Phim kinh dị ‘Ngày thanh trừng’ sắp có phiên bản truyền hình
Tác giả James DeMonaco sẽ trực tiếp tham gia quá trình chuyển thể “ The Purge” lên màn ảnh nhỏ của hãng Blumhouse Television.
Theo tờ Entertainment Weekly, phiên bản truyền hình của The Purge đã chính thức khởi động. Loạt phim do Blumhouse Television hợp tác sản xuất với Universal Cable Production và dự kiến phát sóng trên kênh Syfy sau khi hoàn thành.
Điều khiến người hâm mộ cảm thấy an tâm là James DeMonaco, tác giả của ba tập phim điện ảnh The Purge, cũng tham gia vào quá trình sản xuất loạt phim truyền hình mới.
The Purge sẽ sớm có phiên bản truyền hình, cũng như tập phim điện ảnh thứ tư vào mùa hè 2018. Ảnh: Universal.
Ra đời năm 2013, The Purge là tác phẩm thuộc thể loại kinh dị, lấy bối cảnh nước Mỹ trong tương lai không xa. Khi ấy, cứ mỗi năm, người dân xứ sở cờ hoa lại được phép thực hiện các hành vi phi pháp trong khoảng thời gian 12 tiếng. Với kinh phí sản xuất chỉ 3 triệu USD, The Purge trở thành cú hit phòng vé với doanh thu gần 90 triệu USD.
Nhìn thấy cơ hội trước mắt, hãng Universal tiếp tục đặt hàng đạo diễn kiêm biên kịch James DeMonaco thực hiện The Purge: Anarchy (thu 111,9 triệu USD năm 2014), và The Purge: Election Year (thu 118,6 triệu USD năm 2016).
Không chỉ tham gia thực hiện series truyền hình cho The Purge, DeMonaco còn đang hoàn tất kịch bản cho tập phim điện ảnh thứ tư, dự kiến ra rạp vào mùa hè 2018.
Cùng với thông báo dành cho loạt phim truyền hình The Purge, hãng Blumhouse Television còn tuyên bố họ sẽ sớm đưa kịch bản của Secure and Hold: The Last Days of Roger Ailes lên màn ảnh nhỏ. Đây là loạt phim truyền hình ngắn xoay quanh cuộc đời người sáng lập ra kênh Fox News.
Theo Zing
Video đang HOT
Những bộ ba phim ấn tượng ra đời ngoài kế hoạch
Nhà sản xuất ban đầu không có kế hoạch làm phần tiếp theo cho "The Purge", "The Hangover" hay "Before Sunrise". Nhưng thành công của chúng đã mở đường cho các bộ ba phim đáng nhớ.
The Purge (2013): Chán nản sau một tai nạn va chạm xe hơi, vợ của James DeMonaco đùa rằng chính quyền nên cho người dân một ngày có thể làm bất cứ điều gì, kể cả phạm pháp, mà họ muốn. Đó là tiền đề để vị đạo diễn thực hiện tác phẩm kinh dị The Purge với chỉ 3 triệu USD. Nhưng khi phim thu gần 90 triệu USD, hãng Universal lập tức đặt hàng anh làm phần hai, điều mà James DeMonaco chưa bao giờ nghĩ tới. Ảnh: Universal.
Cuối cùng, The Purge: Anarchy (2014) và The Purge: Election Year (2016) lần lượt ra đời, với nội dung mang đậm tính chính trị. Có thông tin cho rằng Universal muốn làm tiếp The Purge 4, nhưng DeMonaco đã quyết định rút lui. Thay vào đó, anh muốn đầu tư thời gian thực hiện loạt phim truyền hình ngoại truyện dựa trên bộ ba phim đã làm nên tên tuổi cho bản thân. Ảnh: Universal.
