trở thành cái bóng của chồng để rồi bị chính người mình hết mực yêu thương coi thường, sỉ nhục… Để gìn giữ hạnh phúc gia đình, Khuê cắn răng nhịn nhục. Nhưng chồng cô vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục trăng hoa, ngang nhiên cặp bồ với Trà (Lương Thanh), một nhân viên công ty luật và trơ trẽn ra điều kiện với Khuê nếu đồng ý ly hôn sẽ cho cô tiền để cứu em trai đang bị nhóm cho vay nặng lãi truy đuổi. Vì mẹ, vì em và cũng vì không thể nào chịu đựng hơn nữa, sau nhiều lần đấu tranh, níu kéo, Khuê nuốt đắng cay vào lòng, đồng ý ly hôn… dù biết nó sẽ để lại những sang chấn nặng nề không chỉ cho riêng cô, mà cho cả hai cô con gái thơ dại… Là San (Diệu Hương)- bạn thân của Khuê- cũng sống trong tình cảnh ly hôn, nhưng nguyên nhân sâu xa xuất phát từ sự hiểu lầm chết người của bà Kim- mẹ chồng (NSƯT Thanh Quý)…
Tuy mô tuýp và cách thể hiện đề tài không mới, nhưng nhờ biết khai thác những tình tiết đắt giá, kịch tính, lời thoại rất đời cùng lối diễn xuất khá ăn ý của dàn diễn viên nên phim “Hoa hồng trên ngực trái” vẫn tạo được “cơn sốt”, khiến không ít khán giả hàng tuần thấp thỏm, mong chờ đến thứ 4, thứ 5 để được xem tiếp những tập tiếp theo. Mặt khác, cách làm phim vừa quay vừa công chiếu… tạo sự tò mò, khiến khán giả đoán già đoán non nội dung của những tập tiếp theo. Đây cũng là cách để ê-kíp làm phim lắng nghe phản hồi từ công chúng nhằm rút kinh nghiệm cho những tập tiếp theo.
Lâu nay, trong quan niệm của người Á Đông, ly hôn là một điều rất tệ hại với mỗi phụ nữ. Khi “gánh” trên mình cái “mác” ly hôn, không ít phụ nữ trở nên tự ti khi đối mặt với tương lai. “Nạn nhân” gánh những hậu quả nặng nề sau ly hôn này thường là phụ nữ và những đứa con. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng toàn cầu, quan niệm này dường như không còn phù hợp khi quyền phụ nữ đã, đang được khẳng định trên tất cả diễn đàn. Điều quan trọng chính là, bản thân người phụ nữ đó có chịu thoát ra khỏi quan điểm Á Đông đã ăn sâu, bám rễ này hay không. Trong “Hoa hồng trên ngực trái”, người đả phá quan niệm này chính là Bảo “Tuần lộc” (Hồng Đăng). Là người từng bị nhiều phụ nữ mình yêu cắm sừng, Bảo “Tuần lộc” trở nên cay độc, mất niềm tin và dị ứng với phụ nữ. Tuy nhiên, trải qua những lần ly hôn, người đàn ông “đẹp trai, tài giỏi” nhưng oái oăm thay lại thường xuyên bị phụ tình này đã nghiệm ra được nhiều điều. Những lời nói tuy cay độc mà nhân vật Bảo “Tuần lộc” dành cho Khuê rằng, đừng vin, đừng đổ lỗi cho số phận mà không có lòng tự trọng, không tự mình thay đổi cuộc đời mình; hay “ly hôn thật ra cũng không có gì ghê gớm đâu”…, không chỉ là lời an ủi mà còn là thông điệp gửi đến phái yếu khi lâm vào bước đường cùng của cuộc sống hôn nhân, hãy tự mở cho mình một cánh cửa khác…
Phim đang ở cao trào, kết phim chưa được hé lộ, nhưng với những gì đã diễn ra trong hơn 20 tập vừa qua, có thể nói, thông điệp phim muốn gửi đến người xem chính là: cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Rằng ly hôn là chuyện chẳng ai cổ súy, nhưng khi đã làm mọi cách vẫn không níu giữ được hạnh phúc thì cần dũng cảm quyết định để làm lại cuộc đời khi chưa quá muộn.
