Phim “Mắt biếc” khó có khả năng cạnh tranh tại giải thưởng Oscar 93
Một số người hâm mộ cho rằng “Ròm” phù hợp để dự sơ tuyển Oscar hơn “ Mắt biếc,” song phim điện ảnh Việt thực chất không có nhiều khả năng cạnh tranh ở giải thưởng quốc tế này.
‘Ròm’ được cho là phù hợp hơn để dự sơ tuyển Oscar . (Ảnh: Nhà phát hành)
Liên quan đến quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cho phép nhà phát hành Galaxy đưa “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ tham dự vòng sơ tuyển Oscar lần thứ 93, nhiều ý kiến về chất lượng bộ phim lại được nêu lên, đa dạng từ khen ngợi đến mổ xẻ phân tích thiếu sót, có cả những ý kiến cho rằng phim nghệ thuật như ” Ròm ” là lựa chọn phù hợp hơn.
Đối với “Mắt biếc,” đa số các lời khen đều dành cho chất lượng quay phim, bối cảnh đẹp và âm nhạc, song nội dung phim chưa được đánh giá cao. Một khán giả chia sẻ trải nghiệm: “Lúc đọc truyện thì khóc ngắn khóc dài, ra rạp phim thì một giọt cảm xúc cũng không rơi ra nổi… Không hiểu sao phim dựng kịch bản theo hướng lụy tình, yêu nhau mà không nói. Trong khi đó, nguyên tác đã thể hiện rõ rằng nhân vật nữ chính chỉ xem nhân vật nam chính như bạn bè từ đầu đến cuối.” Có ý kiến cho rằng bộ phim chỉ như một video ca nhạc kéo dài 2 tiếng đồng hồ.
Từng thắng giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Busan, “Ròm” được một số người hâm mộ Việt đánh giá là ứng cử viên sáng giá hơn ” Mắt biếc ” để đại diện phim Việt dự sơ tuyển Oscar. Song cả hai đều khó trở thành một đề cử chứ chưa nói đến khả năng thắng giải.
Một phê bình độc lập nhận xét rằng phim Việt Nam chỉ tham dự “cho vui, cho có,” chứ thực ra không có khả năng lọt vào danh sách đề cử (nhóm 5 ứng cử viên cuối cùng để tranh giải thưởng). “Những bộ phim của Việt Nam đều không phải là những tác phẩm mang tính hàn lâm để đi tranh giải,” nhà phê bình này nhận định.
Phim Việt khó để lại dấu ấn trên diễn đàn quốc tế. (Ảnh: Nhà phát hành)
Từ quan sát của mình, cây bút điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng không có tiêu chí cụ thể đối với phim thắng hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài của Oscar. “Nó đơn thuần là những bộ phim hay về nghệ thuật, nội dung, tư tưởng, phản ánh vấn đề, bản sắc văn hóa của đất nước, kết nối được với thế giới, mang tính đại chúng, phổ quát, được kể với ngôn ngữ mới mẻ, giàu về sức lay động cảm xúc,” anh cho biết.
“Ròm” từng làm mưa làm gió nền điện ảnh Việt khi thu trung bình 30 tỷ đồng trong 3 ngày đầu ra rạp, đạt tổng doanh thu 58 tỷ đồng, tương ứng hơn 700.000 vé bán ra sau 2 tháng công chiếu nhưng để lại sự phân chia hai phe yêu/ghét rõ ràng.
Trong một bài phân tích, cây bút này dành lời khen khi phim “Ròm” đã tạo được nhịp phim nhanh, “cuồng loạn và gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ.” Nhưng đối với kịch bản, anh nhận xét bộ phim mới “dừng lại ở bước phác thảo và thiếu sức nặng,” chỉ ký họa các nhân vật theo con mắt nhìn hiện thực chủ quan của đạo diễn chứ chưa có số phận rõ ràng. Sự xuất hiện của nhiều nhân vật phụ là khá khiên cưỡng, không tự nhiên, về mục đích hay động cơ cũng không rõ ràng.
Về phía các cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết dù Ròm cũng nằm trong danh sách của Hội đồng tuyển chọn phim tham dự Giải thưởng Oscar, nhưng số phiếu bình chọn của các thành viên hội đồng cho “Mắt biếc” mới là cao nhất.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Chủ tịch hội đồng tuyển chọn phim tham dự giải thưởng Oscar cho biết đây là một cách để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế. “Cũng biết việc có giải tại Oscar là hoàn toàn không dễ dàng, tuy nhiên, đây cũng là một hình thức khuyến khích, thúc đẩy phim trong nước phấn đấu, góp tiếng nói của Việt Nam trên diễn đàn lớn nhất của điện ảnh thế giới.”