The Hangover (2009): Tác phẩm hài hước về ba anh chàng tỉnh dậy tại Las Vegas sau một bữa tiệc độc thân mà không nhớ được chút gì về đêm hôm trước gây bão tại phòng vé hồi mùa hè 2009 với 467 triệu USD. Hãng Warner Bros. lập tức đề nghị đạo diễn Todd Phillips và dàn sao làm tiếp The Hangover Part II (2011) và The Hangover Part III (2013) - điều không hề nằm trong suy nghĩ ban đầu của họ. Ảnh: Warner Bros.
Trên thực tế, chất lượng của hai phần sau kém xa tập đầu tiên. Lý do chính là việc hai nhà biên kịch của The Hangover, Jon Lucas cùng Scott Moore, từ chối trở lại, bởi họ "không muốn lặp lại chính bản thân". Ngay cả danh hài Zach Galifianakis, người trở nên nổi tiếng nhờ bộ phim năm 2009, cũng có lần thừa nhận rằng anh lẽ ra chỉ nên tham gia tập phim đầu tiên. Ảnh: Warner Bros.
Batman Begins (2005): Hãng Warner Bros. rõ ràng muốn "hồi sinh" thương hiệu phim Người Dơi sau khi nó bị sứt mẻ bởi Batman & Robin (1997). Cảnh cuối trong Batman Begins hé lộ về nhân vật Joker, nhưng đạo diễn Christopher Nolan và nhiều người khi ấy chưa thực sự chắc chắn về đường lối phát triển loạt phim. "Tôi chỉ muốn tập trung cho một tác phẩm duy nhất, chứ lúc đó không hề nghĩ đến việc thực hiện một bộ ba phim (trilogy)", ông nói trong một cuộc họp báo năm 2012. Ảnh: Warner Bros.
Nhưng Batman Begins được cả giới phê bình và khán giả đại chúng đón nhận, khiến Nolan lần đầu tiên trong sự nghiệp bắt tay vào thực hiện một phim sequel. The Dark Knight (2008) với sự góp mặt của ác nhân Joker (Heath Ledger) thậm chí còn thành công hơn phần một, và nằm trong danh sách các tác phẩm phim siêu anh hùng hay nhất mọi thời đại. Cuối cùng, loạt phim của Christopher Nolan khép lại bằng The Dark Knight Rises vào năm 2012. Ảnh: Warner Bros.
Austin Powers (1997): Tác phẩm giễu nhại loạt phim 007 của New Line Cinema gặt hái thành công không ngờ sau khi ra rạp. Austin Powers: International Man of Mystery thu 67,7 triệu USD, tức hơn gấp bốn lần nguồn kinh phí 16,5 triệu USD. Do đó, các nhà sản xuất lập tức lên kế hoạch làm phần hai, điều vốn không hề nằm trong dự tính ban đầu của họ. Ảnh: New Line Cinema.
Theo một số nguồn tin nội bộ, New Line Cinema đã phải trả một khoản cát-xê khá lớn để mời danh hài Mike Myers trở lại. Nhưng "đắt xắt ra miếng", The Spy Who Shagged Me (1999) tiếp tục thu 312 triệu USD - gấp gần 10 lần kinh phí sản xuất, và Goldmember (2002) thu xấp xỉ 300 triệu USD - gấp gần 5 lần kinh phí sản xuất. Đạo diễn Jay Roach thừa nhận đây là trilogy phim đã "thay đổi cuộc đời" ông, và sẽ cùng Mike Myers làm tiếp phần bốn nếu như tìm ra được kịch bản đủ hấp dẫn. Ảnh: New Line Cinema.
Before Sunrise (1995): Đạo diễn Richard Linklater hay đùa rằng đây là bộ phim có doanh thu thấp nhất lịch sử nhưng vẫn được làm tiếp phần hai. Chuyện phim theo chân đôi trẻ Jesse (Ethan Hawke) và Celine (Julie Delpy), với cuộc gặp tình cờ và đầy lãng mạn của hai người trên một chuyến tàu từ Budapest, Hungary tới Vienna, Áo. Doanh thu của tác phẩm độc lập là 5 triệu USD, mức vừa đủ với một dự án có kinh phí chỉ 2,5 triệu USD, và Linklater ban đầu không hề có ý định làm tiếp phần hai. Ảnh: Sony.