Liệu sau khi ly hôn, Khuê có tìm lại được chính mình, có tìm được hạnh phúc bên Bảo “Tuần lộc”? San- Dũng có tìm cách “hóa giải” sự hiểu lầm chết người của bà Kim để trở về bên nhau khi cả hai vẫn còn yêu nhau? Quả báo nào sẽ đến với Thái, với Trà sau những gì mà họ đã gây ra cho Khuê và các con của cô? Đó là những điều mà các fan yêu thích bộ phim này đang mong chờ ở những tập tiếp theo. Chỉ riêng điều đó thôi đã là một sự thành công của ê-kíp làm phim “Bông hồng trên ngực trái”!
Theo cadn.com.vn
Biên kịch 'Hoa hồng trên ngực trái' Nguyễn Thu Thủy: Đàn ông trên đời này, đâu chỉ toàn anh Thái
'Bộ phim 'Hoa hồng trên ngực trái' đã đưa ra một mẫu nhân vật để các bạn gái biết đường mà tránh, chứ đàn ông trên đời này, đâu chỉ toàn anh Thái' - Biên kịch Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Hoa hồng trên ngực trái là bộ phim đã và đang gây chú ý trên sóng VTV. Bên cạnh sự yêu mến cuồng nhiệt của khán giả, bộ phim cũng đón nhận không ít ý kiến trái chiều.
Biên kịch Nguyễn Thu Thủy, một trong 3 'mẹ đẻ' của bộ phim (ngoài Nguyễn Thu Thủy đảm nhận vị trí biên kịch và biên tập, Hoa hồng trên ngực trái còn có sự tham gia của 2 biên kịch là Minh Ngọc và Diệu Thúy) đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về quá trình thai nghén và hình thành kịch bản.
Nguyễn Thu Thủy cũng là trưởng nhóm biên kịch của bộ phim truyền hình đình đám gần đây - Về nhà đi con.
Tôi thích một bình luận rằng 'Phim gì mà vô lí y như ngoài đời thế này'
Bộ phim Hoa hồng trên ngực trái tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Cảm xúc của chị thế nào khi các phim chị tham gia viết kịch bản liên tục gặt hái thành công như vậy?
Tôi vui, và cảm thấy mình có thêm động lực trong nghề nghiệp. Thật ra, việc làm phim là công việc của tập thể, ngay cả xây dựng kịch bản cũng là cả một đội ngũ cùng nhau hoàn thành. Tôi nghĩ mình may mắn khi gặp được những cộng sự giỏi, chuyên nghiệp và ăn ý.
Cảm hứng nào để chị và ekip viết nên kịch bản Hoa hồng trên ngực trái?
Tôi và hai bạn biên kịch Minh Ngọc và Diệu Thúy đều là phe các chị em. Khi tôi mời hai bạn hợp tác, chúng tôi nghĩ rằng dự án đầu tiên nên là những gì gần gũi và là thế mạnh của cả nhóm, và vì thế, chúng tôi nghĩ đến một câu chuyện về đề tài phụ nữ. Sau gần 2 năm, với nhiều lần xây dựng và thay đổi, thì Hoa hồng trên ngực trái ra đời.
Tôi và nhiều khán giả rất thắc mắc về ý nghĩa tên phim Hoa hồng trên ngực trái. Vậy tên phim mang ý nghĩa như thế nào?
Đến kết phim, sẽ có nhân vật nói cho các bạn biết lý do này.
Trước Hoa hồng trên ngực trái là thành công lớn của Về nhà đi con, vậy khi viết Hoa hồng trên ngực trái chị có áp lực không?
Tôi đã có hơn 10 năm làm nghề để hiểu rằng ta thành công với dự án này không có nghĩa ta lại tiếp tục thành công với dự án khác. Vì khán giả luôn là một biến số thú vị, khó lường.
Biên kịch là một nghề rất đặc biệt, đó là nghề mà ở sự thất bại có lẽ còn học được nhiều thứ hơn là sự thành công. Vì thế, biên kịch chuyên nghiệp là người cần sự điềm tĩnh, để không áp lực việc phải thành công, cũng không có nỗi sợ hãi khi thất bại.
Riêng tôi, tôi chỉ sợ mình chưa nỗ lực hết sức cho dự án của mình. Còn lại, những trải nghiệm trong quá trình sáng tác, quá trình đồng hành với đời sống của bộ phim, nếm trải những vui buồn, và đón đợi phản hồi không thể lường trước của khán giả, mới là thứ men say của nghề này.
Nhiều khán giả xem phim phát hiện nhiều tình tiết trong Hoa hồng trên ngực trái giống với Về nhà đi con? Liệu đó là sự cố tình hay là do cạn ý tưởng của biên kịch?