Phim 'Ròm' và hiện thực bồn rửa chén
Gây nhiều tranh luận sau khi ra mắt, bộ phim "Ròm" đưa tới lát cắt cuộc sống gai góc của một bộ phận lao động nghèo trong xã hội.
Sau ba ngày đầu trình chiếu, Ròm thu hơn 30 tỷ đồng. Đó là thành công đáng kể đối với bộ phim trải qua nhiều gian truân trong quá trình phát triển, thực hiện, thẩm định và ra rạp.
Song, đi kèm với thành công phòng vé dành cho dự án tiêu tốn hơn 10 tỷ đồng để thực hiện, vô số tranh cãi từ phía khán giả nảy sinh. Một bộ phận công chúng khen ngợi Ròm, nhưng cũng không ít người bày tỏ sự thất vọng trước bộ phim.
Hiện thực bồn rửa chén
Dù đi theo phong cách hiện thực xã hội (social realism), nhưng Ròm lại chọn hướng tiếp cận thô ráp hơn, mang hơi hướm "Kitchen sink realism" (tạm dịch: Hiện thực bồn rửa chén) vốn được khởi nguồn từ những năm 1950-1960 tại Anh.
Các tác phẩm đi theo hướng này khắc họa cuộc sống hàng ngày của người nghèo trong xã hội hiện đại, mô tả kiểu chi tiết đời thường bậc nhất - như chính tên gọi của trào lưu - từ đó đưa tới đề tài gai góc, bắt khán giả nhìn thẳng vào hiện thực khó khăn ấy, đối nghịch hoàn toàn với những tác phẩm "thoát ly hiện thực", vui vẻ thông thường.
Cho dù được coi là khuynh hướng gắn liền với nước Anh, hình mẫu quen thuộc của hiện thực bồn rửa chén có thể xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới: đó là "gã trai trẻ tức giận" - những chàng trai tuổi đời còn non, chật vật kiếm sống, hay bực dọc và có những ước mơ khó mà đạt được.
Bộ phim lựa chọn hướng tiếp cận được gọi là "Kitchen sink realism".
Dù vô tình hay hữu ý, nhân vật chính tên Ròm vẫn được xây dựng theo hình mẫu đó nhằm đại diện cho sự phản kháng trước hoàn cảnh, bất chấp kết quả có tích cực hay không. Theo chân Ròm, khán giả thấy hiện trạng cuộc sống nghèo, những nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, những giấc mộng chẳng thành theo một cách trần trụi, bạo liệt.
Trận đánh nhau trên bãi sình của hai đứa trẻ được quay liền mạch và ít cắt tại hành động (cut on action) đã phô bày những va chạm nảy lửa thực sự, đem đến sự choáng váng cho người xem bởi tính bạo lực chân thực không thường thấy trên màn ảnh.
Cho dù việc đi theo khuynh hướng hiện thực dễ dàng khiến bộ phim thô ráp hơn, gai góc hơn, đạo diễn của Ròm đã cố gắng mô tả nỗi khổ cực một cách tự nhiên, không trau chuốt, không lãng mạn hay bần cùng hoá. Bộ phim chỉ "có gì nói đó", mô tả cuộc sống thường ngày bấp bênh của người nghèo như chính bản chất vốn có.
Đoạn kết lơ lửng không vui, không buồn, đơn thuần mô tả sự vật lộn luẩn quẩn tìm kế sinh nhai và nuôi dưỡng ước mơ xa xôi, là minh chứng rõ ràng cho sự trung lập của bộ phim.
Ròm có thể khiến nhiều khán giả thất vọng vì chưa đem tới đoạn kết trọn vẹn sau khi đã cài cắm nhiều điều. Nhưng nếu được suy chiếu dưới góc độ một lát cắt cuộc sống của người dân nghèo mải miết chạy theo ước mơ xa vời, thì tác phẩm đã cho khán giả thấy một hình ảnh rõ ràng, không khoan nhượng, không lối thoát, về sự khốn khó của một nhóm người trong xã hội.
Hiểu thế nào về chất hiện thực trong Ròm?
Xét theo cấu trúc thông thường, bộ phim nói về hành trình kiếm tiền bất chấp để tồn tại và nuôi dưỡng giấc mơ gặp lại gia đình đã bỏ rơi mình của nhân vật chính, với cao trào là khi cậu quyết định nhận tiền để đốt khu chung cư mà bản thân đã gắn bó từ lâu.
Nhưng cũng không sai nếu có người khép phim vào thể loại slice of life (dòng phim mô tả cuộc sống hàng ngày của nhân vật nhằm làm nổi bật phong cách sống đó) và coi nó như một lăng kính để quan sát nhiều thân phận khác nhau được khắc họa chân thực nhất có thể.
Không ít khán giả tỏ ra chưa hài lòng với cái kết có phần lửng lơ của tác phẩm.