Nhưng sự yêu mến mà khán giả dành cho Before Sunrise là rất lớn, và tác phẩm đặc biệt được đón nhận qua định dạng VCD, DVD vốn đang thịnh hành tại thời điểm đó. Năm 2004, Richard Linklater cùng bộ đôi diễn viên Ethan Hawke - Julie Delpy kể tiếp câu chuyện về Jesse và Celine 10 năm sau cuộc gặp gỡ định mệnh ở châu Âu. Rồi gần một thập kỷ sau, quan hệ vợ chồng giữa hai nhân vật được khai thác qua Before Midnight (2014) và phim nhận đề cử Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc. Ảnh: Sony.
Back to the Future (1985): Câu chuyện chàng trai Marty McFly (Michael J. Fox) đi ngược về quá khứ nhờ cỗ máy của người bạn thân là nhà khoa học Emmett Brown (Christopher Lloyd) là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hollywood hiện đại và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền văn hóa đại chúng Mỹ. Song, đạo diễn Robert Zemeckis ban đầu không hề có kế hoạch thực hiện tiếp phần hai. Ảnh: Universal.
Nhưng thành công ngoài mong đợi của Back to the Future đã khiến ông tính toán lại. "Hãng phim gọi cho tôi và nói &'Chúng tôi sẽ làm phần hai, anh có muốn tham gia hay không?' Tôi và biên kịch Bob Gale cảm thấy mình cần có trách nhiệm bảo vệ cho đứa con tinh thần và quyết định vào cuộc", ông hồi tưởng. Kết quả là khán giả được theo dõi thêm Back to the Future Part II vào năm 1989 và Part III vào năm 1990. Ảnh: Universal.
The Evil Dead (1981): Loạt phim kinh dị của Sam Raimi có hai phần tiếp theo, một tác phẩm tái khởi động, và một vài tập ngoại truyện. Nhưng tất cả đều không hề nằm trong kế hoạch của ê-kíp sản xuất vào năm 1981. Ngôi sao Bruce Campbell có lần bộc bạch: "Cảnh cuối của The Evil Dead gợi ý cho khán giả rằng tất cả các nhân vật, trong đó có cả Ash của tôi, đều đã chết". Sau đó, một số thành viên đoàn phim định tham gia Crimewave của anh em đạo diễn nhà Coen, nhưng dự án bị hủy từ trong trứng nước. Họ bèn nảy ra ý tưởng: ngộ nhỡ Ash chưa chết thì sao? Ảnh: New Line Cinema.
Nhưng quá trình thực hiện Evil Dead II (1987) không đơn giản. Vì vấn đề bản quyền mà đạo diễn Sam Raimi phải quay lại nhiều cảnh của phần một và từng khiến không ít fan đặt ra câu hỏi rằng: liệu đây là phim sequel (phần tiếp theo) hay remake (làm lại)? Bruce Campbell hài hước nói: "Đó là phim re-quel". 5 năm sau, vấn đề tương tự lặp lại, nhưng Sam Raimi vẫn hoàn thành Army of Darkness (1992) để hoàn tất bộ ba phim Evil Dead đáng nhớ. Ảnh: Outnow.
Theo Zing
10 phim kinh dị đầu tư ít tiền vẫn lãi lớn "Trò chơi gọi hồn", "The Blair Witch Project" hay "Paranormal Activity" thu hàng trăm triệu USD dù chỉ được làm với kinh phí thấp. 1. Don't Breath (2016) Kinh phí: 9,9 triệu USD Doanh thu: 149,7 triệu USD Don't Breathe kể về cô gái Rocky - người sinh ra trong một gia đình khốn khó phải chọn con đường bất chính để mưu...