Là biên kịch và biên tập, nắm rõ nội dung hai dự án, đương nhiên tôi có nhìn thấy một vài điểm trùng hợp. Ví dụ, hai phim đều có mẫu nhân vật bà mẹ chồng yêu thương con dâu.
Nhưng tôi cũng thấy trong mỗi phim, hoàn cảnh cụ thể, tính cách, các vấn đề họ phải đương đầu khác nhau, tạo nên số phận khác nhau.
Tôi coi trọng tính hấp dẫn và logic của tổng thể câu chuyện, nên quyết định không vì cái nhỏ mà mất đi cái lớn. Đó là lí do những chi tiết đó được giữ lại.
Nhiều khán giả cũng cho là Hoa hồng trên ngực trái có nhiều tình tiết làm quá, không thực tế. Chị nghĩ thế nào về nhận định này?
Tôi thích một comment của một khán giả trên fanpage phim 'Phim gì mà vô lí y như ngoài đời thế này'. Khi đọc comment đó, tôi đã thấy thú vị rất lâu.
Cùng một chi tiết, có người bảo vô lí đùng đùng, mà có người lại đứng hình vì thật quá, gần gũi với trải nghiệm của mình quá.
Chúng tôi là những người làm nội dung, người làm dâu không phải trăm họ mà đến cả nghìn họ, chúng tôi chấp nhận rằng câu chuyện của chúng tôi sẽ không thể làm vừa lòng tất cả, vì thế giới quan và trải nghiệm đời sống của mỗi khán giả là khác nhau.
Nhưng, mục tiêu công việc của chúng tôi thì luôn không đổi, đó là tiếp cận được càng nhiều khán giả càng tốt.
'Hành trình nhân vật của tôi chưa bao giờ là hành trình đi đến sự hoàn hảo'
Các khán giả nữ khi xem Hoa hồng trên ngực trái thấy sợ lấy chồng, sợ gặp phải một người như Thái vì anh ta có quá nhiều điểm xấu. Chị sẽ nói gì với những khán giả nữ này?
Tôi sẽ nói rằng, việc gì phải sợ. Không phải bộ phim đã đưa ra một mẫu nhân vật để các bạn gái biết đường mà tránh đó sao. Chứ đàn ông trên đời này, đâu chỉ toàn anh Thái. (Cười)
Ngoài đời liệu có một người đàn ông như Thái?
Có một bạn khán giả xem phim nhắn tin cho tôi nói rằng, chị à, em đã gặp một người còn tồi tệ hơn nhân vật của các chị.
Sau này Thái có cơ hội làm lại không?
Các bạn hãy xem phim để biết tiếp nhé!
Sự xuất hiện của ông thầy bói trong phim có ảnh hưởng lớn đến những quyết định của Thái, như vậy phim có nâng cao tầm quan trọng của sự mê tín quá không?
Chúng tôi có ca ngợi sự mê tín đâu. Chúng tôi kể một câu chuyện để khán giả thấy rằng, khi người ta mù quáng với chuyện bói toán, nó có thể gây nên những biến động khủng khiếp như thế nào.
Hoa hồng trên ngực trái tiếp tục có những câu thoại rất đời. Chị tích lũy chất liệu những câu thoại đó từ đâu và bằng cách nào?
Tôi luôn tin rằng với phim truyền hình, thoại rất quan trọng. Thoại thể hiện tính cách nhân vật, đồng thời cũng tạo nên không khí và chất đời sống trong phim.
Khi làm việc với các bạn biên kịch, tôi luôn muốn các bạn ấy đưa chất đời sống ấy vào trong phim theo cách tự nhiên, nhuần nhị nhất. Mọi sự giáo điều nếu có trên kịch bản, tôi đều cắt bỏ.
Tôi nghĩ, để có thoại hay, thì hãy chịu khó nghe, hãy chịu khó đọc, và hãy chịu khó sống sâu với nhân vật của mình.
Các nhân vật trong Hoa hồng trên ngực trái đều có những điểm đáng yêu và đáng trách. Vì sao chị lại chọn cách xây dựng nhân vật không hoàn hảo như vậy, dù đó là nhân vật chính diện?
Vì tôi vốn nghĩ con người không ai hoàn hảo.
Khi làm nội dung, tôi luôn có mục tiêu tiệm cận đến gần đời sống nhất. Tôi nghĩ chính sự thiếu sót của nhân vật mới là thứ khiến khán giả thấy gần gũi, là thứ khán giả có thể soi chiếu với bản thân mình.
Bước vào câu chuyện, các nhân vật của tôi luôn là những người đầy vấn đề, và những tính cách cốt lõi của họ làm nên số phận của họ.