Bộ phim diễn ra đơn thuần như cuộc sống, không đầu - không cuối, với những tình huống nảy sinh bất ngờ và nhân vật sẽ phải tìm cách để đương đầu. Đôi lúc, phim có những tình tiết nảy sinh rất "đúng lúc", đến độ gây cảm giác sắp đặt. Như khi Ròm vô tình tìm ra mộ của vợ con ông Khắc ngay sau một đêm, Ròm đang đói thì gặp đúng quán ăn của bà Ghi mà mình vừa gặp hồi chiều, bác sĩ nói về bệnh của con bà Ghi đúng khi Ròm ở đó...
Những chi tiết vô tình xuất hiện nhiều như vậy trong kịch bản thường bị cho là minh chứng của sự thiếu đầu tư. Nhưng trong bối cảnh của Ròm, khi tác phẩm cố đem đến sự tréo ngoe của cuộc sống và ai cũng chỉ mong chờ sự may rủi của số đề, thì có lẽ những tình tiết ấy càng làm nổi bật sự "từ trên trời rơi xuống" cho câu chuyện. Quả như tiền nhân đã dạy, "cuộc đời mà, ai biết được chữ ngờ."
Bộ phim cố gắng tiệm cận với hiện thực nhất có thể. Điều đó vô tình gây ra một cuộc tranh luận rằng Ròm thực đến mức độ nào, khoảng bao nhiêu %, có đúng với cuộc sống đã và đang diễn ra ngoài kia hay không.
Có người cho rằng phim rất giống với những ký ức, những sự kiện mà họ từng chứng kiến ngoài đời. Có người lại bảo không giống lắm, tâm lý nhân vật người nghèo không như vậy ngoài đời đâu. Những tranh luận này là điều bình thường, bởi gốc rễ của nó là một vấn đề triết học đã được bàn cãi bấy lâu nay.
Theo triết gia Descartes, chúng ta khó có thể chắc chắn 100% hiện tại bản thân đang sống là hiện thực khách quan, bởi những gì chúng ta tiếp nhận đều mang tính chủ quan. Mỗi chúng ta đều quan sát và cảm nhận cuộc sống xung quanh dưới các góc nhìn khác nhau, dẫn tới việc sẽ có tranh cãi hiện thực của bạn không giống với của tôi. Do đó, nếu bạn nói Ròm không giống với hiện thực mà bạn biết, thì điều đó không có nghĩa rằng bạn sai, mà đơn thuần là hiện thực chủ quan của bạn không giống với ý niệm của đạo diễn.
Hãy coi bộ phim là hiện thực chủ quan của đạo diễn, chứ không phải hiện thực khách quan.
Như vậy, hiện thực trong Ròm có thể không giống ý bạn hay ý người viết, hay xã hội khách quan ngoài kia, nhưng chắc chắn đó là hiện thực chủ quan của đạo diễn - do nhà làm phim sáng tạo ra. Mọi thứ xuất hiện trong phim (như các nhân vật sống ra sao, đi đứng kiểu gì, hành động và suy nghĩ thế nào...) đều phản ánh quan điểm của đạo diễn về hiện thực xã hội và phải phục vụ ý đồ mà anh ta muốn truyền tải.
Một ví dụ nhỏ là cách khắc họa những người dân nghèo trong phim. Ngoài bà Ba với công việc bán bánh và căn phòng ra vẻ tri thức, khán giả không biết gì thêm về công việc, quan hệ của những người dân khác, ngoài việc họ có "máu số đề". Đạo diễn xóa bớt tính đời sống của họ, để dồn sự tập trung vào ý tưởng "người nghèo mê số đề" nhằm làm bật thông điệp xã hội của bộ phim.
Đó là quan điểm chủ quan của người nghệ sĩ trong công việc tái tạo hiện thực mà bạn có thể đồng ý hay không. Nhưng khi anh ta truyền tải được một điều gì đó khiến người xem phải suy ngẫm về hiện thực quanh họ, thì đấy cũng đã là một thành công.
Bởi lẽ, Ròm thuộc số ít tác phẩm khiến khán giả phải trực tiếp chứng kiến nỗi đau của một nhóm người ít khi được cất tiếng nói trên màn ảnh. Dù hay hay dở trong mắt mỗi người xem, phim vẫn có tác dụng đánh động vấn đề hiện thực xã hội, giúp công chúng ngẫm nghĩ, và có thể mở đường cho các tác phẩm cùng thể loại trong tương lai.
'Ròm' - bế tắc cuộc đời từ trò đỏ đen Thông qua cuộc sống của hai thiếu niên cò đề, bộ phim "Ròm" mô tả thế giới của cái nghèo, sự cạn nghĩ với niềm tin cuộc đời đặt vào trò đỏ đen. Bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy ra mắt trong sự chờ đợi của nhiều khán giả sau chiến thắng tại nhánh chính New Currents ở Liên hoan...