Hành trình nhân vật của tôi chưa bao giờ là hành trình đi đến sự hoàn hảo, nhưng đó luôn là hành trình để họ tìm thấy phiên bản tốt hơn của bản thân mình.
Tôi thấy thú vị với Hồng Đăng và ngưỡng mộ Hồng Diễm
Chị cảm nhận thế nào về dàn diễn viên của Hoa hồng trên ngực trái?
Tôi phải cảm ơn đạo diễn Vũ Trường Khoa và ekip sản xuất đã chọn cho Hoa hồng trên ngực trái những diễn viên rất hợp vai.
Hồng Đăng là diễn viên từng đóng nhiều phim tôi tham gia xây dựng kịch bản, tôi cũng từng xem nhiều dự án bạn ấy đóng chính, nhưng thực sự, vai Bảo Tuần Lộc lần này khiến tôi thấy thú vị và yêu mến bạn ấy nhất, dù nguyên nửa chặng đường đầu tiên của phim, đất diễn bạn ấy chưa nhiều.
Riêng với Hồng Diễm, tôi dành rất nhiều yêu mến và ngưỡng mộ với vai Khuê của cô ấy. Khi biết Diễm đóng Khuê, tôi từng rất hồi hộp, bởi vì, Khuê là dạng vai đi từ mềm yếu nhu nhược đến sự bùng nổ. Sự mềm yếu thì tôi nghĩ Diễm giỏi rồi, nhưng không biết là đến sự bùng nổ thì sẽ ra sao.
Đến lúc xem phim thì tôi thực sự bất ngờ, xúc động. Trên phim, tôi quên Diễm, tôi chỉ nhớ đến Khuê, một cô Khuê đi qua mọi nỗi tuyệt vọng để đi tìm giá trị của mình. Với diễn xuất rất đa dạng ở những tập đầu, tôi tin rằng, hành trình của Khuê nhất định sẽ còn tạo nên nhiều cảm xúc với khán giả.
Ngọc Quỳnh hay Lương Thanh cũng đều là những lựa chọn bất ngờ của đạo diễn, và cảm xúc mà nhân vật Thái, Trà mang lại trong phim đã chứng minh tính hợp lý của lựa chọn ấy. Tôi thích cả cô Hoàng Cúc, Diệu Hương và hai bạn diễn viên nhí nữa. Họ đều đã nhập vai vô cùng thuyết phục.
Đến nay, phân cảnh nào từ kịch bản lên phim chị thấy ấn tượng nhất? Vì sao?
Cảnh Khuê say là cảnh tôi thích nhất. Vì Hồng Diễm diễn hay quá, cô ấy truyền tải sự kìm nén, muốn vẫy vùng trong tuyệt vọng và bất lực quá hay.
Nhưng xúc động nhất có lẽ là cảnh 'chia con' sau khi Khuê ly hôn. Phân cảnh ấy, không hề có bóng dáng người đàn ông, chỉ có những người phụ nữ nhiều thế hệ đau đớn với hệ lụy hôn nhân tan vỡ. Xem trích đoạn đó, lần nào tôi cũng khóc.
Cảnh Khuê say là cảnh biên kịch Thủy Nguyễn thích nhất
Cảnh chia con là cảnh khiến biên kịch xúc động và chắc chắn sẽ lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.
Hiện chị đang viết kịch bản về đề tài gì? Liệu có phải tiếp tục là một bộ phim về tình yêu, hôn nhân, gia đình?
Dự án tiếp theo tôi tham gia là một bộ phim về các bạn trẻ ở nông thôn. Phim này tôi làm đồng biên tập với một bạn khác nữa. Tôi nghĩ đó là một câu chuyện tươi mới, thú vị, và có nhiều thứ đáng để chờ đợi.
Có dạng đề tài nào chị đang ấp ủ và mong muốn đưa lên phim không?
Đối với tôi, dạng đề tài nào cũng là thách thức cả, nếu như đích đến là một bộ phim hay.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Theo tiin
'Về nhà đi con': Vừa ly hôn Thư trong nước mắt, Vũ đã vội vàng quỳ gối cầu hôn người khác? Bức ảnh được nhiều khán giả 'Về nhà đi con' chia sẻ, kèm theo sự tò mò không biết cô gái được Vũ quỳ gối cầu hôn là ai. Chuyện tình Thư - Vũ đang là chủ đề bàn tán của khán giả phim Về nhà đi con. Lâm vào đường cùng, phải đền bù hợp đồng khoảng 30 tỷ, Vũ cay đắng...